Tấm lòng người nữ quân y

Để làm nên chiến thắng lịch sử qua hai cuộc kháng chiến trường kì, dân tộc Việt Nam đã chứng kiến biết bao nhiêu những người con anh hùng đã ngã xuống vĩnh viễn, những chiến sĩ, đồng bào vô danh không tiếc thân mình đánh đổi máu xương vì ước mơ, khát vọng chung lớn lao ngày ấy của dân tộc… Và giờ đây khi cuộc chiến đã đi qua, sau mấy mươi năm đất nước hòa bình, “thay da đổi thịt”, vẫn còn đó bao chiến sĩ, thương binh phải vật lộn mưu sinh mỗi ngày, với những cơn đau nhức không ngừng trên những phần thân thể bị thương tật. Vẫn còn đó những Mẹ Việt Nam Anh hùng, những cán bộ, đồng bào đã nhiệt thành, thầm lặng cống hiến, hy sinh cả tuổi xuân, hạnh phúc riêng tất cả vì hạnh phúc chung, vì nền tự do – độc lập mà cho đến tận bây giờ chúng ta vẫn chưa thể tri ân họ một cách trọn vẹn. Chính họ, những con người bình dị nhỏ bé, lại là những nhân tố vô cùng quan trọng, không thể thiếu làm nên thắng lợi chung của cả dân tộc.

Trong số những người con đã thầm lặng cống hiến cho quê hương, trong những năm kháng chiến sục sôi và khốc liệt ấy, tôi muốn nói đến cô Trần Thị Hạnh. Cô Hạnh sinh năm 1944, hiện ngụ ở ấp Hòa Phú, xã Định Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Cô chỉ là một người phụ nữ mộc mạc, hồn hậu của xứ sở này đã dành những năm tháng đẹp nhất của tuổi trẻ, của đời mình để gắn bó và cống hiến cho cách mạng. Với khát vọng giản đơn, được góp một phần nào đó cùng chiến sĩ, đồng bào mình gìn giữ từng tấc đất quê hương trước gót giầy xâm lược, trước sự bạo tàn của giặc Mỹ. Có lẽ chính vì những tấm lòng thầm lặng nơi hậu phương ấy, vì có những người phụ nữ không ngại khó, ngại khổ làm công tác hậu cần, quân y như cô mà bao người lính, chiến sĩ cách mạng nơi tiền phương mới thấy lòng vững tin, như được tiếp thêm sức mạnh đối diện với quân thù phía đầu ngọn súng…

Tuổi hai mươi làm cách mạng

Trong giây phút bồi hồi nhớ lại những ngày đầu đến với cách mạng, cô Hạnh cho biết quê mình ở xã Vĩnh Chánh, huyện Thoại Sơn, năm 1964 khi vừa tròn hai mươi tuổi cô đã được một người anh tham gia bộ đội giới thiệu đến phụ việc lớp y tá tại trạm quân y xã Mỹ Đức (khi ấy thuộc huyện Châu Thành). Tại đây, cô Hạnh vừa học vừa làm, rồi nhen nhóm tình yêu dành cho cách mạng từ lúc nào không hay biết.

Cô tâm sự.  Hồi 20 tuổi, cô làm cách mạng vì những lí do đơn giản lắm, hồi đó mình cũng không suy nghĩ gì nhiều. Chỉ biết yêu nước là cần phải làm cách mạng, chung sức đồng lòng cùng với bà con, làng xóm đánh giặc vậy thôi. Rồi cô dừng lại một chút. Đôi mắt đăm chiêu nghĩ ngợi. Suốt bảy năm cùng với anh chị em bám trụ công tác quân y ở Mỹ Đức, nhìn thấy người chiến sĩ cách mạng mình trong giây phút hy sinh, có những sự ra đi khiến người ở lại luôn bị ám ảnh, có những cái chết rất thương tâm, nhìn là rớt nước mắt, nhiều lúc cứ tưởng chừng như quá sức chịu đựng với những suy nghĩ ít nhiều còn non nớt, thơ ngây của mình ngày ấy… Rồi những lần “chạy giặc” liên tục, giặc càn núi thì bỏ núi, giặc tràn đồng thì băng đồng, cái chết sự sống mong manh – “ngàn cân treo sợi tóc”, mình mới thấy được sự ngắn ngủi, vô thường của mạng sống con người trong cuộc chiến, cái giá để có được hòa bình sao mà đắt đỏ, mới hiểu thấu đáo, tận tường ý nghĩa những việc mà mình đang làm…

