“An Giang mùa nước nổi” của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Huỳnh Phúc Hậu

Sông Mêkông là một trong những dòng sông lớn nhất thế giới. Dòng sông này khi chảy vào nước ta thì chia thành 2 nhánh: Sông Tiền (tỉnh Đồng Tháp) và sông Hậu (tỉnh An Giang). Dòng sông Hậu hiền hòa bao đời đã ban tặng nhiều sản vật cho người dân vùng đồng bằng châu thổ.

Mỗi năm khi lũ về (tháng 7 hoặc tháng 8 âm lịch), đồng bằng châu thổ An Giang được thiên nhiên tạo nên những cảnh sắc đẹp như tranh vẽ. Những cảnh sắc ấy được thu nhỏ lại qua ống kính của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Huỳnh Phúc Hậu.

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Huỳnh Phúc Hậu sinh năm 1966, là nhiếp ảnh gia sinh ra và lớn lên tại thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Ngoài đam mê ảnh nghệ thuật anh hiện công tác tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh, bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh An Giang. Huỳnh Phúc được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam năm 2009. Năm 2016 anh tổ chức triển lãm cá nhân bộ ảnh với chủ đề “An Giang mùa nước nổi” tại thành phố Hồ Chí Minh.

Và mỗi khi mùa nước nổi về trên vùng đất An Giang, người ta lại nhắc đến Huỳnh Phúc Hậu, người đã ghi lại nhiều khoảnh khắc thiên nhiên hòa quyện với đời sống người dân trong mùa nước nổi, đẹp đến nao lòng. Văn nghệ An Giang xin giới thiệu bộ ảnh “An Giang mùa nước nổi” được Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Huỳnh Phúc Hậu ghi lại những năm trước đây qua ống kính của mình.

Đàn bò đi về trên bờ kênh Tha La, Châu Đốc. Lúc này đập Tha La chưa xả lũ nên nước chỉ ngập đến chân ruộng.
Chăn vịt trên đồng lũ ở Nhơn Hưng, Tịnh Biên, An Giang. Lũ về bồi đắp phù sa, cuốn trôi lớp đất phèn, trong khi đó những hạt lúa còn sót lại trên cánh đồng sau mùa gặt và các loại ốc là nguồn thức ăn phong phú cho đàn vịt, nên người dân tiết kiệm được thức ăn cho chúng.
Bông súng ma hay còn gọi là bông súng cơm, món quà của thiên nhiên ban tặng cho người dân Vĩnh Tế, Châu Đốc, An Giang.
Các loại rau đồng được xem là đặc sản của miền Tây, trong đó phải kể đến bông súng, bông điên điển, hẹ nước và rau nhút (ảnh) góp phần mang lại nguồn thu nhập cho người dân. Bức ảnh được chụp vào một buổi chiều nắng vàng trên dòng kênh Trà Sư, Nhơn Hưng, Tịnh Biên, An Giang.
Đến mùa bông điên điển, người dân bơi xuồng đến những bờ kênh hái về ăn trong mỗi bữa cơm và được chế biến với các món như làm dưa chua, nấu canh chua, làm gỏi, xào với tép đồng hoặc ăn sống chấm cá kho. Thôn nữ hái bông điên điển dọc bờ kênh Vĩnh Tế, Châu Đốc, An Giang.
Khi bông điên điển nở vàng rực cũng là lúc những con cá linh theo dòng nước lũ đổ về trên các sông, rạch. Cá linh non đầu mùa thì làm các món: nhúng giấm, kho lạc dầm me, chiên bột… cá linh cuối mùa đã lớn thì làm mắm cá linh.
Bức ảnh được ghi lại tại kinh Vĩnh Tế, Châu Đốc, An Giang làm chúng ta nhớ đến bộ phim “Mùa len trâu” với những cảnh quay tại An Giang của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh công chiếu vào năm 2004.
Trong các chuyến sáng tác ảnh, bức ảnh để lại cho anh nhiều xúc cảm nhất chính là “Bà má An Giang” đang bó bông súng trên bờ kênh Vĩnh Tế. “Khi đi ngang qua bờ kênh thấy bà cụ đẹp lão với nụ cười tươi bên các bông súng nên tôi dừng lại xin chụp. Một tháng sau quay lại tặng ảnh cho bà thì mới hay tin bà đã mất”, tác giả kể.
“Vũ điệu” cất vó lúc hoàng hôn trên cánh đồng ngập nước Tha La tạo nên một bức tranh thiên nhiên độc đáo. Mỗi ngày bầu trời bình minh hoặc hoàng hôn có những sắc màu khác nhau và không hề trùng lặp.
Chiều yên bình trên đồng lũ Trà Sư, Tịnh Biên, An Giang. Theo nhiếp ảnh gia Huỳnh Phúc Hậu, mùa nước nổi là một phần của cuộc sống.
Cùng với cống Tha La, cống Trà Sư là những công trình thuỷ lợi hiện đại, giúp điều tiết – kiểm soát nước lũ cho khu vực tứ giác Long Xuyên.
“Chiều vàng” ở Trà Sư, Tịnh Biên, An Giang.
“Khúc biến tấu của thiên nhiên” ở cánh đồng Tha La, Châu Đốc, An Giang.
Chiều Thất Sơn màu sắc như tranh.
Những cánh đồng ngập nước, các dòng sông no đầy phù sa, và khu rừng tràm xanh thẳm đẹp đến ngỡ ngàng.
Mỗi khi hoàng hôn xuống, cả cánh đồng Tha La như một hồ nước khổng lồ, tĩnh lặng.
Chiều trên cánh đồng nước nổi Vĩnh Tế, Châu Đốc, An Giang.

Chỉ bấy nhiêu đó cũng đủ tạo nên chuổi ký ức về những mùa nước nổi nơi đồng bằng châu thổ An Giang. Những năm gần đây, lũ ít về hoặc về chậm, thêm vào đó là những con đê ngăn lũ,… đã ít nhiều làm giảm đi vẻ đẹp miền Tây sông nước.

Bộ ảnh Huỳnh Phúc Hậu