Những nhịp cầu thầm lặng

Giữa thời tiết giao mùa, nắng gió thất thường và nhiều mưa của một ngày tháng bảy, tôi tìm đến Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Phú như đã hẹn. Những con đường nhựa bê-tông trải dài, phẳng phiu làm cho quãng đường đi dễ dàng hơn, mọi thứ dường như khác nhiều so với hình dung của tôi trước đó. Anh Nguyễn Việt Thành, cán bộ Tuyên giáo xã Vĩnh Phú cho hay: “Vĩnh Phú là đơn vị đầu tiên của huyện Thoại Sơn đạt chuẩn “Xã nông thôn mới”. Gần đây bằng các mô hình, hoạt động tích cực và hiệu quả, Vĩnh Phú đang từng bước hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu xã nông thôn mới nâng cao. Để có được kết quả đáng phấn khởi như vậy, ngoài sự định hướng đúng đắn của các cấp lãnh đạo huyện, sự quyết tâm của Đảng ủy, chính quyền xã còn là sự đồng hành, nỗ lực, đóng góp không nhỏ của các tầng lớp nhân dân”. Anh Thành chia sẻ, xã có không ít tấm gương với nhiều thành tích, đóng góp nổi bật. Tiêu biểu có anh Nguyễn Thanh Dữ (sinh năm 1965), ngụ ấp Trung Phú 4, xã Vĩnh Phú.

Tôi muốn gặp để tìm hiểu thêm về anh Dữ, thì được biết anh thường xuyên đi công việc, từ thiện xa nhà, rất khó liên lạc. Tôi đành nhờ anh Thành chỉ dẫn và liên hệ anh Đặng Văn Trung – Phó ban ấp Trung Phú 4 dẫn đường tìm về nhà anh Dữ. Vòng xe lại tiếp tục lăn bánh, trên những con lộ quê dài hun hút. Hai bên đường những hàng cây tiếp nối, rì rào. Lối đi mỗi lúc càng hẹp dần, qua nhiều nhánh rẽ, như thử thách trí nhớ và sự kiên nhẫn người tìm. Từ cầu T.15, đoạn đường đất trộn lẫn đá dăm thoáng chốc hiện ra. Ngôi nhà tường gạch, sáng bóng và giản dị, một góc vườn treo những giò lan lủng lẳng. Bên dưới là những chậu bon-sai với đủ dáng hình. Anh Dữ xuất hiện với nụ cười chan hòa, hiền hậu.

Khi hỏi về những công trình ý nghĩa mà anh Dữ đã làm được, anh thường ngắn gọn và kiệm lời. Như đơn giản việc mình phải làm. Những thông tin chi tiết và cụ thể tôi nhận được, chủ yếu qua lời kể của anh Trung. Anh Dữ là một trong những cá nhân có nhiều đóng góp về công sức, tiền của và vận động các Mạnh thường quân để đứng ra xây dựng cầu bê-tông Ranh Làng 2 (thuộc ấp Trung Phú 4, xã Vĩnh Phú) bắt qua xã Vĩnh Nhuận, Châu Thành. Đến nay, công trình cầu Ranh Làng 2 đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Được biết, Ranh Làng 2 được khởi công xây dựng với tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng, tải trọng 8 tấn, đạt quy chuẩn. Trong đó, kinh phí Nhà nước trên 200 triệu đồng. Riêng bản thân anh Dữ đóng góp 76 triệu đồng và hơn 100 ngày công lao động. Ngoài ra, anh còn vận động bạn bè, thân hữu đóng góp trên 100 triệu đồng và 100 phần quà trị giá 30 triệu đồng để tặng cho hộ nghèo, cận nghèo trong xã, nhân dịp lễ khởi công và khánh thành cầu. Anh còn cùng với một Mạnh thường quân khác hỗ trợ 40 triệu đồng để di dời cầu gỗ trước nhà đến lắp dựng tại ấp Trung Phú 5, xã Vĩnh Phú.

