Phần thưởng chia đôi

Tôi và Lam Anh học cùng lớp. Nhà tôi cách nhà Lam Anh một dãy phố. Tôi thích đi ngang ngôi nhà của Lam Anh chỉ để được ngắm giàn cát đằng mọc đầy hoa tím có phủ lông nhung thả lơ lửng trên đầu. Khi còn trẻ, mẹ tôi đã rất thích màu tím. Những buổi trưa ngồi nhổ tóc sâu cho mẹ trước hiên, mẹ kể ngày đó mẹ ước được bố xây cho chúng tôi một ngôi nhà màu tím. Bố tôi là một thợ xây giỏi. Bàn tay chai sần rắn rỏi của bố nuôi tôi khôn lớn, và tôi luôn tự hào về công sức mà bố góp vào những căn nhà do bố xây nên. Bố hứa sẽ xây cho mẹ và con gái yêu của mình một căn nhà không to lắm nhưng đủ để che nắng mưa không bị dột như căn nhà hiện tại. Khi ấy, tôi sẽ mang một loài hoa tím về trồng. Nhưng nhất định, tôi sẽ không trồng cát đằng như nhà của Lam Anh.

***

Nhưng đó chỉ là ước mơ mà thôi! Một tai nạn lao động làm bố bị thương cánh tay trái, bệnh án ghi bố bị suy giảm khả năng lao động. Tôi đã khóc rất nhiều. Không phải vì bố sẽ không thực hiện lời hứa với mẹ con tôi, thực ra vì tôi thương bố cứ phải lặng lẽ ra vào và chỉ giúp mẹ làm những việc lặt vặt trong nhà. Tiền học phí của tôi luôn trễ hẹn. Mẹ tôi ngày càng nhọc nhằn với gánh cháo sớm khuya. Có lúc tôi cũng định thôi học để phụ giúp mẹ nhưng bố ngăn cản, bảo tôi phải biết nghĩ cho tương lai vì nghỉ học sẽ phải khổ cực như bố mẹ vậy. Lời bố nói không sai chút nào cả, tôi sợ phải chịu cảnh mua gánh bán bưng như mẹ, sợ Lam Anh sẽ thừa lúc này vẫn nghiễm nhiên đứng đầu lớp về kết quả học tập.

Lam Anh là đứa chăm ngoan, chưa một lần bị thầy cô nhắc nhở. Cô ấy giỏi đều các môn, nhưng có vẻ không thích học môn Văn. Tiết trả bài Tập làm văn, cô giáo thường nêu tên tôi với Lam Anh để làm điển hình. Cô khen bài làm của tôi có ý tưởng và cách viết lạ, nhưng còn chưa tỉ mỉ vì bôi xóa nhiều, trình tự cá ý chưa được sắp xếp hợp lí; còn bài làm của Lam Anh sạch sẽ và đạt yêu cầu chung nhưng lại ít thu hút hơn. Tôi nhớ có lần cô nhận xét một số điều rồi phán: ở phân môn Tập làm văn, từ trước giờ chưa thấy bạn nào có kỹ năng xứng đáng đạt điểm 10. Trong sự khuôn mẫu không một tì vết của Lam Anh, giáo viên không tìm ra được bất kì lỗi nào so với yêu cầu về kiến thức để trừ điểm, nhưng điều đó chỉ ứng với con điểm tuyệt đối của mấy bài kiểm tra trắc nghiệm. Và như thế, tôi biết mình phải làm gì để có thể thay thế vị trí của Lam Anh.

***

Học kỳ I kết thúc, buổi lễ sơ kết với nhiều ánh mắt xôn xao nhìn về chỗ chúng tôi đang đứng. Cuộc đua ngoạn mục kéo tôi lên đồng hạng Nhất với Lam Anh bằng sự nỗ lực phấn đấu, khắc phục những hạn chế mà thầy cô nhận xét vào từng bài kiểm tra được phát ra. Thời gian tự học ở nhà, tôi luôn dành cho việc lập dàn ý ra giấy nháp rồi ghi lại một cách cẩn thận để những con điểm đỏ chói từ bài kiểm tra của Lam Anh ngày đêm không còn ám ảnh tôi. Tôi liếc nhìn cô bạn đứng kế bên mình, lòng lâng lâng một cảm giác sung sướng khó tả. Lam Anh cười gượng gạo. Đó là sự thất vọng ban đầu vì chính mình sắp thụt lùi, nhường phần thưởng học sinh xuất sắc cho đứa khác. Ngồi vào hàng của lớp, tôi tránh Lam Anh một khoảng rất xa và chợt thấy cô ấy đang khóc, mái tóc búi cao lộ ra cái trán rộng. Lũ bạn lớp tôi vẫn hay bảo, cô gái thông minh đó sao mà quá khó gần!

Lam Anh lại thu mình trong thế giới riêng của cô ấy. Mười lăm phút giải lao giữa giờ, Lam Anh thường ngồi trong lớp tranh thủ xem bài cho môn kế tiếp và lấy chai nước từ nhà mang theo ra uống. Nếu phải ngồi một chỗ như Lam Anh thì tôi sợ những gì tôi tiếp thu được sẽ văng ra khỏi đầu tôi mất! Những con điểm của tôi và Lam Anh cứ tiếp tục xấp xỉ ngang nhau. Trong giấc mơ, tôi thấy cả hai đang đi bộ song song. Càng lúc tôi và Lam Anh đi nhanh hơn mà đích cuối cùng không ai thèm để ý đã đến hay chưa. Có lần, tôi tìm mọi cách đến gần trò chuyện với Lam Anh. Nhưng tôi hỏi gì, cô ấy chỉ đáp gỏn lọn có một hai tiếng rồi bỏ đi.

