Những người bước ra từ cuộc chiến

Một ngày cuối tháng 4 năm 1977, 16 giờ chiều, tiếng còi báo động từ phía thị đội vang lên từng hồi liên tục và loa phóng thanh phát đi lời kêu gọi người dân di tản khỏi thị xã để tránh đạn pháo của quân PolPot bên kia giáp ranh biên giới bắn sang. Một người đàn ông gần 40 tuổi, cùng vợ và bảy đứa con đèo nhau trên chiếc xe Honda gắn thùng phía sau, đi về phía ngoại ô thị xã, tránh xa biên giới, tránh xa tầm đạn pháo. 

* Nạn nhân

Ông tên là Võ Trường Phùng, sinh năm 1941, ông có một quán cơm nhỏ ở góc đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường Châu Phú A, thị xã Châu Đốc (nay là thành phố Châu Đốc) phục vụ cho người dân lao động. Sau khi đưa vợ con di tản về nhà người quen ở ngoại ô thị xã, sáng hôm sau, tình hình bắn phá của giặc tạm lắng, ông Phùng trở lại thị xã dò la tình hình, xem xét nhà cửa thì thấy nhà cũng là quán cơm của mình đã hứng trọn quả đạn pháo 105mm của PolPot, đau đớn hơn người cha đáng kính của ông đã chết ngay trên nền nhà ấy. Cha của ông là cán bộ tiền khởi nghĩa, được Nhà nước tặng nhiều Huân chương với thành tích trong 2 cuộc kháng chiến cứu nước, hưởng niềm vui nước nhà thống nhất, hạnh phúc bên con cháu chưa được bao lâu thì đã vĩnh viễn ra đi bởi đạn pháo của quân Pôn Pốt.

Sau chiến tranh biên giới Tây Nam, cha mất, nhà cửa tan nát, từ một gia đình chuyên sống bằng nghề buôn bán, ông Phùng không muốn gia đình sống trong cảnh nơm nớp lo sợ chiến tranh nên đã dắt díu vợ và bảy đứa con về định cư tại ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú cách xa biên giới hơn 30 km. Tại quê hương mới, ông Phùng làm đủ mọi việc, bươn chải trong cuộc sống để nuôi dạy bảy đứa con ăn học thành đạt và thường nói với các con cháu rằng: “Chiến tranh là điều không ai mong muốn, nhưng nó đã xảy ra, gia đình mình là nạn nhân của cuộc chiến ấy và hãy tự cố gắng vươn lên, trước hết là cho bản thân mình và đóng góp sức mình cho xã hội, đừng trông chờ vì Nhà nước còn lo trăm ngàn công việc xây dựng lại những đổ nát, mất mát sau chiến tranh”.

Ông Lê Thành Hên, Trưởng ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Thạnh Trung nói: “Gia đình chú ba Phùng là điển hình của địa phương về vượt khó vươn lên trong cuộc sống và nuôi con ăn học thành tài. Từ một gia đình là nạn nhân của chiến tranh biên giới Tây Nam, khi về địa phương sinh sống, chú ba Phùng luôn đi đầu trong các phong trào của địa phương, gương mẫu trong đạo đức lối sống, uy tín với bà con xóm ấp, bảy người con của chú đều là đảng viên và luôn được chi bộ địa phương đánh giá nhận xét đạt chuẩn mực tốt theo yêu cầu hằng năm”.

Ông Phùng đã bước qua tuổi thất tuần, không còn cái thuở chạy ngược chạy xuôi lo cơm áo gạo tiền cho vợ con, ông Phùng ngồi thong dong nhâm nhi mấy lon bia, khô mực nướng với thằng Tư, thằng Tám, nhắc lại chuyện xưa khi chạy giặc PolPot, nhắc lại những hỷ nộ ái ố của cuộc đời, rồi không quên nhắc nhở thằng Tư, thằng Tám lo chuẩn bị đồ ăn, mồi nhậu để sắp tới kỵ cơm ông nội tụi bây. Dâu, rể, con, cháu của ông Phùng gần ba chục người, người nào cũng là công chức nhà nước, có việc làm ổn định có mấy người làm trưởng đầu ngành cấp huyện, con cháu từ lớn tới nhỏ một mực sống đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, trên thuận dưới hòa và đó luôn là niềm hãnh diện khi ông Phùng đối diện với đời.

