“Cửa hàng Không đồng Tri Tôn” nơi lòng nhân ái lan xa…

Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Đất nước Việt Nam ngày nay đã bước vào giai đoạn đổi mới, phát triển và hội nhập toàn cầu, tuy nhiên những lời di huấn sâu sắc của Bác vẫn luôn được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tạc dạ, ghi tâm.

Chuyện cơm ăn, áo mặc hằng ngày, và chuyện học hành của trẻ nhỏ, giờ đây đã không còn là nỗi lo của toàn xã hội nữa. Thế nhưng quanh quẩn đâu đây trong cuộc sống này, vẫn còn nhiều mảnh đời cơ cực ở những miền quê nghèo khó, những em học sinh khi đến trường còn nhiều thiếu thốn, cần được san sẻ yêu thương. Vậy nên những ngọn lửa ấm áp, từ tâm đã được người dân thiện nguyện nhóm lên ở khắp cả nước.

Riêng ở tỉnh An Giang, trong nhiều năm qua, những hoạt động “tương thân tương ái”, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn, hoạn nạn ngày càng nở rộ. Những quán cơm tình thương, tủ bánh mì, thùng nước uống, trà đá miễn phí dọc đường, đã có mặt ở khắp các huyện, thị, thành trong tỉnh. Chính những hoạt động thiện nguyện này đã mang lại ý nghĩa nhân văn cao đẹp, giúp mọi người tìm được niềm vui trong cuộc sống.

Từ những ngày đầu năm 2017, Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo huyện miền núi Tri Tôn, tỉnh An Giang đưa vào hoạt động mô hình “Cửa hàng Không đồng – thừa thì cho, thiếu thì nhận”, chuyên cung cấp quần áo, sách vở, đồ gia dụng, xe đạp, tivi và những nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống của người dân nghèo ở các xã vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Thấy được hiệu quả từ mô hình hoạt động “Cửa hàng Không đồng” huyện Tri Tôn, nhiều tổ chức xã hội từ thiện trong và ngoài tỉnh An Giang cũng đã hình thành những cách làm tương tự, mang tình thương yêu, sự sẻ chia lan tỏa đến cộng đồng.

Cửa hàng Không đồng, lạ mà quen!

“Cửa hàng Không đồng, thừa thì cho – thiếu thì nhận” lúc mới hình thành nằm ở góc đường Nguyễn Trãi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa, thuộc địa phận xã Núi Tô, gần Bệnh viện huyện Tri Tôn. Cửa hàng khai trương phục vụ bà con nghèo trong vùng từ ngày 15/2/2017, do Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo huyện Tri Tôn quản lý, nhận được sự đồng tình, hỗ trợ từ phía Huyện ủy, Hội Cựu giáo chức và các ban ngành, đoàn thể huyện Tri Tôn.

Thời gian đầu, khi mới thành lập, Cửa hàng Không đồng huyện Tri Tôn mở cửa buổi sáng từ 07 giờ rưỡi đến 10 giờ rưỡi, buổi chiều thì từ 13 giờ rưỡi đến 16 giờ rưỡi. Người dân đến với cửa hàng được lựa chọn miễn phí 08 món, trong đó tùy ý chọn bất kỳ: áo quần, mùng mền, tập sách, theo nhu cầu. Riêng các vật dụng khác như: bếp gas, tivi, xe đạp… thì do số lượng có hạn, nên những ai thật sự cần, phải đăng ký trước với người phục vụ cửa hàng, sau khi xác minh, cửa hàng sẽ xem xét để trao tặng. Đối với hàng hóa là tivi thì đội ngũ tình nguyện viên của cửa hàng sẽ mang đến tận nhà, và lắp ráp thêm bộ đầu thu các kênh truyền hình miễn phí cho người dân.

Ông Chau Hồng, người dân tộc Khmer làm nghề phụ hồ ở xã Núi Tô, một trong số những người dân đầu tiên đến với cửa hàng cho biết: “Thấy nhiều người đến đây, tôi cũng đến lựa quần áo để mặc đi làm. Có cửa hàng miễn phí này, bà con rất vui mừng, vì có được những bộ quần áo lành lặn và những vật dụng cần thiết trong cuộc sống”.

Còn với bà Néang Sa Rây, cũng sinh sống ở xã Núi Tô, không chỉ đến lựa đồ cho mình, mà bà còn có thể lựa cho chồng và các con của mình những bộ đồ còn mới, bà hồ hởi nói: “Có đồ này rồi thì nhà tôi không phải mua quần áo mới nữa, để dành tiền mua gạo, và lo cho các con học hành”.

