“TẾT! TẾT! TẾT!… TẾT ĐẾN RỒI!”

Tết là ngày lễ quan trọng nhất đối với tất cả những người Việt, dù họ sống ở bất kỳ nơi đâu. Điều kỳ diệu là Tết đến, mọi người dường như trở nên chu đáo hơn, mong muốn những điều tốt đẹp không chỉ cho mình, mà còn cho người khác.

Tết Nguyên Đán là ngày lễ đầu tiên và quan trọng nhất trọng trong năm, mà phần lễ cũng như phần hội đều rất phong phú cả nội dung cũng như hình thức, mang một giá trị nhân văn sâu sắc và đậm đà. Việc ông cha ta xác định Tết đúng vào thời điểm kết thúc một năm cũ, mở đầu một năm mới theo âm lịch, là một chu kỳ vận hành vũ trụ, để phản ảnh tinh thần hòa điệu giữa con người với thiên nhiên. Chữ Nguyên có nghĩa là bắt đầu, chữ Đán có nghĩa là buổi ban mai, là khởi điểm của năm mới. Đồng thời, Tết cũng là dịp để gia đình, họ hàng, xóm giềng, người thân xa gần sum họp, đoàn tụ, thăm hỏi, cầu chúc nhau và tưởng nhớ tri ơn ông bà, tổ tiên.

Người Việt Nam hằng năm mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, bất cứ nơi đâu, kể cả những người xa xứ vẫn mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong ba ngày Tết, được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, nhìn lại ngôi nhà thờ, ngôi mộ, giếng nước, sân nhà, sống lại với bao kỷ niệm đầy ắp yêu thương ở nơi mình cất tiếng chào đời. “Về quê ăn Tết”, đây không phải là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành hương về nơi cội nguồn, mảnh đất chôn nhau cắt rốn. Tết xưa là những lễ hội tưng bừng kéo dài nhiều ngày, với quan niệm Tết là ăn tết, chứ không phải nghỉ Tết như ngày nay. Người ta dành những gì ngon nhất, tốt nhất như thịt heo, gà, trái cây, quần áo mới… cho những ngày Tết.

Theo quan niệm cổ truyền của người Việt Nam, ngày Tết đầu xuân là ngày đoàn tụ, đoàn viên, mối quan hệ họ hàng làng xóm được mở rộng ra, ràng buộc lẫn nhau thành đạo lý chung cho toàn xã hội, tình gia đình, tình thầy trò, tình bà con chòm xóm, bè bạn,… Tết cũng là dịp tổng kết mọi hoạt động của một năm qua, liên hoan vui mừng chờ đón một năm với hy vọng tốt lành cho cá nhân và cho cả cộng đồng. Nhưng rộn rã nhất là không khí chuẩn bị Tết của từng gia đình. Bước vào bất cứ nhà nào trong thời điểm này, cũng có thể nhận thấy ngay không khí chuẩn bị Tết nhộn nhịp và khẩn trương, từ việc mua sắm, may mặc đến việc trang trí nhà cửa, chuẩn bị bánh trà, cỗ bàn, đón tiếp người thân ở xa về… Đối với các gia đình lớn, họ hàng đông, có quan hệ xã hội rộng, đông con cháu, dâu rễ, thì công việc chuẩn bị phức tạp hơn. Những phong tục gắn liền với Tết cổ truyền của dân tộc đã trnên thiêng liêng, gắn bó trong tâm hồn, tình cảm của mỗi người dân Việt Nam. Những tục lệ trong dịp Tết, chiếc bánh tét, mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên, cành mai khoe sắc trong mỗi gia đình đã trở thành hình ảnh của quê hương để mỗi người Việt Nam dù sống ở nơi đâu, mỗi độ xuân về, lại bồi hồi nhớ về đất nước với bao tình cảm tha thiết. Theo tập tục, ngày 23 tháng Chạp là ngày đưa tiễn ông Táo về trời để tâu với Ngọc Hoàng việc trần gian, thì không khí Tết bắt đầu. Ngày Tết chính thức bắt đầu từ thời khắc Giao Thừa. Đây là thời điểm thiêng liêng nhất trong năm, thời điểm giao tiếp giữa năm cũ và năm mới, thời điểm con người giao hòa với thiên nhiên, tổ tiên trở về sum họp với con cháu. Cúng Giao Thừa xong cả nhà quây quần bên mâm cỗ đã chuẩn bị sẵn, uống ly rượu đầu tiên của năm mới, con cái chúc thọ ông bà cha mẹ, người lớn lì xì cho trẻ nhỏ, tiền quà mừng tuổi đựng trong bao giấy đỏ. Sau Giao Thừa người nào từ ngoài đường bước vào nhà đầu tiên là người xông đất, là người tốt vía thì cả năm sẽ ăn nên làm ra, gặp nhiều may mắn, vì vậy người xông nhà thường được chọn trong số những người bạn thân.