*Người trong cuộc chiến

Trong chuyến đi thực tế, chúng tôi tìm gặp thượng tá Nguyễn Danh Tuyền, đây là một nhân vật huyền thoại của Sư đoàn Bộ binh 330, Quân khu 9, người 02 lần thoát chết, 01 lần bị thương nặng.

Anh nhập ngũ tại Đại đội thông tin 20, thuộc Trung đoàn 1, Sư đoàn 330, Quân khu 9. Đóng quân ở Battambang – Campuchia, giáp biên giới Thái Lan. Tháng 12 năm 1986, đơn vị anh trở lại Tà Sanh, khi đó địa bàn thay đổi sau nhiều trận truy kích địch ác liệt. Trận giáp lá cà trên đồi 461, đơn vị anh có nhiều người thương vong nghiêm trọng. Sau khi đẩy được quân PolPot qua bên kia biên giới Thái Lan, ổn định đơn vị xong, nhìn những đồng đội quanh mình người bị thương, người sốt rét, người mất máu xanh xao, ốm yếu, anh Tuyền bàn với anh em và xung phong rời vị trí xuống suối lấy nước, bắt cá để nấu cháo bồi dưỡng cho anh em. Anh Tuyền và một đồng đội vừa bước lên khỏi hầm tác chiến thì bị ngay một trái pháo cối 100 của quân PolPot rơi xuống sát bên kia bờ chiến hào. Đồng đội của anh hy sinh, còn anh thương tích khắp cơ thể, phải phẩu thuật cắt bỏ bốn rẻ xương sườn và 1/3 thùy trái của phổi. Xếp hạng thương binh 2/4.

Sau nhiều tháng điều trị, thương tích đã lành, nhưng di chứng của nó luôn làm anh đau nhức khi trời trở gió, bước đi không còn nhanh nhẹn và giọng nói, hơi thở yếu ớt hơn ngày nào. Nhưng với tâm nguyện muốn suốt đời phục vụ đơn vị, phục vụ đồng đội, nơi đã rèn luyện anh trưởng thành, nơi đã cưu mang anh trong những lần thập tử nhất sinh và nguyện vọng ấy đã được đơn vị ghi nhận chấp thuận. Anh tâm sự: “Tôi không thể nào quên hình ảnh của những đồng đội đã ngã xuống trước mắt tôi, trên tay tôi, có những giây phút vĩnh biệt nhau nghẹn ngào và vội vã, máu và nước mắt pha lẫn vào nhau, bàn tay của của đồng đội bấu chặt vào tay tôi, nhiều lắm những lời nhắn nhủ nhưng chẳng nói được câu nào. Tôi muốn tiếp tục ở lại đơn vị để có điều kiện tìm kiếm hài cốt của đồng đội còn nằm lại trên đất bạn và làm công tác giải quyết chính sách cho những đồng đội bị thương, giải ngũ, phục viên”.

Thượng tá Lê Văn Việt, phó chủ nhiệm chính trị Sư đoàn Bộ binh 330 cho biết. “Đồng chí Tuyền được xem như là bảo tàng sống về nghị lực vượt qua thương tật, sự cống hiến của một người lính, sự hy sinh gan dạ của chiến sĩ Sư đoàn làm nhiệm vụ Quốc tế trên đất bạn Campuchia. Bao năm qua, dù sức khỏe có hạn chế nhưng đồng chí Tuyền luôn luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao tại Phòng Chính trị của Sư đoàn, trách nhiệm với công việc, với bản thân, với đơn vị, luôn giữ vững phẩm chất khiêm tốn được nhiều lớp thế hệ chiến sĩ trẻ noi theo. Công việc khảo sát cất nhà cho các đối tượng chính sách trên địa bàn, giải quyết những tồn đọng sau chiến tranh, hỗ trợ thông tin trong công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đều được anh hoàn thành theo kế hoạch trên giao”.