Cửa hàng Không đồng huyện Tri Tôn từ những ngày đầu mới thành lập đã sớm trở nên quen thuộc với người dân quanh vùng, đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của bà con, khi mà đời sống của người dân ở vùng đồng bào dân tộc, miền núi nơi này còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Ông Lâm Tít Suôn, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo huyện Tri Tôn chia sẻ thêm:“Trước ngày khai trương Cửa hàng chúng tôi đã vận động được hơn 10 tấn hàng hóa, từ sự đóng góp tự nguyện của nhiều Mạnh thường quân ở khắp mọi nơi. Ngày đầu tiên đã có hơn 200 lượt người đến nhận hàng. Đó là niềm vui, niềm phấn khởi bước đầu. Tuy nhiên để duy trì và mở rộng hình thức hoạt động của mô hình này là cả một quá trình dài hợp sức của nhiều người”.

Mang hàng đến tận phum sóc

Trước khi Cửa hàng Không đồng đi vào hoạt động thì những người tâm huyết với phong trào xã hội từ thiện ở huyện Tri Tôn, như ông Lâm Tít Suôn, ông Phạm Tấn Đức đã tham khảo nhiều mô hình tặng quần áo miễn phí ở nhiều nơi để tìm phương án tốt nhất áp dụng cho địa phương mình. Họ nhận thấy điều quan trọng là phải tìm được nguồn tài trợ, ủng hộ từ các nhà hảo tâm và Mạnh thường quân từ nhiều nơi, để có đủ nguồn hàng phục vụ người dân, từ già trẻ, lớn bé, đảm bảo ai đến với cửa hàng cũng có thể chọn được cho mình những bộ quần áo vừa vặn để mặc. Cùng với đó là sự đồng tâm, nhiệt tình của Ban điều hành Cửa hàng để có thể duy trì hoạt động ổn định, lâu dài, và có thể nhân rộng mô hình ra nhiều nơi, chứ không phải chỉ hoạt động nhất thời rồi thôi.

Bà Phạm Thị Lẹ, thành viên của Ban điều hành Cửa hàng Không đồng huyện Tri Tôn tâm sự: “Chúng tôi làm việc này hoàn toàn tự nguyện, không đòi hỏi gì cả. Chỉ mong mình làm tốt vai trò cầu nối để các Mạnh thường quân, những người có điều kiện sống tương đối khá giả ở thị thành có nơi làm từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh còn nhiều khó khăn ở vùng thôn quê, miền núi”.

Ban điều hành Cửa hàng Không đồng có gần chục thành viên và rất nhiều tình nguyện viên khác cùng nhau chung sức để hoạt động của Cửa hàng luôn được duy trì và đi vào nề nếp. Mỗi người, với tinh thần thiện nguyện, làm đủ các việc: đi kêu gọi, tiếp nhận, khiêng vác, vận chuyển hàng, sắp xếp, phân loại, treo đồ lên sào ngay ngắn… nên dù vất vả nhưng ai nấy đều vui vẻ, không nề hà hay so tính thiệt hơn.

Không chỉ phục vụ quần áo, “Cửa hàng không đồng, thừa thì cho – thiếu thì nhận” huyện Tri Tôn còn thường xuyên phối hợp với các đơn vị và các nhà hảo tâm, ban ngành, đoàn thể để hỗ trợ: tiền, gạo, thẻ bảo hiểm y tế; hay khám chữa bệnh miễn phí cho người dân.

Đặc biệt, Cửa hàng Không đồng còn tổ chức những chuyến xe lưu động, mang quần áo và những vật dụng thiết yếu đến các phum sóc, những vùng xa xôi trung tâm huyện, để bà con không có điều kiện đi xa cũng được lựa chọn đồ dùng miễn phí. Và trong những dịp Tết cổ truyền Chol Chnăm Thmây của của đồng bào Khmer Nam bộ vào những ngày giữa tháng tư hằng năm, Cửa hàng Không đồng thường mang hơn 01 tấn quần áo đến với các điểm Chùa Nam tông để bà con Khmer đến nhận khi đi lễ.

Cùng với nhiều Phật tử khác đến Chùa Sà-lôn, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, lựa đồ mới để mặc, khi Cửa hàng Không đồng đến, ông Chau Keng phấn khởi cho chúng tôi biết: “Đồ này còn tốt lắm, tôi có thể bận đi đám tiệc được. Bà con nơi này rất vui mừng, cảm ơn các Mạnh thường quân, nhà hảo tâm, có tấm lòng tốt, mang xe chở quần áo, và nhiều đồ dùng đến nơi này, để người dân chúng tôi được chọn lựa”.   