Nghe cô tâm sự, tôi liền nói, hai mươi tuổi quả thật là còn quá trẻ để trải nghiệm những chuyện sinh tử như thế. Cô cười nhẹ nhàng. – Hai mươi tuổi thì có thấm gì đâu con. Ngày đó nhiều người còn trẻ hơn mình, mới mười mấy tuổi đầu đã xung kích ra quân ở chiến trường, xông pha ở khắp mọi trận tuyến. Ai cũng nói nhờ tham gia cách mạng mà cái tôi của người lính được trui rèn. Cô thấy mình sống bản lĩnh hơn trước, như được tiếp thêm nghị lực, không còn thấy chùn lòng, sợ hãi.

Rồi cô bỗng tiếp lời.  Con biết không, ngày đó có những người bạn của cô đã hy sinh lúc vẫn còn rất trẻ…

Trên quê hương, những người nằm xuống

Cô Hạnh cho biết, giai đoạn 1968 – 1969 là giai đoạn cuộc chiến trở nên tàn bạo, khốc liệt. Địch ra quân nhiều, đạn pháo trút như mưa suốt ngày đêm, đó cũng là năm quân chủ lực của ta bị tổn hao lực lượng nặng nề. Những trạm quân y thô sơ ngày ấy nơi cô Hạnh và những đồng nghiệp của mình bám trụ phải vất vả di chuyển liên tục trước những trận càn, những đợt địch ra quân, phục kích. Thiếu thức ăn, nước uống đã thành chuyện thường. Cô nói, lo nhất là khi tiếp nhận quá nhiều bệnh binh, thương binh mới mà thuốc men cứ ngày càng ít đi, không làm sao xoay sở. Lòng luôn dấy lên nỗi bất an. Nhiều lúc cấp bách, cô cùng đồng đội đã nghĩ ra bao phương kế kịp thời ứng cứu, như cắt người đi hái dừa, lấy nước dừa truyền dịch thay nước biển…

Nhìn bộ đội, chiến sĩ của ta phải chịu đựng những đau đớn vật vã, bao vết thương hoại tử dày vò, không ai mà không thấy đau lòng, nhiều trường hợp không cầm được nước mắt. Cô kể, năm đó có anh lính quân lương mang tải thức ăn cho đơn vị đang cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ trên đoạn đường cách khu vực núi Tô khoảng 4, 5 cây số thì bị địch phục kích. Anh bị thương khá nặng mà lúc ấy địch áp quân đến sát gáy, thấy chạy không kịp anh liền vùi mình xuống những bụi cỏ rậm rạp hai bên đường, hòng tìm chút hy vọng thoát thân. Địch lùng đến đâu thì trốn đến đó. Khi đồng đội quay lại tìm thì không thấy, ai cũng ngỡ là anh đã bị giặc bắt. Suốt 22 ngày đêm chui lũi vật vã, đến một ngày khi người đồng đội bắt gặp có xác người nằm bên vệ đường thoi thóp, ngỡ đã chết, vì toàn thân người ấy chỉ còn trơ ra lớp xương bọc da, đến phút ấy mới biết được anh vẫn còn sống.

