Từ chữ ký tên

Tôi bàng hoàng cảm thấy gai gai sau ót và máu như đổ dồn lên mặt từ khi thấy Quân xuất hiện phía sau cánh gà sân khấu. Tôi chỉ kịp ôm chầm lấy Quân, mặc cho thân hình rắn chắc của anh nặng nề tựa vào người tôi thay cho cây tó vừa rời tay anh ngã xuống sàn gỗ. Và tôi chẳng còn nghe Ban Tổ chức Hội diễn Văn nghệ Công nhân viên chức toàn tỉnh giới thiệu đến tiết mục nào nữa; tôi kéo nhẹ Quân ngồi xuống băng ghế phía sau tấm phông vải, tất cả không gian quanh tôi bây giờ dường như bị nhòa đi bởi dòng hồi ức tuần tự trở về…

***

– Mặt tám, đáy bốn, sâu hai, dài mười mét, tổng khối lượng đất mà anh phải đào theo hợp đồng này là một trăm hai chục mét khối. Bây giờ chúng tôi cho anh ứng trước một số tiền ; vài hôm chúng tôi nghiệm thu từng phần và cho anh ứng thêm nếu cần. Đây! Anh ký đi, ký vô chỗ này nè!

Tôi đưa sấp giấy đánh máy mình vừa điền vào các điều khoản theo mẫu hợp đồng tận tay Công để anh ký. Công do dự và nhận lấy cây viết píc tôi vừa đưa tiếp và chẳng hiểu sao anh ta lại chần chừ chưa chịu ký. Đôi mắt Công bối rối nhìn tôi, trán thì thì lấm tấm mồ hôi mặc dù bên ngoài cửa sổ gió đang gào thét đuổi nhau trên cánh đồng hoang đang được Lâm Trường cải tạo trồng rừng tràm. Tôi gỡ chiếc kính cận đang đè nặng trên hai cánh mũi và bực mình nói bằng giọng châm chọc.

– Sao? Anh không bằng lòng với giá đó ư? Ai cũng vậy thôi, hàng trăm người đang làm trong đó, cũng với giá này, anh hỏi Quân thử xem…

Tôi quay sang nhìn Quân đang ngồi ở ghế đối diện như muốn dựa vào cái gật đầu xác nhận của người đội trưởng đội máy kéo để khẳng định lời nói mình trước anh chàng đa nghi này và chờ đợi. Cây viết píc rung rung trong mấy ngón tay thô nhám của Công, anh ta cố trấn tỉnh mà giọng vẫn cứ lạc đi một cách yếu ớt, vụng về:

– Tôi… Tôi… tôi dốt… tôi gạch… gạch thập được không các anh?

– Trời đất!  Gạch thập cũng được chứ có sao.  Nhưng… không được đâu, có mấy người gạch thập rồi; ai cũng gạch thập, mấy ông tài chánh lại thắc mắc khi quyết toán. Chán bỏ mẹ! Có cái chữ ký tên của mình mà cũng không biết nữa thì làm ăn gì- Bất chợt tôi nghĩ lại và giục Công

– Ờ… thôi, khoanh vòng tròn cho rồi, khoanh đi!

Tiếng cười vỡ ra tiếp theo câu nói của tôi như phụ họa ý thỏa mãn vì tôi tự cảm thấy việc đổi chữ ký tên từ gạch thập sang vòng tròn là một sáng kiến đúng đắn. Khoái trá, hai bàn tay tôi chống vào cạnh bàn, người ngã vào lưng tựa của ghế, hai chân trước của ghế hổng lên, cái bàn rung rung làm vòng tròn dưới ngòi viết píc trong tay Công méo mó, nguệch ngoạc trông nó giống như một lát khổ qua cắt mỏng. Công buông viết vội vàng và thở phào nhẹ nhàng như vừa trút xong gánh mạ nặng nề trên vai, nhưng tôi chưa vừa lòng.

– Còn nữa… tất cả năm tờ. Chúng tôi còn phải lưu và để quyết toán nữa. Ơ, sao lại ký mực đỏ.

