Phê bình trên báo theo lời Bác

Trong Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (8/9/1962) Bác Hồ đến dự và nói chuyện thân mật với các nhà báo. Bác đã nói đến nhiều vấn đề về vai trò trách nhiệm của nhà báo và báo chí nước ta, đồng thời Người đã phê bình về cách làm báo, cách viết báo. Vấn đề phê bình và tiếp thu phê bình về những vấn đề tiêu cực trong xã hội mà báo chí đã nêu, Bác nói:

“… Những người ở bất kỳ địa vị nào và những cơ quan được phê bình phải có thái độ thật thà khiêm tốn. Phê bình đúng thì phải đăng báo nhận khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa. Nếu phê bình sai, thì đăng báo giải thích. Quyết không được” “phớt” lời phê bình và “trù” người phê bình. (1)

Rõ ràng những lời dạy cụ thể, dễ hiểu trên vẫn còn đáng để chúng ta suy nghĩ về tình hình phê bình và tiếp thu phê bình giữa báo đài và bạn đọc, bạn nghe – xem  đài hiện nay. Những trường hợp may mắn được cấp trên, hoặc ngành chủ quản của đối tượng mà báo đài đề cập đến quan tâm chỉ đạo giải quyết đến nơi đến chốn và có phản hồi với cơ quan báo chí, thể hiện sự tôn trọng báo chí và chân thành tiếp thu phê bình, quyết tâm sửa chữa, muốn khắc phục thiếu sót của đơn vị và sẵn sàng xem cơ quan báo chí là bạn, là đã làm đúng lời Bác Hồ dạy.

Một hiện tượng thường thấy trong tình hình hiện nay là có không ít cá nhân, đơn vị được các loại hình báo chí đề cập đến những thiếu sót tồn tại với một thái độ chân tình cởi mở trên tinh thần góp ý xây dựng  để cùng hướng đến bao điều tốt đẹp lại vấp phải một sự  “im lặng đáng sợ”… Trong bài “Phải xem trọng ý kiến quần chúng” viết dưới bút danh CB vào ngày 21/8/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán hiện tượng này như sau: “Các báo thường đăng lời phê bình của nhân dân. Nhưng nhiều khi như “nước đổ đầu vịt”, cán bộ, cơ quan và đoàn thể được phê bình cứ im hơi lặng tiếng, không tự kiểm điểm, không đăng báo tự phê bình và hứa sửa chữa”. (2)

Thực tế cũng không ít cơ quan được báo đài phản ánh những dấu hiệu tiêu cực, nhưng không có thiện chí sửa chữa khắc phục mà dùng mọi biện pháp chống chế, che giấu, cản trở và đập dập thông tin, đánh lừa bạn đọc bằng việc viết bài phản đối trên báo khác, thậm chí khéo léo nhờ lãnh đạo hoặc cơ quan quản lý cơ quan báo chí đó can thiệp, cho dừng đưa tin bài phản ánh khiến tác giả và Ban biên tập… thiếu kiên quyết, yếu bóng vía phải… chịu thua.

Thế nhưng, cũng có những tờ báo lỡ đưa những tin, bài có những thông tin sai lệch, gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức, đơn vị… bị phản ứng, biết rõ là sai sót của người viết, của Ban biên tập nhưng lại phớt lờ không chịu đính chính hoặc chỉ đính chính vài dòng “ở một góc khó nhìn” trên trang báo là thiếu nghiêm túc và chưa thể hiện hết trách nhiệm của mình. Một bài báo vì lý do nào đó dù vô tình hay cố  ý làm thiệt hại đến lợi ích vật chất, đến danh dự, uy tín cá nhân, đơn vị… cần phải được Ban biên tập dũng cảm nhận khuyết điểm, phân tích rõ nguyên nhân của sai sót đó là do non kém của người viết hay vì những động cơ không trong sáng và thông báo rõ hình thức xử lý của Ban biên tập đối với tác giả bài báo đó, có như vậy mới tạo được lòng tin cho người đọc về uy tín của cơ quan báo chí…

Một cơ quan báo chí có uy tín không chỉ biết đưa tin bài phê phán những tiêu cực trong xã hội mà còn phải biết đăng tải những ý kiến đóng góp của bạn đọc đối với những yếu kém của báo mình, đúng như lời Bác Hồ dạy: “Mặt khác, các báo cũng cần khuyến khích quần chúng góp ý kiến và phê bình báo mình để tiến bộ mãi…” (3)

Mai Bửu Minh

Nghĩ suy về những điều Bác Hồ dạy

 (1),(3) Hồ Chí Minh-Toàn tập, t10, tr 613.

(2)Hồ Chí Minh .Toàn tập, t8, tr 238-239.