“…RA ĐI NÀO PHẢI TAN HÌNH BÓNG…” *

Huỳnh Phú Hữu

Không phải đến khi tôi về công tác ở Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Châu Đốc (vào đầu năm 2019), tôi mới quen biết và chơi thân cùng Anh Hai Trịnh Bửu Hoài, mà tôi đã nghe tên tuổi nhà thơ từ thời học sinh, sinh viên. Ra trường về công tác ở ngành tuyên giáo (từ sau Đổi mới năm 1986), tôi vinh hạnh được hội ngộ cùng Anh Hai Trịnh Bửu Hoài. Tôi chuyển về ngành tư pháp thị xã Châu Đốc (từ những năm 1992), tôi mới chơi thân với Anh Hai. Những năm Anh về tỉnh công tác (1999-2010), thỉnh thoảng về Châu Đốc Anh em nhậu với nhau. Từ năm 2011, khi Anh Hai chính thức nghỉ hưu anh em thường gặp nhau ở quán cà phê, đôi lúc ở tiệc nhậu.

Mỗi khi tôi có dịp tiếp xúc, trao đổi công việc, công tác, sinh hoạt cũng như lúc trà dư tửu hậu cùng Anh, cảm nhận của tôi về Anh Hai là người vui tính, dễ gần, không kém phần lãng mạn“Anh chỉ muốn yêu em và làm thơ”;“Em chợt đi vô tình như gió mỏng. Trái hồng nhan chín rụng đầu vườn. ta làm tên giữ vườn mơ mộng. Nhặt suốt đời chẳng hết một mùi hương”. [1]

Anh sinh ra, lớn lên thời biến loạn, học qua nhiều trường tiểu học (Miếu Điền, Mỹ Đức A, Nam Châu Đốc), trung học (Hoà Bình, Thủ Khoa Nghĩa, Bồ Đề, Phụng Sự).

Anh bảo với tôi: Những năm học sinh trường Thủ Khoa Nghĩa Anh học chung với bạn Nguyễn Quốc Thắng, [2] nhưng vì bạn học sớm giác ngộ, thoát ly tham gia cách mạng, cho nên chơi thân với bạn Nguyễn Vạn Niên (Anh ruột của anh năm Thắng; người tiền nhiệm của Anh, của tôi). Anh giới thiệu tôi làm quen với cánh bạn học từ nhỏ của Anh ở Châu Đốc, An Phú, Châu Phú…Với tôi, các anh là những người bạn vong niên, Anh là vị trưởng sinh của các bạn học; là tiền bối đáng kính của tôi trong lĩnh vực văn học nghệ thuật; biên tập; nghiên cứu lịch sử; cuộc sống đời thường.

Sinh hoạt hàng ngày, Anh Hai rất thích đi đây đi đó, chụp ảnh lưu niệm. Mỗi khi cùng đi đâu, Anh Hai cũng mang theo máy ảnh bên mình, chụp vài bô làm kỷ niệm. Sau đó vài ngày Anh mang tặng ảnh. Có lần, tôi thỏ thẻ: “Anh Hai vui vẻ, lạc quan, khuôn mặt phúc hậu, cười giống Ông Phật Di Lặc”. Anh bảo: “Đi đâu thấy hình ảnh, tranh, tượng Ông Phật Di Lặc là anh thỉnh về nhà thờ”.

Tâm hồn Anh như hội tụ cơ duyên giữa ba dòng sông: Văn học nghệ thuật, văn nghệ dân gian; báo chí; sưu khảo, lịch sử. Tuy không học vị, học hàm, học thuật ngữ văn, nhưng Anh có năng khiếu, sở học, sở trường thơ văn từ nhỏ, đã làm thơ gửi báo, in tạp san (từ năm 1966); có nhiều bài tham luận chất lượng cao, tiếng nói uy tín trên các diễn đàn hội thảo khoa học; dấn thân, trải nghiệm, đa tài có mặt ở nhiều lĩnh vực (văn học nghệ thuật; tài tử (ca hát); viết, làm báo; nghiên cứu “bốn nhà trong một”(Hội viên các Hội: Văn nghệ dân gian Việt Nam; Nhà văn Việt Nam; Hội Nhà báo Việt Nam; Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam).

