“Hùng khùng”

Người ta tên là Hùng, mà cứ kêu là Hùng khùng. Thấy cũng có khùng gì lắm đâu. Chẳng qua chỉ là miệng huýt gió, chân không dép chạy có cờ ngoài đường. Ăn mặc ngộ ngộ chút thôi, cũng áo sơ mi bỏ gọn vào quần trông lịch sự như cán bộ xã, chỉ có điều là… quần xà lỏn. Gặp ai ngoài đường, y cũng nhăn răng cười, mắt nhắm híp, hai gò má hóp sâu hoắm, chỉ còn thấy cái lỗ mũi cao “chót vót”. Ai gặp y cũng phải lắc đầu, chép miệng “đẹp trai vậy mà khùng, uổng thiệt”.

Bộ dạng nhếch nhác cà tưng vậy chớ Hùng được trọng dụng lắm. Nhác thấy bóng dáng Hùng là ông hai kêu, bà bảy ngoắc, chị tám gọi… í ới cả xóm làng. Hùng rất khoái được gọi “Hùng khùng ơi, Hùng khùng à… tiếp cái này coi”. Nhà ai có giỗ quảy, cưới hỏi thì “hãy đợi đấy” từ tờ mờ sáng, gà chưa gáy là đã thấy y đến xách nước đầy lu, quét nhà sạch bóng, xếp bàn ghế lớp lang, chẻ củi xếp đầy cự, nấu nước sôi châm đầy bình thủy… Việc gì cũng làm, không cần trả công. Nhưng tới lúc đãi đằng, chè chén thì không ai thấy Hùng đâu. Mười lần không lỗi một, Hùng làm cho thiên hạ nhờ nhưng lại về ăn cơm mẹ nấu. Có người thương tình dọn sớm trước một mâm cỗ rồi hết lời nho nhã, có khi chèo kéo mời Hùng tự nhiên, nhưng Hùng nhất quyết không rớ món nào. Năm khi mười họa, gia chủ phải năn nỉ ỉ ôi lắm thì Hùng mới chịu cởi cái áo ướt nhẹp mồ hôi, bọc lấy đúng ba ổ bánh mì không, nói lí nhí “hổng biết lấy gì đâu. Má tui chỉ thích ăn bánh mì không chấm đường …”. Thật ra Hùng đâu biết vì cái nghèo mà má của y lâu rồi chưa được ăn món gì ngon hơn ổ bánh mì. Riết rồi người ta biết Hùng chỉ thích ăn cơm với ba má mình. Hùng cũng không cần đền ơn gì, chỉ cần chút đồ ăn mang về cho cha mẹ già tẩm bổ.

***

Thời gian gần đây, địa phương phát động phong trào xây dựng nông thôn mới. Hùng khùng xung phong tham gia chặt cây, khai thông cống rãnh, dọn rác… Việc nặng nhọc, dơ day gì Hùng cũng xông xáo, nên mình mẩy lúc nào cũng ngằn ngặt mùi hôi. Hùng sáp lại đứng gần ai, người ta cũng che mũi, còn Hùng thì nhăn răng cười… Thấy tội nghiệp, chị Tám lấy đồ cũ của chồng biếu cho Hùng. Ban đầu, y cứ mãi lắc đầu, đứng tần ngần và cười cười. Sau đó thì chỉ nhận đúng một cái áo dài tay.

Hổng biết mặc đồ… lạ. Để tui biểu ông già của tui mặc cho ấm.

Rồi mày mặc có mấy cái áo ngã vàng, thâm kim hoài vậy sao?

Hổng biết? Ờ mà má nói, ăn thì nhiều mặc có cái áo đủ rồi, hì hì…

Nên mày suốt đời ê sắc ế luôn hé…

Chị Tám cũng không biết Hùng có nghe và hiểu hết ý hết lời của Tám không nữa. Có điều hôm nay bỗng dưng Hùng chịu ở lại ăn cơm cùng gia đình Tám. Tám vặn hỏi:

Bữa nay mặt trời mọc đằng Tây chắc, chịu ở lại ăn cơm chứ không bỏ chạy như ma đuổi nữa hả?

Hổng biết. À, tại cái bụng hè?

Đói hả, vậy ăn nhiều vô. Nè, sao hổm rày mày không đi hái rau dại về cho má mày nấu canh?

Hổng biết. Có ai ở nhà đâu hè. Vô trỏng nằm hết rồi.

Trỏng nào?

Hổng biết. Mà trỏng bệnh viện á.

Hèn gì, không ai nấu cơm cho ăn, mày mới chịu ăn ở đây.

Hổng biết luôn… Hahaha.

Ai hỏi gì, Hùng cũng trả lời gọn “hổng biết” rồi lắc lắc cái đầu, ngây cái mặt ra. Một lúc sau mới trả lời vô vấn đề chút ít.

Con gái của chị Tám đi học về, thấy Hùng đang bị sặc cơm lên lỗ mũi, cứ ho khèn khẹt, thế là nó ngoe nguẩy bỏ đi. Tám gọi nó, nó đóng cửa cái rầm, làu bàu “con không đói. Thấy gớm chết được, ăn chung chắc lây khùng”. Hùng cười cười, cắm cổ ăn.

