Truyện ngắn Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam từ góc nhìn triết lý dân gian Nam bộ

Bình Nguyên Lộc (1914-1987) và Sơn Nam (1926-2008) là hai nhà văn lớn có một khối lượng sáng tác đáng khâm phục, thuộc nhiều thể loại khác nhau (tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện vừa, tùy bút, khảo cứu, hồi ký, kể cả… thơ). Tầm vóc tên tuổi và sức ảnh hưởng từ những sáng tác của hai nhà văn đã góp phần định hình nên thị hiếu của một tầng lớp độc giả, một dạng đề tài, chủ đề riêng trong sáng tác, gắn chặt với hình ảnh đất nước và con người Nam bộ. Bút lực dồi dào, sự nghiệp sáng tác đồ sộ của hai ông, suy cho cùng, bắt nguồn từ tình yêu quê hương đất nước thiết tha, từ nỗi niềm của những người con dân luôn nhớ về nguồn cội. Đọc những sáng tác truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam, khảo sát mối quan hệ giữa người kể chuyện và thế giới nhân vật, người đọc có thể khám phá ra nhiều vấn đề liên quan đến ngôn ngữ, giọng điệu, kiểu nhân vật, sự kiện… nhất là điểm nhìn linh hoạt, đa dạng của người kể chuyện/trần thuật. Thú vị hơn nữa, đó là những quan niệm triết lý dân gian Nam bộ gắn liền với nhận thức, tình cảm, thái độ, phong cách sống của cư dân một vùng đất mà bề dày lịch sử gần 400 năm khai phá đã được các nhà văn khéo léo thể hiện qua những trang viết của mình.

Ở bài viết này, tư liệu chủ yếu chúng tôi khảo sát gồm: Tuyển tập Bình Nguyên Lộc I, II (2002)1 do Nguyễn Q. Thắng tuyển chọn, giới thiệu, rút ra từ các tập truyện ngắn đã xuất bản trước năm 1975 như Thầm lặng (1967), Nhốt gió (1950), Mưa thu nhớ tằm (1965), Ký thác (1960), Cuống rún chưa lìa (1969), Ma rừng (?); các truyện ngắn của Sơn Nam trong tập Hương rừng Cà Mau (2004)2Biển cỏ miền Tây – Hình bóng (2003)3.

1. Triết lý và triết lý dân gian Nam bộ

1.1. Khái niệm triết lý

Hai khái niệm triết lý và triết học (tiếng Anh: philosophy; tiếng Pháp: philosophie) có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp: philosophia, nghĩa là yêu mến, ngưỡng mộ sự thông thái. Triết học là “khoa học nghiên cứu những quy luật chung nhất của thế giới và sự nhận thức thế giới”4. Nói cách khác, triết học là hệ thống những quy luật chung nhất của con người về thế giới và về con người trong thế giới đó. Sách của Ban Tu Thư Khai Trí giải thích triết học như sau: “Môn học nghiên cứu và tìm hiểu nguyên lý vạn vật”; còn triết lý là: “Ý niệm của nhân loại khi đã tự ý thức được đời sống của mình và cố gắng nâng đời sống ấy lên một chỗ thích hợp nhất”5. Như vậy, khái niệm triết lý tuy có quan hệ với khái niệm triết học nhưng không thể xem là đồng nhất. Triết lý cũng có thể hiểu theo hai nghĩa: nghĩa thứ nhất là “lý luận triết học”6 ; nghĩa thứ hai là những quan niệm chung của con người về nhân sinh, xã hội.

Trong lịch sử xã hội từ xưa đến nay, những người dân bình thường, nhất là nông dân, tuy không lập thuyết, không viết thành sách, nhưng trải qua quá trình sống hằng trăm, hàng nghìn năm trên đất nước của mình, họ đã đúc kết những nhận thức khái quát về thế giới khách quan, xã hội và con người, trong đó triết lý dân gian thể hiện đậm nét qua văn hóa, văn học dân gian, qua đời sống tinh thần và vật chất của cộng đồng, qua tín ngưỡng, tâm linh, nhu cầu ăn, mặc, ở, lao động, học tập, quan hệ giao tiếp, ứng xử giữa người với người… được lưu giữ từ đời này qua đời khác bằng chính thực tiễn đời sống của họ. Không chỉ suy ngẫm, đúc kết, tổng kết những quy luật khách quan của tự nhiên, các mối quan hệ trong thực tiễn đời sống xã hội, triết lý dân gian còn thể hiện quan điểm, tư tưởng, phản ánh bản chất các mối quan hệ đó theo chiều hướng khẳng định niềm tin, giá trị, đạo lý, có tác dụng hướng dẫn, điều chỉnh, định hướng phương châm sống, ứng xử, suy nghĩ, hành động cho con người trong môi trường, hoàn cảnh sống nhất định. Vì thế, triết lý có ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ đối với thực tiễn đời sống con người.

1.2. Triết lý dân gian Nam bộ

Nam bộ là dải đất cuối cùng của Tổ Quốc, là nơi những cư dân người Việt đầu tiên trong quá trình khai phá, mở mang bờ cõi đã từng phải đối mặt với vô vàn khó khăn, hiểm nguy và khắc nghiệt từ thiên nhiên hoang sơ. Tuy vậy, với bản lĩnh ngoan cường, sức chống chọi và chịu đựng bền bỉ, con người Nam bộ đã dần dà hòa hợp với cuộc sống nơi vùng đất mới để tồn tại và phát triển. Là sản phẩm của quá trình thích nghi linh hoạt trước những biến đổi của tự nhiên, văn hóa và tính cách con người Nambộ cũng có những nét riêng tạo thành đặc trưng không thể nhầm lẫn với bất kỳ vùng miền nào khác trên đất nước ta. Bên cạnh truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa Nam bộ nói chung và triết lý dân gian Nam bộ (Southern folk philosophies) nói riêng chịu ảnh hưởng sâu sắc của môi trường sông nước, hoàn cảnh lịch sử – xã hội gắn chặt với đời sống của cư dân nơi vùng đất này trong gần 400 năm qua. Trong Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Sơn Nam đã viết:

“Từ lâu, các chúa Nguyễn đã biết về vùng đất ở Đồng Nai và Cửu Long, nhưng cơ hội chưa thuận lợi để đẩy mạnh cuộc phát triển về phía Nam. Năm 1623, một phái bộ của chúa Nguyễn đến Oudong yêu cầu được lập cơ sở ở Prei Nokor (vùng Sài Gòn) để thu thuế hàng hóa.

