Tri Tôn, nơi khơi nguồn cảm hứng trong sáng tạo Mỹ thuật

Thiên nhiên, xã hội và con người có mối quan hệ gắn kết bền chặt. Con người đã không ngừng lao động và sáng tạo hướng đến mục tiêu chính là sinh tồn và phát triển. Trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, qua thời gian họ đã xây dựng nên các giá trị văn hóa. Người nghệ sĩ qua quá trình thích nghi với tự nhiên, giao tiếp giữa người với người và tương tác, tham gia vào các hoạt động xã hội, vô hình chung đã làm giàu thêm các giá trị tinh thần nằm sâu bên trong mỗi cá nhân. Những tinh hoa văn hóa về vật chất và tinh thần nảy sinh trong quá trình tiếp biến và tiếp xúc với tự nhiên – xã hội, được người nghệ sĩ tái cấu trúc thành các tác phẩm nghệ thuật. Góp phần làm giàu các giá trị văn hóa cộng đồng. Đồng thời, cũng là minh chứng cho lịch sử hình thành và phát triển của con người từ quá khứ cho đến hiện tại và tương lai. 

Tri Tôn là vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển 180 năm, thuộc vùng Bảy Núi huyền thoại, mang đậm dấu ấn đặc trưng của vùng địa sơn châu thổ với những khía cạnh văn hóa đặc trưng, sống động. Theo thời gian, Tri Tôn đã dần trở thành một trong những vùng đất khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho giới nghệ sĩ, trong đó có các họa sĩ trong và ngoài tỉnh…

  1. Lược sử vùng đất Tri Tôn

Tri Tôn qua nhiều lần thay đổi xác nhập và chia tách đến năm 1979 chính thức trở thành một trong các đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh An Giang. Thị trấn Bảy Núi đổi thành thị trấn Tri Tôn và được duy trì cho đến ngày nay.

Huyện được xem là một trong những điểm nhấn tạo nên nét riêng cho tỉnh An Giang so với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cử Long. Diện tích toàn huyện được xác nhận đến thời điểm 2015 là 60,023.80 ha. Bắc giáp huyện Tịnh Biên, đông bắc giáp huyện Châu Thành, đông nam giáp huyện Thoại Sơn, nam giáp huyện Hòn Đất Kiên Giang, tây nam giáp thị xã Hà Tiên tỉnh Kiên Giang, tây bắc giáp Campuchia.

Là một trong hai huyện có đông người Khmer sinh sống. Tổng dân số toàn huyện là 134,679 người phân bố thành 13 xã và 2 thị trấn. Trong số đó có 45,818 người Khmer, phần còn lại chủ yếu là người Kinh và số ít dân tộc khác. Địa hình huyện khá thuận lợi từ giao thông đường bộ đến đường thủy thông qua nhiều tuyến kênh như: kênh Mười, kênh Tri Tôn, kênh Vĩnh Tế. Với nét đặc trưng là vùng đồng bằng ven núi, chạy dài theo các con kênh, với hai cụm núi trực thuộc huyện, gồm cụm núi Dài (núi Dài, núi Tượng, núi Nước và núi Sà Lom), cụm núi Cô Tô (núi Cô Tô và núi Tà Pạ).

  1. Đặc điểm văn hóa và con người

Người dân huyện Tri Tôn có quá trình cộng cư khá lâu nên việc giao lưu văn hóa giữa các dân tộc đã tạo cho vùng đất này sự đa dạng và phong phú về đời sống văn hóa xã hội. Điểm khá đặc biệt trên vùng đất Tri Tôn chính là sự tổng hòa về văn hóa các dân tộc nhưng vẫn giữ được nét riêng của từng tộc người thể hiện qua một số đặc điểm như cách ăn, mặc, ở hay một số phong tục lễ Tết và tôn giáo.

Về ẩm thực của người dân nơi miền sông nước trong văn thơ có câu:

“Canh chua điên điển cá linh,

Ăn chỉ một mình thì chẳng biết ngon.