Cửa hàng Không đồng huyện Tri Tôn mang quần áo đến nhà Chùa Khmer cho bà con lựa chọn

Nơi lòng nhân ái lan xa

Từ khi Cửa hàng Không đồng đầu tiên được thành lập ở xã Núi Tô, đến nay, qua 02 năm hoạt động, mô hình “Cửa hàng Không đồng, thừa thì cho – thiếu thì nhận” đã lan tỏa ra hầu khắp các xã, thị trấn khác của huyện Tri Tôn như: Ba Chúc, Vĩnh Phước, Lạc Quới, Tân Tuyến, Ô Lâm, Núi Tô, Lương An Trà, Tà Đảnh… Mô hình “Cửa hàng Không đồng, “Quầy hàng Không đồng”, “Gian hàng Không đồng”,… còn được nhiều đơn vị, tổ chức ở khắp mọi nơi áp dụng để hoạt động với mong muốn giúp đỡ người nghèo khó.

Ông Phạm Tấn Đức, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo huyện Tri Tôn, người có công gầy dựng Cửa hàng Không đồng từ buổi đầu vui mừng thông tin với chúng tôi, sau 02 năm hoạt động Cửa hàng đã tiếp nhận hơn 50 tấn hàng hóa, trị giá hơn 02 tỷ đồng, phục vụ hơn 20 ngàn người dân. Tiếng lành đồn xa, nhờ báo chí trong và ngoài tỉnh đưa tin phản ánh, và nhờ sự kết nối của trang facebook “Cửa hàng Không đồng, thừa thì cho – thiếu thì nhận”, nên nguồn hàng hóa mà cửa hàng nhận được ngày càng nhiều và phong phú. Ông Phạm Tấn Đức chia sẻ thêm: “Có khi cửa hàng tiếp nhận 46 thùng hàng (khoảng gần 1.000 quần áo các loại) trong đó đồ mới chiếm trên 80{fb72bbfdc4a578d027b556b83290df3d4a0d2dba3541c6c431f41d65a7fb72a4}, do Cơ quan đại diện phía Nam Hội Chữ thập đỏ Việt Nam gởi tặng. Có lúc cửa hàng nhận được gói hàng của nhà hảo tâm ở tận miền Bắc xa xôi. Chúng tôi thật xúc động khi nhận món quà này và thật vui khi thấy việc làm của chúng tôi được mọi người thấu hiểu và ủng hộ.

Người “thừa thì cho” hạnh phúc khi thực hiện một nghĩa cử mang đầy tính nhân văn, người “thiếu thì nhận” vui trong lòng và nhẹ gánh âu lo gánh nặng chi xuất trong gia đình khi nhọc nhằn mưu sinh hàng ngày.

Chúng tôi vẫn tiếp tục là chiếc cầu, nối liền giữa tấm lòng nhân ái của các nhà hảo tâm, các vị Mạnh thường quân đến những người thiếu thốn, khó khăn trong cuộc sống. Chúng tôi mong rằng sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ, đóng góp của tất cả mọi người.”

“Lá lành đùm lá rách”, nghĩa cử cao đẹp nhường cơm sẻ áo từ ngàn đời của cha ông đang được lan tỏa thông qua mô hình “Cửa hàng Không đồng, thừa thì cho, thiếu thì nhận”. Những manh áo lành lặn, những vật dụng gia đình thiết yếu là những món quà nhỏ, nhưng vô cùng ấm áp và tràn đầy yêu thương mà chúng ta có thể san sẻ cho nhau trong cuộc sống yên bình ngày nay. Như lời dạy chân tình mà sâu sắc của Bác Hồ, phải biết: ‘Yêu thương con người, sống có nghĩa, có tình”. Và: “Phải làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân”.

Thấm nhuần đạo làm người theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, những người làm công tác thiện nguyện như ông Lâm Tít Suôn, ông Phạm Tấn Đức, bà Phạm Thị Lẹ, và nhiều thành viên khác nữa đã đóng công góp sức làm cầu nối san sẻ yêu thương ở Cửa hàng Không đồng huyện Tri Tôn, như những đóa hoa mùa xuân trong vườn hoa ngàn việc tốt ở tỉnh An Giang đang bừng nở, tỏa ngát hương thơm, làm đẹp cho đời…

Bài & ảnh: Nguyễn Khái Hưng