Song, Anh chỉ nhận mình là văn nghệ sĩ lãng du, đa cảm, đa tình“Ta có em. Ờ ta có em. Một khoé môi cong nặng nỗi niềm. Mắt trong như ứa hồ thương nhớ. Cuốn cả ta về phương có em”, [3] “Chưa cạn hoàng hôn sao đã đêm. Chưa uống cùng em môi đã mềm”.[4]

Trưởng thành, công tác, nghỉ hưu, Anh gắn bó cả cuộc đời với hoạt động văn học nghệ thuật “Duyên nợ với thành phố ngã ba sông” Châu Đốc dồi dào phù sa, cảm xúc thi ca, nghệ thuật“Như mạch máu hồng nuôi bờ cõi bao la. Những con sông dắt nhau về bể cả. Những con đường dẫn người đi trăm ngã. Đời một phương Tổ quốc giữa tim mình”, “vai kề vai đẩy lùi gian khổ”, “Bàng bạc ngày mùa xóm thôn mở hội. Trống đình làng thao thức nhớ Thăng Long”. [5] Thơ của anh sâu lắng, chan chứa nỗi niềm với quê hương, đất nước, con người, tình yêu cuộc sống.

Anh Hai đã trở thành một trong những cánh chim đầu đàn trong bầu trời văn chương của nền văn học nghệ thuật tỉnh An Giang, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nhân cách, sự nghiệp cầm bút hơn 55 năm (1966-2022) của nhà thơ, nhà văn Trịnh Bửu Hoài đã để lại với đời tài sản văn chương nhiều thể loại (Thơ; văn xuôi, truyện, truyện ngắn, truyện dài, du ký, bút ký, tuỳ bút, biên khảo); báo chí; tham luận Hội thảo khoa học Lịch sử…khá đồ sộ, tôi vô cùng ngưỡng mộ.

Vừa qua, Anh biên khảo tập sách Danh nhân Châu Đốc. Phần tổ chức bản thảo, tôi thực hiện xong, Anh bảo tôi viết lời giới thiệu. Tôi chần chừ, vì ngại mình vô danh tiểu tốt “tai tiếng” cuộc đời không ít, mà viết lời giới thiệu cho tập sách của người quá nổi tiếng. Phần lời giới thiệu tập sách, Anh không chỉnh sửa nội dung, nhưng bảo tôi không ghi Ban Biên tập Hội Văn nghệ Châu Đốc, mà ghi rõ tên người viết lời giới thiệu, chức danh đương nhiệm, để làm kỷ niệm với Anh. Tôi không ngờ đó là tập sách cuối cùng của Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài.

Anh Hai đã đề tặng tôi rất nhiều tập sách (thơ, truyện ngắn, biên khảo), chữ viết rồng bay phượng múa, bay bướm, văn nghệ sĩ.

Em xin lỗi Anh Hai, em lại chưa hề có một tác phẩm nào cho ra hồn, in thành tập sách, để tặng Anh Hai. Nay, Anh Hai đã ra đi mãi mãi không về“Ra đi nào phải tan hình bóng. Mà quặng lòng đau đêm qua sông”. [6] Dẫu biết rằng“Qui luật cuộc đời không ai cưỡng lại được. Lớp nhỏ tấn lên, thì lớp lớn phải lần lượt ra đi”. [7] Vì,“Thời gian vô hạn, con người chỉ hữu hạn”, [8] cho nên“Hai tay trắng cũng về với đất. Nhẹ nhàng sao hỡi chốn mơ hồ”. [9]

Em xin tạm mượn những vần thơ, lời văn của Anh, đúc kết quy luật vô thường về cuộc đời, để khóc, để đốt nén tâm hương tưởng niệm thi nhân. Em nguyện khắc sâu lời dạy, sống trọn kiếp người như Anh Hai đã sống“Sống đẹp. sống tốt với đời, với người, cũng có nghĩa là sống mãi với thời gian”.[10] Em kính chào vĩnh biệt Anh Hai, người anh đáng kính “Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài”. Nhân dáng, hình bóng, câu thơ của Anh mãi mãi vẫn còn trong tâm trí mọi người“Ra đi nào phải tan hình bóng”./.

                                                     Châu Đốc, ngày 11/12/2022

 


* Tuyển tập Thơ và tình, Trịnh Bửu Hoài “Tiễn bạn” (tặng Trần Ngọc Mỹ), nxb Hội Nhà văn 2017.

[1]  Thơ Em và mùa xuân – Trịnh Bửu Hoài.

[2]  Đ/c Nguyễn Quốc Thắng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thị uỷ xã uỷ Châu Đốc.

[3] Thơ Phương có em – Trịnh Bửu Hoài.

[4] Thơ Đêm trăng lầu Phượng – Trịnh Bửu Hoài.

[5] Thơ Trái tim Thăng Long – Trịnh Bửu Hoài.

[6] Trịnh Bửu Hoài “Tiễn bạn” (tặng Trần Ngọc Mỹ), nxb Hội Nhà văn 2017.

[7] Câu chuyện đầu năm – Trịnh Bửu Hoài.

[8] Dấu ấn thời gian – Trịnh Bửu Hoài, cuối đông 2018.

[9] Ngoài em ra anh còn ai nữa, Trịnh Bửu Hoài thơ 2015.

[10] Trịnh Bửu Hoài, cuối đông năm 2018.