Cần chi cá lóc cá trê,

Thịt chuột, thịt rắn nhậu mê hơn nhiều”

Đối với người dân nơi đây bữa cơm gia đình rất được chú trọng với hai bữa cơm chính (trưa và chiều), buổi sáng và buổi tối không được xem là bữa chính. Thức ăn thường được người dân nơi đây linh hoạt tính toán dựa trên nguồn thu nhập của từng gia đình. Bàn ăn thường được chuẩn bị ít món, có món canh, xào hay luộc và một món mặn. Thực phẩm được lựa chọn chế biến theo mùa, mùa nước nổi thì có cá linh, cá trèn, khi mùa đìa nước cạn thì có cá lóc, cá trê, cá rô… Đối với người Khmer mắm là đặc sản được làm từ cá các loại trong đồng nước, kinh, rạch, ao, đìa như cá chốt, cá sặc, cá lóc… được làm sạch cho vào cà om, thạp, hũ, rỉa muối hột và rồi cài chặt, đậy nắp, sau đó một thời gian được đem ra chế biến thành nhiều loại thức ăn rất phong phú. Ngoài ra người Khmer còn có một số món ăn đặc biệt khác đó là như canh chua nấu với chuối xiêm xanh, món canh đu đủ nấu với thịt heo, món canh “xiêm lo”, món ăn chơi như bánh thốt nốt, nước thốt nốt, rượu thốt nốt chua và đường thốt nốt cũng là đặc sản của địa phương.

Một trong những nhu cầu thiết yếu của con người là ăn mặc (cách nói về trang phục của người miền tây). Trang phục có quan hệ rất mật thiết đối với các lĩnh vực văn hóa, xã hội, tôn giáo, địa lý, lịch sử. Trang phục người kinh xưa chủ yếu là áo bà ba, hiện nay các mẫu áo đã được cải tiến đẹp hơn với kiểu may hẹp, nhấn eo, ôm sát ngực, chiếc áo càng làm tôn thêm vẻ đẹp của người phụ nữ với các loại chất liệu vải đa dạng và phong phú về màu sắc và hoa văn. Càng về sau chiếc áo càng được cách tân nhiều hơn với việc thay đổi trong kỹ thuật ráp hay hình thức đa dạng từ việc biến tấu nơi cổ áo. Riêng người Khmer ngoài chiếc áo bà ba họ còn vắt thêm chiếc khăn rằn (khăn Krama). Chiếc áo dài và chiếc nón lá là nét đẹp truyền thống của người phụ nữ, thông qua kỹ thuật cắt may khéo léo của người thợ chiếc áo dài tôn nét đẹp mềm mại uyển chuyển của người phụ nữ. Ngày nay chiếc áo dài vẫn được người dân nơi đây sử dụng khá phổ biến nhất là đối với học sinh trung học và công chức nữ hay trong những dịp lễ, tết. Đối với người Khmer trang phục truyền thống của họ là loại áo bó, ngắn nhiều màu sắc. Kết hợp cùng với chiếc áo ngắn là xà rông, một tấm vải quấn quanh thân được dệt một cách tỉ mỉ với hoa văn ngang nhiều màu sắc.

Đối với người dân An Giang nói chung và người dân Tri Tôn nói riêng khái niệm “nhà” có ý nghĩa rất quan trọng. Nhà ở của người dân Tri Tôn được xem là nét văn hóa vùng sông nước. Dân cư nơi đây do phải thích nghi với điều kiện sống ban đầu chủ yếu sống tập trung ven các bờ sông, các con kênh hay rạch, những vùng đất cao hay ở các chân núi nơi có điều kiện lưu thông thuận lợi. Họ sinh sống trải dài theo các con kênh hay ven các trục giao thông chính, hình thành các làng xã theo mối quan hệ tình làng nghĩa xóm. Khuôn viên làng xã nơi đây khá khác biệt so với làng xã miền Bắc, không hình thành cổng làng hay lũy tre, bến nước đầu làng.

