Cảm thức về quê hương trong Thơ đồng bằng sông Cửu Long năm 2020

1. Tuyển tập Thơ Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 do Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật An Giang ấn hành vào tháng 01 năm 2021 được trình bày trang nhã có hơn 70 trang khổ 13 x 20cm với 32 bài thơ của 22 tác giả chọn từ 584 tác phẩm trong cuộc thi thơ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI năm 2020. Số lượng bài thơ dự thi nói chung và tuyển thơ nói riêng tự nó đã phần nào minh chứng cho khả năng sáng tạo thơ và tình yêu quê hương đằm thắm, thiết tha của người Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Cho dù đề tài của các bài thơ trong tuyển thơ không mới, nhưng điều quan trọng nó giúp cho người đọc cảm nhận được cái trầm lắng, da diết và hồn hậu mang đậm bản sắc đồng bằng trong cảm xúc thấm sâu ở từng vần thơ. Có thể nói, đó là điều khiến cho người đọc dù ở miền quê nào khi đến với tuyển thơ này cũng phải nâng niu và trân trọng. Bàn về giá trị của tuyển thơ, ở khuôn khổ một bài báo, người viết chỉ trình bày những nét cơ bản nhất về cảm thức quê hương trong Thơ Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020.

2. Trong tâm thức của mỗi người, ai cũng có một miền thương nhớ, tự hào về quê hương và điều đó từ trước đến nay đã được bao thế hệ nhà thơ giãi bày, chia sẻ qua nhiều bài thơ hay. Đến với tuyển thơ này, người đọc cảm nhận cái tình quê của người ĐBSCL được biểu hiện rất riêng trong hình ảnh, âm thanh và cả cái hương vị không nơi nào có được như ở miền sông nước Cửu Long.

Đó là mối tình quê da diết, mặn nồng của người đồng bằng trong Nhớ quêQuê nhà của Mạc Nguyên Đình. Dù đang mưu sinh muôn ngả nhưng người xa quê luôn nhớ về cuộc sống, cảnh sắc gần gũi, thân thuộc của quê mình. Trong miền sâu thẳm của tâm hồn họ luôn hiện diện những hình ảnh: “sông Tiền, sông Hậu mây giăng trắng trời”, “cù lao sóng vỗ”, “bông bần rụng trắng”, “kênh rạch chằng chịt xuồng ghe”, “nhánh mù u”; “quầy dừa xiêm mở mắt nai”, “lớn ròng con nước” và cả âm thanh của lời hát “ví dầu …”, “lời ru chầm chậm… ”. Quả thật, nếu không có cái tình quê đằm thắm, thiết tha thì nhà thơ làm sao có được nỗi nhớ quê đến cảm giác “ôm vào lòng bóng hình quê” và:

“Đếm từng nỗi nhớ phù sa

Miền Tây sông nước quê nhà tôi ơi”

(Quê nhà  – Mạc Nguyên Đình)

Chỉ một bãi bồi như bao bãi bồi khác của miền sông nước, nhưng chính cái tình sâu nặng với quê hương đã giúp Nguyễn Ngọc Tân có được một bức tranh sinh động giàu sức gợi cảm, gợi liên tưởng về bãi bồi. Bức tranh ấy có sắc màu của hoàng hôn lúc “bóng chiều khép nắng”, có âm thanh của tiếng sóng, “tiếng gió lệch bên nóc chòi” và nổi bật lên là những hình ảnh các loài cá tôm, cua còng và cây bần, cây đước. Cái đẹp bình thường, giản dị của bãi bồi ở ĐBSCL đã làm cho những ai dù Một thoáng bãi bồi vẫn bồi hồi thương nhớ và quên sao được cảnh:

– “Con còng dìm nước xuống hang

Con cua kẹp sóng đôi càng nhấp nhô”

– “Cá ngát dọn ổ đầu hôm

Ốc len chung thủy nằm ôm rễ bần”

(Một thoáng bãi bồi – Nguyễn Ngọc Tân)

Quê hương còn được cảm nhận như là “chiếc tổ”. Để rồi, dù đi đâu, về đâu cũng trở về với “chiếc tổ” gần gũi, gắn bó, nơi đó có “con sông quê”, “dấu chân bờ bãi”, “đồng bưng”, “cọng rơm vàng”, “bông lúa”, “bông dưa”; nói cách khác là “trăm ngả muôn chiều rồi cũng về lại chiếc tổ bình yên…”(Có phải Đồng bằng là chiếc tổ – Nguyễn Thanh Hải). “Cái tổ” đó mang bản sắc riêng của miền quê Chín Rồng với hình ảnh: xuồng ba lá, áo bà ba, “thớ đất ngào phèn chua”; với điệu “vọng cổ ngọt muồi đồng quê”,… nó làm nên sức quyến rũ với những ai đã từng đến miền đất này:

“Đã mộc mạc chiếm hồn ta

Đã lòng yêu, chẳng muốn xa tí nào

Miền Tây ơi! Quá nặng sâu

Xin về làm cỏ mần trầu gội thương”.