Tôi bực mình, giật lại cây viết vì trong lúc vô tình Công đã xoay nắp viết đổi ngòi mà anh ta không hay. Công quan sát tôi xoay lại nắp viết, gương mặt khó hiểu khi thấy ngòi viết rút vô và hiện ra như cũ. Nhận cây viết lại để ký thêm, anh ta còn nghi ngờ và quẹt vội vô bàn tay mấy nét. Đôi mắt mở to đầy kinh ngạc và miệng nở nụ cười khoái trá khi thấy nét mực trên bàn tay mình màu xanh. Tôi không nén được tiếng cười vội quay sang Quân mong thấy một nụ cười đồng tình. Nhưng thật lạ. Tôi thấy đôi môi Quân mím chặt, đôi mắt sâu thẳm, sầu não như ngập trong ngấn lệ long lanh đầy xúc động. Bất chợt, thấy tôi nhìn, Quân gục đầu xuống, hai bàn tay đan vào nhau nhẹ đỡ cái trán cao sạm nắng. Tôi thấy một vết sẹo dài trên đỉnh đầu Quân, nó không to lắm nhưng vì nối liền giữa hai xoáy tóc nên rất dễ trông thấy một vệt trắng trắng, vì tóc không mọc lên được. Công ngượng ngùng bước ra khỏi phòng. Tôi vội phá tan cái không khí im lặng, buồn tẻ một cách vô duyên này bằng một câu chuyện đùa.

– Thiên hạ sẽ cho rằng tôi kể chuyện cổ tích nếu như không gặp những trường hợp như chúng ta thường gặp ở đây. Hôm tôi cùng thằng Nam ra thị trấn. Anh ta khều khều tôi và nói một cách tự nhiên: “Ở chợ người ta ưa xài mấy cái đồng hồ bự quá ha…”

Trời đất ơi, tôi nhìn  anh ta chỉ vào mấy cái cân đĩa có chỉ số trên mặt tròn ở các quầy bánh kẹo mà vội lôi anh ta đi như vội tìm đường chui xuống đất cho đỡ xấu hổ

– Đúng là đáng xấu hổ- Quân tiếp lời tôi bằng một giọng đượm buồn-Vậy mà anh không tán thành chuyện mở lớp xóa dốt cho anh em công nhân Lâm trường và bà con quanh vùng. Anh không thấy tội nghiệp cho họ sao? Họ sinh ra và lớn lên ở vùng Bảy Núi này, chỉ quen chạy tránh bom đạn chớ đâu hề thấy trường học. Bây giờ lớn rồi, nhưng cuộc sống nghèo nàn buộc họ phải bám vào cánh đồng hoang này, bám vào công việc trồng rừng của Lâm trường mình, đâu có điều kiện học hành. Anh thử tổ chức xem sao.

– Tổ chức với tổ chức!- Tôi bực dọc gằn giọng trước cái giọng dạy đời của Quân- Nhà nước phân công tôi vô đây để trồng rừng chớ không phải để dạy học. Chuyện dạy học đã có ngành giáo dục họ lo, sao anh lại thích “đá lộn sân” như vậy.

Nói xong, tôi cắt ngang câu chuyện tay đôi với Quân bằng thái độ bực dọc và quầy quả bước ra khỏi phòng. Tôi biết anh ta không vừa lòng và sắp hăng máu lên để tranh luận với tôi như trong buổi họp Chi đoàn hôm nào. Nhưng chẳng lẽ, một Bí thư Chi đoàn như tôi, người đã tốt nghiệp đại học lại không nghĩ ra chuyện đó, nhưng với kinh nghiệm sống hơn anh ta cả một chục tuổi đầu, là người công tác ở đây hơn sáu năm trời, tôi thừa biết mình nên hay không nên làm việc đó. Tôi biết, đã không thể thuyết phục được tôi, cái anh chàng ấy sẽ kêu lên với Ban giám đốc cho mà xem. Tôi chợt mỉm cười tự tán thưởng cho mình khi nghĩ đến mọi ý đồ của mình bao giờ cũng được các ông lãnh đạo tán thành. Tôi thừa khả năng để làm cho các ông ghét cay, ghét đắng anh chàng bộ đội chuyển ngành này.