Năm 1658, khi còn bận rộn giao tranh với chúa Trịnh ở phương Bắc, chúa Hiền cho quan Khâm mạng đến Trấn Biên dinh (Phú Yên) đem 2000 quân đến Mỗi Xui (Mô Xoài) để đánh phá, bắt vua Nặc Ông Chân giải về Quảng Bình. Khi ấy ở Mỗi Xui (vùng Bà Rịa ngày nay) và ở Đồng Nai, “đã có lưu dân của nước ta đến sống chung lộn với người Cao Miên khai khẩn ruộng đất. Người Cao Miên khâm phục oai đức của triều đình đem nhượng hết cả đất ấy rồi đi lánh chỗ khác, không dám tranh trở chuyện gì”7.

Như vậy, ngay từ nửa đầu hay chính xác hơn là nửa sau thế kỷ XVII, những lưu dân người Việt đầu tiên đã đến ngụ cư nơi vùng đất mới, thuộc Nam bộ ngày nay, cùng cộng cư với người Cao Miên, rồi sau đó là người Hoa để khai khẩn đất hoang. Các công trình khảo cứu khác của Sơn Nam như Đất Gia Định xưa, Tìm hiểu đất Hậu Giang, Cá tính miền Nam, Văn minh miệt vườn, Đồng bằng sông Cửu Long – nét sinh hoạt xưa, Lịch sử đất An Giang, Bến Nghé xưa… đã tiếp tục làm sống lại một cách sinh động quá khứ của vùng đất Nam Bộ, đem lại một cách nhìn mới mẻ về những đặc trưng của đất và người nơi đây, khẳng định bản sắc văn hóa riêng của Nam bộ trong nền văn hóa chung của dân tộc.

Phát triển cùng với nền văn hóa mang đặc trưng sông nước ấy, là một nền tảng triết lý được thức nhận, đúc kết từ những quan niệm, quan điểm về đời sống, thể hiện qua suy nghĩ, hành động, tính cách con người trong cuộc sống thường nhật, trong lao động, hợp tác, đối nhân xử thế, tín ngưỡng tâm linh, giáo dục gia đình, giữ gìn và phát huy truyền thống, trong cách ăn, mặc, ở, cả trong đấu tranh chống thù trong giặc ngoài để bảo vệ non sông, bờ cõi…

Triết lý dân gian ấy không chỉ được lưu giữ thông qua lời ăn tiếng nói hằng ngày, qua nếp sống, nếp cảm, nếp nghĩ nhằm đúc kết, truyền đạt, khuyên bảo mọi người, mà còn được ghi lại trong sách vở, tác phẩm văn chương, để lại dấu ấn trong văn hóa vật thể và phi vật thể. Chính vì vậy, triết lý dân gian Nam bộ đề cập ở đây nội dung quan trọng, cốt lõi nhất vẫn là triết lý nhân sinh, xã hội của người bình dân, của nhân dân lao động, chứ không phải là lý luận triết học về những quy luật chung nhất của thế giới tự nhiên. Đó là những triết lý bắt nguồn từ đời sống con người, mang hơi thở của đời sống con người Nam bộ.

2. Những biểu hiện của triết lý dân gian Nam bộ từ góc nhìn tự sự trong truyện ngắn Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam

2.1. Truyện ngắn Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam hay diễn ngôn tự sự về đất và người phương Nam

Bình Nguyên Lộc là nhà văn có một sự nghiệp sáng tác đồ sộ. Ngoài những công trình nghiên cứu về dân tộc học, ngôn ngữ học, văn học, phần đáng kể nhất trong sáng tác của ông là tiểu thuyết và truyện ngắn, đặc biệt hơn cả là truyện ngắn. Theo Nguyễn Q. Thắng, số liệu do nhà văn tiết lộ, tính đến năm 1974, Bình Nguyên Lộc đã viết được gần 1000 truyện ngắn (đã in và chưa in). Quả là một khối lượng to lớn trong hành trình dài sáng tác của nhà văn với những đề tài, chủ đề đầy sức ám gợi! Bởi, hầu hết các truyện này đều đề cập đến bối cảnh, sinh hoạt tinh thần và vật chất của tiền nhân trên đường mở nước vào miền Nam. Từ năm 1950 đến 1970, tại Sài Gòn, nhà văn đã tập hợp và cho in thành 30 tập8. Tác phẩm của Bình Nguyên Lộc nói chung và truyện ngắn nói riêng đã góp phần đáng kể làm nên diện mạo văn học vùng đô thị miền Nam trước 1975.

Cũng như Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam là cây bút viết nhiều về truyện ngắn và say mê với đề tài đất và người miền Nam thời mở cõi. Song, có chỗ khác, nếu Bình Nguyên Lộc với một niềm cảm xúc khôn nguôi về miền Đông Nam bộ thì Sơn Nam không ngừng mải mê với vùng đất và con người Tây Nam Bộ. Những chất liệu đời sống có được từ cả một cuộc đời rong ruổi cảm nhận, sưu tầm, tích lũy không chỉ được nhà văn sử dụng trong sáng tạo văn chương mà còn được dùng trong các khảo cứu chuyên sâu hay miêu tả các hiện tượng văn hóa đặc sắc, độc đáo. Sự nghiệp văn chương lớn lao của ông để lại với nhiều thể loại: truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, biên khảo, bút kí, hồi kí. Sơn Nam chính là tấm gương về sự tích tụ văn hóa cho quá trình sáng tạo nghệ thuật lâu dài. Riêng truyện ngắn, dù số lượng chưa đạt đến độ đáng nể như Bình Nguyên Lộc, nhưng theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, truyện ngắn là sở trường của ông với những tập truyện làm nên tiếng tăm như: Hương rừng Cà Mau (1962, 1976, 1972, 2004), Chim quyên xuống đất (1963), Hình bóng cũ (1964), Vọc nước giỡn trăng (1965), Truyện ngắn của truyện ngắn (1967), Biển cỏ miền Tây (1995, 2000).

