Tri Tôn, huyện miền núi giữa đồng bằng

An Giang là tỉnh duy nhất của đồng bằng sông Cửu Long có núi giữa đồng. Đó là dãy Thất Sơn với gần 40 ngọn lớn nhỏ, người xưa chọn bảy ngọn tiêu biểu để đặt tên chữ Hán là: Thiên Cấm Sơn (núi Cấm), Phụng Hoàng Sơn (núi Cô Tô), Ngọa Long Sơn (núi Dài), Anh Vũ Sơn (núi Kéc), Liên Hoa Sơn (núi Tượng), Ngũ Hồ Sơn (núi Dài Năm Giếng), Thủy Đài Sơn (núi Nước). Núi mọc giữa đồng bằng mênh mông bát ngát nên nổi bật và quí hiếm. Thời khẩn hoang rừng rậm thâm u dãy núi nầy rất bí ẩn đối với lưu dân. Nhiều truyền thuyết, huyền thoại kể về sự huyền bí và mầu nhiệm vẫn còn truyền tụng trong dân gian đến ngày nay.

Tỉnh An Giang có địa hình độc đáo ở vùng biên thùy Tây nam với hai huyện miền núi và bốn huyện, thị cù lao là An Phú, Tân Châu, Phú Tân, Chợ Mới; còn lại năm huyện, thành phố đồng bằng là Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú, Châu Đốc và Long Xuyên. Hai huyện miền núi là Tịnh Biên và Tri Tôn với dãy Thất Sơn trải dài. Huyện Tri Tôn có bốn trong bảy ngọn là: Cô Tô (cao 614 mét), núi Dài (cao 554 mét, còn gọi là núi Dài Văn Liên hay núi Dài Lớn để phân biệt với núi Dài Năm Giếng tức núi Dài Nhỏ), núi Tượng (cao 145 mét), núi Nước (cao 54 mét) và một số núi lớn nhỏ khác như Nam Qui (cao 213 mét), Tà Lọt (cao 69 mét), Sà Lon (cao 102 mét), Tà Pạ (cao 102 mét)… Bốn ngọn Thất Sơn trên đất Tri Tôn đều gắn với những di tích lịch sử, tôn giáo và ngày nay, khi du lịch phát triển, đây là những địa diểm thăm viếng hấp dẫn, thú vị.

Mặc dù Tri Tôn là thị trấn miền núi, người ta thường liên tưởng đến một không gian khô cằn và cát bụi, nhưng cuộc sống nơi đây khá sôi động với những sinh hoạt văn hóa, tâm linh, lịch sử phong phú của ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer. Người Khmer chiếm khoảng 35{fb72bbfdc4a578d027b556b83290df3d4a0d2dba3541c6c431f41d65a7fb72a4} với tín ngưỡng Phật giáo Nam tông tập trung đời sống tinh thần vào chùa, nhất là những ngày tết, lễ. Có nhiều ngả đường vào huyện Tri Tôn như từ thành phố Long Xuyên, tỉnh lỵ của An Giang, đi hướng Châu Đốc nhưng đến lộ tẻ rẽ trái về thẳng tới huyện khoảng 52 cây số. Hai là từ thành phố Châu Đốc đi qua huyện Tịnh Biên quẹo trở xuống Tri Tôn, dài hơn 40 cây số. Ba là từ Long Xuyên vào Thoại Sơn qua Óc Eo, Ba Thê rồi vòng về Tri Tôn, dài hơn 60 cây số. Bốn là từ thành phố Rạch Giá hoặc thị xã Hà Tiên của tỉnh Kiên Giang theo đường kinh Tám Ngàn về Tri Tôn. Năm là từ thị trấn Tịnh Biên đi qua Ba Xoài, An Cư về Ba Chúc hoặc cặp bờ kinh Vĩnh Tế qua An Nông, Lạc Quới xuống Ba Chúc; từ Ba Chúc cặp theo núi Dài qua Lương Phi về huyện lỵ. Sáu là từ huyện Châu Phú theo đường kinh Xáng Vịnh Tre qua các xã Vĩnh Thạnh Trung, Thạnh Mỹ Tây, Đào Hữu Cảnh (của Châu Phú) và Tân Lập, Tà Đãnh (của Tri Tôn) đến thị trấn Tri Tôn…

Trước ngày hòa bình 1975, Tri Tôn bị ảnh hưởng chiến tranh rất nặng nề. Thị trấn tiêu điều, sinh hoạt thưa vắng. Các con đường vào huyện (ngày xưa gọi là quận) hư hỏng nặng, có nơi tắt nghẽn giao thông vì giao tranh. Nhiều cuộc chiến đấu ác liệt để lại những dấu ấn trong lịch sử bảo vệ và phát triển địa phương. Từ thời mở cõi, dưới sự cai quản của chúa Nguyễn, bọn khuấy nhiễu biên giới, giặc Xiêm La, Chân Lạp cũng thường hay tràn sang cướp phá.

Vào thế kỉ 17, vùng đất biên thùy Tây nam đã có người khai khẩn. Hà Tiên với đoàn người phản Thanh phục Minh do Mạc Thái Công cầm đầu đã chọn nơi đây làm quê hương thứ hai. Cặp bờ sông Cửu Long, mặc dù còn hoang vu nê địa, rừng sâu nước độc nhưng nhờ phù sa màu mỡ, nhiều loại cây trái sớm thích nghi khi đất được phát quang, rỏ phèn. Trên đồng trồng được lúa, dưới sông tôm cá nhiều vô số, thấy đất nầy sống được nên lưu dân kéo đến ngày càng đông. Tuy nhiên, vùng Thất Sơn với những ngọn núi thâm u, rừng rậm bao quanh, thú dữ dẫy đầy, lưu dân vẫn chưa dám bén mảng tới.