Chia tay Sư đoàn Bộ binh 330, chia tay anh Tuyền người lính gan dạ trong chiến đấu, đầy nghị lực vượt qua thương tật của bản thân. Chúng tôi quay về địa bàn huyện Châu Phú để tìm đến một cựu chiến binh, thương binh, từng tham gia chiến trường Campuchia trong những năm tháng ác liệt.

Lâu lắm rồi tôi mới có dịp đi trên con đường Nam kinh 10, con đường được hình thành từ việc nhà nước làm thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho hàng ngàn héc ta đất sản xuất nông nghiệp của vùng tứ giác Long Xuyên. Trước kia, đường Nam kinh 10 còn lồi lõm, ụ dốc, khó đi lắm, người dân sống ở vùng trong muốn ra trung tâm huyện phải đi đò dọc từ  mờ sáng. Nhưng nay thì khác rồi, từ khi chính quyền địa phương phát động phong trào nhà nước và nhân dân cùng làm thì đường Nam kinh 10 được nâng cấp trải nhựa bằng phẳng, hai bên lề đường được bà con trồng cây Bạch đàn thẳng tắp vừa che bóng mát, vừa chống sạt lỡ trong mùa mưa lũ, thể hiện nét thanh bình của một vùng quê yên ả.

Đến văn phòng ủy ban nhân xã Bình Phú, huyện Châu Phú, tôi được một cán bộ văn phòng ủy ban hướng dẫn đến tổ 21, ấp Bình An, cách trung tâm xã 12 km. Đường liên ấp ghồ ghề, có đoạn lầy lội do cơn mưa ngày hôm qua để lại, xe gắn máy hai bánh của tôi lưu thông cũng gặp không ít khó khăn. Đến nơi, tiếp chúng tôi là một người đàn ông có dáng dấp vừa phải, da đen sạm, mắt hơi sâu, có giọng nói nhẹ nhàng nhưng cũng rất vui tính. Đó là anh thương binh 2/4 Đặng Ngọc Giúp.

Ngồi ở sạp tre bên bờ kinh, gió hiu hiu. Uống được vài ngụm nước trà, anh Giúp kể: Anh sinh năm 1967, anh là con trai cả trong một gia đình nông dân nghèo có bốn anh em. Năm 1985, mọi chuyện nặng nhẹ của gia đình anh để lại cho các em, anh lên đường thi hàng nghĩa vụ quân sự. Sau ba tháng huấn luyện anh được điều động làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia. Anh được bổ sung cho đại đội trinh sát, thuộc trung đoàn 812, sư đoàn 309, mặt trận 4, đóng tại tỉnh Battambang.

Một ngày cuối tháng 5 năm 1988, sau chín ngày truy quét bọn tàn quân PolPot, trên đường rút về địa điểm đóng quân anh đạp phải quả mìn sát thương mà địch cài lại. Anh được đồng đội đưa ngay về khu điều trị số 4 Battambang, nhưng do vết thương quá nặng, các bác sĩ đành phải tháo khớp đến tận đầu gối chân phải. Và từ đó anh trở thành người thương binh với mức thương tật 2/4.

Bằng giọng nói nhỏ nhẹ, anh Giúp tâm sự: “Trong chiến tranh có người còn, người mất, có người bị thương tật. Khi về địa phương tuy gia đình gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi không dựa vào chính sách được ưu đãi cho mình; tôi nghĩ, mình phải lo cho mình trước, Nhà nước còn lo cho nhiều anh em giống mình”.

