Về nơi lưu dấu huyền thoại

Thoại Sơn nằm trong vùng Tứ giác Long Xuyên, với khung cảnh sông nước hòa cùng núi non thơ mộng. Có lẽ không quá lời để nói rằng: Thoại Sơn là vùng đất của huyền thoại! Bởi, nơi đây tồn tại hai huyền thoại: một là sự tồn tại của văn hóa Óc Eo, hai là công cuộc khai khẩn của Thoại Ngọc Hầu. Song, Thoại Sơn không chỉ là “tặng  phẩm” của quá khứ, mà còn là “miền đất hứa” của hiện tại và tương lai.

Đi tìm huyền thoại trong lòng đất

Nằm bên núi Ba Thê, chùa Linh Sơn được ví von là “bảo tàng văn hóa Óc Eo đầu tiên” của An Giang. Đầu thế kỷ XX, người dân địa phương đã tìm thấy hai tấm bia đá lớn có khắc nhiều chữ cổ và bức tượng thần bốn tay làm bằng đá dưới chân núi Ba Thê. Pho tượng được mang đến thờ ở chùa Linh Sơn và hai tấm bia đá cũng được gắn hai bên tượng.

Thực chất, tượng vốn là tượng thần Vishnu của đạo Bàlamôn, có rắn Naga bảy đầu hợp thành tán che bên trên. Ban đầu tượng ở tư thế đứng và có màu sắc nguyên thủy của đá cổ, người Việt không hiểu rõ đã “cải biên” thành tượng Phật bằng cách đắp phần chân tượng tạo thành tư thế ngồi kiết già, đồng thời sơn màu lên thân tượng, làm mất đi không ít giá trị nghệ thuật. Hai tấm bia đá đến nay vẫn còn nguyên vẹn nhưng chữ đã mờ.

Phù Nam là một đế quốc phong kiến mang màu sắc thần quyền, tồn tại khoảng thế kỷ I – VII tại vùng hạ lưu sông Mekong, bao gồm cả Nam Bộ Việt Nam và Cambodia ngày nay. Người Phù Nam có nền văn hóa bản địa đậm nét, chữ viết có nguồn gốc từ Ấn Độ, tôn giáo chủ yếu là Bàlamôn và đạo Phật. Trong thời gian Phù Nam tồn tại, Óc Eo là một hải cảng sầm uất, đóng vai trò quan trọng về nhiều mặt.

Thập niên 1940, nhà khảo cổ Louis Malleret (Pháp) đã khai quật vùng Ba Thê – Óc Eo. Trong đợt khảo cổ này, ông phát hiện nền móng của các công trình kiến trúc không có mái ngói. Bên cạnh đó, ông còn tìm được nhiều hạt cườm, mảnh vàng, đồ trang sức… được chế tác tinh xảo. Ông đã đề xuất đặt tên cho văn hóa khảo cổ này là Óc Eo.

Sau đó, giới sử học nước ta cũng đã tổ chức nhiều đợt khai quật. Kết quả thu được là phát hiện những kiến trúc cung đình mang tính cách tôn giáo, được xây dựng rất xưa. Các nhà nghiên cứu cho rằng Óc Eo ngày xưa giáp biển và từng là một hải cảng sầm uất, sau đó đã bị chìm dưới đất nhiều thế kỷ. Đô thị Óc Eo có diện tích rất lớn, với hai khu vực chính: nội thành là nơi ở của quý tộc, quan lại, binh lính, đạo sĩ, thương gia… và ngoại thành là nơi ở của dân thường. Trong đó, khu vực xung quanh chùa Linh Sơn có thể là trung tâm của đô thị cổ này.