Đầu thế kỉ 19 mới có người đến vùng núi non nầy nhưng rất ít. Dù đây là vùng cao, tránh được cảnh lụt lội nhưng đất khô cằn, khó khai phá, có khi bị sơn lam chướng khí hoặc thú dữ quật ngã. Bấy giờ vùng Tri Tôn thuộc Trấn Tây thành, đến năm 1832 triều Nguyễn bỏ trấn thành lập tỉnh, Nam kỳ có sáu tỉnh là An Giang, Hà Tiên, Vĩnh Long, Định Tường, Biên Hòa, Phiên An (năm sau đổi thành Gia Định), Tri Tôn thuộc Hà Tiên. Từ năm 1839, Tri Tôn thuộc huyện Hà Dương, phủ Tĩnh Biên, tỉnh Hà Tiên. Năm 1842, phủ Tĩnh Biên tách khỏi Hà Tiên nhập về An Giang và Tri Tôn thuộc về An Giang (hoặc Châu Đốc khi tách tỉnh) cho đến bây giờ. Năm 1850, bỏ phủ Tĩnh Biên, Tri Tôn thuộc huyện Hà Dương, phủ Tuy Biên của tỉnh An Giang. Tuy Biên có nghĩa là vùng biên thùy yên tĩnh, bấy giờ đặt lỵ sở tại Châu Đốc. Năm 1876 Pháp bỏ tỉnh chia thành khu vực, dưới khu vực là hạt tham biện, An Giang có năm hạt, Tri Tôn thuộc hạt Châu Đốc của khu vực Bassac. Năm 1889 bỏ hạt lập tỉnh (phủ, huyện đổi là tỉnh, quận), quận Tri Tôn thuộc tỉnh Châu Đốc với bốn tổng là Thành Ý, Thành Tâm, Thành Lễ, Thành Ngãi và có 26 xã. Năm 1956 chính quyền Ngô Đình Diệm ra sắc lịnh sáp nhập hai tỉnh Châu Đốc, An Giang thành tỉnh An Giang và quận Tri Tôn thuộc An Giang. Năm 1964 An Giang tách trở lại làm hai tỉnh và Tri Tôn là một trong 5 quận của Châu Đốc với 12 xã là An Cư, An Hảo, An Lạc, An Tức, Cô Tô, Ô Lâm, Tri Tôn, Tú Tề, Lê Trì, Lương Phi, Văn Giáo, Vĩnh Trung với tổng diện tích trên 600 kí-lô-mét vuông và hơn 72 ngàn dân.

Sau ngày hòa bình 1975 thống nhất đất nước, chính quyền mới cho nhập hai tỉnh Châu Đốc, An Giang thành tỉnh An Giang, từ đó Tri Tôn thuộc An Giang đến ngày nay. Ngày 11 tháng 3 năm 1977 Tri Tôn nhập với Tịnh Biên thành huyện Bảy Núi, nhưng đến ngày 23 tháng 8 năm 1979 Bảy Núi chia đôi trở lại thành Tri Tôn và Tịnh Biên. Tri Tôn lúc nầy có một thị trấn, 13 xã và hiện nay Tri Tôn có 2 thị trấn là Tri Tôn và Ba Chúc, 13 xã là Châu Lăng, Lê Trì, Vĩnh Phước, Vĩnh Gia, Lạc Quới, Lương Phi, Cô Tô, Núi Tô, Ô Lâm, An Tức, Tà Đảnh, Tân Tuyến và Lương An Trà; trong đó có 2 xã giáp biên là Lạc Quới, Vĩnh Gia. Trước 1975, các xã ven biên Lạc Quới, Vĩnh Gia và Vĩnh Điều (nay thuộc Hà Tiên) là của quận Tịnh Biên nên Tri Tôn là quận nội địa.

Tuy là huyện miền núi, nhưng do nằm giữa đồng bằng sông nước nên ngoài núi Tri Tôn còn có nhiều sông ngòi, kinh rạch chảy qua như Tám Ngàn, Vĩnh Tế, Huệ Đức, Vĩnh Thành, Mặc Cần Dưng, Lình Quỳnh, Tân Vọng, Cà Na, Phú Tuyến, Tri Tôn, Ranh Tây, Mới, Năm Xã, Ninh Phước, Tuần Thống, Tân Tuyến và các con kinh mang số 10, 11, 12, 13, T4, T5, T6… Là vùng đất kinh rạch xen núi đồi nên đất ruộng vườn ở trên cao gọi là sơn điền, cho ra những loại gạo (thường gọi chung là lúa sóc), hoa quả rất thơm ngon. Xoài, mít, mãng cầu, su su, hạt điều, măng tre… nổi tiếng ở Tri Tôn và Tịnh Biên. Rừng ở Thất Sơn có nhiều cây cổ thụ, gỗ quí như giáng hương, căm xe, cà chấc, sao đen, sao đá, gõ mật, huỳnh đàn, sến, tóc, huỷnh, dầu con rái, kiền kiền, bằng lăng, cẩm lai… Ngoài ra, còn có khoảng 400 loại dược thảo, gần cả trăm thứ rau rừng lạ, ngon và sạch.

Nếu như ngày xưa lưu dân nhìn dãy Thất Sơn ẩn hiện trong sương hay mờ ảo giữa đêm trường trăng sao hoặc rừng rậm âm u bí ẩn trong nắng mưa gió hú, thì sau nầy Thất Sơn thành trở căn cứ an toàn cho những người kháng chiến chống giặc ngoại xâm, cho bọn lục lâm thảo khấu hoặc thành phần bất hảo ẩn tránh. Và cũng là nơi lý tưởng cho các bậc chân tu cũng như những mối đạo truyền bá tôn chỉ cho tín đồ. Những ngọn núi hiểm trở càng tăng thêm sự linh thiêng, huyền bí nên cũng không ít người lợi dụng tạo dựng những am động kỳ quái tuyên truyền mê tín dị đoan, chữa bệnh phản khoa học, tổ chức bói toán, đồng bóng lừa người nhẹ dạ. Trong lãnh địa Tri Tôn có hai căn cứ quan trọng của Tỉnh ủy An Giang trên hai ngọn núi lớn, kiên cường bám đất lãnh đạo quân dân chống giặc trong nửa đầu thập niên 1970. Một ngọn núi là chứng nhân tội ác của quân Khmer đỏ xâm chiếm nước ta và tàn sát dân lành một cách dã man như thời cổ đại. Dù phải chịu nhiều mất mát đau thương nhưng ba địa điểm trên được địa phương gìn giữ như một chứng tích và đều được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngày nay, khách hành hương, du lịch đến thăm viếng, chiêm bái các di tích nầy rất đông để hiểu thêm về một thời chiến tranh khói lửa của đất nước và chia sẻ những niềm vui nỗi buồn của bao thế hệ từ ngày mở cõi cho đến những cuộc chiến đấu đầy xương máu với giặc Xiêm, Chân Lạp, thực dân Pháp, Mỹ và bọn thú tính Pôn-pốt, Iêng-xa-ry để bảo toàn biên cương cho chúng ta được an cư lạc nghiệp trên mảnh đất từ hoang vu thuở nào nay trở thành màu mỡ, phì nhiêu.