Không gian văn hóa tín ngưỡng tôn giáo huyện khá đặc trưng với các công trình kiến trúc Chùa, Đình, Miếu, Nhà thờ và Thánh thất cao đài. Chùa Khmer Tri Tôn  được xem một biểu tượng văn hoá  đặc sắc trong kho tàng kiến trúc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Màu tường vàng và mái ngói đỏ vút cong được phủ kính tại các công trình đây được xem là điểm nhấn đặc trưng khác biệt đối với chùa người kinh. Điểm đặc trưng thứ hai chính là phần tạo hình trang trí trên cổng, trên mái và các ngôi mộ tháp trong khuôn viên chùa tất cả đều là những tác phẩm nghệ thuật tỉ mỉ niềm tự hào của đồng bào nơi đây. Một số ngôi chù tiêu biểu như Chùa Xvayton hay còn gọi là chùa Xà Tón, chùa Tà Pạ trên đồi Tà Pạ và chùa Hàng Còng hay còn gọi là chùa Krăng Krốch… được xem như một biểu tượng văn hóa vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer nói riêng và của tỉnh An Giang nói chung.

Ngày nay, dân cư được xây dựng và quy hoạch phù hợp theo chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trên tinh thần thích ứng với điều kiện tự nhiên. Nhà được phân thành một số thể thức như:

Nhà phố (nhà đất) tập trung chủ yếu ở thị trấn Tri Tôn và thị trấn Ba Chúc là loại nhà phố. Kiến trúc xây dựng gần như tây hóa hoàn toàn và không theo một thiết kế tổng thể, có hai hình thức chính được thể hiện đó là nhà mái bằng hay nhà mái ngói, mái tôn (người dân địa phương gọi là nhà mái thái thay cho hình thức gọi mái ngói hay mái tôn). Khuôn viên nhà gần như thay đổi hoàn toàn khác với kiến trúc truyền thống trước đây, diện tích xây dựng được gia chủ tận dụng tối đa nên không có đất dành cho cây xanh. Đối với xã khu vực nông thôn phần lớn hộ gia đình còn giữ được kiến trúc xưa như: lối vào, sân, nhà, vườn xung quanh hay cổng, ao cá phía sau hay bên hông nhà… phía trước sân nhà thường là sông, kênh rạch hay đường lộ. Tùy theo điều kiện địa lý tự nhiên hay gia cảnh, môi trường mà người dân xây dựng các kiểu nhà cho phù hợp nhưng thường tập trung trên nền đất cao với nền bê tông hoặc mặt nhà trên lộ (đất) hậu nhà phía dưới mé sông trên các cọc gỗ hay đá.

Nhà sàn là loại nhà được thiết kế nhằm mục tiêu sống chung với lũ. Đây là loại kiến trúc được xây dựng phổ biến của người dân vùng lũ. Có hai hình thức nhà sàn chính, đó là nhà liền cột: loại kiến trúc nhà có khung liền cột chịu lực, đương đầu với bão, mái nhà cao và có dốc tránh trữ nước khi có mưa giông đồng thời còn có tác dụng tránh cái nắng chói chang của khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Loại nhà sàn thứ hai thường thấy hơn đó là nhà không liền cột. Cột nhà chia thành hai phần từ đất đến sàn và từ sàn đến mái với hai loại cột khác nhau. Phần cột từ đất lên đến sàn gọi là cột ngắn đỡ sàn, hay còn gọi là cột đội. Có khi bộ khung nhà kết hợp cả hai loại vừa cột liền vừa cột ngắn đỡ sàn. Phía dưới sàn thông thường người ta còn sử dụng thêm các cây đà dọc và đà ngang dùng để đỡ, đội sàn và đóng ván sàn [40, tr.35]. Nhà ở trên ghe là loại nhà ở đối với những hộ gia đình không có nơi ở cố định, nay đây mai đó. Mọi sinh hoạt hằng ngày đều ở trên ghe, nội thất bên trong khá đơn giản chiếc tủ để quần áo, bếp lò phía sau lái. Ngày nay hình thức nhà ở trên ghe còn rất ít, có chăng chỉ là hình thức sống tạm khi buôn bán xa nhà một thời gian.

