Tác giả Cao Lê Hồng Rạng đoạt giải Nhì cuộc thi thơ Haikư Việt – Hà Nội lần I

Thông tin từ Ban Tổ chức cuộc thi cho biết tác giả Cao Lê Hồng Rạng ở An Giang đã đoạt giải Nhì trong cuộc thi sáng tác thơ Haikư Việt – Hà Nội lần I do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản TP Hà Nội bảo trợ tổ chức.

Ban Tổ chức đã nhận được 176 chùm thơ (mỗi chùm 5 bài – tổng cộng là 880 bài) của 176 tác giả gởi đến từ 50 tỉnh thành trên toàn quốc, và người Việt ở nước ngoài.  Sau khi chấm và chọn ra 100 bài Haikư vào chung khảo, Ban Tổ chức đã quyết định trao 16 giải trong đó có 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 06 giải Ba và 07 giải Tư.

“CLB Haikư Việt – Hà Nội – dù là lần đầu tổ chức, nhưng BGK là những cây bút uy tín, từng trải, có kinh nghiệm trên văn, thi đàn cả nước, nên chúng ta không lo có ai đó bị bỏ quên. Tôn vinh thơ hay là nhiệm vụ của chúng tôi, nhất là thơ Haikư, thể thơ được du nhập từ Nhật Bản. Thơ Haikư không mới, nhưng khó tiếp cận. Đó là điều ai cũng biết, vì thế nó rất cần được giới thiệu rộng rãi cho người yêu thơ Việt Nam. Thực tế thì thơ Haikư đã có mặt trên khắp thế giới, do sự cô đọng, sâu sắc của nó. Vì thế, cuộc thi thơ lần này diễn ra là để hướng đến tương lai, đất nước chúng ta sẽ có nhiều cây bút tài hoa xuất hiện. Chúng tôi rất vui mừng đón nhận, nhiều cây bút chuyên và không chuyên trên cả nước và người Việt nước ngoài cùng tham gia. Trong đó, có những bài thơ xuất sắc đáng gọi là hạt ngọc, nhưng cũng có nhiều hạt sạn là điều không tránh khỏi. Nhìn chung, các tác giả tham dự cuộc thi đều đi đúng chủ đề: “Việt Nam đất nước – con người” mà BTC đã đề ra. Điều thú vị trong cuộc thi này, là chúng ta được chiêm ngưỡng cuộc trưng bày muôn sắc điệu Haikư. Thơ gắn liền với cuộc sống hiện đại, thông qua đó nói lên tư duy của người Việt về nhiều vấn đề nhạy cảm, lớn lao như bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật, núi non, đồng ruộng, cây cỏ, làng quê vv… một cách nhẹ nhàng mà không kém phần sâu sắc. Nhất là tính hoài cổ, lòng nhân ái, bao dung, tình thương yêu vô bờ bến đối với nghĩa đồng bào cao cả, nhân văn, được thể hiện qua nghệ thuật ngôn từ hết sức kiệm cần, và tiết chế của thể thơ được mệnh danh là “nhỏ bé nhất thế giới” này!” – Ban Chủ nhiệm CLB Haikư Việt – Hà Nội nhận xét về cuộc thi.

Cũng theo Ban Chủ nhiệm CLB Haikư Việt – Hà Nội: “Tác giả Cao Lê Hồng Rạng có hai bài thơ xuất sắc, khi cây mạ ngẩng đầu lên trong gió may, cũng là lúc lưng cha còng xuống như bóng chiều tà. Đó là cặp đối xứng, làm bật lên ý thơ khác lạ, nói về người cha trong cảnh “gà trống nuôi con”, thật xót xa và đáng trân trọng…

Cây mạ ngẩng đầu

lưng cha còng thấp

bóng chiều

Để vượt qua nhiều khổ ải trong đời, nhiều khi chỉ cần nhìn một chiếc lá rơi, và cách nó rơi nhẹ tênh trên quyển kinh Phật, khiến lòng ta cũng theo đó mà bỏ rơi phiền não.

Lá rơi

trên kinh Phật

nhẹ tênh”.

Lâm Long Hồ


CÁC TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI TRONG CUỘC THI

 

I.GIẢI NHẤT: 1 giải

Tác giả mang mã số LTĐ141- Lương Thị Đậm (Khánh Hòa)

 

Lạc vào hư vô

nghe như Kiều khóc

bên mồ Nguyễn Du

 

II.GIẢI NHÌ: 2 giải

1/Tác giả mang mã số PPU161- Phan Phượng Uyên (Bạc Liêu)

 

Từ biệt mẹ

không lời trăn trối

hồn thiêng lưu sông núi Rào Trăng

 

2/Tác giả mang mã số CHR003- Cao Lê Hồng Rạng (An Giang)

 

Cây mạ ngửng đầu

Lưng cha còng thấp

bóng chiều

 

III.GIẢI BA: 6 giải

1/Tác giả mang mã số LTL136- Lê Thị Lựu (Khánh Hòa)

 

Kẽ nứt nền nhà

ra hoa

ngõ ngách đời

 

2/Tác giả mang mã số NVĐ130- Nguyễn Văn Đốc (Quảng Ngãi)

 

Lưng gùi con thơ

tay ôm trước ngực

hũ tro cốt chồng

 

3/Tác giả mang mã số PVK165- Phan Vũ Khánh (Hà Nội)

 

Đường Cổ Ngư

liễu rủ hồ mây

chiều vắng em nắng nghiêng ghế đá

 

4/ Tác giả mang mã số NLS006- Nguyễn Lương Sơn (TP Hồ Chí Minh)

 

Gió núi thổi triệu năm

tạc nên những hòn Vọng phu

tri ân mẹ Việt

 

5/Tác giả mang mã số LQV167- Lê Quang Vũ (Khánh Hòa)

 

Khổ đau hãy về đây

ta sẽ trả thù

bằng nụ cười độ lượng

 

6/Tác giả mang mã số NTL151- Nguyễn Tiến Liêu (Khánh Hòa)

 

Xưa ôm bộc phá

nay nâng phím đàn

gió đời mênh mang

 

IV.GIẢI TƯ: 7 giải

1/Tác giả mang mã số LĐT142- Lục Đình Thìn (Khánh Hòa)

 

Hạt cát sông quê

níu chân người

im lặng

 

2/Tác giả mang mã số NXH116- Nguyễn Xuân Hưng (TP Hồ Chí Minh)

 

Đại dịch Covid

không thể cách ly

bầu sữa mẹ

 

3/Tác giả mang mã số LDB088- Lại Duy Bến (Hà Nội)

 

Em cởi cúc áo

vầng trăng

lẻn vào đám mây

 

4/Tác giả mang mã số NHĐ143- Nguyễn Thị Hồng Đào (Khánh Hòa)

 

Mưa rơi

từng giọt chữ tung tóe

chảy dòng suy tư

 

5/Tác giả mang mã số VLH004- Vũ Lam Hiền (TP Hồ Chí Minh)

 

Ríu rít chim vàng anh

lặng im cây bàng già

giữ gìn một tình bạn

 

6/Tác giả mang mã số NPA095- Nguyễn Thị Phương Anh (Hà Nội)

 

Lũ đi

vương trên mái nhà

một chiếc tã nhỏ

 

7/Tác giả mang mã số QIP064- Quỳnh Iris de Prelle (Bỉ)

 

Em chở phố mùa thu

thế kỷ xưa

trong tà áo lụa.