Cô Tô là ngọn núi cao thứ hai của dãy Thất Sơn, chỉ đứng sau núi Cấm ở huyện Tịnh Biên, có hồ Soài So rất đẹp dưới chân núi trữ nước từ suối Vàng chảy xuống, là một thắng cảnh đang được khai thác du lịch. Nếu Cô Tô là con chim phụng (Phụng Hoàng Sơn) thì cái đầu là đồi Tức Dụp. Một ngọn đồi chỉ cao khoảng 300 mét nhưng có trị giá bom đạn Mỹ đổ xuống tới 2 triệu đô-la trong chiến tranh. Người Khmer gọi Tức Dụp là Tức Chup. Tức là nước, chup là triền miên. Có lẽ ngày xưa trên đồi có dòng suối chảy quanh năm nên mới có tên này.

Tức Dụp là một ngọn đồi nhỏ nhưng địa hình hiểm trở với nhiều tảng đá dựng cheo leo, tạo thành những lò-ảng (hang trong lòng núi) ăn luồng nhau như tổ ong. Nhờ đặc điểm ưu việt này, cộng với tinh thần dũng cảm và mưu trí của quân dân An Giang, Tức Dụp đã trở thành căn cứ kháng chiến lừng lẫy, nổi tiếng thế giới. Một trăm hai mươi tám ngày đêm làm bó tay quân giặc với đầy đủ lực lượng: máy bay, pháo binh, thiết giáp, bộ binh đông như kiến cỏ ùn ùn bao vây, nhưng đều bị đánh bạt.

Tức Dụp là căn cứ an toàn của các đơn vị tỉnh An Giang và huyện Tri Tôn lãnh đạo cuộc kháng chiến, góp phần vào đại thắng mùa xuân thống nhất đất nước. Quân địch đã sử dụng những vũ khí tối tân nhất: Pháo đài bay B52, bom napal, xăng đặc, rốc-kết, pháo đủ loại và những đơn vị tác chiến thiện nghệ nhất để bao vây và tiêu diệt đồi Tức Dụp, nhưng không thể xuyên thủng được tuyến phòng ngự kiên cố từ các lò-ảng cheo leo. Dù ngọn đồi phải trọc đầu vì gánh chịu hàng ngàn tấn bom đạn, hủy diệt cả cây xanh, mầm sống, chỉ còn lại trái tim yêu nước nồng nàn của những chiến sĩ để hun đúc sức chiến đấu bền bỉ và mãnh liệt. Mặc dù bị bao vây trùng điệp nhưng trên đồi còn ngọn cờ Cách mạng là người dân còn vững niềm tin và tìm mọi cách để tiếp tế.

Hòa bình, đồi Tức Dụp bắt đầu trở lại màu xanh cây lá và được nhiều đoàn khách trong, ngoài nước đến thăm viếng. Những năm gần đây, với quang cảnh hữu tình, nằm bên cạnh ngọn núi Cô Tô cao xanh vời vợi dưới trời mây trắng, Tức Dụp lại đón khách du lịch lũ lượt kéo về chiêm ngưỡng chiến tích, hít thở không khí trong lành, dạo cảnh núi non hùng vĩ… Ngành du lịch địa phương đã xây dựng một chiếc cầu đi vòng lên đồi, du khách không còn phải leo trèo trên các gộp đá như ngày xưa nữa mà có thể thong dong đi tham quan các di tích như hang C.6, hang Quân y, hang Thanh niên, hội trường Tỉnh ủy… Trong các lò-ảng đã được tái tạo hình ảnh sinh hoạt, chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ qua những bức tượng sinh động. Đường lên xuống hang đã bắc thang, lót vạt bằng phẳng, giúp người tham quan đi lại dễ dàng và an toàn.

Núi Dài đúng như tên của nó, dài nhất trong dãy Thất Sơn với chu vi trên 20 cây số, nằm dài trên hai xã Lương Phi và Lê Trì nên còn có tên Ngọa Long Sơn, giống như con rồng nằm. Trên núi Dài có hai địa danh nổi tiếng trong chiến tranh là căn cứ Ô Tà Sóc và hang Ma Thiên Lãnh.

Ô Tà Sóc là tiếng Khmer, nghĩa tiếng Việt ô là suối, tà là ông, có nghĩa là suối Ông Sóc. Nơi đây địa hình hiểm trở, hang động luồng lách khó dò, cây rừng dây leo chằng chịt, nên Tỉnh uỷ An Giang chọn làm căn cứ kháng chiến từ năm 1962 đến 1967.

Từ lộ vào đến chân núi khoảng 2 cây số rưỡi, qua những vườn cây ăn trái và rừng tầm vong rất đẹp. Theo lối mòn lên núi, đi trong bóng râm của những tàn cây, bên cạnh là dòng suối chảy róc rách, trên đầu là tiếng chim hót, ai không cảm thấy tâm hồn sảng khoái. Nơi đây bao năm hứng chịu đạn bom tàn phá, nay cây lành trái ngọt xum xuê, đón những bước chân du khách về thăm với một chút trữ tình, lãng mạn nhưng không quên những con người bám núi giữ làng, chịu đựng gian khổ và sẵn sàng hi sinh để có những ngày bình yên hôm nay. Huyện đang có kế hoạch xây dựng quảng trường dưới chân núi, chỗ bức phù điêu kỉ niệm di tích, với nhiều hạng mục ý nghĩa, hấp dẫn phục vụ du khách đến thăm viếng.

Từ Bụng Ông Địa, điểm giao nhận của giao liên, sang Ô Vàng, căn cứ của Ban An ninh binh vận, Ban Tuyên huấn, đài Minh ngữ; đến hang Taylor của Ban chỉ huy Quân sự tỉnh, lên điện Trời Gầm, cơ quan Tỉnh uỷ, đều có lối mòn nối liền nhau trong vòng bán kính 3 kí-lô-mét. Có rất nhiều hang động ở Ô Tà Sóc như hang Phụ nữ, hang Dân y, hang Hậu cần… Những khối đá chồng chất lên nhau tạo thành những hang sâu kỳ vĩ, che chắn cho con người dưới bom pháo giặc, bây giờ đang mời gọi những bước chân khám phá cùng với những câu chuyện thần kỳ như huyền thoại.