2.1.1. Đất là cội nguồn, là nguồn sống của con người 

Trong văn học dân gian, quan niệm về đất của nhân dân ta gắn liền với hình ảnh đất nước, quê hương, làng xóm, cây đa cũ, con đò xưa, với phong tục, tạp quán, công lao bao đời cha ông truyền lại: Quê cha, đất tổ; Đất nước ông bà; Đất có lề, quê có thói; Làng ta phong cảnh hữu tình/Dân cư giang khúc như hình con long… Kế thừa và phát triển cách nghĩ suy của người bình dân khi tự sự về đất, Bình Nguyên Lộc đã khám phá ra rằng, đất – còn gọi là “thổ ngơi” – rất giống với con người cũng khát khao, cũng bịn rịn: “Đất hả họng thật. Nó nứt ra như để hứng sương cho đỡ khát”; “Mặt đất đã cạn nguồn sống, mà lòng đất cứ bịn rịn hoài. Nó đã nuôi sống người, người sao nỡ bỏ đi để nó chết khát”9. Với Sơn Nam, qua hình tượng ông Năm Hên được xây dựng trong Bắt sấu rừng U Minh Hạ, nhà văn đã giúp người đọc hình dung ra cả một quãng thời gian dài ông cha ta mở mang “đất đai vương trạch”, tìm kế sinh nhai mãi tận vùng đất phương Nam hoang sơ với biết bao nhiêu trở ngại, nghịch cảnh. Bắt sấu nơi ao đầm là một nghề có thể làm giàu cho nhiều người, nhưng ông Năm Hên đã không màng tới “thứ phú quới” đó. Ông bắt sấu chỉ để giúp người, thậm chí còn lập đàn giải oan cho những vong hồn: Đầu bãi cuối gành/Hùm tha, sấu bắt/Bởi vì thắt ngặt/Manh áo chén cơm mà ngã xuống, trong đó có cả những người “đã bỏ thây vì đàn sấu này”10.

2.1.2 Đất là nỗi nhớ, là nơi con người mong muốn trở về

Có thể nói, Bình Nguyên Lộc là một trong số những nhà văn có nhiều truyện ngắn viết về đất chứa đầy tâm trạng da diết, khắc khoải và cảm động nhất, đặc biệt là vùng đất miền Đông Nam Bộ quê hương ông. Không kể những truyện đề cập đến đề tài mở đất như Rừng mắm, hay khéo léo ký thác tình tự dân tộc như Những đứa con thương của đất mẹ, Hương hành kho,… viết về đề tài này, nhà văn luôn có những phát hiện, sáng tạo bất ngờ mỗi khi bộc bạch nỗi niềm, tình cảm của con người luôn thiết tha gắn bó hay quay về nơi mình từng sinh ra và lớn lên. Trong truyện ngắn nhan đề Thèm mùi đất, Bình Nguyên Lộc cho rằng người nông dân gắn bó với mảnh đất của mình là vì “Họ yêu đất, yêu mùi đất và họ được yêu cho tới mãn kiếp”. Giải thích lý do của tình yêu ấy, theo ông, đơn giản bởi “Đất có mùi thật sự, nhứt là đất mới xới, một mùi rất đặc biệt mà mũi họ quen ngửi cho đến ghiền, thiếu thì họ nghe thèm. Họ thấy rằng họ hạnh phúc vì họ được thỏa mãn tình cảm. Tình nhớ xứ, nhớ nhà gồm nhiều yếu tố, mà nỗi thèm mùi đất là một yếu tố quan trọng”. Thì ra, “nỗi nhớ nhà, nhớ xứ”, thật ra là “nhớ mùi đất ở phần lớn”. Về điều này, không chỉ người nông dân, mà những ai đã từng xa quê, lấy trồng trọt để “tạm nguôi sầu, và lần lần quen được với môi trường mới”11 đều cảm nhận đúng như thế. Đó cũng là lý do người cha của Sáu Nhánh trong truyện ngắn Phân nửa con người nói với con trai mình sau những năm tháng sống đời thương hồ, và sau một bữa giỗ to có đến ba mươi thực khách trong cảnh chật hẹp dưới thuyền, chỉ vì muốn “giống hệt không khí trong làng với những cuộc bàn hươu tán vượn trong mùi rượu đế, mùi vịt tiềm, mùi mì xào, mì thịt bằm, mùi gỏi sứa”: “Tao không cần gì hết, miễn được về đất. Cho phải ăn chợ ngủ đình tao cũng vui”; “Ừ, đất, đất bạn mà tao chạy nhảy trên đó hồi còn thơ ấu, tao thương nó lắm. Tao ghiền hửi mùi đất xông lên sau mấy trận mưa đầu mùa, tao ghiền hửi mùi lúa chín, tao ghiền mùi phân chuồng. Tao muốn hưởng mùi đất vài năm trước khi theo về với ông bà”12.

Không có những năm tháng xa quê hương Tân Uyên – Biên Hòa trong nỗi nhớ da diết để  vào sống ở Sài Gòn vì nghiệp bút, và vì để có điều kiện hơn trong việc chữa bệnh, nhà văn Bình Nguyên Lộc không thể có được một sự thấu cảm đến như thế!

2.1.3 Ra sức giữ gìn, bảo vệ đất nước là nghĩa vụ của mỗi người

Sơn Nam đã từng viết nhiều truyện ngắn lấy bối cảnh thời kháng chiến chống thực dân Pháp, qua đó ngụ ý nhắn gửi tâm tư, tình cảm với cuộc đấu tranh hiện tại trong lòng đô thị miền Nam trước năm 1975. Những lời tự sự về ông Tư Lịch “giàu có nhưng không bao giờ chịu xu nịnh” từ điểm nhìn trần thuật của nhân vật “tôi” trong truyện ngắn Ngày mưa đầu mùa cho thấy, việc làm của một người yêu nước như ông trong bối cảnh bọn xâm lược không ngừng tìm cách ly gián, gây nên hiểu lầm lẫn nhau hòng làm tan rã khối đoàn kết của nhân dân, thật khó khăn biết bao. Như trường hợp anh Trần Ngọc Kỳ phải chịu 6 tháng tù: “6 tháng tù không nặng cho lắm đối với tội làm quốc sự. Nhưng kẻ yêu nước mà bị đồng bào cáo oan, đánh đập… mới đau thương cho chớ!”13 – ông Tư Lịch xúc động phân tích. Bài học đậm chất triết lý mà ông rút ra được để nhắc nhở mọi người là: “Nếu dân mình ai cũng ích kỷ thì nước mất luôn. Lá lành đùm lá rách mới là thương nhau”14 . Bài học ấy thật xa lạ với quan niệm của phần lớn người dân xóm Đông Yên: “Mạng ai nấy lo, hồn ai nấy giữ. Thời loạn lạc khôn sống mống chết”. Đúng như lời phàn nàn cũng của chính ông Tư Lịch: “Tệ quá! Nước chưa mất mà họ đã chạy quá xa”15.