(Xin về làm cỏ mần trầu gội thương – Trần Ngọc Hòa)

Nghĩ về ĐBSCL là nghĩ đến một miền đất phù sa màu mỡ. Cũng từ cảm thức đó, phù sa là một trong những hình ảnh của tuyển thơ được cảm nhận từ nhiều góc độ khác nhau. Trong thực tế, nó tạo nên sức sống và góp phần làm nên cái hồn của một vùng đất. Đó là: “dòng sông chở nặng phúc lành phù sa” (Phạm Thị Lương), Bóng mắt phù sa (Lê Quang Trạng), Phù sa nhớ (Đình Thu), hay là: “dòng sông châm phù sa thay trà rót qua tháng ngày đầy đặn” (Nguyễn Thanh Hải)… Phù sa không chỉ làm nên cái xanh tươi của ruộng vườn mà còn gắn với điệu hò, điệu lí, lời ru ví dầu, câu vọng cổ, nhịp song lang, rặng trâm bầu, hàng đáy, “mùa nước nổi cá linh tràn về/ điên điển vàng bến sông quê”. Những âm thanh, cảnh tình đó bao đời nay đã quen thuộc, gần gũi với người ĐBSCL để rồi dù đi đâu, về đâu, nó vẫn đọng mãi trong cuộc đời của họ:

“Còn đâu đó ở trong ta

Mùi phù sa thấm ướt nhòa cơn mê”

(Phù sa nhớ – Đình Thu)

Ngợi ca quê hương, nhà thơ bày tỏ niềm tự hào về sự sáng tạo của con người quê hương. Từ thực tế đời sống lao động ở miền sông nước, họ đã sáng tạo nên Đập kéo – một phương tiện hữu hiệu để giảm nhẹ sức người, giảm thời gian và tăng năng suất công việc. Việc làm của họ thực sự mang lại niềm vui hạnh phúc cho bao người:

“Ở nơi nước mặn đồng chua

Bao nhiêu nặng nhẹ đều đưa xuống xuồng

Sâu thì lạch, cạn thì mương

Chống chèo qua những con đường đầy sông”

(Đập kéo – Nguyễn Ngọc Tân)

Trong bối cảnh hiện tại, nhận thức của mỗi người Việt Nam về chủ quyền biển đảo ngày càng thêm sâu sắc. Nguyễn Ngọc Tân đã cảm nhận “con sóng khơi xa từng nghẹn nấc chủ quyền” và khẳng định cột mốc chủ quyền luôn “đặt trong trái tim trước ngực”, nó luôn ở trong anh, trong em và trong tình yêu của đôi ta:

“Anh vẫn biển ngàn năm em vẫn đảo

Tổ quốc ngàn năm Tổ quốc điệp trùng

Nơi dải đất miết cong oằn dấu hỏi

Quay phía nào đất nước cũng rưng rưng…”

(Quay phía nào đất nước cũng rưng rưng – Nguyễn Ngọc Tân)

Tuyển Thơ Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 không chỉ thể hiện những tâm tình về vẻ đẹp chung của ĐBSCL mà còn hướng đến khám phá và khẳng định nét đẹp riêng của từng vùng đất nơi đây. Đó là An Giang với những địa danh: Tân Châu, Tri Tôn, Thất Sơn, Châu Đốc, núi Sam, núi Sập, Thoại Sơn,… mỗi nơi mỗi hương sắc riêng làm cho người đến, người đi phải “bâng khuâng”, “tần ngần”, “nhớ dâng đầy”, thắm đượm ân tình như “dòng sông chở nặng phúc lành phù sa” và cảm nhận được sự “an nhiên”, mọi nỗi “ưu phiền hóa mây” (Thương về An Giang – Phạm Thị Lương). Ở Tri Tôn có nét đẹp yên bình đượm chất trữ tình lãng mạn với cảnh sắc “Lúa mênh mông cuối chân mây sắc vàng”, “Sương mai thả ngọn la đà tay đan” (Tri Tôn ngày mới – Hồ Huỳnh Đào). Đặc biệt, ở đó có cây thốt nốt hình trái tim – Trái tim huyền thoại. Hình ảnh đó gợi cho Lâm Thị Thanh Trúc sự cảm nhận: hạnh phúc không phải tìm kiếm ở đâu xa mà nó ở ngay chính “xứ sở mình”. Nơi đây có “những ô màu vuông vức/ bát ngát cánh cò xa”, có “biển trời neo vào đáy mắt” và âm thanh quyến rũ của “tiếng suối bạc chảy xuống lòng hồ bí hiểm”, nhất là có “góc bình yên chót vót điệu à ơi…”. Những điệu tâm tình đó đều được nhà thơ giãi bày chân tình từ tình yêu và niềm tự hào về quê hương, xứ sở của con người sông nước Cửu Long.