Đúng như dự kiến của tôi, cả ba ông trong Ban giám đốc đều từ chối lời đề nghị của Quân với những lý do mà tôi đã gợi ý trước: Chờ ý kiến thống nhất đầu tư xây dựng trường lớp cho lâm trường, mà chờ đợi điều đó chẳng khác gì nghĩ đến chuyện viễn tưởng…Vậy mà anh ta vẫn ngang bướng tự đứng ra tổ chức lớp học xóa dốt vào ban đêm ở trong căn nhà ăn của tập thể. Học viên là các công nhân sản xuất ở các tiểu khu và con em các gia đình lân cận khu vực lâm trường.

Sự kiện này làm xôn xao dư luận cả lâm trường, lan rộng đến Sở Lâm nghiệp và Phòng Giáo dục và Huyện đoàn địa phương. Điều này làm cho tôi tức giận, bởi chính cái thành quả mà Quân đã làm được chứng tỏ sự bất tài của tôi sau hơn sáu năm làm Bí thư Chi đoàn. Đi đâu cũng nghe người ta khen ngợi Quân và cũng không ít người to nhỏ so sánh tôi với anh ta.

Đêm đó, tôi đứng nép bên hiên nhà ăn tập thể của lâm trường để thưởng thức một màn kịch mà mình là người đạo diễn kiêm tác giả kịch bản. Vẫn lớp học buổi tối với mấy cái đèn dầu leo lét và những khuôn mặt quen thuộc; vẫn cái bàn tròn được kê lật nghiêng trên một cái bàn khác để làm bảng viết. Thỉnh thoảng có anh vun tay đập muỗi, anh thì rít thuốc rồi cúi đầu thổi khói xuống chân… Còn Quân vẫn trong bộ đồ công nhân phai màu, trong tay anh có một nhánh tràm nho nhỏ thỉnh thoảng lại gõ khe khẽ lên cái bàn làm bảng.

– Chúng ta cùng đọc thuộc câu minh họa cho chữ O để dễ nhớ nè, “O tròn như quả trứng gà…”. Đây, cái chữ O nó như thế này nè.

Quân kẻ lên bảng một chữ O to bằng cái miệng chén và đồ thật đậm. Tôi cảm thấy tức cười khi nghĩ đến cái bảng của họ cũng là một ví dụ cho cái chữ O khổng lồ được. Trong lớp vang lên tiếng xì xào nho nhỏ.

– Đâu nhất thiết giống như trứng gà, trứng vịt, trứng ngỗng cũng có sai đâu.

– Tao thấy mày “vẽ” vô tập giống cái khứa cá lóc mình nhậu hôm qua, mà còn giống cái miệng bà xã thằng Nam quát nó hôm nào… À…à…Công ơi, sao giống y như cái chữ ký tên của mày trong các bản hợp đồng quá.

– Thôi mà các anh! Tôi dốt nát mới ký tên bằng cách khoanh vòng tròn như vậy, riêng gì tui đâu, chú Sáu tên Huỳnh mà ký tên giống cái cờ hiệu của nhà thương đó… Mà các anh yên chí đi, học biết tên Công viết ra sao thì tôi đổi chữ ký ngay mà…

– Mày mà ký được tên Công thì tao cũng ký được tên Nam của tao…mà đã ký tên được thì tao có hy vọng làm được giám đốc như chơi…(!).

Tiếng cười vui vẻ rộ lên. Quân toan dạy tiếp thì có tiếng ông giám đốc:

– Cậu Quân! Cậu mở cửa cho tôi vô học với coi (!)

Cửa mở, giám đốc lâm trường bước vào trong gương mặt ửng đỏ vì chất men cay đang ngự trị trong dạ dày ông với một lượng đáng kể. Ông cố giương to đôi mi đã nặng nề muốn khép lại cho bớt đôi mắt đỏ lừ đừ và giọng nói của ông nhừa nhựa kéo dài từng chữ, ngỡ như chúng cố bám lấy nhau khi thoát khỏi đôi môi ông.

– Cậu dám tự tiện mở lớp học trong nhà ăn của tập thể mà chẳng cần hỏi ý kiến của người lãnh đạo của mình. Tôi nhớ là mình chưa bàn giao chức vụ hiện tại cho cậu mà… Cậu liệu hồn, lóng rày tôi thấy cậu vượt quá cái quyền hạn và trách nhiệm của mình rồi.