No bụng rồi Hùng lặng lẽ ra về. Gặp ai y ta cũng níu lại hỏi đường ra bệnh viện Huyện. Đang xớ rớ ngó nghiêng thì Hùng bị công an xã túm cổ áo đưa lên xe. Hùng khoái chí cứ tưởng mấy anh cho quá giang đi bệnh viện thăm ba má. Ai dè…. Cái smartphone mới mua của con gái chị Tám đã không cánh mà bay. Chồng chị Tám đi báo công an. Còn Hùng thì ai hỏi gì cũng trả lời “hổng biết”. Cả buổi trời Hùng cứ lắc đầu rồi nằm ngoẻo đầu, giãy đành đạch. Một lúc sau thân thể co giật tím tái, sùi bọt mép… Trời ơi, Hùng khùng lên cơn động kinh nữa rồi…

***

Từ bận đó về sau làm như người trong xóm né tránh Hùng. Y đi tới đâu, người ta cũng lắc đầu, xua tay. Hôm bữa ghé nhà anh ruột, Hùng đảo tới đảo lui trong bếp, xoa xoa cái bụng xẹp lép. Chị dâu khua chén gõ nồi “cơm còn lâu mới chín”. Hùng ra sân cưa củi rồi sắp vô cự ngay ngắn, vuông vức. Trời trưa đứng bóng, Hùng vắt cái áo ướt nhẹp mồ hôi lên cự củi để hong khô rồi ngồi thở dốc. Cái bụng đánh trống huỳnh huỵch. Lúc này Hùng mới nhìn kỹ, anh chị đã đóng cửa đi đâu rồi. Hùng chống tay đứng dậy, gãi gãi cái đầu đầy gàu:

Hổng biết đi đâu luôn. Cơm chưa chín là cơm chưa chín…

Hồi trước anh hai bảo nhà chật chội nên cất cái nhà ngoài đồng cho ba má ở. Anh còn cắt đặt mọi việc cho Hùng: sáng mày tiếp ba nhổ bàng, trưa về ngồi đươn đệm bàng với má, buồn buồn thì chạy đi nhong nhong “làm công quả” cũng được… Hùng lắc đầu nguầy nguậy: “Hổng biết, nhà này của ba má tui. Hổng biết, ngoài đồng gió lạnh lắm”. Anh hai theo dỗ ngọt rồi lớn tiếng hăm dọa. Hùng ôm cột nhà như khỉ con ôm riết lấy mẹ, giọng thảng thốt: “hổng biết”, “hổng biết”…

Hùng lững thững đi, lúc này không còn nhảy chân sáo nổi nữa. Thiệt là, má cứ bảo nhà anh mày cũng là nhà mày. Lúc đói thì ghé nhà anh ăn, cho có chất cá chất thịt… cơm từ thiện trong bệnh viện toàn rau củ không à. Vậy mà…

***

Đói đến nỗi sắp lên cơn động kinh, hai tay bắt đầu run lẩy bẩy nhưng Hùng không dám ghé nhà ai. Hùng đi như người không hồn vía, bỗng chị Tám gọi với theo, giọng chân tình ấm áp:

Lên xe tám chở cho nè, mày muốn vô thăm ba má mà hổng ai chỉ đường đúng không?

Hổng biết, ờ mà hổng ai chỉ hết…

Bánh mì nè, ăn đi. Còn đường sữa với bánh mì này thì đem vô cho ba má bồi bổ mau hết bệnh nghe!

Hùng chắp tay xá chào, cúi đầu trước chị tám thật lâu. Hùng hí hoáy lấy bánh mì bọc áo như mọi khi, nét mặt sung sướng.

Chị Tám chạy xe vun vút, gió rì rào bên tai nhưng hình như Tám trộm nghe thấy tiếng cười khì khì, có khi lại giống như tiếng thút thít đằng sau lưng mình. Chị Tám cảm thấy nhẹ lòng phần nào, chỉ vì con gái mình đem điện thoại đi cầm để có tiền trả nợ cho tiệm game, chỉ vì nó không thích người ngờ nghệch có mặt trong nhà mà nó đành lòng gieo tiếng xấu cho Hùng… Càng nghĩ Tám càng tức mình, sao lúc đó Tám quên mất Hùng khùng chớ Hùng tử tế lắm!

Chị Tám dừng xe trước cổng bệnh viện, tình cờ gặp chú Hai, chú thủng thẳng phân trần:

“Ở đời có nhơn có đức thì mặc sức mà ăn”, xóm mình cử tôi mang đường sữa và ít tiền giúp cho ba má thằng Hùng trị bệnh. Nó tốt lắm, ai cũng thương nó hết…

Hùng bẻn lẻn cười, ý như là mắc cỡ. Còn chị Tám thì mừng đến rớt nước mắt. Giờ đây, ai cũng hiểu và thương Hùng hết. Hùng đâu có khùng…

Huỳnh Thị Cam
(Minh họa: Vương Lê)