Truyền thông và đất nước

Bất kỳ dưới thời đại nào, thông tin luôn là lĩnh vực có tính quyết định đối với sự vận động và phát triển xã hội. Người phương Tây đi đầu trong việc định hình nền báo chí chuyên nghiệp, thực dụng. Từ thời La Mã, tờ Acta Diurna xuất hiện vào khoảng năm 59 trước Công nguyên được xem là tờ báo sơ khai đầu tiên trên thế giới. Acta Diurna là những bản tin về các sự kiện đang diễn ra trong các thành phố lớn của đế quốc La Mã, được Julius Ceasar cho dán ở những nơi công cộng để dân chúng nắm thông tin. Thế nhưng, người Ý mới là những người đầu tiên có ý tưởng về báo giấy. Tờ báo giấy đầu tiên, hay nói chính xác là tờ công báo đầu tiên xuất hiện tại thành phố Venice (Ý) vào những năm cuối thế kỷ XVI dành cho giới quý tộc địa phương. Những tờ báo đầu tiên xuất hiện ở Ý được gọi là gazette, có nghĩa là công báo, tức báo của chính phủ.

Riêng ở nước ta, Quảng Văn đình được xem là một dạng hoạt động báo chí đầu tiên sơ khai. Quảng Văn đình được thành lập vào năm 1491 dưới triều vua Lê Thánh Tông, là nơi triều đình tiếp nhận thỉnh cầu từ người dân cũng như là nơi để triều đình bố cáo những pháp lệnh mới, niêm yết các văn bản, phép tắc trị dân vào ngày 01 và 15 hằng tháng như kiểu bán nguyệt san ngày nay. Đình nằm ngoài cửa Đại Hưng (Cửa Nam Thăng Long). Đến thời Nguyễn thì Quảng Văn đình được đổi tên thành Minh Chiêu đình rồi Quảng Minh đình (dưới triều Gia Long) làm nơi niêm yết giấy tờ của bộ máy cai trị tỉnh Hà Nội. Hoạt động này dù có tính báo chí nhưng không chú ý đến hình thức và cách thực hiện, không có chức năng quảng bá thông tin và không có thể thức của nền báo chí đúng nghĩa.

Phải đến thế kỷ XVIII, ý tưởng về tờ báo đầu tiên mới được Nguyễn Trường Tộ đề nghị với triều đình Tự Đức trong Tế cấp bát điều: “Ấn hành một tờ nhật báo, đăng những tờ chiếu, sớ, dụ và những hành sự của các vị danh thần công cụ của quốc gia hiện thời cho học sinh đọc để biết công việc trong nước, đó cũng là một việc ích lợi”. Đây là một ý tưởng canh tân đất nước đi trước thời đại so với lúc bấy giờ. Nhưng ý tưởng ấy bị triều đình Tự Đức gạt qua một bên. Và sau này, tờ Gia Định báo mang hơi hướng của chính quyền thuộc địa được khai mở trở thành tờ báo đầu tiên của nền báo chí Việt Nam hiện đại.

Những thập niên đầu thế kỷ XX, báo chí Việt Nam trong giai đoạn mới hình thành, đã có những bước phát triển rực rỡ dù bị kìm kẹp trong vấn đề thông tin bởi chính quyền thuộc địa.Những bài viết đầu tiên về nghề báo đã ra đời, thể hiện cái ý thức sâu xa và cũng là căn tính cơ bản của một nghề không mấy dễ làm trong xã hội. Trong bài Nghề làm báo, Hồng Nhân, một trong những nhà báo đầu tiên ở thế kỷ XX, đã chỉ ra bản chất của báo chí: “… báo quán là trường đào tạo ra dư luận, là nơi tòa án để tố cáo những sự lệ lạm, lại là cái loa truyền để tán dương những người có công”. Trong đó, những nhà báo đầu tiên đã xác định được rằng: “Tờ báo ngày nay đã thành một món cần cho người ta, có người đã ví nó như đồ ăn cho trí não cũng như cơm gạo là đồ ăn cho thân thể, có lẽ cũng có khi không bổ như cơm gạo thật nhưng đã trở thành một món tất yếu không khuyết được”. Như vậy, trăm năm trước, cha ông ta đã thích nghi với luồng thông tin xã hội trong cách “chế biến” và “thưởng thức” ở dạng báo chí, dù ngột ngạt nhưng cần thiết để định hướng dư luận xã hội. Tờ báo được hiểu “là cái tiêu bảng để thu hút cả cuộc sinh hoạt trong thế giới vào mấy trang giấy, tóm tắt lại cho ai nấy đều có thể lĩnh hội được” (Hồng Nhân, “Nghề làm báo”, Nam Phong tạp chí 11/1930).