Cùng một nội dung trên đây, diễn ngôn của Bình Nguyên Lộc lại đề cập đến một phương diện khác, đó là cái “chất” của lòng yêu nước, là “những sợi dây vô hình nó ràng buộc họ với quê hương”, “những cái gì nó buộc ta yêu quê hương nhỏ riêng của ta trong quốc gia lớn”, như lời nhân vật Hoàng nói với những người bạn của mình (Chơn, Quang, Khắc) trong truyện ngắn Đất không chết:

“Phải có những nếp nhà đã chứng kiến bao nước mắt, bao nụ cười của bao thế hệ trong dòng họ ta, những nếp nhà mà mỗi món đồ (từ thếp đèn xưa gãy chơn, đến cây ngạch cửa mòn lẵn dưới bàn chơn của những người thân yêu) đều là bầu bạn của ngày buồn lẫn ngày vui của ta. Phải có những con đường mòn bò quanh quẩn trong làng mà mỗi phiến đá bên lề biết kể lể một câu chuyện đau thương hay ngồ ngộ. Phải có những vuông ruộng sau nhà mà nơi đó lưỡi cày của tổ tiên ta đã lặn hụp từ mấy ngàn năm.

Phải có gương mặt một từ mẫu nghiêng xuống bên tai ta mà rót vào đó những câu ru ta không hiểu mà ta thích nghe. Hoặc nhỏ to kể những câu chuyện đời xưa cảm động hay hãi hùng.

Phải có những cái ấy. Chúng lẩn lút trong người ta, ràng buộc ta mãi mãi với quê hương”16.

Thật đúng như vậy. Cái “chất” mà Bình Nguyên Lộc đề cập ở đây, nói cách khác, là “chỗ nương dựa của tinh thần”17 trong mỗi con người.

2.2. Tự sự triết lý dân gian trong truyện ngắn Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam thể hiện sự nhận thức về thế giới và hoàn cảnh sống của cư dân vùng đất Nam bộ

2.2.1. Cái nhìn về thế giới và hoàn cảnh sống luôn được khúc xạ qua tư duy triết lý và sự chiêm nghiệm mang màu sắc cá nhân nhưng chứa đựng ký ức của cộng đồng

Từ lâu, trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam đã lưu giữ rất nhiều những ký ức của các dân tộc và cộng đồng dân cư về những vấn đề thể hiện nhận thức của con người về thế giới và hoàn cảnh sống. Chẳng hạn: Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa; Trăng mờ tốt lúa nỏ, trăng tỏ tốt lúa sâu; Tháng Bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão; Đêm tháng Năm chưa nằm đã sáng, ngày tháng Mười chưa cười đã tối… Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài; Khôn nhà dại chợ; Khôn ra miệng, dại ra tay; Bầu ơi, thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn; Sông sâu sào ngắn khôn dò/Người khôn ít nói khôn đo tấc lòng; Thức lâu mới biết đêm dài/Ở lâu mới biết là người có nhân…

Không chỉ văn học dân gian, văn học viết cũng chứa đựng một lượng lớn tri thức triết lý khái quát nhận thức của con người về thế giới và hoàn cảnh sống. Là những nhà văn từng trải, sống gắn bó với nhân dân, trong truyện ngắn Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam, từ điểm nhìn trần thuật của nhân vật/người trần thuật, người đọc có thể tìm thấy những nội dung trên qua thế giới hình tượng nhà văn xây dựng. Tất nhiên, cái nhìn về thế giới và hoàn cảnh sống luôn được khúc xạ qua tư duy triết lý và sự chiêm nghiệm mang màu sắc cá nhân, nhưng đồng thời chứa đựng cả ký ức của cộng đồng. Nhân vật Hà trong Chiêu hồn nước đã nói với người thiếu phụ trở về nước sau nhiều năm xa quê hương sống ở nước ngoài rằng: “Cây cỏ, núi sông vẫn có linh hồn. Nhưng ta chỉ nắm tay được với linh hồn cảnh vật qua trung gian của một linh hồn khác thôi, linh hồn người”18. Lời nói này đã xác tín một mối quan hệ bền chặt giữa hồn nước và hồn người, tức hồn của người dân yêu nước. Kinh nghiệm dân gian có được của Ông già xay lúa (tên truyện ngắn của Sơn Nam) – ông Năm, khi giải thích câu hát trong một bài ca vọng cổ, vì sao mặt trời mọc ở Đông Nam rồi lặn ở Tây Bắc, là: “lệ thường mặt trời mọc hướng Đông lặn hướng Tây. Nhưng gần sa mưa hay gần Tết thì mặt trời đi xéo. Vậy thì ngày và đêm không đều, “tháng Năm chưa nằm thì sáng, tháng Mười chưa cười thì tối”. Từ Đông Nam hồi về Tây Bắc, tức là bài ca vọng cổ muốn nói lúc tháng Mười; ngọn gió đó là gió Tết. Mặt trời ít khi đi ngay hướng Đông Tây”19. Lời giải thích của ông Năm đã chứa đựng cả chiêm nghiệm của cộng đồng: “tháng Năm chưa nằm thì sáng, tháng Mười chưa cười thì tối”.

Là một bác sĩ đang theo đuổi việc tạo ra một thứ thuốc trường sinh cho con người, nhưng khi nghĩ về cuộc đời của cụ ông trong họ tộc đã sống đến chín mươi sáu tuổi, có lúc lẫn, Ân trong truyện Tre phải tàn đã tự nhủ thầm về đời sống của con người trong mối quan hệ với những người xung quanh thật cần thiết, chẳng khác gì sự sống của chính bản thân họ:

“Tre phải tàn, và con người phải chết! Thuốc trường sanh không giúp con người hưởng hạnh phúc lâu dài đâu.