  1. Đời sống văn hóa, cảnh sắc Tri Tôn từ thực tế đến các tác phẩm hội họa

Nhà điêu khắc Schwander Karl Ulrich, trại viên trại điêu khắc quốc tế tổ chức tại Châu Đốc, An Giang năm 2003 từng có ý kiến: “Tôi đang sống tại một vùng cực kỳ khô hạn tại phía Nam của Tây Ban Nha gọi là Andalusia, tôi đã rất ngạc nhiên sau quá nhiều nước bao bọc ở đây. Tôi thích sự tốt bụng của nhân dân An Giang, đặc biệt là những lời chào của trẻ em trên đường, và tôi đã thấy những nụ cười và tiếng cười kỳ diệu trên những gương mặt của họ…”. Theo tác giả cùng đặc điểm tương tự, Tri Tôn là vậy, một vùng đất an bình, cảnh vật và con người nơi đây luôn là nguồn cảm hứng vô tận đối với người sáng tác nghệ thuật mỗi khi đặt chân đến nơi đây.

Hình ảnh bờ sông với những chiếc cầu ao lung linh bóng nước những mảng sáng tối của ánh nắng chiều xuyên qua từ những bóng râm dưới những tán cây to, gợi nhớ nơi ông tập cho cháu những cái quạt tay đầu tiên khi mới tập bơi. Những ngôi nhà sàn chung quanh đầy nước với những nhành cây điên điển vàng ươm rực cả một góc sân vườn. Sông nước và con người nơi Tri Tôn thực sự là nguồn cảm hứng giúp người họa sĩ hình thành nên các tác phẩm cho riêng mình cho dù có hay không là người con của miền sông nước nơi đây.

Địa hình vùng có đặc điểm trũng, tương đối bằng phẳng. Mùa lũ (từ tháng Bảy đến tháng Mười hai), vùng này thường ngập trong nước với độ sâu từ 0,5m đến 2,5m. Mỗi khi con nước tràn về hầu hết các cánh đồng đều ngập nước, một cảm giác mênh mông rộng lớn như đang ở giữa một vùng biển lớn. Một số loại cây hiện diện vào mùa này thường là những loại cây chịu nước như tràm, điên điển hay cây sao, cây gáo, những trò chơi của trẻ con như hái lục bình hay hoa điên điển còn là nguồn kinh tế phụ cho bà con khi lũ về, một nguồn thu nhập thêm ứng với câu người dân nơi đây thường bảo nhau “sống chung với lũ” là vậy. Ngoài ra mùa này còn là mùa thu hoạch cá của người dân chài với những phương tiện hết sức thô sơ như “xuồng ba lá” làm bằng ba tấm ván gỗ ghép lại, các đường nối được trát bằng nhựa chai, mũi và lái đều nhọn, xuồng dài 4m, rộng 1m. Người ta thường dùng sào nạng hay bơi chèo để xuồng đi một cách dễ dàng. Phương tiện len lỏi trên các trên kênh rạch, sông nhỏ khá thông dụng ngoài xuồng ba lá còn có tắc ráng, vỏ lải. Một số phương tiện đi như “ghe bầu” loại ghe lớn nhất. Mũi và lái nhọn, bụng phình to; thường dùng đi cửa biển. “ghe chài” loại ghe lớn, có sức chở lớn, thường sử dụng vào việc vận chuyển lúa gạo, nông sản. Bởi những đặc điểm đặc trưng vừa nêu nên mỗi khi đến vùng đất này mọi người sẽ rất ấn tượng về hình ảnh sông nước đan xen chằng chịt. Mọi sinh hoạt của người dân luôn gắn bó với sự thay đổi của con nước.