Ngay từ buổi đầu đấu tranh phục hưng nền độc lập dân tộc, cụ Phan Bội Châu ở hải ngoại dùng “tân thư tân báo” để làm công cụ tuyên truyền lòng yêu nước. Cụ nhận thức rằng: “Trong tạp chí có thể phát huy tinh thần cách mạng thế giới, có thể đem lý luận sắc bén để bóc trần chính sách hại dân của bọn đế quốc”.

Tiếp đến, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục với tờ Đăng cổ tùng báo, kêu gọi người yêu nước đoàn kết, bỏ lối học khoa cử và lễ tục phong kiến, theo đòi học mới và mở mang công thương. Cái tên Đăng cổ nghĩa là đánh trống. Những trí thức buổi giao thời đã đề cập đến chuyện “Khai thông dân trí, dân khí là yêu nước”. Báo chí không chỉ là bút sắt đả phá cường quyền, mà còn là quyển thư của học thuật và nền dân trí nước nhà.

Đến nữa là tờ báo thành danh của báo chí cách mạng, báo Thanh niên ra số 01 vào ngày 21/6/1925, là tiếng nói mới của báo chí nước nhà do Hồ Chí Minh thủ xướng. Báo Thanh niên trong số 02 ngày 28/6/1925, xác định: “Cách mạng là biến đổi từ xấu thành tốt, đó là căn nguyên của mọi hoạt động, nhờ đó mà một dân tộc bị áp bức trở nên giàu mạnh”. Và báo chí cũng làm cách mạng theo cách riêng của nó. Hoạt động đó là việc định hướng thông tin dư luận, phản ánh khách quan hiện thực một cách chính xác nhất, trung thực nhất và phổ biến những tri thức hữu dụng, làm giàu cho vốn sống, kiến thức của cộng đồng.

Nền báo chí Việt Nam trưởng thành rất nhanh qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, thể hiện những mặt tích cực trên các chiến trường lẫn hậu phương, phản ánh kịp thời mọi sự vận động của đất nước. Các nhà báo đã góp công góp sức vào nhiệm vụ đánh đế quốc xâm lược; không ít nhà báo trở thành liệt sĩ, thương binh trong hoạt động tác nghiệp đầy hiểm nguy của một giai đoạn lịch sử.

Thời kỳ đổi mới đất nước, cùng với sự vận động của chính trị, kinh tế, xã hội,… chức năng của báo chí cũng không ngừng được phát triển. Kể từ đó đến nay, báo chí Việt Nam không ngừng lớn mạnh, góp phần tích cực vào nhiều vấn đề, lĩnh vực của xã hội. Đặc biệt, trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực và các tệ nạn xã hội, báo chí cả nước đã phát huy vai trò xung kích, thể hiện rõ chức năng giám sát của nhân dân. Nội dung thông tin của báo chí ngày càng phong phú, hiệu quả; hình thức ngày càng đẹp, sinh động và hấp dẫn. Từ vài chục cơ quan báo chí thời kỳ đầu, đến nay cả nước có 982 cơ quan báo, tạp chí được cấp phép hoạt động. Cụ thể, số lượng báo in là 193 (trung ương: 86, địa phương: 107); 639 tạp chí (trung ương: 525, địa phương: 114); báo điện tử là 150. Thống kê cũng cho thấy, có 17.297 nhà báo được cấp Thẻ nhà báo.

Ngày nay, nền báo chí nước ta phát triển mạnh, đa dạng, nhiều tờ báo trở thành những thương hiệu truyền thông có uy tín. Cuộc cách mạng thông tin với sự phát triển không ngừng nghỉ và khó dự đoán của kỹ thuật và công nghệ, truyền thông báo chí đang phát triển chóng mặt cả về phương diện thiết bị kỹ thuật lẫn thủ thuật. Theo xu thế, báo chí Việt Nam tương đối phát triển, có đầy đủ các loại hình như báo giấy, báo hình, báo tiếng, báo điện tử,… và xuất hiện trên các thiết bị nghe nhìn khác nhau.