Sống sót trên đời với những thế hệ không thân với mình thật không khác nào sống sót sau một trận dội bom kinh khí, sau cuộc tận thế, sống một mình với những hòn đá chung quanh, nó không thèm biết có mình, hay chỉ xem mình là một hiện tượng lạ mắt thôi”20.

Có thể nói, triết lý dân gian về thế giới và hoàn cảnh sống của nhân dân ta nói chung và của người dân Nam bộ nói riêng là vô cùng. Đó là thứ triết lý được rút ra từ đời sống tự nhiên và đời sống xã hội; là lý nhưng cũng là tình; là trí tuệ nhưng chứa đựng cả những yếu tố tình cảm của con người trong đó.

2.2.2. Cái nhìn về thế giới và hoàn cảnh sống ấy thể hiện rõ nét đặc trưng tư duy triết lý của người dân Nam bộ: tình cảm, chân thành, thiết thực, thương ghét phân minh

Ngay từ thời khẩn hoang, trong nếp sống, cách suy nghĩ và nói năng, người dân Nam bộ rất thích sự bộc trực, thẳng thắn, chân thành, không quen với sự hoa mỹ, rào đón. Muốn nói gì làm gì, họ cứ nói ra ngay điều định nói định làm, chứ không ưa vòng vo, úp úp mở mở. Tính tình của họ thường rất cởi mở, xuề xòa, thương ghét rạch ròi, trọng tình cảm chân thực chứ không câu nệ, khách sáo. Dường như ai nấy đều thấm nhuần triết lý dân gian: Tiền tài như phấn thổ/Nhơn nghĩa tợ thiên kim.

Câu chuyện giữa Tồn, Khoa và bác Thụ qua lời kể của người trần thuật trong truyện ngắn Quyển gia phổ của Bình Nguyên Lộc đã nhắc đến việc loài người phát hiện ra lửa, và ánh lửa bếp không nên để tắt ở những gia đình người dân Nam bộ xưa kia, đã cho thấy cái nhìn rất nhân văn của con người nói chung và người dân Nam Bộ nói riêng về thế giới và đời sống, tình cảm gắn bó của nhiều thế hệ con người qua ánh lửa bếp, cũng như cách con người ứng phó trước những thử thách của đời sống:

“Từ đó, từ ngày bắt gặp lửa một cách tình cờ may mắn, loài người sống rời rạc và trôi nổi bình bồng, mới dừng chưn quanh đống lửa, lập nên gia đình đầm ấm, đêm đêm hằng nhen nhúm lửa thiêng. Từ đó lửa muôn năm được nuôi nấng trong lò như đời người truyền kiếp muôn thế hệ. Loài người quý lửa cho đến nỗi dân La Mã đã bắt bọn nữ đồng trinh canh gác lửa từ ngày này qua năm khác, vô phúc cho cô nào lơ đễnh để tắt lửa thiêng, tội chết sẵn chờ các cô ấy.

(…) Con Dần em tôi đây, nó thường bị má tôi mắng vì để bếp lửa tắt. Không biết vì thói quen hay vì nỗi lo âu di truyền nào mà má tôi thường để tâm nhen nhúm lửa cả ngày lẫn đêm. Chiều nào má tôi cũng nhắc nhở nó chụm vào bếp vài thanh củi găng. Thứ củi ấy chắc thịt, đậu than bền. Rồi đến đêm má tôi phủ lên đó một lớp tro mỏng. Thế là than âm thầm ngún cho đến sáng. Vốn thừa tự nỗi lo âu truyền kiếp ấy, tôi buồn rười rượi và thương hại vô ngần mỗi khi nhìn một mái nhà không quyện khói, vì:

Cái bếp lạnh, mái nhà không quyện khói,

Là không có người nhen nhúm lửa thiêng21.                

Đây không chỉ là thói quen mà còn là tập tục lâu đời của cư dân phương Nam thời mở đất. Ánh lửa không chỉ để nhà cửa thêm ấm áp, vui tươi, mà còn để sẻ chia với mọi người xung quanh, đề phòng tai họa từ thiên nhiên hoang dã (cọp beo, rắn rết,…).

Hệ thống nhân vật trong truyện ngắn của Sơn Nam thường bộc lộ nghĩ suy, tâm lí, hành động thể hiện đậm nét đặc trưng tính cách Nam bộ và quan niệm triết lý nhân sinh: trọng nghĩa nhân, khinh tiền tài, chân thành, mộc mạc, cương trực, hào hiệp… Thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật ấy bắt nguồn từ sự tìm tòi, nếm trải của nhà văn trong suốt những năm tháng sống chan hòa, bình dị với cuộc sống của người dân phương Nam ở nhiều vùng nông thôn lẫn thành thị. Truyện ngắn Đảng “Cánh Buồm Đen” của Sơn Nam đã xây dựng thành công hình tượng Sáu Bộ tuy là chúa đảng, nhưng đã kiên quyết giải nghệ khi lỡ tay giết oan một người ở thuê cho chủ. Nắm trong tay cây roi và “đường quờn Lưu Thủy” được truyền lại từ vị sư tổ ở núi Dài, ít ai biết được, ông không nỡ tiếp tục mai danh ẩn tích vì cảm thấy nhục nhã như thiếu một món nợ gì đối với trời đất, núi non, không xứng đáng với chức vị “chặt đầu Tây” giành cho người dày công tu luyện. Vì vậy, dù tuổi đã cao, Sáu Bộ vẫn sẵn sàng truyền lại bí quyết nhiệm màu của đường quờn ấy cho lớp thanh niên yêu nước; thậm chí sẵn lòng hiến tặng cây roi để chặt ra làm cán mác nếu cần, hay “chặt khúc nó mà chụm, lão đây cũng không tiếc”, nghĩa là “làm gì thì làm, miễn dùng nó được thì thôi”22 cho cuộc đánh Tây.

Tương tự, ông hương cả Binh trong truyện Con ngựa đất23 cũng chính là một nhân cách Nam bộ rạng ngời tiêu biểu cho những con người nghĩa khí sống chết vẫn không rời căn nhà, mảnh đất quê hương, chọn cái chết vinh hơn sống nhục khi đối đầu với bọn giặc xâm lược bạo tàn.