Trần Kim Ngân, Con nước tháng 10 (2013), Sơn dầu, 100x130cm

Con nước tháng 10 là một tác phẩm được sáng tác với sự tổng hợp của nhiều yếu tố, từ cảm xúc đến những ký ức của bản thân kết hợp với quá trình nghiên cứu thực tế ký họa.

Hình ảnh cánh đồng nước mênh mông là một ấn tượng đẹp để lại trong hồi ức của mỗi đứa trẻ ở vùng quê miền sông nước, những ấn tượng khó quên khi ngày nào còn là học sinh rủ nhau chèo xuồng ra hái hoa điên điển hay những trái cà na xanh um trên các tán cây mọc giữa đồng hay ven hai bên bờ đê. Hình ảnh chính của tác phẩm là chiếc xuồng câu được buộc vào cây cầu cũ kỹ giữa một cánh đồng mênh mông, bên cạnh là những rặng cây điên điển trổ hoa vàng rực.

Trong tranh tác giả không thể hiện hình ảnh con người nhưng mượn hình ảnh chiếc xuồng câu và cây cầu như hàm ý muốn thể hiện sự gắn kết cùng nhau chung sức vượt qua những gian nan, vất vả của cuộc sống, hình ảnh chiếc cầu tuy cũ như lại là điểm tựa giữa một khoảng không gian rộng lớn. Ngoài ra hình ảnh chiếc xuồng được đặt nghiêng, lệch về một phía kết hợp với việc thể hiện những tán cây và hiệu quả của những vệt sáng phản chiếu dưới mặt nước tạo thành nhịp điệu dẫn mắt nhìn đến phần hậu cảnh nơi có hình ảnh của trụ điện cao thế thẳng đứng giữa một khoảng trời rộng lớn. Hình ảnh trụ điện cao thế gợi cho người xem liên tưởng đến một hình ảnh vùng nông thôn mới với ánh sáng và niềm tin vào cuộc sống trong tương lai.

Gam màu xanh lam chủ đạo kết hợp với màu vàng lục và một ít màu trắng, tác giả đã thể được một bầu không khí trong lành, thoáng đãng; đồng thời với việc kết hợp cùng lúc kỹ thuật dùng bay tạo nên độ tơi xốp của những tán cây và sự thay đổi trong cách đặt bay giúp người xem cảm nhận được luồng không khí đang lưu thông tạo nên một không gian xao động cho tác phẩm.

Trần Kim Ngân, Con kênh nhỏ (2014), Sơn dầu, 100x130cm

Tác phẩm được thể hiện bằng chất liệu sơn dầu. Một loại chất liệu thông dụng được hầu hết các tác giả địa phương sử dụng. Thông qua tác phẩm, tác giả thể hiện khung cảnh một vùng nông thôn tươi đẹp cùng với nét văn hóa đặc trưng của miền quê sông nước. Hình ảnh những ngôi nhà ven các con kênh trở nên rất thân quen để lại một ấn tượng khá sâu đậm mỗi khi nhắc đến. Những hàng cây xanh rợp bóng mát mọc ven hai bên bờ kênh như những người bạn thân thiết, không biết tự khi nào nó đã xuất hiện và đứng lặng lẽ nơi đó. Cứ mỗi buổi chiều về những nhánh cây như đùa vui với lũ trẻ khi chúng cùng nhau tắm mát; hình ảnh trẻ con đánh đu từ các nhánh cây và nhảy xuống nước và nhiều tró chơi dưới nước luôn để lại những ký ức sâu đậm trong lòng mỗi người dân Nam Bộ.