Đến với tuyển thơ, một trong những hình ảnh đọng lại ở tâm hồn người đọc đó là hình ảnh thiếu nữ Chăm với nụ cười sau chiếc khăn Pưm – một biểu hiện đậm nét về văn hóa của người Chăm ở An Giang. Có lẽ, cái đẹp đó khiến ai từng đến nơi đây phải “mãi nhìn theo làn khăn bay” và lòng tự dặn lòng “xin giữ yêu thương”, “giữ mãi nụ cười em hiền, thấp thoáng sau làn khăn Pưm”. Có thể nói, với sự kết tinh của kĩ thuật – nghệ thuật thêu nổi, rua chìm, chiếc khăn Pưm đã tô điểm thêm vẻ đẹp duyên dáng, trữ tình kín đáo của các thiếu nữ Chăm:

“Giấu nụ cười sau chiếc khăn Pưm óng ánh

Những thiếu nữ quen nép mình sau khung cửi

Đôi mắt đen mênh mông buồn như dòng Châu Giang”

(Nụ cười sau chiếc khăn Pưm – Trương Trọng Nghĩa)

Đó là Bến Tre nơi “để thương đến cạn cùng quê hương”, nơi luôn rộng mở vòng tay chờ đón người về trong bài thơ Bến Tre còn hẹn em về (Nguyễn Giang San). Về Thạnh Phú với “lúa thơm trĩu đồng”, đến Ba Tri có “câu thơ Đồ Chiểu”, còn Mỏ Cày lưu dấu trang sử “đồng khởi”, qua Chợ Lách “bao vườn trái trĩu”, Bình Đại “ngọt ngất vị dưa”,… Bến Tre luôn thương nhớ và vẫn hẹn em về:

“Dù xa đến mấy nẻo đường

Bến Tre vùng đất ta thương, em về

(Bến Tre còn hẹn em về – Nguyễn Giang San)

Càng gắn bó sâu đậm với quê hương, người xa quê lại càng nhớ về quê hương với một nỗi nhớ da diết. Từ trong nỗi nhớ đó, những cảnh sắc, hương vị dân dã đậm đà tình quê đã trỗi dậy. Người xa quê ở bài thơ Chị ơi! Em muốn về thăm nhà (Ngô Thị Thu Vân) khao khát được về quê để nghe những điệu âm thanh của tiếng con “chìa vôi líu lo”, tiếng “bìm bịp ngoài sông kêu nước lớn”, tiếng con “chim vịt chiều chiều gọi bạn tình xa”, tiếng “dừa khô rụng”, “con lóc cửng”, hay được “hít hà mùi gió chướng”; được thưởng thức hương vị “canh chua cá linh bông điên điển”, “cái vị ngọt giòn của trái chôm chôm” và hương vị đặc biệt của “múi rầu riêng Ri Sáu, Chuồng Bò”,… Có khi đó là nỗi nhớ về cái ngã năm của một dòng sông. Dù nhiều ngã nhưng nó luôn tụ họp mà không li tán. Cũng như cuộc sống mưu sinh của người đời dù muôn ngả nhưng luôn nhớ về ngã năm đậm tình quê, nói như Trần Thanh Dũng là “năm ngã sông đầy năm ngã nhớ” (Về thương năm ngã sông). Có thể nói, những âm thanh, cảnh tình đó đều mang đậm nét riêng của miền đất Cửu Long và cũng là nét bản sắc luôn hiển hiện trong nỗi nhớ khôn nguôi của con người nơi đây.