2.3. Đặc sắc nghệ thuật tự sự triết lý dân gian Nam bộ trong truyện ngắn Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam     

2.3.1. Nghệ thuật tự sự triết lý dân gian gắn liền với ngữ cảnh văn hóa mang tính đặc trưng Nam Bộ

Tự sự/trần thuật/kể chuyện là sự tường thuật để kết nối các sự kiện, sự việc, trình bày cho người đọc, người nghe, người xem bằng một chuỗi câu viết/nói/hình ảnh. Tự sự có thể được tổ chức ở nhiều loại hình, thể loại, phong cách: phi hư cấu (như ghi chép tiểu sử, viết sử); hư cấu hóa (như giai thoại, thần thoại, truyền thuyết, truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, kịch…). Các hình thức tự sự vô cùng phong phú, được tìm thấy trong tất cả hình thức sáng tạo của con người và trong các loại hình nghệ thuật (như bài nói, bài viết, bài hát, phim, truyền hình, trò chơi, nhiếp ảnh, sân khấu, trò chơi nhập vai, nghệ thuật thị giác…). Tự sự cũng được tìm thấy trong quá trình kể chuyện truyền miệng, qua những hoạt động lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác nhằm bảo tồn, phát huy truyền thống lịch sử – văn hóa, hướng dẫn các hành vi, phong tục, tập quán phù hợp, hình thành bản sắc và các giá trị của cộng đồng.

Chính vì vậy, tự sự bao giờ cũng gắn liền với một ngữ cảnh cụ thể. Đó là các yếu tố thuộc không gian – thời gian, xã hội, lịch sử, văn hóa, địa lý… góp phần làm cho câu chuyện trở nên cụ thể, sinh động hơn, giúp người đọc/người nghe/người xem có thể lĩnh hội nội dung thông tin một cách đầy đủ và chính xác. Quan niệm về sự giao tiếp giữa văn bản với ngữ cảnh văn hóa, Yu. M. Lotman xem văn bản hoạt động trong hành vi giao tiếp không như một thông tin, mà như một chủ thể, một người tham gia có đủ quyền năng – của nguồn cội hay là người tiếp nhận thông tin. Quan hệ giữa văn bản với ngữ cảnh văn hóa có thể có tính cách ẩn dụ khi văn bản được xem là vật thay thế cho toàn bộ ngữ cảnh mà nó có giá trị tương đương trong một tương quan cụ thể, hoặc có tính hoán dụ khi văn bản trình bày ngữ cảnh như một phần nào đó – là cái chỉnh thể. Hơn nữa, vì ngữ cảnh văn hóa là hiện tượng phức tạp và không đồng chất, nên một văn bản có thể tham gia vào những quan hệ khác nhau với những cấu trúc tầng bậc khác nhau của nó24.

Khảo sát truyện ngắn Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam, người đọc tìm thấy một cái nền văn hóa sâu rộng của bản thân tác giả. Chính cái “phông” văn hóa với tầm kiến văn về nhiều mặt ấy đã chi phối hệ thống đề tài, chủ đề, nhân vật, không gian – thời gian, ngôn ngữ, giọng điệu… cả nội dung và phương thức triết lý dân gian trong các tác phẩm. Đó là phương thức truyền tải nội dung triết lý thông qua ngôn ngữ nhân vật (rất ít ngôn ngữ của người trần thuật) đặt trong bối cảnh, không gian văn hóa gắn chặt với đời sống của cư dân Nam bộ. Với gần 1000 truyện ngắn tính đến năm 1974, chưa kể số truyện ngắn Bình Nguyên Lộc viết sau ngày sang Hoa Kỳ (1985) chữa bệnh và định cư bên ấy, ngữ cảnh văn hóa mang tính đặc trưng Nam bộ hiện lên rất đậm nét gắn với không gian đô thành Sài Gòn, nơi nhà văn gắn bó để chữa bệnh và viết lách (Người chuột cống, Hồn ma cũ, Bên kia sự thật,…), và vùng nông thôn Nam bộ, nhất là miền Đông (Tân Uyên – Biên Hòa) quê hương của ông (Bảo mật, Đồng đội, Nỗi buồn của người sắp chết,…). Cả dấu ấn của những tháng năm dài chữa bệnh ở các nhà thương quanh Sài Gòn cũng được tìm thấy ở khá nhiều truyện ngắn của nhà văn (Không trốn nữa, Xác không chôn, Lan đam mê,…).

Với Sơn Nam, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và vùng nông thôn các tỉnh miền Tây Nam bộ mà người dân nơi đây quen gọi là Miệt Vườn, chính là ngữ cảnh quen thuộc trong các sáng tác truyện ngắn của nhà văn (Ngày mưa đầu mùa, Mùa “len” trâu, Tình nghĩa giáo khoa thư,…). Nhờ những năm tháng sống cuộc sống chan hòa, bình dị, chịu khó đi nhiều, khéo nắm bắt, học hỏi và tra cứu, Sơn Nam đã có được một vốn sống cực kỳ phong phú và đa dạng. Hình ảnh người dân Nam bộ với đủ thành phần, hạng người, nghề nghiệp hiện lên rõ nét trong các truyện ngắn của nhà văn. Sơn Nam am hiểu nhiều nghề có tính đặc thù như: câu sấu, bắt sấu, bắt rắn, trị rắn cắn, bắt cá, bẫy chim, tằn khạo, thương hồ, làm ruộng dạo, xúc hột sen, gác kèo, ăn ong, len trâu, làm ruộng, làm rẫy, làm vườn, đóng đăng, đóng đáy, xây nò, xây rọ… Ba dân tộc là đồng chủ nhân của vùng đất Nam bộ được nói đến thường xuyên trong tác phẩm là Kinh, Khmer và Hoa. Nhiều phong tục, tập quán, lễ hội của ba dân tộc cùng cộng cư ấy như Tết cổ truyền, tục cúng vật/việc lề, tục lệ đốt đèn trời, thờ cúng tổ tiên, giỗ ông bà, cúng thần thánh, cúng trăng, đua ghe ngo, ngày bổ tróc, các lễ hội Kỳ Yên, Nghinh Ông, Chôl Chnam Thmây (còn gọi là lễ hội Mừng năm mới), Đôn Ta, Ok Om Bok… đã được ông chú ý đề cập. Một đoạn đối thoại sau đây giữa thầy Tư Nhu và Hai Nhiệm trong truyện ngắn Con Bà Tám – chỉ tên gọi một loài rùa khổng lồ có tám cái sọc trên lưng, giúp người đọc hiểu thêm về ngày bổ tróc và quan niệm lao động của ngư dân vùng biển:

“Hai Nhiệm sực nhớ tới danh từ bổ tróc ấy:

Tôi nghe người ta nói nhiều về ngày đó. Xây nò (một cách đánh bắt hải sản xa bờ – P.T.H.) thì phải hạ thủy đúng ngày bổ tróc, như người cất nhà xem ngày để gác đòn dông.

