Có hẹn với An Giang

Tôi đến An Giang vào một ngày nắng đẹp khi ánh mặt trời vừa chiếu những tia nắng đầu ngày lên vùng biên viễn Tây Nam Tổ quốc. Về An Giang là về với bản hòa tấu đa thanh của nhiều vùng địa hình. Nơi đây vừa có sông vừa có hồ, lại có núi và có đồng bằng. Mỗi nơi lại có cách riêng để gây thương nhớ với bước chân người lữ khách. Với những người thích du lịch khám phá những nét đẹp hoang sơ và bình yên thì nơi đây hứa hẹn là một điểm đến đầy thú vị.

Tôi tìm về An Giang như một đứa trẻ nhớ đồng tìm về kí ức. Đi qua những cánh đồng lúa trải dài vùng Châu Thành, Châu Phú, Tịnh Biên Tri Tôn… tôi lại nhớ những ngày ấu thơ tươi đẹp. Bước chân trẻ thơ chạy chơi trên những bờ ruộng giữa thảm lúa xanh ngút mắt, mùi hương lúa làm đòng cứ vướng vít mãi dẫu sau này những đứa trẻ có lớn lên rồi rời quê ra phố. Bắt gặp những mảng xanh bất tận nơi đây, tôi như được soi lại bóng mình. Mở ra trước mắt lữ khách là khoảng không gian mênh mông của lúa. Những thửa ruộng xanh ngút mắt bảng lảng sương vào buổi sớm. Trên trời mây trắng bồng bềnh như những cụm hoa tuyết trôi giữa nền trời xanh trong veo. Hòa quyện vào những ngọn gió đồng bằng, nắng nơi đây dường như đằm hơn, ngọt hơn. Nắng cho những cánh đồng xanh thì con gái, nắng tô điểm long lanh giọt mồ hôi người nông dân hăng say lao động. Phải chăng khi mình yêu một vùng đất nào đó thì nhìn đâu cũng thấy cái hay, cái đẹp!

Về An Giang là về miền quê của những cây thốt nốt. Thốt nốt tập trung nhiều nhất có lẽ là ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Thốt nốt xòe tán hiền hòa che mát những con đường uốn cong nơi thôn xóm. Thốt nốt vươn cao hùng vĩ tạo thành ranh giới giữa các thửa ruộng, che bóng những đứa trẻ chạy tung tăng giữa quãng đồng… Thốt nốt yên ả dưới chân những ngọn núi. Buổi sớm mai, những làn sương mỏng manh la đà trên ngọn cỏ, vờn nhẹ nhàng qua những ngọn thốt nốt hòa cùng ánh hồng của bình minh tạo nên một cảnh sắc bềnh bồng, mê đắm lòng người. Không chỉ tạo nên khung cảnh an yên cho làng quê, thốt nốt còn có rất nhiều công dụng khác như lợp nhà, làm củi, đan nón lá, đan rổ, làm đũa…

Sau quãng đường dài, tôi ghé lại một quán võng ven đường gọi cho mình li nước thốt nốt. Chị chủ nhiệt tình thấy khách đường xa đã để thêm cho tôi khá nhiều cơm thốt nốt vào li. Thưởng thức nước thốt nốt mát lành, vị ngọt thanh cùng hương thơm rất đặc biệt hòa với cái lạnh của nước đá viên, lữ khách dường như giũ hết mọi nắng gió đường xa. Chị bảo thốt nốt người ta còn làm được rất nhiều món như chè thốt nốt, đường thốt nốt, nước màu thốt nốt… Thấy tôi thích, chị ra sau nhà đem cho chiếc bánh bò thốt nốt vừa mới hấp còn nóng hổi. Cầm chiếc bánh nhỏ xinh trên tay tôi vô cùng thích thú. Bánh có màu vàng ươm bắt mắt lại được gói trong miếng lá chuối xanh, phủ phía trên một lớp dừa nạo trắng tinh. Cắn nhẹ miếng bánh mềm xốp nghe vị ngọt lan tỏa hòa quyện cùng hương thơm dịu, một lần nữa tôi lại bị thốt nốt chinh phục. Loài cây này không cần chăm sóc mà cứ thế lớn lên giữa cái nắng cái gió, gắn bó với người dân ở đây như người bạn nghĩa tình, chung thủy. Dẫu cái nắng có phần gắt gay hay những nơi đất đai kém phần màu mỡ thì thốt nốt vẫn phát triển tốt, vẫn soi bóng mát cho bao thế hệ người dân, sai quả và cho những dòng nước ngọt lành. Anh bạn của tôi ở Phú Tân đã chọn nghề dạy học hơn mười năm và gắn bó với mảnh đất An Giang này từ những ngày còn là cậu nhóc chân trần chạy chơi giữa những cánh đồng xanh rì. Anh bảo ở đây đi đâu cũng gặp thốt nốt, vậy mà mấy bận đi công tác ngoại tỉnh lại thấy nhớ, về đến quê thấy bóng cây thốt nốt, uống li nước thốt nốt mát ngọt mới thỏa lòng.

