Hoa của đêm

Đêm. Trời không trăng. May còn những ánh sao nhấp nháy trên nền trời đen làm vơi đi cảm giác cô đơn của một đêm tĩnh mịch. Gió thổi dồn dập và trong làn gió như có hơi nước man mát. Dấu hiệu cho thấy chẳng bao lâu nữa sẽ có mưa. Tôi ngồi uống trà bên chiếc bàn nhỏ trước sân. Khoảng mười hai giờ đêm hoa sẽ nở.

Tôi cũng không còn cảm giác mong chờ hoa nở như thuở đôi mươi. Ở tuổi chớm bốn mươi dẫu chưa thật từng trải đời và giàu kinh nghiệm nhưng con người ấy ít nhiều cũng trải qua những thăng trầm dâu bể, thành bại của đời người. Chưa đến nỗi nhìn những gợn sóng của sông trước mặt mà thấy cảm giác im ru nhưng cũng đã tĩnh tâm để đón nhận những phiền muộn của cuộc sống.

Thuở ấy tôi mười tám tuổi rời trường phổ thông và đi nghĩa vụ quân sự. Những cuộc hành quân xa bằng đường bộ, tôi và đồng đội cứ mải miết đi. Hết con đường này đến con đường khác, băng qua ruộng qua đồng, qua sông qua suối. Những năm tháng ấy để lại trong tôi cả một miền ký ức và đến tận bây giờ đôi khi trong những giấc mơ tôi thấy mình đi băng băng qua những cánh đồng trơ gốc rạ, đôi chân giẫm trên những cánh đồng mùa nước nổi. Sông tràn bờ…
Nhưng kỳ lạ sao tôi chưa bao giờ gặp lại người con gái ấy trong mơ.

Nhà cô ở cách nhà tôi không xa chỉ băng qua mấy cánh đồng, nép sau vườn cây ăn trái um tùm mà trước khi nhập ngũ tôi chưa bao giờ đặt chân tới. Trong một lần đơn vị đi hành quân ngang qua lối này, trời sập tối, dù đã lâu rồi nhưng tôi vẫn còn nhớ rõ, cũng một đêm trời không trăng như đêm nay. Chỉ huy xin phép cho đoàn được ở lại trú. Sau buổi cơm mệt nhoài, chúng tôi bắt đầu giăng võng vào các gốc cây để nằm.

Cạnh chỗ tôi nằm có một cây gì lạ quá, trông giống như dây thanh long nhưng không phải, chỉ là những chiếc lá có hình răng cưa và đặc biệt nữa là có chồi hoa mọc ra từ chiếc mép lá.

Trong nhà tiếng đọc bài rõ mồn một. Nghe bài đọc tôi có thể đoán là cô gái ấy chỉ học lớp mười thôi. Vì sao cô lại đọc lớn như vậy? Sáng hôm sau tôi mới biết, do ba mẹ đi cất vó cá ngoài mé sông nên cô bé thường ở nhà cùng em và hai chị em rất sợ ma nên cố gắng đọc to để át đi nỗi sợ.

Theo lệnh chỉ huy chúng tôi sẽ ở lại để phụ giúp người dân trong xóm đắp lại con đường ngập nước mưa. Cô bé mang nước ra cho bộ đội uống. Có mấy đồng đội trêu ghẹo cô chỉ lặng im không nói gì. Khi tôi nói nhà tôi cách vài cánh đồng, cô mừng rỡ biết là người quen cùng xã. Những ngày tiếp theo tôi có thêm dịp để trò chuyện cùng cô. Tự nhiên tôi thấy cảm mến vì cô bé mới mười mấy tuổi đã tảo tần thay mẹ lo cho em.

Một buổi chiều trời sập tối em ra ngoài vườn tìm tôi khi tôi và đồng đội đang ăn dở bữa cơm chiều. Em nhờ đứa em đưa cho tôi tờ giấy. Khi hai chị em đi rồi, tôi dùng ánh sáng đèn pin đọc dù được viết vội nhưng chữ vẫn rất đẹp và mềm mại nữ tính trong đó vỏn vẹn mấy từ: Hẹn anh lúc 11 giờ 30 tối nay bên cạnh cây nhãn. Tôi đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Một cô bé 16 tuổi đầu đã biết hẹn hò rồi sao? Vậy mà tôi ngỡ cô bé còn rất trẻ con qua cách cô nói chuyện. Nhưng rồi tôi chợt nghĩ ở quê mình (vào thời điểm đó) chuyện các cô  17,18 tuổi lấy chồng sinh con cũng phổ biến. Nhưng nếu cô bé có ý nghĩ về yêu đương quá sớm thì tôi cũng biết làm sao.