Tôi không biết mình nên làm gì, sau những bài học căng thẳng thì cùng các bạn tập chương trình thi diễn văn nghệ cấp trường. Nguyện vọng của bố tôi là con gái mình có chút khiếu văn nghệ. Khi còn học Mầm non, tôi đã là một giọng hát thường xuyên của những buổi lễ ngoài trời vì được bố dạy những bài vỡ lòng có nội dung tương đối ngắn. Tôi cũng không muốn so bì với bất kì ai về phương diện đó, đơn giản vì tôi thích hát múa. Mẹ nói tôi lãng mạn và “nghệ sĩ” giống bố nhưng giờ thì những ngón tay yếu ớt của bố không thể giữ phím nổi để tạo ra một hợp âm đệm ghi-ta cho tôi hát và chỉ có thể đóng vai trò là một khán giả chân tình góp ý sửa những chỗ mà tôi hát chưa ổn.

Hội thi Ca múa nhạc cấp trường diễn ra thành công, tôi được đại diện lớp bổ sung vào đội tuyển của trường tập dượt tham gia Hội thi cấp huyện. Bố chở tôi đến phòng tập và ngồi ở ngoài đợi. Tôi thức khuya hơn để hoàn tất bài vở vì trước khi quyết định tham gia vào đội tuyển tôi đã hứa với cô giáo chủ nhiệm là sẽ không để phong trào ảnh hưởng đến việc học. Có bạn được tham gia vào đội tuyển luôn chú trọng năng khiếu mà lơ là học tập trên lớp đã làm cô thất vọng rất nhiều. Thậm chí, có bạn hát tốt hay chơi thể thao giỏi nhưng học lực chỉ ở loại trung bình. Tôi cố gắng để được thay bố lớn lên xây một ngôi nhà nho nhỏ mà kín đáo, không còn cảnh đi lấy xô hứng nước mưa dột trong nhà. Tự nhiên tôi thấy mình quá ích kỉ khi luôn ganh từng điểm số với Lam Anh. Có khi, đang tập hát tôi thấy bóng Lam Anh đứng thập thò ngoài cửa như đang tròn mắt nhìn tôi. Tôi vụt chạy ra để kịp nắm tay Lam Anh vào ngồi hẳn bên trong thì chỉ thấy bố nhòa trong bóng tối.

Tôi ngồi sau lưng vòng tay ôm bố cảm nhận sự ấm áp dưới màn sương trăng trắng và nghe bố khen tôi hát càng hay hơn hồi bé. Xe chạy rất chậm. Tôi bắt gặp dáng mảnh khảnh của một cô bé đang liêu xiêu bên vỉa hè. Lam Anh. Cô ấy đứng bên đường đưa tay ôm ngực khóc.

***

Lam Anh nằm đó, trông vẻ mặt cô ấy có phần khá hơn một chút so với những ngày đầu nhập viện. Tôi cầm tay Lam Anh và muốn cô ấy biết tôi đang thật lòng quan tâm:

– Cậu không sao chứ, Lam Anh? – Tôi giúp Lam Anh vén mấy sợi tóc lòa xòa trên trán.

– Cảm ơn cậu nhiều lắm. Tớ thấy rất mệt mỏi. Tớ không muốn xung quanh mình chỉ toàn màu trắng!

– Cậu hãy bình tĩnh và nằm yên đấy. Ngày mai cậu sẽ được xuất viện và về nhà cơ mà!

– Ừm, tớ hy vọng là vậy.

Vài phút sau Lam Anh ngủ thiếp đi. Tôi gặp mẹ cô ấy khi đang ngồi trên băng ghế trước dãy phòng bệnh. Bà ấy vừa kể về những triệu chứng của Lam Anh vừa thỉnh thoảng nấc lên đau khổ. Câu chuyện bị cắt ngang vì bố đến rước tôi, bà ấy cảm ơn bố con tôi đã chở Lam Anh nhập viện kịp thời.

***

Căn bệnh máu trắng không ngăn được sức của Lam Anh đến cuối năm học. Hai đứa tôi vẫn trùng nhau từng con số thập phân trước khi làm tròn điểm trung bình cả năm. Thầy giáo điều khiển chương trình gọi tên tôi và Lam Anh lên nhận phần thưởng đồng hạng Nhất lớp. Nhưng cuối cùng, phần thưởng “Học sinh xuất sắc toàn trường” lại thuộc về tôi. Phần thưởng ấy nhẹ tênh, nhưng sao tôi cứ muốn được cùng Lam Anh mỗi đứa một bên đứng vịn vào. Tôi và bạn bè nào hay biết, để có được kết quả cao như thế, cô bạn đáng thương của tôi đã phải âm thầm chiến đấu với căn bệnh quái ác ấy từ bé đến giờ. Lam Anh xứng đáng được như vậy dù không biết hát để tham gia tốt phong trào trường lớp. Nhất định, tôi sẽ mang phần thưởng ấy chia đôi cùng với Lam Anh.

Tác giả Nghiêm Quốc Thanh
(Minh họa: Quang Vinh)