Trường Đại học An Giang, e-News và cái duyên với nghề báo của tôi

Trường Đại học An Giang (ĐHAG) sắp chuẩn bị kỷ niệm 20 năm thành lập và cũng ngót nghét hơn 15 năm ngày tôi bước vào ngôi trường thân thương này.

Năm 2003, Trường ĐHAG đón sinh viên khóa 4, tôi vinh dự là một trong số những tân sinh viên ấy. Khi đó cơ ngơi của Trường vẫn chỉ gói gọn tại  khu A và khu B trên đường Võ Thị Sáu. Trong đó, khu B chủ yếu là các dãy nhà nội trú tập thể, ký túc xá của giảng viên và sinh viên. Cơ sở vật chất tuy còn nhỏ hẹp nhưng thật tình mà nói không gian học tập ở Trường ĐHAG khi đó lý tưởng lắm. Sân trường lúc nào rợp bóng mát từ những tán cây còng “siêu to”. Dọc hành lang các dãy phòng học, dưới các tán cây luôn có các ghế đá cho sinh viên ngồi học tập, thư giãn. Sân trường tuy không rộng nhưng vẫn có hẳn một sân bóng đá mini, gần đến ngày 20/11 thì ôi thôi không khí bóng đá ở đây sôi động như một “chảo lửa” Mỹ Đình thu nhỏ.

Thư viện Trường thì lúc nào cũng đông nghìn nghịt, sinh viên ra vào nườm nượp. Dù diện tích không lớn, nhưng kiến trúc và cách bày trí của thư viện khá đẹp. Trong không gian được bố trí chung với dãy nhà hiệu bộ, thư viện vẫn được ưu tiên dành 2 tầng để phục vụ nhu cầu học tập của sinh viên. Tầng trên thì phục vụ nhu cầu mượn tài liệu, sách báo của sinh viên. Ở đây lúc nào cũng đông, nhất là vào buổi tối. Muốn có một chỗ ngon lành để học thì chiều phải tranh thủ ăn cơm sớm, vào sớm mới mong có một chỗ để tra cứu tài liệu, “học đôi” hoặc học nhóm… Tầng trệt của thư viện thì được trang bị các máy vi tính có kết nối internet cho sinh viên mượn sử dụng theo thời gian quy định… Thật tình mà nói, thời điểm đó mà có thư viện máy tính, có kết nối internet cho sinh viên sử dụng miễn phí là hiện đại lắm rồi. Do nhu cầu lớn, nhưng số lượng máy có hạn nên mỗi sinh viên chỉ được sử dụng mỗi ngày 3 tiếng đồng hồ. Với một trường đại học ở tỉnh lẻ, việc được trang bị cơ sở vật chất như thế với chúng tôi cũng ngon lành lắm vào thời điểm đó.

Cũng nhờ những ngày siêng năng lê la vào thư viện mà tôi được tiếp cận rồi tham gia viết bài cho e-News – Trang báo sinh viên điện tử nội bộ của Trường ĐHAG. Tôi cũng không nghĩ chính từ cái duyên ấy mà mình lại gắn bó với cái nghề viết lách sau này. Ban đầu là vài bài thơ “con cóc” được đăng, sau là đến nhiều bài tản văn, phóng sự nhỏ… Mảng yêu thích của tôi là những bài viết nói về những nét sinh hoạt đời thường của sinh viên như: Cơm bụi, mì gói – fastfood của sinh viên, về quê, tinh thần thể thao… Dù là trang báo nội bộ nhưng mỗi bài viết của sinh viên được đăng vẫn có nhuận bút hẳn hoi, dao động từ vài chục đến hơn trăm ngàn mỗi bài tùy theo số lượng chữ. Nói thật, khi ấy số tiền đó đối với những sinh viên nghèo như chúng tôi là không ít đâu, thậm chí có thể dư đóng cả tháng tiền trọ. Ban đầu viết chơi, sau có một khoản thu nhập kha khá từ nhuận bút lại có thêm động lực để “cày bừa”. Nói đến đây tôi lại nhớ về cô Võ Thị Mai – người luôn tạo điều kiện và hỗ trợ chúng tôi trong những ngày đầu cộng tác với e-News. Khi ấy cô Mai quản lý trang báo sinh viên của Trường, cái ấn tượng tôi luôn nhớ về là sự ngọt ngào, luôn nhiệt tình giúp đỡ những sinh viên…