Đêm đầu tháng, trăng còn phải chờ thêm vài ngày mới tỏa sáng. Tôi cầm đèn pin đi ra mé vườn. Gió mát quá, cô bé chưa ra điểm hẹn. Tôi ngồi vắt vẻo trên cành nhãn sà xuống gần mặt đất vừa suy nghĩ lát gặp nhau sẽ nói điều gì. Và lỡ như cô thổ lộ tình yêu thì tôi phải làm sao. Chúng tôi đều còn quá trẻ. Tôi cũng còn dự định sẽ học lên cao đẳng hay trung cấp nghề sau khi hoàn thành nghĩa vụ.

Gió mát quá…và tôi chìm vào trong giấc mơ, dường như có mùi hương gì thoảng thoảng qua nhưng tôi không còn tỉnh táo để biết được mùi hương gì và đến từ đâu.

Sáng hôm sau, cô gái gửi tiếp cho tôi tờ giấy có vài dòng: Chị em muốn ngắm hoa quỳnh nở mà sợ bóng đêm nên hẹn anh ra cho đỡ sợ nhưng anh không chờ được đã ngủ trước rồi.Tôi phá ra cười vì té ra mình mới là người “đen tối”.

Ngày chia tay, cô tặng chiếc lá quỳnh được bầu kĩ trong một bịch ny lon chứa đầy đất. Và dường như biết tôi sẽ có lời hẹn muốn quay trở lại, cô nói khi nào hoa nở đến tìm em.

Tôi đem bầu hoa ấy đi theo mình suốt chặng đường hành quân còn lại và trở về đơn vị. Tôi tưới bón mỗi ngày, nhìn chiếc lá mỏng manh đó đâm chồi xanh, những lúc đó trong tôi cũng không ngừng nuôi hy vọng về ngày trở lại quê nhà sau khi giải ngũ. Tôi sẽ đến tìm lại cô bé, lúc đó chúng tôi đều đã trưởng thành để nghiêm túc nghĩ về một tình yêu, một mái nhà. Quỳnh vẫn không đơm nụ dù tôi đã bỏ công chăm bón.

Rồi thời gian tại ngũ cũng qua, tôi trở về nhà bắt đầu cuộc sống mới, tiếp nối những ngày tìm việc làm trong khi chờ nhập học ở trường nghề tôi có về ghé qua thăm lại nhà cô bé. Nhà cô đã không còn, đất lở và nước sông cuốn đi. Cô bé ngày xưa đã về đâu? Tôi có hỏi hàng xóm bảo nhà cô đã lên ghe đi về xứ và chưa bao giờ thấy đáo lại nơi này. Tôi vẫn còn giữ chậu quỳnh ngày trước nhưng chưa bao giờ thấy quỳnh trổ bông. Có lẽ mình không có duyên với loài hoa này, tôi đọc ở đâu đó thấy nói rằng có người trồng cả đời cây vẫn không ra hoa. Tôi lập gia đình, chậu quỳnh được đưa ra tít ngoài mé vườn, phó mặc trời mưa nắng. Rồi hôm nay tình cờ đi dạo tôi lại thấy cây đơm nụ tự bao giờ.

Không hiểu sao tôi nghe mình bổi hổi như năm mười tám tuổi, lại mong chờ phút giây nhìn những cánh hoa trắng muốt kia hé mở tỏa hương, hoa đã nở rồi nhưng tôi biết tìm ai. Tôi và có lẽ cô ấy cũng đều có gia đình riêng của mình. Những hồi ức là chút kỉ niệm đẹp mà khi nhớ lại gợi một chút bâng khuâng. Rồi như quỳnh chớm nở chớm tàn kia, chúng tôi phải quay về thực tại với vô vàn nghĩa vụ và trách nhiệm với gia đình, khép lại một trang kí ức đầy những buồn vui, thơ mộng.

Trương Quốc Toàn
(Nguồn ảnh: Internet)