Chú em hiểu bổ tróc là gì không? Bổ tức là bộ, là bủa, bủa lưới. Tróc là bắt, nã tróc. Chú em cho biết tuổi tác để tôi “đánh tay” cho.

Hai Nhiệm nói với giọng tức giận:

Tôi thì chẳng cho thằng cha nào hùn vô hết! Năm nay tôi “xù” cái vụ coi tuổi, coi quẻ bát quái, coi ngày bổ tróc. Mình hên thì mọi việc đều xong. Nếu hết thời, một trăm ông thầy nò cũng không cứu nổi. Hơn nữa mỗi “cha” thầy nò bàn một cách; cha nào cũng tự xưng là thần, là thánh tối ngày ngồi trên đất cạn mà nói chuyện cá tôm dưới đáy biển”25.

Rõ ràng, ngữ cảnh văn hóa mang tính đặc trưng Nam bộ đã làm nên những đặc sắc trong truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam.

2.3.2. Ngôn ngữ tự sự triết lý dân gian mang hơi thở đời sống lao động và đấu tranh của người dân Nam bộ

Kế thừa và phát huy mạnh mẽ ngôn ngữ văn xuôi trong sáng tác của những nhà văn Nam bộ trước kia như Nguyễn Trọng Quản, Hồ Biểu Chánh, Phú Đức, Phi Vân, Vương Hồng Sển… ngôn ngữ tự sự triết lý trong truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam thể hiện đặc trưng của phương ngữ Nam Bộ, đồng thời mang hơi thở nóng hổi của đời sống lao động và đấu tranh của người dân vùng đất này. Kết thúc truyện ngắn Nỗi buồn của người sắp chết của Bình Nguyên Lộc, nhân vật Chú Sáu đã nói trước khi đi ngủ về nỗi lo truyền nghề của mình: “Trước khi theo ông theo bà, tôi muốn để lại cái gì cho đời sau, nhưng khổ nỗi là món tài sản ấy không phải là đám ruộng hay vườn xoài. Nó là cái “biết”, mà cái biết không ai chịu học, tôi lo lắm thầy Hai ơi!”26. Ngoài nội dung triết lý dân gian có nguồn gốc từ câu thành ngữ quen thuộc lưu truyền kinh nghiệm sống: Khôn chết, dại chết, biết sống/Khôn sống, mống chết, lời thoại trên còn dùng cách nói quen thuộc của người dân Nam bộ: “theo ông theo bà”, “đám ruộng hay vườn xoài”, “cái biết” nên nội dung triết lý được thể hiện trở nên nhẹ nhàng, tự nhiên, gần gũi và phù hợp với cuộc sống lắm khó khăn, thử thách của quần chúng nhân dân. Cũng vận dụng cách nói dân gian, lão Tư Nếp trong truyện ngắn Hai ông già của Sơn Nam đã khái quát để trả lời câu hỏi của thầy giáo Chích về nguồn gốc của hai thứ mận ăn ngon, hợp phong thổ, theo cách hiểu của người dân Nam bộ: “Thì ông bà mình có câu “cá nước chim trời…”. Cái gì lạ thì do cá nước chim trời… đem tới. Trời mà biết. Cắt nghĩa làm chi. Hai thứ mận đó ăn ngon, hợp với phong thổ, nó sống hoài. Thầy giáo biểu tôi cắt nghĩa cho ông quan hai nghe sự tích. Làm sao cắt nghĩa…”27.

Không chỉ thể hiện những suy ngẫm, quan niệm mang tính chất triết lý trong đời sống lao động thường nhật, công cuộc trường kỳ đấu tranh chống thiên tai, địch họa, chinh phục sương lam chướng khí, thú dữ rừng hoang cũng đã đưa đến nhiều đúc kết, tổng kết có giá trị bền vững của người dân Nam bộ. Trả lời cho những câu hỏi của đứa cháu ham tìm hiểu, ông nội thằng Cộc trong truyện Rừng mắm của Bình Nguyên Lộc đã lấy bối cảnh, không gian U Minh đang sống để giải thích lý do vì sao cả gia đình nó kéo nhau xuống chiếc xuồng cui để đến với cái xó không người này, mà ông nội nó đã đặt tên là xóm Ô Heo: “Ông với lại tía con là cây mắm, chơn giẫm trong bùn. Đời con là đời tràm, chơn vẫn còn lấm bùn chút ít, nhưng đất đã gần thuần rồi. Con cháu của con sẽ là xoài, mít, dừa, cau”28. Tiếp xúc với tác phẩm, người đọc sẽ biết thêm rằng cây mắm “không dùng được để làm gì cả, cho đến làm củi chụm cũng không được”, nhưng “Phù sa là đất bùn mềm lủn và không bao giờ thành đất thịt được để ta hưởng, nếu không có rừng mắm mọc trên đó cho chắc đất. Một khi kia mắm sẽ ngã rạp. Giống tràm lại nối ngôi nó. Rồi sau mấy đời tràm, đất thuần, cây ăn trái mới mọc được”29. Vậy là đã rõ thế nào là cây mắm, cây tràm, là cuộc đời của “mấy lớp tiên phuông”, của “tổ tiên ta ngày xưa từ miền Trung tràn vào đây đều chịu số phận làm cây mắm cả”, để “Đời con là đời tràm… Con cháu của con sẽ là xoài, mít, dừa, cau”30. Không có những con người ấy, chúng ta khó có thể hình dung đất và người Nam bộ ngày nay sẽ như thế nào.

  1. Kết luận

Từ góc nhìn tự sự triết lý dân gian Nam bộ, truyện ngắn Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam chính là diễn ngôn tự sự về đất và người phương Nam, chứa đựng những thức nhận, nghĩ suy, đúc kết, khái quát về thế giới và hoàn cảnh sống gắn liền với ngữ cảnh văn hóa có tính đặc trưng, đồng thời mang hơi thở của đời sống lao động, đấu tranh của người dân Nam bộ. Nội hàm của triết lý dân gian ấy chủ yếu là triết lý nhân sinh. Nó tồn tại và phát triển song hành với đời sống của người dân Nam bộ.