Lang thang núi Ba Thê

Ba Thê là ngọn núi còn nhiều nét hoang sơ, ít có sự tác động của con người, nên ngày nay được đông đảo du khách tìm đến. Ngọn núi có tên chữ là Hoa Thê sơn, một số ý kiến cho rằng do kỵ húy Hoàng hậu Hồ Thị Hoa (mẹ vua Minh Mạng) nên đổi thành Ba Thê. Cụm núi Ba Thê gồm năm trái núi: núi Nhỏ, núi Tượng, núi Trọi, núi Chóc và núi Ba Thê lớn nhất.

Đường lên đỉnh núi khoảng 2 km, được tráng nhựa nên xe có thể chạy lên dễ dàng. Con đường uốn lượn quanh co giữa cây rừng này được làm từ thời Pháp thuộc cho mục đích quân sự, hiện nay được tái thiết hoàn chỉnh để phục vụ du lịch. Từ từ chạy xe lên dốc núi, những bóng cây rợp mát, gió từ đồng bằng thổi lên hiu hiu, sẽ tạo cho du khách sự thích thú.

Trên đỉnh núi có chùa Sơn Tiên được xây dựng năm 1933 giữa khung cảnh tĩnh lặng, thâm nghiêm. Cạnh chùa có một tảng đá có khoảng lõm vào giống dấu chân khổng lồ, dân gian gọi là “bàn chân tiên” vì cho rằng đây là dấu chân của vị tiên nhân nào đó để lại. Đứng từ đỉnh núi, bạn có thể phóng tầm mắt quan sát vùng Tứ giác Long Xuyên bên dưới, dãy Thất Sơn hùng vĩ ở xa, và bên kia là biển Tây mờ mờ trong nắng.

Từ đỉnh chạy xuống, gặp ngã ba giữa đoạn đường, bạn có thể rẽ trái để sang Thạch Đại Đao và chót Ông Tà. Thạch Đại Đao là tảng đá với hình dáng như cây đao khổng lồ. Theo lời kể dân gian, vào một đêm mưa to gió lớn, có một tiếng nổ kinh hoàng phát ra trên núi Ba Thê. Sáng hôm sau, người dân phát hiện tảng đá kỳ lạ này rồi dựng trên núi Ba Thê, xây thêm mái che để tạo điểm tham quan cho khách du lịch.

Từ Thạch Đại Đao, chúng ta tiếp tục lên viếng chót Ông Tà gần đó, nơi đây cũng là đỉnh núi Ba Thê. Ông Tà là cách gọi của người Việt dành cho Neak Ta – vị thần bảo hộ trong tín ngưỡng dân gian của người Khmer. Qua quá trình cận cư dẫn đến giao thoa văn hóa, người Việt tiếp nhận và tôn thờ vị thần này khắp miền Nam. Khi thờ phượng, ông Tà thường được tượng trưng bằng một viên đá cuội lớn. Ở núi Ba Thê, ông Tà được tạc tượng, thờ trên tảng đá cao.

Xuống núi, bạn có thể đến viếng đình thần Phan Thanh Giản nằm dưới chân núi Ba Thê. Cư dân nơi đây đã trân trọng tôn thờ vị Hiệp biện Đại học sĩ làm Thành hoàng. Đình được lập năm 1967 nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của cụ Phan. Ngoại thất đình được thiết kế bình dị, nóc đình lợp ngói đỏ, trang trí tượng lưỡng long triều nhật. Chánh điện tôn nghiêm mà ấm cúng, điểm nhấn ở trung tâm là bức tượng Phan Thanh Giản với vẻ mặt phúc hậu nhưng vẫn phảng phất chút ưu tư. Đây là một trong số ít những ngôi đình thờ Phan Thanh Giản ở Nam Bộ.

Nét đẹp tên đất tên người

Đến với Thoại Sơn, nhiều du khách thích thú khi dừng chân tham quan ở khu du lịch lòng hồ Ông Thoại và núi Sập – nơi được báo chí mệnh danh là “tiểu Hạ Long – Phong Nha của đồng bằng”. Núi Sập theo cách gọi quen thuộc của dân gian, thực chất là cụm núi gồm bốn trái núi: núi Nhỏ, núi Bà, núi Cậu và lớn nhất là núi Sập. Hiện vẫn chưa có nguồn tư liệu nào giải thích rõ ràng về tên gọi núi Sập. Sau nầy núi được vua ban tên là Thoại Sơn để ghi công Thoại Ngọc Hầu trong việc đào kinh Thoại Hà.

