Tổng kết Cuộc thi Sáng tác bài ca vọng cổ Khu vực ĐBSCL lần V năm 2021

Ngày 11/01/2022, tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Long An (Đơn vị đăng cai) tổ chức Tổng kết và trao giải Cuộc thi sáng tác bài ca Vọng cổ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ V/2021.

Cuộc thi bắt đầu nhận tác phẩm dự thi từ ngày 21/5/2021 đến hết ngày 30/9/2021, qua hơn 04 tháng phát động trong toàn khu vực ĐBSCL cuộc thi đã nhận được 392 tác phẩm của 171 tác giả đang sinh sống và làm việc tại tất cả 13 tỉnh, thành trong khu vực. Đây là số lượng tác giả cũng như tác phẩm tham gia đông đảo nhất so với các cuộc thi trước. Điều nầy cũng cho thấy sức hút của bài ca vọng cổ vẫn còn rất mạnh mẽ đối với những người cầm bút. Có những tác giả chỉ chuyên sáng tác thể loại này trong suốt quá trình hoạt động nghệ thuật của mình, nhưng cũng có những tác giả chỉ làm một cuộc dạo chơi, một lần thử sức với bài ca vọng cổ khi sở trường của mình là ở những thể loại khác.

Ban Tổ chức tặng hoa cho các Hội liên kết trong khu vực ĐBSCL

392 tác phẩm dự thi với văn phong và cách thể hiện khác nhau, nhưng tất cả đã thể hiện những nét chấm phá của vùng đất được vun bồi bởi những hạt phù sa của dòng Cửu Long huyền thoại. Từ những núi non, sông rạch; từ những vườn cây, đồng ruộng; từ những di tích, thắng cảnh; từ những công trình của của con người và của thiên nhiên; từ những chiến tích lẫy lừng đến những thành quả trong lao động dựng xây, cả những điều rất thật, rất nghĩa tình khi mà đại dịch Covid-19 xuất hiện khắp mọi nơi… tất cả đã khắc họa nên chân dung của những con người và vùng đất Tây Nam Bộ thật hào hùng và kiên cường. Ngoài ra còn một số tác phẩm đã khai thác chủ đề ca ngợi Đảng, ca ngợi công ơn vĩ đại của Bác Hồ kính yêu.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức, về nội dung thì hầu hết các tác phẩm dự thi đều đáp ứng được yêu cầu của cuộc thi đề ra, đó là ca ngợi đất và người ĐBSCL thông qua truyền thống đoàn kết, kiên cường bất khuất trong kháng chiến, các thành tựu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cùng các đặc trưng về phong cảnh, văn hóa, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng…. Các tác phẩm thể hiện sự đa dạng, phong phú, nhiều địa danh, nhiều cốt chuyện, sự kiện đã làm cho nội dung tác phẩm càng thêm sinh động và hấp dẫn. Mỗi tác giả đều có phong cách và lối hành văn khác nhau, nhưng đa số cấu trúc bài chặt chẽ, về mặt nội dung, ý tứ, vần điệu suông sẻ, dễ nghe, dễ hát, hạn chế được phần nào câu cụt, câu què, văn chương thô thiển. Các tác giả đã sử dụng nhiều điệu lý, bài bản nhỏ của âm nhạc cải lương. Đặc biệt có cả những bài bản nằm trong hệ thống 20 bài bản tổ trong kho tàng âm nhạc đờn ca tài tử, cải lương như Phụng hoàng, Văn Thiên Tường, Nam ai, Nam xuân… đã làm cho bài ca vọng cổ thêm độc đáo. Nhiều tác phẩm có lời ca trau chuốt, vần điệu như một bài thơ có niêm luật chỉnh chu.

Ban Tổ chức trao 2 giải Ba cho 2 tác giả ở An Giang

Ban tổ chức đã trao giải nhất cho tác phẩm “Cung đàn chiều Tân Hưng” của tác giả Minh Tuấn (Đồng Tháp). Đơn vị An Giang, tác giả Trần Kim Hằng và tác giả Lê Thị Ngọc Anh, đoạt giải III. Tác giả Quang Chính, đoạt giải khuyến khích của cuộc thi.

Tùng Lâm