Trường Đại học An Giang: 20 năm Xây dựng – Hội nhập – Phát triển

Được thành lập theo Quyết định số 241/1999/QĐ-TTg ngày 30/12/1999 của Thủ tướng Chính phủ, Trường Đại học An Giang (ĐHAG) là cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) công lập, được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục quốc gia, với sứ mạng là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học (NCKH) và chuyển giao công nghệ (CGCN) có uy tín, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội; đồng thời nỗ lực trở thành trung tâm đào tạo trình độ đại học và sau đại học (SĐH) đa ngành, đa lĩnh vực, nghiên cứu và CGCN phục vụ cộng đồng được quốc tế công nhận, dựa trên triết lý giáo dục: Kiến tạo – Khai phóng và hệ giá trị cốt lõi: Chính trực – Tận tâm – Sáng tạo.

Trải qua gần 20 năm xây dựng, hội nhập và phát triển, ĐHAG luôn khẳng định được chất lượng giáo dục và đào tạo, NCKH và phục vụ cộng đồng được xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Tháng 3/2018, Trường đã được Trung tâm KĐCLGD, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-TPHCM) cấp Giấy chứng nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục cấp CSGDĐH. Tháng 3/2019, Trường chính thức trở thành thành viên liên kết của Tổ chức mạng lưới đảm bảo chất lượng (AUN-QA) thuộc Tổ chức mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN).

Đội ngũ cán bộ, giảng viên (GV), nhân viên của Trường không ngừng tăng lên cả về số lượng lẫn chất lượng. Từ những ngày đầu thành lập, Trường chỉ có 190 công chức, viên chức (CCVC), 40 người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ (tỷ lệ GV có trình độ SĐH chỉ chiếm 21{fb72bbfdc4a578d027b556b83290df3d4a0d2dba3541c6c431f41d65a7fb72a4}), đến nay, ĐHAG có 834 CCVC (490 người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; 2 người nghiên cứu sau tiến sĩ; 116 người đang học SĐH trong và ngoài nước (tỷ lệ GV có trình độ SĐH chiếm 94.2{fb72bbfdc4a578d027b556b83290df3d4a0d2dba3541c6c431f41d65a7fb72a4}), làm việc tại 30 đơn vị trực thuộc (8 Khoa, 2 Bộ môn, 10 Phòng chức năng, 1 Thư viện, 8 Trung tâm và Trường Phổ thông Thực hành Sư phạm [với hơn 2.800 học sinh]).

Cơ sở hạ tầng của Trường cũng không ngừng được đầu tư phát triển, với 1 cơ sở ban đầu với diện tích 79.572m2, đến nay, ĐHAG có 2 cơ sở được đầu tư khang trang, hiện đại với tổng diện tích 419.679,5m2, gồm: 222 phòng học; 92 phòng thí nghiệm với trang thiết bị hiện đại, 08 trại thực nghiệm; 1.200 máy vi tính; 01 Thư viện điện tử với nhiều nguồn học liệu phong phú; khu Ký túc xá có 220 phòng với hơn 1.620 chỗ nội trú cho SV.

Năm học 2000 – 2001, ĐHAG tuyển sinh khóa đầu tiên với 5 chương trình đào tạo (CTĐT) trình độ đại học và một số ngành sư phạm trình độ cao đẳng. Hiện nay, Trường đang vận hành 4 CTĐT trình độ thạc sĩ, 42 CTĐT trình độ đại học và 19 CTĐT trình độ cao đẳng (bao gồm 1 CTĐT trình độ thạc sĩ [Quản lý Tài nguyên và Môi trường] được phát triển từ dự án CONSEA được Tổ chức Erasmus+, Châu Âu tài trợ, và 3 CTĐT chất lượng cao trình độ đại học), với quy mô gần 13.000 học viên và sinh viên (HVSV). Ngoài ra, ĐHAG còn thực hiện liên kết đào tạo 53 ngành trình độ thạc sĩ và đại học với 17 cơ sở đào tạo trong nước với hơn 2.850 HVSV đã tốt nghiệp. Hiện nay, Trường còn triển khai chương trình bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp cho hơn 10.081 giáo viên ở một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Tính đến nay, ĐHAG đã có 16 khóa tốt nghiệp với hơn 34.987 HVSV (trong đó có 42 SV Lào và Campuchia) ra trường đã và đang phát huy tốt năng lực thực hành nghề nghiệp, có những đóng góp nhất định cho sự phát triển của khu vực và đất nước. Số thí sinh đăng ký dự thi/xét tuyển cũng như trúng tuyển vào trường và tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm hằng năm luôn đạt ở mức cao. Điều này chứng minh sự tín nhiệm và đánh giá cao của xã hội đối với những nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường trong những năm qua.

Nhằm đáp ứng mục tiêu giáo dục toàn diện cho người học về phẩm chất và năng lực, gắn lý thuyết với thực hành để trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và năng lực thực hành nghề nghiệp cho người học nhằm thích ứng tối đa với sự thay đổi, Trường đã chuyển đổi phương thức đào tạo từ niên chế sang học chế tín chỉ, xây dựng CTĐT dựa trên chuẩn đầu ra theo mô hình CDIO (Conceive – Design – Implement – Operate [Hình thành ý tưởng – Thiết kế ý tưởng – Thực hiện – Vận hành]). Để khẳng định chất lượng các CTĐT, Trường đang hoàn thiện hệ thống đảm bảo chất lượng (ĐBCL) bên trong và triển khai kế hoạch tự đánh giá và đánh giá ngoài 6 CTĐT theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA (phiên bản 3.0) và 11 CTĐT theo Thông tư 04 của Bộ GD&ĐT vào năm 2020, tham gia đánh giá ngoài cấp CSGDĐH theo chuẩn AUN-QA vào năm 2023.