Sau thời gian dài là nơi khai thác đá, núi Sập ngày càng nhỏ dần. Không thể để mất di tích mang tên vị danh thần, tỉnh An Giang bãi bỏ việc khai đá. Song, quá trình khai thác vô tình tạo nên những hang sâu và sau đó chúng trở thành lợi thế để địa phương khai thác du lịch. Ngày nay, khu du lịch hồ Ông Thoại rộng khoảng 9 ha. Nước được dẫn vào các vực sâu, thông với nhau bằng hệ thống đường hầm xuyên núi.

Xung quanh hồ còn có các khối đá hình thù kỳ lạ. Không ai có thể nghĩ những dấu vết còn sót lại của việc khai thác đá đã vô tình biến thành các “đảo đá” nhô lên trên mặt hồ, làm tăng thêm vẻ đẹp cho khu du lịch. Đặc biệt, trung tâm của hồ là tượng Thoại Ngọc Hầu cao 10 mét do tỉnh Quảng Nam – quê hương ông gửi tặng huyện Thoại Sơn.

Sau khi dạo quanh hồ, chúng ta có thể thư thả lên núi Sập để hóng mát, ngắm cảnh, viếng chùa… Đường lên núi được xây bậc thang dễ đi, bạn sẽ có dịp dừng chân tham quan những chùa miếu trải dọc theo triền núi, đặc biệt trên đỉnh có chùa Phước Duyên với kiến trúc đẹp mắt. Ngoài ra, du khách cũng có thể đi xe bằng con đường bê tông vòng theo sườn núi.

Nằm bên triền núi Sập có đình thần Thoại Ngọc Hầu được bao bọc bởi vườn cây xanh thoáng mát. Sử sách ghi lại vào năm 1818, Thoại Ngọc Hầu vâng lệnh triều đình trực tiếp chỉ huy công tác đào kinh Tam Khê. Kinh này nối Đông Xuyên (Long Xuyên) với Giá Khê (Rạch Giá) dài hơn 30 km, trở thành công trình thoát lũ đầu tiên ở miền Tây dưới triều Nguyễn. Khi công việc hoàn tất, vua ban tên cho dòng kinh là Thoại Hà để ghi công Thoại Ngọc Hầu, bên cạnh kinh có núi Sập cũng được trứ danh là Thoại Sơn.

Để ghi lại niềm vinh dự nầy, Thoại Ngọc Hầu cho soạn một bài văn khắc vào bia đá kể lại quá trình đào kinh và việc ban tên. Đồng thời ông cho lập miếu Sơn Thần trên triền núi Sập để dựng bia kỷ niệm, khánh thành năm 1822. Trong văn bia có đoạn: “Nào ngờ việc đào kinh lại được vua soi xét, đem tên của lão thần mà đặt cho tên núi. Như thế là núi nầy tức lão thần mà lão thần tức là núi nầy, lâu xa vòi vọi, cùng trời đất chẳng tiêu mòn”.

Ngôi miếu Sơn Thần sau này được nhân dân đổi thành đình thần Thoại Ngọc Hầu để thờ phượng đức công thần. Bia Thoại Sơn vẫn còn được trân tàng trong đình và được các nhà nghiên cứu nhận định là một trong những bìa đá cổ còn nguyên vẹn và có giá trị mỹ thuật cao so với những bia đá khác trong cả nước. Các chữ trên bia vẫn còn sắc nét vì được lưu giữ trong đình nên không bị thời tiết bào mòn.

Vĩnh Thông
(Ảnh: BQL DT Óc Eo)