Ông giám đốc tựa vào một cái bàn và không do dự đặt đít ngồi ngay lên mặt bàn. Đôi mắt ông đảo đi, đảo lại nhìn những gương mặt quen thuộc kia một cách khó chịu rồi chăm chú nhìn vào mấy cái bàn ghế long mộng, gãy chân xếp ở góc nhà ăn và gằn giọng:

– Ai… ai chịu trách nhiệm trước sự hư hao tài sản Nhà nước như thế. Còn nữa ,cô phục vụ bếp tập thể đã báo với tôi vừa mất mấy chục tô chén dĩa… Ai? Ai vô đây lấy?- Ông nhìn Quân với nét mặt không một chút gì thiện cảm và cười mỉa mai trước khi nói tiếp- Chắc cậu ham làm thầy thiên hạ lắm hả? Sao lúc chuyển ngành cậu không cố chạy xin công tác trong ngành giáo dục để quanh năm được gắn bó với bảng đen, mực đen và cuộc đời đen như mực, cực thấy mẹ… Qua đó, cậu sẽ có thêm thu nhập như phấn trắng, giấy trắng, rồi được cả hai bàn tay trắng

Tôi quan sát thấy gương mặt Quân chuyển dần dần sang màu đỏ ửng rồi đến tái mét như vừa qua cơn sốt rét. Đôi môi của anh ta mấp máy trước đòn phủ đầu thật độc ác của ông giám đốc. Đúng là như vậy mới trấn áp được anh chàng ngang ngạnh hay lý sự này. Quân run run:

– Tôi… tôi… tôi thương… tôi muốn anh em… mà chú cần gì ở cái lớp này, tôi chịu trách nhiệm. Nhưng ai chẳng biết hư hỏng này- Quân chỉ vào mấy cái bàn ghế hư hỏng- là do những người nhậu nhẹt say sưa đập phá. Mà chú cũng biết nữa vì chính chú cũng có mặt trong những lần đó…

– Cái gì? Tui đập phá hồi nào? Cậu phát biểu linh tinh để hạ uy tín của tôi đó phải không? Chẳng nói dài dòng, cậu phải bồi thường số chén dĩa tô muỗng đã mất ngày hôm qua, ngày cậu dẫn mọi người vô đây học… và từ nay đình chỉ cái công việc không có trong kế hoạch này. Cậu phải biết chờ sự thống nhất của Nhà nước đã…

– Biết chờ… biết chờ… dạ thưa ông, chồng vợ tui đã chờ đợi hơn năm năm qua có thấy gì đâu để gần ba chục tuổi đời mà một chữ bẻ đôi cũng không biết. Còn chuyện mất mát đồ đạc ở đây không có ai tồi tệ đến như vậy. Kẻ ăn cắp cũng biết nên ăn cắp cái gì có giá và ăn cắp thế nào để không ai biết tới mới thừa tiền ăn nhậu chớ.

– Tôi chưa nói đến cậu- Giám đốc quay qua quát Nam khi thấy cái anh chàng  hàng ngày gõ đầu không thưa, hội họp chỉ biết nghe mà hôm nay cũng dám lý sự với ông- Tôi chưa hỏi cậu về trách nhiệm của cậu trong tiểu khu dám tự tiện bỏ chốt về đây khi chưa có ý kiến của Ban giám đốc. Việc này cậu phải gặp tôi sau. Bây giờ, tôi yêu cầu tất cả ra khỏi nhà ăn!

– Chú cần thì được thôi. Chúng tôi nhất quyết lo được chỗ để dạy và học, không cần vô chỗ này làm gì nữa. Còn chú, tôi nghĩ chuyện dạy và học ở đây chính chú phải có trách nhiệm lo toan giúp đỡ trên tinh thần một người lãnh đạo. Chú không xứng đáng để mọi người tôn trọng…

– Dẹp! Tôi không muốn nghe anh nói. Ở đây tôi làm giám đốc. Đảng và Nhà nước tin và giao cho tôi đi trồng rừng chớ không lo dạy và học. Còn cậu muốn thì cứ làm ngoài giờ như cậu nói nhưng tôi cấm không ai được lấy bất cứ cái gì của lâm trường kể cả tràm, đưng ở trong rừng…

***

Đang ngủ tôi chợt giật mình vì phòng bên Quân có tiếng ồn ào. Tiếng Công, đúng là tiếng của anh chàng thường nhận làm hợp đồng cho lâm trường.