Năm 1969, trong hồi ức của cô Hạnh là một năm đầy đau thương, khi mà quân chủ lực của ta hy sinh, tổn thất rất nhiều. Giặc bố ráp ngày đêm ở cánh đồng Chàm (Mỹ Đức) và những đợt pháo dội liên miên xuống Tức Dụp. Đi xuồng mà thấy thấp thoáng bóng giặc là mình phải nhận chìm xuồng, lúc nào cũng  phải cảnh giác ngụy trang phủ lá khắp người để tránh không bị địch phát hiện. Vì cứ thấy ai đáng ngờ là giặc xả súng không thương tiếc – cô nói – năm đó có anh Sáu Khánh, bác sĩ chuyên khoa mổ của trạm, trong đợt giặc càn, khi mọi người đã kịp trốn xuống công sự thì anh vẫn còn nán lại lo cho bệnh binh, loay hoay tìm cách di chuyển cho những ca bệnh nặng nên không kịp đi khi địch tràn vào, rồi anh bị địch bắn chết…

Cô Hạnh gặp chú Lâm Thanh Hiền, chồng cô, cũng trong những lần chạy chữa, chăm nom cho bệnh binh như thế. Chú Hiền sinh năm 1946, quê ở xã Vọng Thê, hai người cứ “không hẹn mà gặp” thường xuyên, vì chú liên tiếp bị thương phải vào điều trị nhiều đợt. Cảm động trước sự chăm sóc chu đáo, tận tụy của cô y tá trẻ ngày ấy mà tình cảm trong trái tim chú dành cho cô lớn dần. Thế rồi năm 1970, cô với chú trở thành “người một nhà”. Nhắc về chú, tôi thấy gương mặt cô thoáng đăm chiêu:  Ổng ra đi hồi cuối năm 1974, chỉ còn mấy tháng nữa thôi là đến ngày giải phóng…

Cô Trần Thị Hạnh

 Sống thay cho người đã khuất”

Trước khi ra về, tôi hỏi thăm sức khỏe của cô giờ thế nào, từ ngày chú mất cô phải cáng đáng mọi việc lớn nhỏ ra sao? Cô chia sẻ, sau chiến tranh sức khỏe cô yếu dần, nhiều lúc trở bệnh nặng. Năm 1977 – 1978, vì tình hình sức khỏe cô được đơn vị cho phục viên ở nhà dưỡng bệnh. Đến năm 1985 khi ổn định, cô được nhận trở lại vào làm công tác ở Văn phòng Huyện ủy. Cô thấy mình may mắn vì nhận được sự quan tâm tử tế của chính quyền, được ghi nhận cống hiến với “Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng III” và được Nhà nước trao trợ cấp, hỗ trợ mỗi tháng.

Trước sự ra đi đột ngột của chú Hiền, một mình cô còn lại với hai người con nhỏ nên cuộc sống gia đình lúc ấy luôn đầy rẫy những vất vả, khó khăn. Cô vừa làm mẹ, vừa làm cha nuôi dạy con, vừa gánh gồng mưu sinh, quên đi bao bệnh tật và tuổi tác cứ mỗi ngày đè nặng trên đôi vai nhỏ bé. Ngoài thời gian ở cơ quan, cô Hạnh còn chăn nuôi, giúp việc nhà, nhận hàng đan móc xuất khẩu để có thêm thu nhập.

Có gì đâu… Cô nói. -Thời chiến, sống chết mong manh còn vượt qua được, giờ đất nước hòa bình thì mình phải sống sao cho thật xứng đáng,trọn vẹn… Mỗi lần đuối sức cô luôn tự động viên phải cố gắng lên vì hai đứa con. Vì mình may mắn nên phải sống thật tốt, sống thay cho bao người đã khuất…

Đến đây thấy trong ánh mắt cô niềm hạnh phúc, khi nhắc đến anh Lâm Thanh Hòa, người con trai cả, hiện đảm nhiệm vai trò Phó bí thư xã Vọng Thê. Và chị Lâm Thị Tuyết Hồng, cô con gái chỉ kịp chào đời trước đúng một ngày cha mất. Chị Hồng hiện đang công tác ở Bưu điện huyện Thoại Sơn. Cả hai người con ngày ấy đều được cô miệt mài nuôi dạy thành tài. Và giờ đây, cả hai cũng đang nỗ lực không ngừng đem tài năng và trí tuệ đóng góp cho sự phát triển vươn lên của xứ sở, quê hương.

Thành Vương