Bên cạnh nhiệm vụ trung tâm là đào tạo, ĐHAG xác định NCKH và CGCN là nhiệm vụ then chốt. Với định hướng trở thành trung tâm NCKH, ứng dụng công nghệ có uy tín, mỗi năm nhiều đề tài, dự án nghiên cứu trong nước và quốc tế được triển khai và thành quả là các kết quả nghiên cứu được chuyển giao ứng dụng và công bố, được cộng đồng các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao. Tính đến nay, Trường đã triển khai 149 dự án NCKH có sự tài trợ của các viện, trường đại học, các tổ chức và doanh nghiệp quốc tế; thực hiện trên 1.190 đề tài NCKH các cấp; công bố trên 1.534 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước. Ngoài ra, sự ra đời của Tạp chí Khoa học ĐHAG năm 2013 (từ tháng 6/2019 được đổi tên thành Tạp chí Khoa học quốc tế AGU – AGU International Journal of Sciences) với 10 kỳ xuất bản/năm (trong đó có 4 kỳ xuất bản bằng ngôn ngữ tiếng Anh theo chuẩn học thuật quốc tế), được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước tính điểm các công trình khoa học từ năm 2017 đã đánh dấu một bước phát triển mới của Trường trong hoạt động xuất bản phẩm học thuật.

Hợp tác quốc tế được ĐHAG xác định là một hoạt động trọng tâm cần được ưu tiên phát triển để nâng cao chất lượng đào tạo gắn với sứ mạng và tầm nhìn của Trường trong xu thế hội nhập. ĐHAG đã ký kết 71 bản ghi nhớ và triển khai nhiều hoạt động hợp tác trong đào tạo và NCKH với các viện, trường đại học ở nhiều quốc gia như: Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển, Hà Lan, Úc, Cộng hòa Ailen, Israel, Hàn Quốc, Singapore, Indonesia, Thái Lan, Nhật Bản… Tính đến nay, Trường đã tiếp đón và làm việc với hơn 1.135 đoàn khách, 3.200 lượt học giả của hơn 160 viện, trường quốc tế; tiếp nhận 95 lượt tình nguyện viên, chuyên gia, 409 SV từ nhiều quốc gia đến trao đổi học thuật, giảng dạy, thực tập và nghiên cứu; tổ chức trên 250 hội thảo khoa học về các lĩnh vực đào tạo, NCKH, giao lưu văn hóa,…

Bên cạnh đó, với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và NCKH, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển KT-XH tỉnh An Giang và khu vực ĐBSCL; đồng thời góp phần phát triển ĐHQG-TPHCM theo hướng hoàn thiện mô hình đa ngành, đa lĩnh vực và nâng cao vai trò phục vụ cộng đồng, trên cơ sở đề nghị của ĐHQG-TPHCM và UBND tỉnh An Giang, ngày 7/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương chuyển ĐHAG là trường thành viên của ĐHQG-TPHCM.

Ngày 17/7/2019, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh An Giang, ĐHQG-TPHCM và ĐHAG, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Mục tiêu giao về ĐHQG-TPHCM để trường tận dụng sức mạnh hệ thống nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực không chỉ cho An Giang mà cho toàn khu vực. Việc chuyển giao sẽ giúp ĐHAG có điều kiện phát triển theo hướng chuyên sâu với quy mô, chất lượng cao hơn ở những lĩnh vực có lợi thế như: nông nghiệp, thủy sản, tài nguyên môi trường, biến đổi khí hậu… để tỉnh An Giang cùng với TP. Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm nghiên cứu, chuyển giao khoa học – kỹ thuật của vùng ĐBSCL và cả nước”. Ngày 13/8/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1007/QĐ-TTg về việc chuyển ĐHAG là trường đại học thành viên của ĐHQG-TPHCM. Theo đó, chuyển ĐHAG trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang là trường đại học thành viên của ĐHQG-TPHCM.

Những kết quả đạt được trong 20 năm qua là kết tinh của sự nỗ lực bền bỉ, sự phấn đấu không ngừng cùng với sự đoàn kết với tinh thần trách nhiệm cao, sự tận tâm và sự sáng tạo của tập thể Ban Giám hiệu và toàn thể CCVC của Trường. Để tiếp tục phát triển Trường thành một trung tâm đào tạo và NCKH, ứng dụng công nghệ có uy tín, đi đầu trong hội nhập, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của khu vực ĐBSCL và quốc gia, mục tiêu phát triển của ĐHAG giai đoạn 2018–2025 và tầm nhìn đến năm 2030 là “Xây dựng môi trường đại học thân thiện và hiện đại, hiệu quả và sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực hướng đến đạt chuẩn quốc gia đối với CSGDĐH theo mô hình ứng dụng và đạt chuẩn AUN cấp trường vào năm 2023; hoàn thiện tổ chức bộ máy phù hợp với quy định của Luật GDĐH; nâng cao chất lượng nghiên cứu, ứng dụng khoa học và CGCN phục vụ đào tạo và cộng đồng; tăng cường hợp tác quốc tế và phát triển thương hiệu ‘AGU’; áp dụng mô hình quản lý chất lượng toàn diện (TQM); hoàn thiện hệ thống ĐBCL bên trong và tham gia đánh giá ngoài cấp CTĐT và CSGDĐH theo chuẩn quốc tế; từng bước hình thành hệ sinh thái của ĐHAG đảm bảo đáp ứng yêu cầu tự chủ và phát triển bền vững; đến năm 2022, trở thành đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và tự đảm bảo chi đầu tư vào năm 2030”.

PGS.TS Trần Văn Đạt
Phó Hiệu trưởng Trường ĐHAG, ĐHQG – HCM
(Ảnh: Thanh Hùng)