Nhớ quê hương không chỉ nhớ về cảnh trữ tình thơ mộng mà người xa quê còn nhớ đến cả những điều bình dị trong cuộc sống nghèo khó của quê nhà. Bài thơ Nhớ mùi nước mắm nhớ quê nội nghèo (Lê Tấn Vũ) đem lại cho người đọc sự thú vị bởi cái hương vị riêng của nước mắm quê nhà đã làm cho người đi xa có khi phải lặng mình thương nhớ và cảm nhận “cái vị hương đồng”, “vị quê khó nhọc còn thơm tới giờ”.

Càng yêu làng quê yên tĩnh bao nhiêu, con người làng quê nơi phố thị càng khao khát có “chút thong dong”, an bình giữa dòng đời. Bởi cuộc sống nơi phố thị diễn ra luôn hối hả và bộn bề bao nỗi lo toan. Quả thật, hạnh phúc biết bao khi lặng lẽ đứng ở balcon “ngắm trời mây”, “đo lượng nắng”, thưởng “sắc màu phong lan”,… cho tâm hồn thêm nhẹ nhàng, thanh thản:

“Kệ đời xuôi ngược ghét thương

Tiếng chim trên lá bình thường vẫn trong”

(Thơ viết ở balcon – Nguyễn Giang San)

Những tâm tình trên ở từng mức độ nhất định giúp cho người đọc hiểu hơn cái tình sắt son với quê hương xứ sở trong tâm hồn thi sĩ.

3. Cảm thức quê hương còn được nhà thơ giãi bày trong nỗi niềm trăn trở, xót xa trước những biến động, đổi thay của môi trường sống. Đó là cảnh “lún sụt cứ dềnh lên”, “con đường không vắt sổ được tiếng thở dài” và như nghe được “cát khóc dưới chân quê”, hay nghẹn ngào thốt lên: “bể hết từng khúc hết rồi”… Thực trạng đó đã vô tình xóa đi những gì rất gần gũi, thân thương trong đời sống người làng quê. Cảnh “nhà cửa phía phân lưu” và “cái bến chiều quê” giờ đây chỉ còn trong hoài niệm của họ. Với tâm trạng đó, nhà thơ nhắn gửi:

“thôi em đừng tím khúc gieo neo chỉ cần có chút niềm tin

là qua chiều tối những con đường

biết đâu cây xấu hổ phía sau chiều sẽ khép bớt suy tư…”

(Nghe cây xấu hổ sau chiều – Nguyễn Thanh Hải)

Đó còn là nỗi trăn trở của nhà thơ khi cảnh cũ còn đâu. Thực tại chỉ là “sông phơi trơ lòng mình” và “những đứa con từ giã ra đi không biết chốn về”. Hình ảnh cái cột nhà ở miền sông nước ghi dấu thời gian, mang hồn sự sống, “mang màu phù sa nguyên thủy đến lạ kì” giờ đây không còn nữa khi sông đã thành phố. Điều đó gợi nên bao sự nuối tiếc, xót xa, để rồi:

“níu sợi khói nhang gầy

giấc mơ hóa kiếp một miền sông… ”

(Bóng mắt phù sa – Lê Quang Trạng)

Đến với Tà Pạ, người đọc thấu hiểu nỗi buồn, niềm lo âu trăn trở của những con người nơi đây trong cảnh mất mùa qua hình ảnh ba “đốt thuốc trầm ngâm” và mẹ “ thở dài lặng im”, còn “bọn trẻ con cũng buồn héo hắt”. Không buồn lo trăn trở sao được bởi “Bát cơm lưng chừng, con chữ cũng nhọc nhằn hơn” và khi cuộc sống vẫn tiếp diễn với cảnh “Bóng hai cha con chập chờn nương bóng những đàn bò”. Trong hoàn cảnh đó, họ vẫn luôn mong có được: “những hạt cơm thơm dẻo”, “nồi canh sim lo” và “hũ bò hóc luôn còn đầy”. Niềm ước mơ đó thật bình dị trong đời thường nghèo khó nhưng cũng thật xúc động bởi thấm nặng bao tâm tình:

“Tôi chạy lên đồi ngắm cánh đồng màu xanh

Mùa này ngút ngàn mạ non, nắng ươm màu mật

Tôi nằm mơ ngủ, thấy bầy sẻ nâu lại về mang theo bao con chữ

Và những mùa vàng ngày mai …”

(Giấc mơ trên cánh đồng Tà Pạ – Trương Trọng Nghĩa)