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn bộc lộ một số khuynh hướng không lành mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của xã hội. Thời đại báo mạng tràn lan dẫn đến “hiện tượng nhiễu loạn” của thông tin, “lá cải hóa” thông tin để câu lượt xem nhằm tăng quảng cáo và các lợi nhuận khác. Các nhà truyền thông bất chấp thủ đoạn để thu hút và gây chú ý đối với đối tượng độc giả của mình. Để tăng lượng người truy cập, nhiều trang tin tìm mọi cách giật gân, hấp dẫn nhất để lôi được bạn đọc về phía mình, bất chấp thông tin đó có hợp với thẩm mỹ, văn hóa, chuẩn mực, thậm chí là quan điểm chính trị,… Đó là sự tìm kiếm lợi ích mà không cần quan tâm đến công chúng, để lại những hậu quả nặng nề trong nhận thức của một lớp người, nhất là những người trẻ, định hình nên lối sống và suy nghĩ tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển lành mạnh của đời sống xã hội. Chức năng khai sáng của truyền thông, báo chí dường như mờ nhạt đi trong không ít các đơn vị làm công tác tuyên truyền.

Ngày nay, giới học thuật truyền thông đánh giá cao về một học thuyết có tên “Thuyết trách nhiệm xã hội của truyền thông”. Thuyết này được phân tích khá kỹ trong cuốn sách Bốn học thuyết truyền thông. Các tác giả là những nhà nghiên cứu hàng đầu của Mỹ về truyền thông, sự phát triển và tương tác với xã hội. Thuyết trách nhiệm xã hội của truyền thông được hình thành từ thời kỳ cải cách truyền thông phương Tây và xa hơn là thời Phục hưng với các luận đề về triết lý của một xã hội đề cao tinh thần trách nhiệm và phục vụ. Những vấn đề này nổi cộm nhất trong những thập niên 20, 30 thế kỷ XX với sự công khai, lên án các hoạt động báo chí đi ngược lại sự thật. Thuyết này được đặt trong những niềm tin và quan niệm cơ bản của xã hội, nhấn mạnh tới mối quan hệ giữa con người và đất nước, được đông đảo những người làm truyền thông ủng hộ. Như vậy, truyền thông cần phụng sự những lợi ích chính đáng của công chúng và phụng sự sự phát triển của xã hội và chúng ta chỉ cần truyền thông làm đúng bổn phận mà họ được giao phó.

Nếu như tất cả các đơn vị truyền thông, báo chí đều thấu hiểu, vận hành theo hướng có trách nhiệm xã hội, biết gắn mình với lợi ích cộng đồng, thay vì bất chấp chạy theo lợi ích riêng rẽ thì đã góp công lớn “khai dân trí, chấn dân khí” cho dân tộc. Trong thời đại ngày nay, đang cần lắm những Đăng cổ tùng văn, Tiếng dân, Thanh niên, Nhân dân,… để làm giàu cho sức mạnh tư duy của dân tộc.

Và hơn lúc nào hết, mỗi người làm báo cần ghi nhớ đến phương châm “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, “Bản lĩnh và trí tuệ” mà nhà báo Hữu Thọ đã từng chỉ ra. Mắt sáng để quan sát, nhìn thấu mọi vấn đề của xã hội, sự kiện; lòng trong để phản ánh chân thật nhất, khách quan nhất, không bị lệ thuộc, không ngã lòng vì lợi ích; và bút sắc để viết nên những bài báo sắc sảo, định hướng nhận thức khách quan, tích cực cho xã hội. Đó là nhiệm vụ thiêng liêng, gian khổ và đầy thử thách của một thế hệ nhà báo Việt Nam trong thời đại mới, tất cả để xây dựng nên một “Quảng Văn đình” vì lợi ích của toàn thể quốc gia, dân tộc.

Bài: TS. Lê Vũ Trường Giang
Ảnh: Huỳnh Sông Tiền

(Thất Sơn 278)