Thơ Long Hồ, khoảnh khắc tĩnh và động

Một bài thơ haiku hay thì như một tia chớp, nó lóe sáng trong một sát na, thế mà qua đó ta nhìn thấy một bầu trời u huyền diệu vợi. Nhìn thấy, nghe thấy… rồi quán thấy. Có cái gì đó như bừng ngộ.

Thơ haiku hiện đại thì tự do, không cần giữ gìn hình thức truyền thống nhưng tinh thần tia chớp ấy lại có vẻ như được chú tâm hơn, như có thể thấy trong thơ Santôka:

Tiếng ấy… mưa thu à?
(oto wa shigure ka)

Toàn văn bài haiku trong tiếng Nhật của Santôka chỉ có bảy âm và dịch ra tiếng Việt chỉ cần năm chữ (cũng là năm âm!).

Khi đọc tập thơ haiku Lâm Long Hồ gởi đến tôi, có thể thấy ngay cái tự do ấy. Xếp bài thơ haiku trong tiếng Việt theo ba dòng chỉ là thói quen. Hoàn toàn có thể xếp thành một dòng:

Ve hát
bên
xác mình

Ta sẽ có haiku một dòng:

Ve hát bên xác mình

Xứng đáng là thứ thơ một dòng đầy ám ảnh, Long Hồ ơi! Ai có thể hát vang bên xác mình như con ve ấy nhỉ?

Có lần, ngồi dưới gốc cây xoan ở một vùng quê Hội An, một xác ve rỗng đã rơi xuống mình tôi và tôi nghe tiếng ve rền vang. Thơ Long Hồ đưa tôi về lại khoảnh khắc tinh khôi ấy.

Hãy đọc tiếp:

Mây bay
qua
rồng đá

Và xếp lại một dòng:

Mây bay qua rồng đá

Ở đây, không phải là rồng bay qua mây mà ngược lại. Vì bầu trời của rồng đá nào phải là không gian. Đó là bầu trời của thời gian. Thời gian lướt mây quanh thân rồng đá và để lại đời những ngấn tích của chuyến bay trường kỳ bất động!

Và bài này nữa:

Xác hoa
nở đầy
trên bóng cây

Cũng thế:

Xác hoa nở đầy trên bóng cây

Có lẽ liên kết những gì tĩnh (xác hoa, xác ve, rồng đá…) và động (nở, bay, hát…) là sở trường của Long Hồ, làm nên những khoảnh khắc thơ haiku độc đáo bay bổng của anh.

Nhật Chiêu