Trong bản hòa tấu đa thanh của địa hình ở vùng đất biên viễn Tây Nam, có lẽ sẽ thật sự chưa trọn vẹn nếu không nhắc đến núi. Những dãy núi hùng vĩ mà tĩnh tại như song hành cùng người dân ở đây trong suốt chiều dài năm tháng. Đó là Thiên Cấm Sơn uy nghi với hồ Thủy Liêm xanh mát, là núi Sam gắn với lễ hội Vía bà Chúa Xứ vào tháng 4 âm lịch hằng năm, là Cô Tô với sân Tiên tương truyền là dấu chân của Phật… Đứng từ trên những ngọn núi cao, du khách sẽ có dịp thu vào tầm mắt khung cảnh mênh mông bát ngát của những cánh đồng lúa xanh rì chạy dài phía dưới; thấp thoáng xa xa là những hàng thốt nốt lặng lẽ vươn mình trước gió. Tôi nhớ lần trước mình đã có dịp ở lại ban đêm trên núi Cấm. Đêm trên nóc nhà của vùng đồng bằng sông Cửu Long thật khác biệt với tôi. Không khí dường như lạnh hơn và không gian cũng rộng mở, an yên hơn. Tôi đi dạo một vòng quanh hồ Thủy Liêm. Ban ngày nước hồ xanh trong vắt, đêm đến ánh sáng từ Vạn Linh Tự soi chiếu xuống những con đường dọc hồ lung linh. Những ngọn núi không chỉ tạo nên cảnh quan hùng vĩ giữa châu thổ mà còn gắn bó sâu sắc trong đời sống văn hóa cũng như cuộc sống thường nhật của người dân nơi đây. Với khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp cùng sự cần cù chăm chỉ, người dân nơi đây đã tạo nên những vườn rau trái xum xuê. Mùa trái cây nơi xứ núi, khách phương xa đến không khỏi tấm tắc khi thưởng thức vị bơ dẻo ngọt, nhiều nhất phải kể đến là ấp Vồ Bà. Ngoài bơ còn có các loại trái cây khác nào là xoài, mãng cầu, dâu đến các vườn rau ngát xanh nép mình bên sườn núi như su su, đậu đũa…

Ngoài những cảnh sắc say lòng của thiên nhiên, tôi còn ấn tượng với An Giang bởi mùa nước nổi. Đó là mùa của những dòng nước đổ về ào ạt, những cánh đồng mênh mông trong làn nước màu phù sa. Sẽ là mùa lũ đẹp nếu năm ấy mực nước chỉ ở một hạn mức nhất định để không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất của bà con. Bởi mùa lũ về còn là mùa mưu sinh của rất nhiều nghề chỉ hoạt động nhộn nhịp vài tháng. Trước thềm lũ những làng nghề chài lưới, làm lưỡi câu, đan lọp… bắt đầu sôi động. Người ta trông mong con nước về sẽ chở theo nhiều sản vật để cuộc mưu sinh đỡ vất vả phần nào. Những ngày nước mênh mông, cảnh sắc nơi đây thật sự để lại nhiều ấn tượng với khách phương xa. Đó là những bông hoa súng mà người ta hay gọi là bông súng ma khoe sắc, mùa của những cánh điên điển li ti thắp vàng triền sông. Và là mùa của cá linh. Loài cá lớn lên trong môi trường tự nhiên không qua bàn tay chăm sóc mà hương vị lại thơm ngon đến nao lòng. Người nông dân lặn lội từ khuya để đánh bắt, chạng vạng sáng quay về nụ cười rạng rỡ với mẻ cá linh đong đầy. Nếu đến đây vào mùa nước nổi, du khách sẽ có dịp thưởng thức cá linh được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như cá linh non kho me, cá linh chiên bột, canh chua cá linh bông điên điển…

Kết thúc một ngày rong ruổi, tôi về lại làng bè Châu Đốc. Hoàng hôn buông dần trên làng bè ở ngã ba sông. Xa xa ánh tà dương như dát lớp thảm hồng lên mặt sông lấp loáng. Nhịp sống làng bè bình yên với bữa cơm chiều đầm ầm. Tôi lại nhớ những phum sóc Tịnh Biên, Tri Tôn mình đã đi qua, cũng những rạ rơm, cũng mùi khói bếp mà sao nghe thân tình quá đỗi. Nụ cười trong veo màu nắng của em bé người Khmer dường như sáng hơn trên làn da đậm đà màu phù sa châu thổ. Mỗi vùng đất đi qua bao thân tình ở lại. Tôi “cho phép” mình quên một cuộc hẹn với người anh ở Phú Tân. Anh hứa dắt tôi về với dòng sông Vàm Nao quê anh, con sông đặc biệt nối kết và chia nước giữa dòng Tiền Giang và Hậu Giang. Bởi tôi nghĩ, khi người ta nợ nhau thì sẽ có duyên cớ để tìm về thêm nhiều lần hơn nữa. Mai xa An Giang, nhớ sông nhớ núi, nhớ chiếc bánh bò thốt nốt của chị chủ quán đã thơm thảo tặng, mới hay lòng mình dường như đã đánh rơi thương nhớ ở đất này.

Phong Dương
(Ảnh: Nguyễn Hoàng Nam)