Hỏi lí do vì sao anh lại bỏ ra nhiều công sức đến vậy để xây dựng chiếc cầu. Anh Dữ cười hiền, tâm sự. Trước đây, lúc chưa có cầu, muốn qua phía bờ rạch bên kia hầu hết người dân phải đi xuồng. Nhọc nhằn nhất là các em học sinh Trường tiểu học B Vĩnh Nhuận. Trước tình trạng đó, anh cùng chính quyền địa phương đã vận động xây cầu ván để giúp người dân và các em có thể qua lại. Có cầu, việc di chuyển đã đôi phần thuận lợi. Nhưng có chuyện phát sinh, khiến anh phải trăn trở. Đó là khi vào mùa mưa, cầu ván trơn trợt, dễ tạo nên tình huống nguy hiểm cho người di chuyển trên cầu. Đi cùng nỗi day dứt, trăn trở là sự quyết tâm, thôi thúc về một chiếc cầu vững chãi, an toàn và kiên cố, khắc phục được hạn chế của cầu ván gỗ.

Chính vì cái tâm biết lo nghĩ, hành động thiết thực vì mọi người mà các hoạt động xã hội từ thiện của anh Dữ luôn nhận được sự ủng hộ, quan tâm của mạnh thường quân, nhà hảo tâm và chính quyền địa phương. Năm 2018, anh Dữ được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang khen thưởng vì có nhiều đóng góp kinh phí xây dựng cầu giao thông nông thôn. Và được ghi nhận “Đạt thành tích xuất sắc qua 2 năm thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của huyện Thoại Sơn.

Không chỉ xây cầu, anh Dữ còn là “cầu nối” cho nhiều hoạt động, chương trình xã hội có ý nghĩa. Gần 10 năm trong vai trò Đại diện Hội Phụ huynh học sinh trường THPT Vĩnh Trạch, anh tâm sự vẫn luôn dành nhiều tâm huyết cho hoạt động giáo dục của địa phương. Từ ngôi trường buổi đầu còn chật vật, thiếu thốn, phải bơm cát để có sân bãi, với sự nỗ lực, quyết tâm không ngừng nghỉ của Nhà trường, học sinh và những tấm lòng như anh Dữ, giờ đây trường THPT Vĩnh Trạch đã trở thành trường “chuẩn quốc gia” của huyện Thoại Sơn. Riêng cá nhân anh Dữ vận động số tiền hơn 200 triệu đồng từ các mạnh thường quân để mua 12 chiếc ti-vi, hỗ trợ cho việc dạy và học của thầy trò trường THPT Vĩnh Trạch. Không dừng lại, anh còn đóng góp tiền hỗ trợ “Bếp ăn tình thương” của xã Vĩnh Trạch, tham gia đóng góp mua xe đạp cho học sinh nghèo hiếu học xã Vĩnh Phú, khen thưởng học sinh đoạt giải trong kỳ thi sáng kiến khoa học, hỗ trợ xây cất nhà cho hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn…

Anh Dữ chia sẻ, từ khi được Đảng bộ, chính quyền địa phương tuyên truyền về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với xây dựng nông thôn mới của địa phương, anh cảm thấy rất tâm đắc, nhất là việc thực hiện các phong trào xây dựng cầu, đường nông thôn. Từ tâm nguyện của bản thân và sự ủng hộ của gia đình, anh Dữ luôn cống hiến hết mình vì sự giàu đẹp, phát triển của quê hương. Tích cực đóng góp bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả và ý nghĩa. Anh luôn cảm thấy nhỏ bé trước những lời khen tặng. Chỉ tâm niệm, còn sức khỏe thì anh còn làm. Chỉ nghĩ việc mình làm như bắc một “nhịp cầu”. Để những tấm lòng đến được với nhau.

Bài & ảnh: Hà Huy