Năm 1990 khi xuất ngũ anh nhận được 01 triệu 800 ngàn đồng chi phí giải quyết chính sách của quân đội. Anh đầu tư mua một cái máy bơm và nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ thủ tục để anh bơm nước phục vụ tưới tiêu cho bà con trong ấp. Lợi nhuận thu được từ việc bơm nước tưới tiêu cho bà con, sau bảy năm dành dụm anh mua được 04 công đất ở phía sau nhà mình. Nhờ thu nhập từ việc bơm nước và trồng lúa, đến năm 2000 anh dựng được một ngôi nhà khang trang, diện tích 100 mét vuông, mái tole, vách ván và mua sắm vật dụng phục vụ đời sống hàng ngày từ chiếc tivi, cái quạt máy, máy giặt…và mới đây nhất là chiếc xe gắn máy và 32 công đất.

Đến nay, các em của anh Giúp đã có gia đình và ra ở riêng, chỉ còn anh là sống độc thân và chăm sóc mẹ già, năm nay đã 78 tuổi. Cuộc sống của anh hiện nay là điều mơ ước của nhiều người ở vùng quê này, vì thu nhập ngoài chi phí hàng năm của anh trên 100 triệu đồng. Kết quả đó có được là nhờ anh biết tiết kiệm, chịu thương, chịu khó trong nhiều năm mới có được. Việc nước lo xong, việc nhà cũng vẹn, anh không quên những ngày tháng cơ cực, vất vả, anh Giúp luôn quan tâm chia sẻ trợ giúp bà con nghèo lối xóm, từ chiếc xuồng, tay lưới, đến lúa, gạo…Hằng năm anh trích hai triệu đồng từ lợi nhuận của anh đóng góp vào quỹ xã hội từ thiện của địa phương, hỗ trợ các cựu chiến binh gặp khó khăn. Anh đã vận động bà con đóng góp xây dựng, sửa chữa 13 cây cầu giao thông nông thôn, trong đó mỗi cây cầu anh đóng góp từ 02 đến 04 triệu đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới. Anh Giúp còn là đại biểu HĐND xã Bình Phú liên tục hai nhiệm kỳ và là “Mạnh Thường Quân” thường xuyên của Hội Khuyến học địa phương. Câu chuyện của tôi và anh Giúp dần kết thúc, anh mời tôi dùng bữa cơm chiều với gia đình, nhưng tôi xin tạm chia tay anh sau bao lần anh luôn miệng giữ khách vì cơn mưa chiều sắp đến. Hẹn gặp lại anh một ngày khác, hẹn gặp lại vùng quê yên ả Bình Phú ở một vụ mùa bội thu. Nơi đó, có một cựu chiến binh điển hình, tiêu biểu.

Xuống đò vượt qua sông Hậu trong cơn mưa dai dẳng, tôi tìm đến gia đình anh Trần Văn Ái, ngụ ấp Bình Thành, xã Phú Bình, huyện Phú Tân, An Giang. Anh Ái tham gia chiến trường Campuchia tại Tiểu đoàn Trinh sát 218, Trung đoàn 14, Sư đoàn 339 đóng quân tại Pursat. Một đêm cuối năm 1985, cùng với đơn vị chống trả lần phản kích của PotPot, anh bị thương và mất đi chân phải đến khớp gối. Đầu năm 1986, anh được giải ngũ trở về quê nhà.

Ông Võ Thanh Tùng, Trưởng Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Phú Tân nhận xét: “Anh Trần Văn Ái là một thương binh tiêu biểu trên địa bàn huyện, ngoài những chính sách được hưởng, anh Ái không thụ động trông chờ mà luôn chủ động chịu khó vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống, gia đình khá giả, nuôi dạy con cái trưởng thành và đóng góp công sức, vật chất cho xã hội”.