Cách Ô Tà Sóc một kí-lô-mét là đồi Ma Thiên Lãnh, cao khoảng 80 mét. Nơi đây có một hang sâu mà năm 1969, máy bay giặc đánh bom làm khối đá lớn rơi lấp miệng hang, bảy chiến sĩ thuộc tiểu đội tiền tiêu của Đoàn 61 chủ lực miền bị kẹt trong đó không thể nào thoát ra được. Đồng đội bên ngoài phải nuôi sống các anh bằng cách đổ cháo, sữa vào ống lồ ồ đục mắt thọc vào hang. Một thời gian bị kiệt quệ các anh phải hi sinh rất thương tâm. Ba mươi tám năm sau, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang đã cho phá cửa hang để tìm hài cốt các anh mang về an táng và dựng bia tưởng niệm.

Núi Tượng nằm kề thị trấn Ba Chúc, như tấm lá chắn phía tây. Núi cao 145 mét, chu vi gần 4 ngàn mét. Từ xa trông núi có hình con voi phục, trên sườn núi có một vồ đá nhô ra giống như đầu con voi, nên dân gian gọi là núi Tượng. Trên núi có nhiều cây ăn trái như xoài, mít, ổi, vú sữa… và rừng tầm vông, rừng tre lấy măng; nhiều đồi, vồ, hang như đồi Ba Khoanh, vồ Đá Dựng, vồ Cao (Đảnh Thượng), vồ Giếng Tiên, vồ Cây Da, vồ Phụng Hoàng San, hang Tám Ất, hang Ba Lê, hang Cây Da… Trong chiến tranh biên giới Tây nam, khi quân Pôn-pốt tràn vào Ba Chúc, nhiều người dân chạy không kịp đã kéo nhau lên núi ẩn trốn ở các hang nầy. Bọn giặc dẫn chó săn đi lùng sục và tàn sát hầu hết dân lành, trong các hang xác người chồng chất, nồng nặc mùi tử khí.

Đường lên núi có ba cấp, thấp nhất là Cung Đường, chặng giữa là Phụng Hoàng San và cao nhất là Đảnh Thượng. Núi Tượng ngày xưa rất hoang vắng. Năm 1876, Bổn sư Ngô Lợi dẫn tín đồ đến đây khai phá lập nên làng An Định dưới chân núi và khai sáng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa phát triển đến ngày nay.

Phía tây núi Tượng có cây cầu sắt bắt qua kinh trên đường từ Ba Chúc ra Lạc Quới, đó là cầu sắt Vĩnh Thông, nơi diễn ra trận đánh khét tiếng đi vào lịch sử, thơ ca. Tháng 6 năm 1949, quân Pháp đưa binh đoàn Âu Phi do tướng Ny-ô chỉ huy đến xã Lạc Quới đóng chốt và tiến hành xây đồn Vĩnh Thông, nhằm tạo căn cứ vững chắc để đánh chiếm vùng Ba Chúc, núi Dài. Quân ta huy động lực lượng mở ba đợt tấn công giặc vào ba đêm 24 và 26 tháng 6, 27 tháng 7, tiêu diệt trên 300 tên, bắt sống một số tên và tịch thu hàng trăm súng các loại. Trận đánh làm cho giặc Pháp khiếp vía và dân gian có câu ca dao rằng: Bao phen quạ nói với diều. Vĩnh Thông cầu sắt có nhiều xác Tây. Ca ngợi trận đánh oanh liệt nầy còn có hai bài hát nổi tiếng trong thời kỳ kháng chiến là Câu hát Vĩnh Thông của Quách Vũ và Vĩnh Thông bất diệt của Hiếu Nam.

Ngọn núi còn lại của dãy Thất Sơn tọa lạc trên đất Tri Tôn là núi Nước, núi nầy nhỏ và thấp nhất, chỉ cao 54 mét và chu vi chỉ rộng hơn 1.000 mét, nhưng vẫn được chọn vào bảy ngọn tiêu biểu, có phải vì vị trí núi nằm ngay linh huyệt? Cách thị trấn Ba Chúc và núi Tượng không xa, nên núi Nước được du khách đến viếng khá đông đảo, nhất là mùa lễ hội.

Trên núi Nước hiện nay còn một ngôi chùa cổ là Linh Bửu tự, được xây dựng từ năm 1880, thời Bổn sư Ngô Lợi đến đây lập làng, khai mở đạo. Trong hai năm 2011 – 2012, chùa được xây dựng lại  khang trang và to đẹp hơn. Chánh điện thờ Phật Thích Ca và đức Bổn Sư, bốn góc thờ Thất thập nhị hiền, Thiên hoàng địa hoàng, Tứ đại trọng ân và Tiên tấn hậu tấn. Phía sau thờ Tam giáo và Quan Âm Nam Hải. Đỉnh núi có một hồ nước nhỏ và tượng con qui lớn, có cây gừa cổ thụ khoảng 100 năm tuổi, tạo thêm vẻ đẹp cho ngọn núi trông như một hòn non bộ khổng lồ trên cánh đồng mênh mông.

Kể về núi Tượng và núi Nước, không thể không nhắc tới nỗi đau của người dân Ba Chúc với cụm di tích Nhà mồ, chùa Tam Bửu và chùa Phi Lai. Nhà mồ Ba Chúc là địa điểm ghi dấu tội ác man rợ của bọn diệt chủng Pôn-pốt đã xâm lược và sát hại hàng ngàn người dân Ba Chúc. Đây là một xã miền núi, cách biên giới Việt Nam – Campuchia 7 kí-lô-mét, có nhiều đồng bào dân tộc Khmer sinh sống và là thánh địa của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa.

Trong chiến tranh biên giới Tây Nam, bọn diệt chủng Pôn-pốt đã tập trung cả sư đoàn đánh vào Ba Chúc trên 30 đợt, bắn hàng nghìn quả pháo vào các khu dân cư đông đúc. Chúng đi đến đâu là đốt phá nhà cửa, cướp bóc tài sản, hãm hiếp phụ nữ, giết người hàng loạt đến đó. Những thủ đoạn giết người man rợ hơn cả thời kỳ trung cổ được chúng thực hiện như: Người lớn chúng đập đầu bằng búa, bằng dùi; trẻ em bị xé xác làm hai ném vào lửa hoặc thảy lên trên không rơi xuống đất cho chết; riêng phụ nữ, chúng hành hạ, hãm hiếp, dùng tầm vông đâm xuyên qua cửa mình một cách dã man. Qua 11 ngày lấn chiếm (từ 18-4-1978 đến 29-4-1978), giặc đã giết hại dân lành xã Ba Chúc hơn 3.000 người.