Nghĩ về quê hương là nghĩ về mẹ và tình quê vì thế càng trở nên da diết hơn. Trong Thơ Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 có những vần thơ sâu lắng về mẹ đã gợi cho người đọc bao điều suy ngẫm. Đó là hình ảnh người mẹ mòn mỏi đợi chờ chồng con theo tháng năm dài “Tám mươi tuổi. Còn thức canh tìm đàn!”(Lần tay đếm Má đơn côi – Trần Thế Vinh). Đó là tâm tình của đứa con xa quê do mải miết mưu sinh nên lâu rồi chưa về thăm mẹ khi hình dung được bóng mẹ ngồi buồn lặng lẽ, đơn côi trong cảnh “đêm nay vườn nhà mồ côi như cánh dế” và cảm nhận: “không bóng mát ở đâu đẹp bằng bóng mẹ tôi ngồi bó những buồn vui vào nỗi nhớ” (Nỗi buồn của mẹ phía bờ sương – Nguyễn Thanh Hải). Cũng vì thế, đứa con càng ngậm ngùi, xót xa, ân hận khi nhận thấy: “mẹ đã ru con, hát con nghe về bầu trời” mà con lại chưa lần nào nói lời chúc mừng sinh nhật mẹ, “không cất được tiếng ca nào về mẹ”, trong khi đó lại dễ dàng tổ chức chúc mừng sinh nhật bạn bè, người thương. Lời tự vấn chân tình đó có thể xem như hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai đã từng và đang đắm say trong dạ hội, tiệc tùng hãy nhìn lại chính mình khi còn chưa muộn, sớm về cùng mẹ:

“Con về đốt cạn mênh mông

Nằm ôm chân mẹ mà hong khói chiều”

(Sinh nhật mẹ – Trần Đức Tín)

Quê hương còn được cảm nhận gắn liền với nỗi buồn mất mát khi những người thương yêu ra đi mãi mãi. Đó là hình ảnh căn phòng trống vắng bóng dáng người cha và sự trống vắng đó khiến “hoa nghèn nghẹn nở”/ cánh nào cũng tím biếc rưng rưng”, “ban mai nào cũng sâu thăm thẳm” và với con:

“Giọt cà phê nào rỏ xuống cũng ngập ngừng

Giọt cà phê nào rỏ xuống cũng nghèn nghẹn

Đắng chát, rưng rưng”

(Hương cà phê bay lên – Nguyễn Phạm Nguyên Chương)

Có những nỗi buồn đau mà thời gian không thể nào khỏa lấp được. Dù cuộc chiến đã lùi xa nhưng vẫn còn đó nỗi mất mát, niềm thương, nỗi nhớ và sự đợi chờ. Đó là nỗi buồn thương không thể nói nên lời khi tiễn đưa cô gái Ô Lâm ngã xuống vì quê hương. Nỗi buồn đó vẫn “rưng rức”, nó không dễ gì phôi phai theo năm tháng. Với tâm trạng đó, nhà thơ khẳng định em vẫn còn đây:

“Dáng em cong hàng thốt nốt

Rót tình từng giọt lên men”

(Rưng rức hình trái tim – Nghiêm Quốc Thanh)

Đó còn là hình ảnh người mẹ vẫn đợi con về “đến cháy tóc tiên” và trĩu nặng niềm xót xa khi “tên anh còn nhói trên môi trong hơi thở cuối”. Với anh, sinh ra, lớn lên và ngã xuống đều bình dị giữa đời thường. Với mẹ, anh được gọi bằng “cái tên thơm nức mùa mưa” và “cái tên mênh mang trong vườn những trưa trốn ngủ”, đến khi ngã xuống nơi chiến hào:

“Anh nằm ở miền không tên

Giữa mây không đất

Giữa gió không nhà

Nghe người gọi mình bằng tên của dòng sông”

(Gọi anh bằng tên sông – Nguyễn Thái Thuận)

Còn chị đợi người yêu thương “suốt những mùa hoa ô môi” từ thời con gái khi tóc còn xanh cho đến “giờ trắng bay như sắc mây trời”… mà vẫn đợi. Với chị, anh luôn tồn tại giữa mùa hoa ô môi bừng sắc và cả trong niềm khát khao hạnh phúc dù nỗi buồn thầm lặng cứ trải ra mênh mang:

“Chị nhìn sắc hoa ô môi, lặng im không nói

Hàng thốt nốt cứ xanh như màu áo người đi

Mưa cứ rơi cho thêm buồn mênh mang chiều biên giới”

(Đợi mùa hoa ô môi – Trương Trọng Nghĩa)

Tuyển thơ tuy không có nhiều những bài thơ được sáng tạo nên từ cảm xúc nói trên nhưng những câu thơ thấm nặng cả tâm tình đó cũng đủ để người đọc cảm nhận rõ hơn về một phương diện trong đời sống tình cảm của người ĐBSCL.