Lúc về địa phương cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, cha mẹ cất cho một ngôi nhà lá, anh phải làm thuê mướn kiếm sống. Vượt qua thương tật, anh tìm tòi học nghề bó chổi của người dân địa phương và chuyên tâm với nghề. Cùng với sự phát triển của làng nghề bó chổi Phú Bình, cơ sở của anh phải thuê thêm lao động để theo kịp số lượng giao hàng, giải quyết thêm nhiều lao động của địa phương. Dần dần đến năm 2002, khi đã có nhiều hợp đồng giao hàng, anh không sản xuất gia công nữa mà làm đầu mối thu gom sản phẩm của các hộ sản xuất trong làng nghề để giao cho khách hàng ở các tỉnh miền Đông. Mỗi tháng anh giao từ 2 đến 3 chuyến hàng, mỗi chuyến anh lãi gần hai mươi triệu đồng. Thu nhập mỗi năm của anh hiện nay gần 250 triệu đồng.

Từ một gia đình khó khăn, bản thân là thương binh 2/4, anh Trần Văn Ái đã vươn lên khá giả. Không những thế, anh còn đóng góp tích cực trong việc giúp đỡ các cựu chiến binh, thương binh trên địa bàn gặp khó khăn, đóng góp quỹ khuyến học, xã hội từ thiện nên rất được bà con địa phương yêu thương, quý trọng và luôn lấy hình mẫu của anh để giáo dục con cái, anh Ái góp sức cùng chính quyền địa phương giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự xã hội là tấm gương sáng về ý chí, nghị lực vươn lên, đóng góp không nhỏ vào việc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

*Thay lời kết

An Giang có trên 5.500 thương binh và gần 500 bệnh binh. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và các ngành chức năng luôn làm tốt công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ bằng tình cảm và trách nhiệm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các thương binh, bệnh binh có đời sống ổn định, có nhà ở kiên cố, hỗ trợ vốn làm ăn, thân nhân có việc làm ổn định, thường xuyên được điều dưỡng sức khỏe. Tính riêng từ năm 2012 đến nay, An Giang tiếp nhận trên 59 tỷ đồng đóng góp cho quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, 100{fb72bbfdc4a578d027b556b83290df3d4a0d2dba3541c6c431f41d65a7fb72a4} xã, phường, thị trấn được UBND tỉnh công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công.

Người viết vô cùng trân trọng và khâm phục sự nỗ lực vươn lên của những gia đình là nạn nhân, của những thương binh được đề cập trong bài viết. Được xem như là một trong hàng vạn gương điển hình trên cả nước, họ đã vượt qua đau thương, mất mát, chiến thắng bệnh tật, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, tài năng để xây dựng gia đình, quê hương, đất nước.

Trong cuộc chiến, là những người anh hùng ngoài chiến trường, chiến đấu hết mình để bảo vệ Tổ quốc. Và trong thời bình, họ tự thân gầy dựng lại gia đình, nuôi dạy con thành đạt, thương binh trở về quê hương, họ tiếp tục phát huy phẩm chất của anh Bộ đội Cụ Hồ, hăng say lao động, làm kinh tế giỏi từ chính đôi tay, đôi chân không còn nguyên vẹn của mình. Những thương binh tàn nhưng không phế đó đã trở thành tấm gương sáng cho mọi người noi theo và học tập. Chẳng những có tác dụng khuyến khích, nâng đỡ các thương binh, bệnh binh khác tiến lên, mà còn có sức lan tỏa mạnh mẽ ra toàn xã hội, cổ vũ những người khuyết tật tự tin sống theo phương châm “tàn nhưng không phế”, quyết tâm đổi đời, chiến thắng số phận.

Đất nước ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, gần dây nhất là chiến tranh biên giới Tây Nam, hàng vạn người con anh dũng đã ngã xuống. Với những hy sinh, mất mát to lớn không gì bù đắp được, chúng ta càng thấm thía giá trị của độc lập, tự do, của hòa bình, thống nhất. Chúng ta kiên quyết bảo vệ những thành quả đã giành được, nỗ lực phấn đấu, làm hết sức mình, giữ vững độc lập, tự do, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, để con cháu chúng ta, các thế hệ mai sau được sống trong hòa bình, thống nhất, ổn định và có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Bài: Tùng Lâm | Ảnh: La Lam