Nhà mồ Ba Chúc là di tích căm thù bọn Pôn-pốt được xây dựng vào năm 1979 trên một khoảng đất rộng khoảng 3 ngàn mét vuông giữa hai chùa Phi Lai và Tam Bửu, cách núi Tượng 100 mét về hướng đông. Nhà mồ có hình lục giác, mỗi trụ cột đỡ mái nhà được kiến trúc hình tượng như bàn tay cầm chuôi kiếm đẫm máu đang giương thẳng lên thể hiện ý chí căm thù. Bên trong nhà mồ là một khung hộp kiếng tám cạnh, chứa đựng 1.159 bộ hài cốt gom được của những người dân vô tội bị bọn diệt chủng Pôn-pốt thảm sát. Hiện nay, nhà mồ Ba Chúc được xây dựng lại với kiến trúc hình búp sen màu trắng, bên trong là những dãy khung kiến đựng hài cốt treo trên cao, không gian rộng rải và thoáng đãng. Hằng năm, vào ngày 16 tháng 3 âm lịch, kỉ niệm giặc thảm sát làng Ba Chúc, nhân dân tập trung tại nhà mồ cúng tế và tổ chức giỗ hội căm thù.

Chùa Tam Bửu xây dựng năm 1882 do Bổn sư Ngô Lợi, một sĩ phu yêu nước của phong trào Cần Vương bị Pháp truy nã từ Mỹ Tho chạy về Ba Chúc, dựng chùa để che mắt địch. Chùa Tam Bửu là tổ đình của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Trong chùa, còn lưu giữ Long đình, vật gia bảo của đạo.

Vào đầu năm 1978, khi bọn Pôn-pốt đánh sang, nhân dân khắp nơi trong xã chạy vào chùa trú ẩn. Ngày 13 tháng 4 năm 1978 (rằm tháng 3 âm lịch), quân Pôn-pốt bắn pháo vào hậu liêu của chùa, làm một mảng tường hư sụp, đồng bào vào trú ẩn tại đây vừa bị thương, vừa bị tường đè, tiếng kêu la thảm thiết, máu loang đầy nền chùa làm 20 người bị thương, 40 người chết. Người chết, người bị thương nằm chồng chất lên nhau. Đến ngày 20 tháng 4 năm 1978, bọn Pôn-pốt tràn vào chùa lần thứ hai, chúng bắt hơn 700 người đem ra khỏi chùa cướp hết đồ đạc rồi phân ra nam, nữ. Nam đưa về hướng cánh đồng Lạc Quới, nữ về hướng kinh Năm Xã, còn lại bốn người già yếu bệnh tật đi không nổi chúng lôi vào nhà khách bắn chết, sau đó đốt chùa. Riêng hơn 700 người bị bắt chỉ có 2 người sống sót trở về, còn bao nhiêu chúng hành hạ, hãm hiếp phụ nữ và giết hết ngoài cánh đồng gần chùa.

Chùa Phi Lai nằm đối diện chùa Tam Bửu cách núi Tượng hơn 100 mét về hướng đông, được xây dựng vào ngày 19 tháng 1 năm 1877, do tín đồ đạo Tứ Ấn Hiếu Nghĩa dựng lên. Ngày 13 tháng 4 năm 1978, bọn Pôn-pốt dùng pháo lớn bắn vào xã Vĩnh Gia, An Nông, Lạc Quới và Ba Chúc, nhân dân quanh vùng phải chạy vào chùa Phi Lai để tránh đạn pháo. Đồng bào tin vào đình, chùa, miếu, nên số người vào ẩn náu trong chùa trên 250 người.

Đến ngày 20 tháng 4 năm 1978, quân Pôn-pốt tràn vào chùa Phi Lai, chúng bắn bừa bãi vào hầm trú ẩn của nhân dân làm chết hơn 50 người, những người sống sót chạy ra ngoài cũng bị chúng sát hại, thây nằm chồng chất quanh chùa khoảng 100 người. Dưới bàn thờ Phật có 40 người ẩn trốn, chúng dùng lựu đạn ném xuống làm chết 39 người, chỉ còn một phụ nữ sống sót vì chị này ở sát trong kẹt. Hiện nay chùa còn dấu nứt sau vụ thảm sát ấy.

Mười một ngày sau, quân giặc bị đẩy lùi khỏi Ba Chúc, những người sống sót trở về tìm lại người thân với nỗi đau kinh hoàng. Trên vách tường, bên hành lang chùa còn in lại nhiều vệt máu hình bàn tay của trẻ em. Bên trong chùa có những vòng máu phún lên vách tường cao đến 4 mét, có đường máu in trên tường dài đến 7 mét. Trước chánh điện, máu và nước vàng ngập cao đến 2 tấc. Chùa Phi Lai, chùa Tam Bửu và nhà mồ Ba Chúc được Nhà nước công nhận di tích quốc gia vào năm 1980.

Từ thế kỉ thứ 10, một số người Khmer ở Chân Lạp không chịu nổi chế độ cai trị hà khắc của đế chế Angkor nên rời bỏ quê hương đi lần xuống vùng đất xa xăm, ẩm thấp, hoang vu, hẻo lánh, ngoài sự kiểm soát của triều đình. Người Khmer thích ở vùng cao nên đến dãy Thất Sơn sống quây quần quanh chân núi. Đến thế kỉ 15, Chân Lạp vì chiến tranh triền miên với quân Xiêm nên cuộc sống người dân rất đồ khổ và một đợt di cư nữa của người Khmer theo dòng Mékong xuống đồng bằng sông Cửu Long. Lần nầy ngoài nông dân còn có sư sãi, quan lại, trí thức, định cư chủ yếu ở những địa bàn có đất giồng hoặc chân núi để tránh nước ngập lụt hằng năm. Họ sống rải rác từng cụm ở Tri Tôn, Tịnh Biên và Ba Thê. Trong lúc đó, người Kinh và người Hoa ở vùng đồng bằng ngày càng đông. Vào thế kỉ 17, nhiều nông dân ở ngũ Quảng miền Trung rời quê hương sỏi đá vào Nam, đến biên thùy Tây nam họ dừng chân và sớm thích nghi với vùng rừng núi còn hoang hóa ít người khai thác. Họ tiếp xúc với người Khmer và cùng nhau chinh phục vùng rừng núi Thất Sơn hiểm trở còn nhiều thú dữ.