Hình ảnh cây cầu bắt qua con kênh ở phần hậu cảnh là điểm khởi đầu cũng là điểm kết thúc trong tranh, thể hiện bóng dáng của một vùng nông thôn mới. Đối lập với hình ảnh cây cầu đúc ở hậu cảnh là hình ảnh những ngôi nhà sàn xiêu vẹo hai bên bờ kênh, một dạng nhà với kết cấu phần chân cột kết hợp giữa hai loại chất liệu cột đá và cột gỗ tuy có phần cũ kỹ nhưng mang đậm yếu tố gợi cảm. Bên cạnh ngôi nhà sàn tác giả còn thể hiện hình ảnh một chiếc ghe bầu một trong những loại phương tiện đi lại hay kinh doanh mua bán của người dân miền Tây. Hình ảnh “cây cầu” và “ghe bầu”  được đặt cạnh nhau nhằm thể hiện sự dung hòa trong việc sử dụng phương tiện đi lại của người dân. Hiện nay nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương, hệ thống giao thông đường bộ đã được thông suốt, việc đi lại hết sức thuận lợi, tuy nhiên việc đi lại trên các phương tiện đường thủy vẫn được người dân lưu tâm. Màu của nước không trong xanh như cách thể hiện ở tác phẩm Con nước tháng 10 nhưng nó lại là màu vàng của đất, màu của phù sa, tài sản quý giá mà thiên nhiên trao tặng cho con người nơi đây. Sự xao động của những tán cây qua cách thể hiện của những nhát bay kết hợp với sự nhấn nhá của những mảng màu sáng tối tạo nên một khung cảnh thật tươi mát và đầy gợi cảm.

Trần Kim Ngân, Chiều trên đất Tri Tôn (2013), Sơn dầu, 100x130cm

Bằng cảm xúc, tác phẩm thể hiện khung cảnh một buổi chiều trên bờ ao tại một khu vườn thuộc huyện Tri Tôn. Đối tượng chính tác giả chọn là hình ảnh cây thốt nốt được đặt ở vị trí ngược sáng, tạo thành hệ thống những mảng màu đậm trong tác phẩm. Dưới những gốc cây thốt nốt là hình ảnh ao nước phản chiếu ánh sáng chiều xiên qua từ những tán lá tạo thành những vệt sáng thu hút mắt nhìn tại vị trí trung tâm của tác phẩm, với hình ảnh anh thanh niên đứng cạnh hai chú nghé con đang hướng mắt nhìn về phía xa nơi có hình ảnh của trạm thu phát sóng được đặc ở trung tâm huyện với ngụ ý muốn thể hiện một đời sống văn hóa đầy đủ mà Đảng và Nhà nước đã chăm lo cho người dân nơi đây.

Cách sắp xếp bố cục với sự tương phản giữa những mảng màu sáng của trời chiều và mảng tối của cây xanh cùng với hình ảnh núi ở hậu cảnh tạo thế cân đối trong tác phẩm. Tác giả sử dụng màu xanh dương kết hợp với lục, nâu và đen làm chủ đạo, tạo nên độ trầm về màu sắc nhưng lại tạo ra độ tương phản với sắc trắng của ánh sáng xuất hiện trên nền trời và mặt nước. Quan sát cách thể hiện màu trong tác phẩm ta cảm nhận được bầu không khí mát mẻ của một buổi chiều tàn. Ngoài ra màu trầm của tác phẩm còn tạo nên sự tương đồng đối với màu da rám nắng của những người dân cày nơi đây. Tác phẩm là một sự tái hiện cảm xúc của tác giả về thiên nhiên và con người nơi đây, tĩnh lặng nhưng không đơn lẻ bên trong tác phẩm phần nào khái quát được đời số tinh thần và chật chất, sự ấm no và hạnh phúc của người dân địa phương.

Con đường sáng tạo nghệ thuật đòi hỏi người nghệ sĩ phải hết sức kiên trì, miệt mài trong lao động và không ngừng sáng tạo. Người nghệ sĩ phải tự trang bị cho mình vốn sống và vốn kiến thức cùng một tình yêu đối với nghệ thuật, tình yêu với quê hương đất nước. Tác phẩm nghệ thuật được làm ra từ chính những yếu tố nêu trên mới là tác phẩm thành công và đi vào lòng người.