Nhờ là cộng tác viên của e-News nên tôi cũng được vinh dự cùng Ban điều hành tham gia nhiều chuyến đi thực tế trong tỉnh An Giang, rồi sau đó là một số chuyến tham quan, học hỏi kinh nghiệm ngoài tỉnh như thăm và giao lưu với Giáo sư Trần Văn Khê, nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương tại TP.HCM và những chuyến đi thực tế tại Đà Lạt… tất cả đều là những kỷ niệm khó quên của thời sinh viên, của những ngày là cộng tác viên của e-News.

Có thể nói, khi ấy khóa 4C chúng tôi là những cộng tác viên nhiệt tình nhất cho e-News. Cũng nhờ những ngày tập tành viết lách, tham gia phong trào cùng e-News mà giờ đây rất nhiều bạn trong nhóm cộng tác viên ngày ấy khá thành công trong công việc và cuộc sống. Nhiều bạn được vinh dự ở lại Trường ĐHAG công tác như Nguyễn Thanh Phong, Nguyễn Thị Thu Giang, Trương Chí Hùng… ở Khoa Sư phạm. Cũng nhờ môi trường rèn luyện từ e-News mà nhiều bạn sau khi ra trường lại bén duyên với nghề báo. Có thể kể đến bạn Nguyễn Khái Hưng, Nguyễn Bảo Trị thì đang công tác tại Đài PTTH An Giang, Mỹ Hạnh, Võ Thị Trúc Pha, Mỹ Linh, Trung Hiếu đang là phóng viên của Báo An Giang… đặc biệt là đội ngũ phóng viên, biên tập viên của Tạp chí Thất Sơn bây giờ cũng từng là cộng tác viên cho e-News. Còn tôi sau khi ra trường thì thi tuyển và công tác tại Đài PTTH Đồng Tháp cho đến nay. Thật tình mà nói, dù không được đào tạo bài bản chính quy nhưng với những kiến thức nền tảng và những ngày được rèn giũa cùng e-News mà nhiều thành viên trong nhóm cộng tác viên ngày xưa đã bén duyên và gắn bó với nghề báo. Các bạn đã thể hiện được khả năng và trụ lại với nghề một cách vững vàng và đoạt nhiều giải thưởng báo chí trong khu vực và toàn quốc… Trong công thức thành công ấy, tôi tin chắc có sự đóng góp không nhỏ từ những ngày làm việc với e-News.

Trường ĐHAG sắp bước vào tuổi 20, nhớ lại những ngày đầu còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi thấy mình may mắn vì đã tận dụng hết những “hệ sinh thái” mà Trường ĐHAG đã tạo ra để trải nghiệm, để học hỏi, tích lũy kiến thức, để rèn luyện kỹ năng làm việc sau này. Vậy mới thấy, học ở đâu, học cái gì không quan trọng bằng việc chúng ta học như thế nào. Học ở đây không chỉ là từ sách vở mà nó còn phải tích hợp thêm những kiến thức thực tế trong cuộc sống. Với chúng tôi, ngôi nhà thứ 2 – Trường ĐHAG đã tạo ra được những điều ấy.

Dù đi đâu, về đâu và làm gì, chúng tôi vẫn nhớ về Trường ĐHAG như cái nôi đầu đời, ở đó mái trường thân thương như một ngôi nhà chung ấm cúng, thầy cô chân thành dìu dắt như cha mẹ, sinh viên cùng khóa yêu thương nhau như anh em. Theo dõi Trường ĐHAG ngày càng lớn mạnh, trong lòng chúng tôi ai nấy đều lâng lâng cảm xúc tự hào. Bởi với chúng tôi, lúc nào cũng mang trong mình vinh dự là sinh viên của Trường Đại học An Giang.

Hoài Thuộc
(Phó phòng Sản xuất chương trình – Đài PTTH Đồng Tháp)
(Ảnh: AGU)