Đến thế kỉ 19, nhà Nguyễn cử quan binh đến chiêu mộ dân khai hoang lập ấp với những chính sách ưu đãi như miễn thuế, miễn dịch. Khi Thoại Ngọc Hầu đào xong kinh Vĩnh Tế chạy song song với biên giới và băng qua vùng Thất Sơn đã giúp cho Tịnh Biên, Tri Tôn có điều kiện thuận lợi trong công cuộc phá lâm, cải tạo đất, mở mang diện tích tăng gia sản xuất với hàng loạt kinh đào xẻ dọc giăng ngang miền đất núi. Năm 1836, hai bên bờ kinh Vĩnh Tế hình thành hàng chục thôn và lập phủ Tĩnh Biên vào năm 1839 với hai huyện Hà Dương, Hà Âm quản lý khoảng 80 xã thôn trực thuộc.

Từ năm 1876, Bổn sư Ngô Lợi và tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa ra sức khẩn hoang, phát triển vùng núi Tượng, núi Nước lập nên bốn thôn An Định, An Hòa, An Thành và An Lập (nay thuộc huyện Tri Tôn).

Hiện nay, dân số huyện Tri Tôn lên đến trên 130 ngàn người, nhưng so với diện tích của huyện rộng hơn 60 ngàn hecta thì mật độ dân cư vẫn còn thấp. Với ba dân tộc sinh sống trên địa bàn, số lượng người Hoa rất ít, chỉ khoảng 2{fb72bbfdc4a578d027b556b83290df3d4a0d2dba3541c6c431f41d65a7fb72a4}; người Kinh đông nhất, chiếm gần 64{fb72bbfdc4a578d027b556b83290df3d4a0d2dba3541c6c431f41d65a7fb72a4}; còn lại là người Khmer đứng thứ hai. Sự giao thoa văn hóa của ba dân tộc mang lại phong phú, đa dạng nhưng mỗi dân tộc vẫn giữ bản sắc riêng. Về đời sống tâm linh, đa số người Kinh và người Hoa theo Phật giáo Đại thừa, người Khmer theo Phật giáo Tiểu thừa nên cách sinh hoạt có khác nhau. Đặc điểm của Tri Tôn là có nhiều người Kinh theo các tôn giáo bản địa như Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật giáo Hòa Hảo, nhất là đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa tín đồ rất đông vì nơi đây là thánh địa. Ba mối đạo nầy có tôn chỉ giống nhau là tu tại gia và báo đáp tứ ân gồm có ơn tổ tiên cha mẹ, ơn đất nước, ơn tam bảo (Phật, pháp, tăng), ơn đồng bào nhân loại.

Người Khmer sinh hoạt lễ tết chủ yếu ở chùa, nên ngôi chùa đối với họ là niềm tin tuyệt đối, là cuộc sống tinh thần không thể thiếu. Ở Tri Tôn có 37 ngôi chùa Nam tông của người Khmer. Nhiều ngôi chùa nguy nga, đồ sộ, có kiến trúc đặc thù dân tộc sắc sảo với nhiều màu sặc sỡ rất đẹp. Một số ngôi chùa tồn tại trên 200 năm như Xvay Ton, Nót Chụm, Som Sai, Soai Ta Hon, Sđe Pưng, Xarăng Prochum Mech Chưm, Tro Peáng Trao… Riêng Xvay Ton là ngôi chùa cổ được xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1986, tọa lạc ngay khu trung tâm văn hóa huyện lỵ Tri Tôn. Tương truyền từ thuở xa xưa, vùng này còn hoang vu rậm rạp, con người sinh sống thưa thớt, trên những ngọn cây cao lớn từng đoàn khỉ chuyền cành, đôi lúc xuống chọc ghẹo, nắm kéo người qua lại. Khi người Khmer chọn nơi này để xây chùa đặt tên là Xvay Ton (xvay là khỉ, ton là kéo). Người dân địa phương gọi trại ra Xà Tón.

Chùa Xà Tón xây dựng từ lúc nào không rõ, nhưng theo các sư sãi và bô lão cho biết là chùa có trên 300 năm. Lần đầu được xây dựng bằng gỗ, lợp lá, nền đất đơn sơ. Qua một thời gian dài chùa được sửa chữa nhiều lần nhưng vẫn giữ y trên nền cũ và đến năm 1896 chùa được xây dựng kiên cố cho đến ngày nay. Cũng giống như những ngôi chùa Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, chùa Xà Tón có bố cục và kiến trúc mang nét đặc thù của người dân tộc với nóc nhọn và hai mái cong gộp lại. Trên nóc tháp chùa chính có tượng thần rắn Naga nằm dài, tượng trưng cho sự bất diệt và dũng mãnh. Mái chùa được cấu trúc hình tam cấp ngói đỏ, xanh, vàng trông đẹp mắt. Chung quanh ngôi chính điện được bao bọc bởi các tháp nhỏ dùng để hài cốt người chết đã hỏa táng. Trên đỉnh của các tháp được chạm thần Bay Yon bốn mặt (thần sáng tạo). Chính điện rất rộng, trên bục cao thờ tượng Phật bằng xi măng với dáng ngồi kiết già. Chùa có sân rộng, thoáng mát nhờ những hàng dừa và cây lâm vồ bên hông chùa. Phía trước chùa có ao lớn trồng sen và bông súng, tăng thêm vẻ đẹp của chùa.

Tại chùa Xà Tón, hàng năm có những ngày lễ thường kỳ như: Lễ Chol Chnam Thmay, tức là lễ vào năm mới, giống như ngày tết Nguyên đán của người Kinh, tổ chức vào các ngày 13, 14, 15 tháng 4 dương lịch. Lễ Pisát bôchia, là lễ nhớ ơn Phật, tổ chức vào ngày rằm tháng 4 (âm lịch). Lễ Chol-cà-sa, là lễ cấm cung sư sãi, không cho ra khỏi chùa trong 3 tháng. Lễ này bắt đầu từ ngày rằm tháng 6 đến hết ngày rằm tháng 9. Lễ Pha-chun-bênh, tức lễ Đôn-ta, còn gọi lễ ông bà (giống như lễ thanh minh). Lễ này kéo dài 3 ngày, từ 29 tháng 8 đến mùng 1 tháng 9 âm lịch. Nhân dân quanh vùng mang bánh tét, hoa quả, cơm canh đến chùa cúng để tỏ lòng biết ơn đối với người đã khuất và cầu phước lành cho bản thân cũng như gia đình… Lễ dâng y (Kà-thận), là sắm quần áo cho sư sãi, các vật dụng cần thiết cho nhà chùa hoặc trường học trong làng. Do ở tại trung tâm huyện, thị trấn Tri Tôn, nên chùa Xà Tón được nhiều khách ghé thăm viếng, chiêm bái.