Thế hệ trẻ được sinh ra trong sự ấm no và hạnh phúc không có nghĩa là chỉ biết sống và hưởng thụ niềm hạnh phúc đang có mà phải biết học tập, lao động và sáng tạo để gìn giữ niềm hạnh phúc, ấm no một cách bền vững, lâu dài và thực sự có giá trị. Do vậy, việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa là một trong những việc làm hết sức cần thiết và được đặt lên hàng đầu. Người nghệ sĩ hay người họa sĩ chính là người lính trên mặt trận đấu tranh, gìn giữ và phát huy những bản sắc văn hóa tốt đẹp mà bao đời ông cha ta đã gây dựng.

Thực tế hiện nay các loại hình nghệ thuật hay “sân chơi văn hóa” tại huyện còn hạn chế. Hoạt động văn hóa hay sân chơi cho thanh thiếu niên có phần thưa thớt và chưa đạt hiệu quả cao. Các trung tâm văn hóa chưa tạo được sự thu hút cho thanh thiếu niên và người dân địa phương. Hầu hết thanh thiếu niên không có sân chơi, chỉ tập trung la cà tại các quán cà phê, hàng quán điện tử, các quán nhậu… Hoạt động và các chương trình văn hóa nghệ thuật như âm nhạc, mỹ thuật, đờn ca tài tử… được tổ chức nhưng chưa thường xuyên, chỉ ở một nhóm nhỏ, độ lan tỏa chưa cao.

Trong giai đoạn hiện nay ngoài việc tập trung xây dựng kinh tế góp phần nâng cao đời sống vật chất cho người dân, Đảng và Nhà nước cũng đặc biệt quan tâm đến đời sống tinh thần người dân, thông qua nhiều hình thức đa dạng. Một trong những yếu tố tác động giáo dục đến các tầng lớp người dân nhanh nhất chính là lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật. Vậy nên cần chú ý trong việc khai thác và bảo tồn, tổ chức thực hiện các chương trình, hoạt động có giá trị thẩm mỹ và đưa vào phục vụ cho nhân dân, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, phát triển văn hóa ngày càng cao của xã hội. Xây dựng đa dạng mô hình hoạt động tại các công trình công cộng như phòng trưng bày triển lãm lưu động, không gian lưu giữ, giới thiệu các tác phẩm, chương trình nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu giải trí và nâng cao thị hiếu thẩm mĩ cho người dân quanh khu vực. Đưa việc giới thiệu các công trình và các tác phẩm có giá trị của tỉnh vào chương trình giáo dục thực tế cho học sinh và quảng bá rộng rãi đến đông đảo người dân. Qua đó, góp phần phát huy tích cực tinh thần chủ động trong bảo tồn, xây dựng và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ban tuyên giáo Tỉnh Ủy An Giang (2013), Địa chí An Giang, Nhà in Công ty in cổ phần An Giang.
  2. Nguyễn Công Bỉnh, Lê Xuân Diệm, Mạc Đường (1990), Văn hóa và cư dân đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
  3. Mạc Đường (Chủ biên) (1991), Vấn đề dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
  4. Nguyễn Hữu Hiệp (1995), Địa chí An Giang xưa và nay. Sở Khoa học công nghệ môi trường tỉnh An Giang, An Giang.
  5. Nguyễn Hữu Hiệp (2007), An Giang đôi nét đặc trưng vùng bán sơn địa. Nxb Phương Đông, TP.HCM.
  6. Sơn Nam (1997), Lịch sử khẩn hoang Miền Nam, Nxb Trẻ, TP.HCM.
  7. Huỳnh Công Tín (2012), Ấn tượng văn hóa Đồng bằng Nam Bộ, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.
  8. Chu Quang Trứ (2013), Văn hóa Việt Nam nhìn từ mỹ thuật, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.
  9. Trung tâm nghiên cứu quốc học (2001), Bản sắc dân tộc trong văn hóa nghệ thuật, Nxb Văn học, Hà Nội.
  10. Phan Thị Yến Tuyết (1993), Nhà ở – Trang phục – Ăn uống của các dân tộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Khoa học xã hội Hà Nội.

ThS. Trần Kim Ngân