– Anh xem chính cây viết này anh ta đã đưa cho tui ký mấy bản hợp đồng hôm trước. Cây viết này rớt ngay bên cạnh mấy chục tô, chén, dĩa ở đám cỏ mà tụi tui dọn nền dựng lớp học. Như vậy thì người lấy mấy thứ đó chẳng ai khác hơn anh ta. Anh ta làm như vậy để phá lớp học của mình. Tui tức quá nên nhờ mấy thằng bên phòng kế toán viết dùm lá đơn thưa này. Anh coi thử coi được hôn, tụi tui ký hết trơn rồi đó…

Tiếng nói cộc lốc của thằng Nam. Tôi cảm thấy bối rối và trái tim như nhảy loạn xạ trong ngực khi nghe hết câu đó. Thì ra cái cây viết hai ngòi của tôi mất mấy hôm nay lại rớt ngay chỗ ác ôn đó. Biết làm sao bây giờ khi hầu hết tụi nó không ưa gì mình, ngay cả mấy thằng bên kế toán cũng dám làm đơn dùm…

– Ơ… Sao lại gạch thập, lại khoanh vòng tròn không vậy…

Tôi nghe giọng nói của Quân run run và tiếng tờ giấy vò lại, tiếng kêu kinh ngạc của Nam và Công, tiếng bước chân đi qua phòng tôi làm tôi vô cùng bối rối. Quân gõ cửa, tôi do dự và nằm im giả đò ngủ say, nhưng có tiếng rầm rầm và giọng của thằng Nam quát lên buộc lòng tôi phải dậy đương đầu.

– Anh còn thủ đoạn nào tồi tệ hơn nữa cứ làm. Sao không ăn cho hết mấy chục tô chén dĩa đó đi để khỏi ai biết, sao lại giấu đi và đổ tội cho tụi tui. Đây là lần cuối, tôi không muốn trị tội anh…

Quân nói xong ném ngay cây viết vào người tôi và hậm hực bỏ đi. Thằng Nam thì đập mạnh vô cửa rồi nói:

– Anh liệu hồn, riêng với  tôi thì anh ráng giữ mình…

***

Đang sắp xếp lại hồ sơ kế hoạch thì có tiếng ồn ào trước phòng, tôi chạy vội ra thì thấy hai công nhân đang khiêng Quân nằm trên võng. Cái mềm lót dưới người anh thấm đỏ máu và tôi tái mặt khi thấy một chân của Quân đã bay đi mất từ đầu gối trở xuống, được quấn lại bằng cái khăn choàng ướt sũng máu. Mặt Quân tái xanh và ngất đi vì mất quá nhiều máu. Mọi người vội vàng đưa Quân xuống xuồng và lấy máy đưa đi ra bệnh viện của huyện trong muôn ngàn lời bàn tán. Qua đó tôi biết được, Quân dẫm phải mìn còn sót lại sau chiến tranh biên giới Tây Nam trong khi chữa cháy trong khu vực tiểu khu của mình. Chiếc xuồng đi rồi, tôi thẩn thờ và chẳng làm được gì cả, lòng bỗng xót xa như mình có chút trách nhiệm trong tai nạn này mặc dù cố biện hộ trong lòng. Nếu không phải Quân thì sẽ là một anh công nhân nào đó gặp phải tai nạn này.