Trong các dịp lễ tết hội hè của người Khmer, ca múa nhạc dân gian là bộ môn nghệ thuật độc đáo không thể thiếu và luôn tạo nên sự sinh động, hứng thú cho người tham gia. Dàn ngũ âm, các điệu múa hát dì kê, lâm thôl… đã thu hút người già cho đến thanh niên nam nữ kéo dài cuộc vui và có sự giao lưu, hòa hợp rất nhanh, rất dễ thân thiện. Nếu người Kinh An Giang có thế mạnh về đờn ca tài tử thì người Khmer vùng Bảy Núi rất đặc sắc với nghệ thuật múa hát dì kê. Diễn dì kê đòi hỏi phải đúng trang phục dân tộc: Áo mão thêu hạt cườm, đính hạt kim sa rất công phu; dây đai, dây tay, dây đeo cổ, kiềng tay, kiềng cổ hoa văn lấp lánh, sắc sảo. Mỗi bộ trang phục phải phù hợp với tuồng tích cổ Khmer mà đoàn biểu diễn. Phục vụ cho dì kê hát múa là dàn nhạc ngũ âm: Nhạc cụ dây gồm đàn Khưm Tôch, Chapây Chomriêng, Tà Khê, Truô Nguôk… ; nhạc cụ hơi gồm kèn Srolai Pinn Peat, Srolai Rôbăm; bộ gõ gồm trống Skô Samphô, Skô Đaey, đàn thuyền Rôneat Thung, cồng Kôông Vông Tôch… Tùy theo tiết mục và điều kiện dàn nhạc có thể chọn những nhạc cụ thích hợp nhưng không thể thiếu bốn loại cơ bản là trống Skô Samphô, kèn Srolai Rôbăm, đàn thuyền Rôneat Thung và cồng Kôông Vông Tôch. Người sử dụng phải giỏi nghề mới thể hiện hết những tinh hoa của nhạc cụ.

Các điệu múa dì kê tương tự như những nàng tiên nữ Apsara, kỹ thuật điêu luyện, phối hợp nhịp nhàng, uyển chuyển giữa các động tác của hông, lưng, cánh tay, bàn tay và các bước chân. Hát và nói đều có vần điệu. Bài hát trong dì kê viết lại tuồng tích cũ bằng lời mới trên nền nhạc dân gian, nhưng phải phù hợp với tình cảm và nội dung, như điệu Som Pông diễn tả cảnh vật thiên nhiên, điệu Lôm để tỏ tình, Phat Cheay thể hiện sự giận dữ, Ăng Koreah miêu tả tâm trạng biệt ly, đau khổ. Đặc biệt, bài ca Ba Sac xuất xứ từ vùng sông Hậu, sáng tác dựa trên giai điệu dân gian Khmer nhưng lời gieo vần như thể thơ tám chữ, có nội dung phù hợp với cuộc sống hiện nay.

Ở xã Ô Lâm có nghệ nhân đàn Ch’pay (Chà-pây) Châu Nưng đã trên 80 tuổi nhưng vẫn còn say mê loại hình nghệ thuật độc đáo nầy của người dân tộc Khmer Tri Tôn. Ông từng đoạt huy chương vàng trong các ngày hội văn hóa thể thao dân tộc Khmer Nam bộ và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú năm 2015. Nay tuổi đã già, sức đã yếu muốn tìm truyền nhân nhưng tuổi trẻ bây giờ ít người đam mê và chịu học loại đàn truyền thống như Ch’pay, dù đã được công nhận văn hóa phi vật thể quốc gia. May sao, gần đây Sở Văn hóa thể thao và du lịch An Giang quan tâm mở lớp dạy đàn Ch’pay tại Tri Tôn. Ông như sống lại thời tuổi trẻ hào hứng của mình, cùng người học trò trẻ là Châu Hunh hướng dẫn cho lớp học. Một điều an ủi cho ông là đứa cháu ngoại Châu Sây Som Nang cũng tỏ sự say mê theo ông học đàn và siêng năng tập luyện.

Một lễ hội độc đáo của người Khmer không thể không nhắc đến là lễ hội Đua bò Bảy Núi do hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn luân phiên tổ chức hàng năm vào dịp tết Đôn-ta của người Khmer, thường diễn ra vào tháng 10 dương lịch. Vòng chung kết cuộc đua diễn ra trong một ngày với trên 30 cặp bò của hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên; gần đây mở rộng ra tỉnh Kiên Giang và Tà Keo (Campuchia) với hơn 60 đôi bò tham dự. Vào lúc 7 giờ, sau nghi thức khai mạc cuộc đua bắt đầu một cách sôi nổi với sự cổ vũ của hàng chục ngàn khán giả. Bò đua và loại trực tiếp từng cặp đôi từ vòng loại cho đến vòng chung kết, xếp hạng. Cuộc đua kết thúc vào buổi chiều sau lễ phát giải. Huyện Tịnh Biên tổ chức tại sân chùa Thơ Mít, xã Vĩnh Trung. Huyện Tri Tôn tổ chức tại sân chùa Tà Miệt, xã Lương Phi.

Người Khmer thích dùng cà-ràng để nấu nướng và vật gia dụng làm bằng đệm bàng nên các nghề nầy cũng phát triển ở vùng đất núi. Cà-ràng và đệm bàng không chỉ tiêu thụ trong huyện mà còn đưa đi các vùng lân cận, kể cả người Kinh cũng mua dùng. Nấu đường thốt-nốt là nghề truyền thống của người Khmer nên có nhiều cơ sở sản xuất ở Tri Tôn. Bánh phồng bột nếp và bột khoai mì là đặc sản của Ba Chúc rất được du khách ưa chuộng. Đặc biệt, món cháo bò ở thị trấn Tri Tôn và Ba Chúc ngon có tiếng. Một số món ăn chế biến từ con nhong cát, dơi cơm, cua đá… cũng hấp dẫn không kém.