Do gắn chặt với đời sống con người và vận mệnh đất nước, triết lý dân gian Nam bộ thể hiện trong truyện ngắn Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam vừa có giá trị nhân bản, vừa mang tính nhân văn sâu sắc. Những bài học triết lý dân gian được rút ra từ đời sống người dân Nam bộ không chỉ có giá trị thực tiễn mà còn có giá trị lý luận, góp phần xứng đáng vào kho tàng văn hóa chung của dân tộc và nhân loại. Khảo sát và nghiên cứu sáng tác của nhiều nhà văn Nam bộ khác, trước năm 1975, như Vũ Anh Khanh, Lý Văn Sâm, Trúc Chi, Thiên Giang, Phi Vân, Tam Ích, Thẩm Thệ Hà,… chắc chắn người nghiên cứu sẽ phát hiện thêm nhiều giá trị triết lý nhân sinh cần khai thác. Những giá trị ấy đã thể hiện cụ thể và sinh động trí tuệ, tính cách và nếp sống của người dân Nam bộ bao đời nay trên vùng đất cuối cùng của Tổ quốc.

_______________

Chú thích:

1 Bình Nguyên Lộc (2002). Tuyển tập Bình Nguyên Lộc I, II (Nguyễn Q. Thắng tuyển chọn, giới thiệu). NXB Văn học, Thành phố Hồ Chí Minh.

2 Sơn Nam (2004). Hương rừng Cà Mau. NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.

3 Sơn Nam (2003). Biển cỏ miền Tây – Hình bóng cũ. NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.

4 Viện Ngôn ngữ học Việt Nam (2014). Từ điển tiếng Việt. NXB Lao động – Xã hội, Hà Nội, tr. 695.

5 Ban Tu Thư Khai Trí (1971). Từ điển Việt Nam. Nhà sách Khai Trí xuất bản, Sài Gòn, tr. 882.

6 Viện Ngôn ngữ học Việt Nam (2014). Từ điển tiếng Việt. NXB Lao động – Xã hội, Hà Nội, tr. 695.

7 Sơn Nam (2015). Lịch sử khẩn hoang miền Nam – Phần I – Chương 1. Nguồn:  https://gacsach.com/doc-online/109860/lich-su-khan-hoang-mien-nam-phan-i-chuong-1-phan-1.html, (Truy cập ngày 07.6.2015).

8 Xem thêm: Nguyễn Q. Thắng (2001). “Bình Nguyên Lộc một bút lực lớn”, in trong Bình Nguyên Lộc (2002). Tuyển tập Bình Nguyên Lộc I (Nguyễn Q. Thắng tuyển chọn, giới thiệu). NXB Văn học, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 7-71.

9 Bình Nguyên Lộc (2002). Tuyển tập Bình Nguyên Lộc I (Nguyễn Q. Thắng tuyển chọn, giới thiệu). NXB Văn học, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 288.

10 Sơn Nam (2004). Hương rừng Cà Mau. NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 92.

11 Bình Nguyên Lộc (2002). Tuyển tập Bình Nguyên Lộc II (Nguyễn Q. Thắng tuyển chọn, giới thiệu). NXB Văn học, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 980-981.

12 Bình Nguyên Lộc (2002). Tuyển tập Bình Nguyên Lộc II (Nguyễn Q. Thắng tuyển chọn, giới thiệu). NXB Văn học, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 996-997-998.

13 Sơn Nam (2004). Hương rừng Cà Mau. NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 672.

14 Sơn Nam (2004). Hương rừng Cà Mau. NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 669.

15 Sơn Nam (2004). Hương rừng Cà Mau. NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 669.

16 Bình Nguyên Lộc (2002). Tuyển tập Bình Nguyên Lộc I (Nguyễn Q. Thắng tuyển chọn, giới thiệu). NXB Văn học, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 296-297.

17 Bình Nguyên Lộc (2002). Tuyển tập Bình Nguyên Lộc I (Nguyễn Q. Thắng tuyển chọn, giới thiệu). NXB Văn học, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 295.

18 Bình Nguyên Lộc (2002). Tuyển tập Bình Nguyên Lộc II (Nguyễn Q. Thắng tuyển chọn, giới thiệu). NXB Văn học, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 947.

19 Sơn Nam (2004). Hương rừng Cà Mau. NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 774.

20 Bình Nguyên Lộc (2002). Tuyển tập Bình Nguyên Lộc I (Nguyễn Q. Thắng tuyển chọn, giới thiệu). NXB Văn học, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 511.

21 Bình Nguyên Lộc (2002). Tuyển tập Bình Nguyên Lộc I (Nguyễn Q. Thắng tuyển chọn, giới thiệu). NXB Văn học, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 439-440.

22 Sơn Nam (2004). Hương rừng Cà Mau. NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 368.

23 Sơn Nam (2004). Hương rừng Cà Mau. NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 263-274.

24 Xem thêm: Lotman, Yu. M. (15/4/2012). Ký hiệu học văn hóa và khái niệm văn bản (Lã Nguyên dịch). Truy cập từ https://phebinhvanhoc.com.vn/ki-hieu-hoc-van-hoa-va-khai-niem-van-ban/.

25 Sơn Nam (2003). Biển cỏ miền Tây – Hình bóng cũ. NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 30.

26 Bình Nguyên Lộc (2002). Tuyển tập Bình Nguyên Lộc I (Nguyễn Q. Thắng tuyển chọn, giới thiệu). NXB Văn học, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 171.

27 Sơn Nam (2004). Hương rừng Cà Mau. NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 480.

28 Bình Nguyên Lộc (2002). Tuyển tập Bình Nguyên Lộc II (Nguyễn Q. Thắng tuyển chọn, giới thiệu). NXB Văn học, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 660.

29 Bình Nguyên Lộc (2002). Tuyển tập Bình Nguyên Lộc II (Nguyễn Q. Thắng tuyển chọn, giới thiệu). NXB Văn học, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 659.

30 Bình Nguyên Lộc (2002). Tuyển tập Bình Nguyên Lộc II (Nguyễn Q. Thắng tuyển chọn, giới thiệu). NXB Văn học, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 661, 660.

TS.Phạm Thanh Hùng