4. Cảm thức quê hương trong Thơ Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 còn được thể hiện gắn liền với đạo lí uống nước nhớ nguồn. Đó là sự tri ân đối với ông cha – những người giàu dũng khí “dong thuyền đời mình bạt dòng Cửu Long” để khai phá, dựng xây. Khi đó, ông cha “Tay chỉ có cây dầm/ Môi chỉ có điệu hát/ Và tim đập nhịp Cửu Long giang” (Phương Nam ngạo khúc – Trần Đức Tín). Cũng từ cảm thức đó, khi về Hà Tiên Viếng mộ Mạc Công, Nguyễn Thanh Điền giãi bày:

“Về đâu? Đâu hỡi? Mạc Công?

Anh hùng  – Thi sĩ – Non sông – Phận người

Tôi nghe trong gió cao vời

Tiếng yên vọng một góc trời Hà Tiên”.

Còn Tô Ngọc Duy Quý khi đến với miền biên giới ở An Giang đã nhận ra, nơi đây lưu giữ bao hồn cốt của những tiền nhân mở mang, giữ gìn bờ cõi và cả những nỗi buồn đau. Đó là một vùng đất linh thiêng:

“Ở nơi này đâu đâu đất cũng linh thiêng

Dây rừng vẫn xanh, tiếng kinh trăm năm vẫn vẹn

Gò mả hoang mọc xanh cây thuốc núi

Dòng kinh chở phù sa cho tim tím lục bình trôi”

(Miền biên  – Tô Ngọc Duy Quý)

Đó là vùng Bảy Núi – miền đất lưu giữ bao niềm tự hào, bao buồn vui của con người ở biên giới Tây Nam. Những tên đất, tên làng như Núi Dài, hồ Tà Pạ, đồi Tức Dụp, Ba Chúc đều gắn liền với tình thương nỗi nhớ và cả nỗi đau đến muôn đời. Đến với miền đất này, tác giả cảm nhận “thương nhớ cứ dài ra”, “chiều hoàng hôn bến đá hóa lời ru” và “ngàn năm lệ đá ướt hoen mi”,… để rồi bày tỏ niềm khao khát:

“Lịch sử đi qua, đau thương không lặp lại

Ngàn năm một thuở âu vàng”.

(Ngàn năm một thuở âu vàng – Phùng Chí Mưu)

Xa xưa hơn, đó còn là Ba Thê – miền đất lưu giữ bao điều linh thiêng của vương quốc Phù Nam. Nơi đây còn lại những dấu tích lịch sử về nền văn hóa Óc Eo:

“Đao đá ngàn cân ai treo vách núi

Bàn cờ tiên giăng sẵn thế quân cơ

Bàn chân tiên vẫn chờ người ướm thử

Suối nước tiên cho ai muốn thành tiên”

(Một nén hương lòng – Phùng Chí Mưu)

Cách nhìn, cách cảm nhận của nhà thơ về những giá trị lịch sử – văn hóa còn lại nơi đây đã toát lên niềm tiếc thương và sự trân trọng đối với quá khứ, điều đó thấm đượm tinh thần nhân văn.

5. Gấp lại tuyển Thơ Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020, người đọc vẫn cảm thấy cảnh sắc, con người của sông nước Cửu Long như đang trải ra theo âm vang của những tiếng thơ chân thành, đằm thắm và giản dị. Những tiếng thơ đó chất chứa hồn đất, hồn người và lắng đọng bao tâm tình mà các nhà thơ muốn chia sẻ, nhắn gửi với người đời. Bởi thế, dù chưa có nhiều bứt phá để tạo nên dấu ấn mới lạ nhưng tuyển thơ này ở phương diện cảm thức về quê hương đã thực sự góp phần tô đậm thêm bản sắc riêng của thơ ĐBBSCL; đồng thời, nó giúp người đọc hiểu hơn về đất và người miền sông nước Cửu Long. Chỉ riêng ở phương diện này, Thơ Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 đã xứng đáng được người đọc nâng niu và trân trọng.

TS. Nguyễn Lâm Điền
(Thất Sơn 278)