Cách đây một thời không xa, Tri Tôn trong hình dung mỗi người vẫn còn là vùng đất xa xăm, hẻo lánh, khô cằn với núi đá, bụi mù với cái tên Xà Tón. Các con đường về Tri Tôn rất xấu, khó đi, thấy quá xa vì phải mất nhiều thời gian di chuyển. Nhà văn Phạm Nguyên Thạch trong bút ký Trăm năm dòng nước đợi về viết năm 1998, có đoạn miêu tả về con đường vào Tri Tôn như sau: Ban nãy vào đây, tôi ngồi trên chiếc xe jeep cũ của Phòng Văn hóa thông tin huyện không khác ngồi tàu ghe đi trên biển động. Ngả nghiêng không dứt. Xe chạy được vài cây số lại hỏng máy, phải sửa cả giờ. Mỗi lần xe hư phải xuống đất để tránh chôn mình vào bụi của xe qua lại tung mù trời. Núp bên hông xe nhìn các lằn ngang dọc sâu gần cả tấc do nước mưa từ núi chảy ra cắt phá mặt đường…

Tôi tắm táp dè xẻn, luôn sợ quá đà. Người bạn đi chung với tôi vẫn còn ngồi đó bực bội với quần áo, tóc râu bạc cứng bụi… Tắm như mèo rửa mặt rồi cũng xong. Nghĩ đến người bạn tắm với vài ca nước pha cát còn lại trong khạp, tôi bâng khuâng… Xứ bụi mù mà lại thiếu nước, còn gì gian khổ hơn. Trước 1975, tôi vào Tri Tôn chơi nhằm mùa hạn, sáng thức dậy xúc miệng đánh răng rửa mặt chỉ với một ly nước nhỏ chừng ba ngụm. Người ta còn nói người xứ khác vào đây không phù hợp với khí hậu và môi trường rất dễ bị chanh nước, tức sốt rét.

Có người từ Long Xuyên đi Tri Tôn thay vì chạy đường lộ tẻ chỉ có 52 cây số nhưng phải chạy vòng lên Châu Đốc mất 54 cây số, rồi từ Châu Đốc và Nhà Bàn quẹo xuống Tri Tôn hơn 40 cây số nữa nhưng đường dễ đi hơn. Nói dễ đi chớ thực ra chỉ tốt từ Long Xuyên đến Châu Đốc, núi Sam; từ núi Sam vào Nhà Bàn đường cũng đầy ổ gà và đường xuống Tri Tôn còn loang lổ hơn nữa. Con đường nầy sửa chữa, giặm vá chỉ qua một mùa mưa, nước từ trên núi ầm ào chảy xuống tràn qua mặt lộ xói lở như cũ.

Bộ mặt Tri Tôn ngày nay hoàn toàn thay đổi. Nhiều ngả đường vào huyện tráng nhựa phẳng phiu. Con đường Nhà Bàn đi Tri Tôn được xây cống, rãnh hai bên, mùa mưa nước từ trên núi đổ xuống theo cống, rãnh thoát ra đồng, không còn tràn qua làm hư lở mặt đường. Nước sinh hoạt không còn thiếu nữa, dù bất cứ mùa nào. Địa phương đã xây đập tạo hồ tích trữ nước từ mùa mưa để sử dụng quanh năm, thậm chí còn dùng để tưới tiêu như hồ Soài So, Soài Chés, Tà Pạ, Ô Thum, Ô Tà Sóc… Hơn 90{fb72bbfdc4a578d027b556b83290df3d4a0d2dba3541c6c431f41d65a7fb72a4} hộ dân có điện sinh hoạt. Mạng lưới y tế rộng khắp các xã, thị trấn.

Hồi xưa học trò xong tiểu học muốn lên trung học phải ra Châu Đốc, bây giờ Tri Tôn có 3 trường phổ thông trung học và 15 trường trung học cơ sở. Huyện còn có trường dạy nghề và trường nội trú Dân tộc. Diện tích đất hoang hóa cũng thu hẹp dần để nông dân mở rộng sản xuất và thành lập hàng chục nông trại, trang trại, trồng cỏ trên hàng trăm hecta và phát triển chăn nuôi với đàn heo hơn 26 ngàn con, trâu bò khoảng 13 ngàn con. Tiêu biểu như trại heo Hoàng Vĩnh Gia, Việt Thắng; trại bò Thanh Khiết, SD, Nông Trại Xanh… Ngoài nông nghiệp và chăn nuôi được cơ giới hóa, qui mô trang trại, Tri Tôn còn phát động trồng cây ăn quả và cây dược liệu phù hợp với vùng đất núi. Khai thác đá cũng là một thế mạnh của huyện ở các xã Châu Lăng, Lương Phi, Cô Tô…

Với hệ thống giao thông hiện nay, Tri Tôn bây giờ là vùng đất không xa, chẳng còn là xứ Xà Tón khỉ ho cò gáy nữa. Các chiến trường xưa nay trở thành di tích, thắng cảnh đón khách du lịch đến tìm hiểu và thưởng ngoạn. Nét văn hóa đặc trưng của người dân tộc Khmer thể hiện qua sự tín ngưỡng, phong tục tập quán và nền văn nghệ dân gian lưu truyền nhiều thế hệ với các điệu đàn, hát múa truyền thống rất độc đáo và thu hút người xem. Đặc biệt, lễ hội cấp quốc gia Đua bò Bảy Núi là lễ hội rất nhân bản nhưng không kém phần hấp dẫn, hào hứng. Núi và hồ ở Tri Tôn rất đẹp, không còn là nơi sơn lam chướng khí, rừng thiêng nước độc của thời xa xưa mà hiện nay là môi trường thân thiện, đón bước chân của khách du ngoạn và người hành hương với cây rừng xanh lá, mây giăng đầu núi, ngàn hoa rực nở dưới ánh mặt trời. Và còn biết bao câu chuyện dân gian từ khi mở cõi, từ thời chinh phục núi non với nhiều huyền thoại, truyền thuyết về lịch sử, về cuộc sống tâm linh rất đa dạng và lý thú.

Tri Tôn là vùng đất núi giữa đồng bằng, một địa hình hiếm có và giàu tiềm năng, nhất là tiềm năng du lịch. Khơi dậy, khai thác đúng mức và sáng tạo, nhất là những di tích lịch sử văn hóa vật thể và phi vật thể mang tính đặc thù, huyện miền núi nầy sẽ trở nên sầm uất và trở thành điểm dừng chân lý tưởng cho gần cả chục triệu du khách đến An Giang hằng năm.

Trịnh Bửu Hoài
(Ảnh: Cao Minh Dẹt)