Sau khi lớp học bằng tranh tre nứa lá được dựng lên bên bờ kênh đêm đêm vang tiếng ê a, tôi đã đánh một đòn cuối cùng qua thế lực của giám đốc. Quân bị điều từ đội máy kéo vào tiểu khu sâu trong rừng. Muốn về đến lâm trường Quân phải lội bộ hơn hai mươi cây số, lớp học tự nó bị ngưng hoạt động. Quân vào tiểu khu chưa bao lâu thì xảy ra tai nạn này. Chợt nhớ, lúc đưa Quân đi, anh ta chẳng có mang gì theo, tôi vội cạy khoá mở thùng gỗ của anh ta với hy vọng còn vài bộ quần áo trong đó sẽ mang cho Quân ngày mai. Lấy hai bộ quần áo ra xong, tôi chợt thấy mấy quyển học vần, bình dân học vụ và một quyển sổ. Lật xem qua, chợt tôi thấy một mảnh giấy gấp đôi, tò mò mở ra, tôi giật mình và ngây người trước tờ giấy lạ và những hình ảnh xa xưa đột nhiên tràn về:

***

Hình ảnh một người đàn bà ngồi gục đầu bên xác chồng ở bên cầu Cây Me, gần trường tôi học thuở lên mười. Lúc đó, tôi cùng vài ba đứa bạn đang trên đường đến trường thì thấy một số người bu quanh kẻ bất hạnh. Nghe mọi người xì xào, tôi biết đại khái. Việt Cộng bị giết, mấy ông trong chi khu trưng bày ở đây để răn đe mọi người. Người đàn bà quỳ bên xác chồng. Đứa con nhỏ khoảng hơn một tuổi vô tư bò lên xác cha. Bàn tay búp măng hồn nhiên kéo nhẹ tờ giấy được cài trên cúc áo ngực xác chết.

Bất chợt, tên lính đứng gác quay lại. Gương mặt hắn trông thật dữ tợn bởi hàm râu quai nón mọc ra tua tủa. Hắn hậm hực bước tới, gót giầy đinh nhấc lên đá mạnh vào cái đầu mềm mại của đứa bé. Một tiếng khóc thét bật lên từ đôi môi bé nhỏ, tiếng la thất thanh của người mẹ đau khổ. Tên lính lạnh lùng sửa sửa lại ống quần rằn ri của mình và đưa mắt nhìn người đàn bà đang chạy theo đứa bé đang lăn long lóc xuống mép nước chân cầu. Dòng sông đục ngầu lững lờ trôi, dòng máu đỏ tươi trào ra trên đầu đứa bé làm ướt đỏ khung ngực người mẹ. Tiếng khóc đau đớn, quằn quại của đứa bé trong tay người mẹ, tiếng nức nở nghẹn ngào của người đàn bà, tiếng súng lác đác nổ trên ngọn núi Cô Tô và tên lính lạnh lùng đi xa xác chết. Người đàn bà một tay ôm con, một tay gỡ lấy mảnh giấy trên ngực chồng.

– Trời ơi! Họ hứa cấp đất cho vợ chồng tui, kêu tui ký nhận vô giấy. Đất chưa có mà ổng đã chết rồi…vậy thì giữ lấy giấy này chi.

Đứng sau lưng người đàn bà tôi tò mò đọc. Đó không phải là giấy cấp đất mà là đơn xin ly khai Việt Cộng. Mảnh giấy in rõ mấy ngón tay mang màu máu đỏ như một con dấu chồng lên chữ ký tên như một vòng tròn nho nhỏ. Mảnh giấy ấy giờ nằm đây, trong thùng gỗ của Quân. Phải chăng, Quân chính là đứa bé ngày xưa?

Tôi đã thay Quân mở lại lớp học xóa dốt trước bao nỗi ngạc nhiên của tất cả mọi người khi Quân ra đi. Và từng đêm, từng đêm tấm bảng đen làm bằng cái phuy thủng cắt ra, sơn đen ăn phấn. Tôi đứng bên nó với lòng hối hận vô biên và hình ảnh của Quân, cuộc đời của Quân đã giúp tôi viết nên bài hát TỪ CHỮ KÝ TÊN để tham gia đợt Hội diễn Văn nghệ Quần chúng này. Bài hát có đoạn “Từ chữ ký tên mang hình chữ thập, từ chữ ký tên như vòng tròn nhỏ… giày xéo tim anh…”

Quân ôm chầm lấy tôi, xiết chặt và ứa nước mắt. Tôi hiểu mình được tha thứ và lòng cảm thấy vô cùng thanh thản…

Mai Bửu Minh
(Minh họa: Quang Vinh)