Sau xông đất, sáng mùng một Tết là đi lễ Tết ông bà, cha mẹ. Con cháu quy tụ thường ở nhà con trưởng hay từ đường, chúc thọ ông bà, cha mẹ và được mừng tiền lì xì. Đây cũng là dịp để ông bà cha mẹ huấn thị, răn bảo con cháu về đạo đức, cách sống, tình người. Sau đó là mâm cơm cúng gia tiên, thường thì có bánh tét, thịt kho, bánh mứt. Sau đó mọi người trong gia đình dòng họ đi thăm hỏi nhau từ người trưởng sang người thứ và cũng lì xì ăn uống chúc tụng nhau.

Không khí ngày Tết bây giờ, không còn thấy cảnh các bà các chị tất bật những ngày giáp Tết, nào là lá chuối, nào là ngâm nếp, hay đậu đậu xanh, cảnh trẻ con mặt mũi háo hức ngồi xem bố mẹ gói bánh tét, cảnh già trẻ lớn bé ngồi trông nồi bánh tét qua đêm, ngoài trời sương lạnh, buốt giá không tả được không khí ấm nồng quanh bếp lửa hồng.

Một số phong tục khác tuy không còn đậm nét, nhưng cũng đang dần quay trở lại như: mua và xin câu đối trước Tết. Nhiều người, đặc biệt là giới trẻ khi đi chợ Tết cũng ý thức mua 1 câu đối hay một vài chữ Nho mang ý nghĩa cầu an, cầu tài lộc cho năm mới. Mâm ngũ quả và bàn thờ gia tiên được bày biện cầu kì đầy đủ vật lễ. Người bày mâm thường mua đủ năm loại quả và trình bày sao cho đẹp mắt và có ý cầu mong cho sự sung túc của gia đình. Trong mỗi nhà đều có một cành mai đối với người miền Nam hoặc một cành đào với người miền Bắc, nhưng người ta thường nhắc đến giá trị trang trí, làm đẹp của nó hơn là ý nghĩa dùng cái đẹp để xua đuổi cái xấu như trong truyền thuyết. Tục đưa ông Táo cũng không còn được thực hiện theo đúng cách thức như trước, mà đơn giản nhiều hơn. Có lẽ ngày nay ông Táo không còn bị hung khói bếp vì hầu như đa số các gia đình đều dùng bếp ga, bếp điện. Tục chúc Tết cũng được biến hóa qua những hình thức khác. Do điều kiện sống, điều kiện công tác, không phải Tết nào, các thành viên trong gia đình cũng có điều kiện sum họp đông đủ. Theo đó, nghi lễ chúc Tết cũng không được thực hiện theo tuần tự các bước như: Mùng Một Tết cha, mùng Hai Tết mẹ, mùng Ba Tết thầy. Thay vào đó, là những lời chúc bằng điện thọai, email, tin nhắn, facebook, zalo…

Như một quy luật, những phong tục tập quán truyền thống có thể được thực hiện và phát huy theo những cách khác nhau cho phù hợp với sự phát triển của đời sống xã hội, của từng thời kỳ. Nhưng thiết nghĩ, những giá trị nhân văn căn bản được ông cha ta gửi gắm trong những phong tục ấy từ bao đời nay vẫn là những viên ngọc quý, cần phải được nâng niu, giữ gìn và truyền lại cho những thế hệ sau những giá trị thiêng liêng mang đậm cốt cách, văn hóa và tinh thần người Việt.

VÕ QUỐC TUẤN