Lãng đãng chiều qua sông

Tháng Ba âm lịch Kỷ Hợi – 2019. Phà, hồi nhỏ gọi bắc Vàm Cống, hối hả dập dìu đưa nghìn trùng lữ khách quá Hậu giang. Độ rày xe cộ dập dìu, rồng rắn nối đuôi nhau hành hương về Bảy Núi. Nền trời như pha lê xanh. Nắng chiều liêu xiêu, ửng vàng, trong như mắt mèo rọi xiên khoai xuống mặt trường giang. Gió chướng thổi liu riu, mơn man vị ngọt mát nước sông đầy vấn vương làn tóc rối. Nước sông mùa này trong sè và xanh ngát, gợi muôn mối tơ vương mát lành và thơ mộng vùng sông nước Cửu Long. Nhìn sông nước mùa này, nhớ cô thôn nữ dịu hiền e ấp ngồi giặt áo trên bến sông quê khi nắng sớm trùm lên xóm nhỏ. Rồi chẳng mấy chốc dòng sông như chàng trai dũng mãnh, ngầu đục phù sa, cuộn chảy mang mạch sống cho đời. Theo ngọn gió chiều hôm, từng ngọn sóng nhỏ lăn tăn, líu ríu xô đẩy nhau chạy xeo xéo trên mặt sông, tỉ như có nàng thôn nữ đang vui cười dang tay mềm dịu khuấy nước nơi chiếc cầu quê. Bầy chim vịt phía xa xa vọt lên khỏi mặt nước, vỗ cánh bay là đà, uốn lượn đã đời trên mặt sông rồi lại đáp xuống nước, dập dềnh theo từng con sóng nhỏ. Lục bình lơ thơ, lửng thửng trôi xuôi. Có dề lục bình nào chiến sĩ Đội Biệt động Long Xuyên ngày xưa lặn ngụp vào đó thả trôi theo dòng nước, rồi gài mìn đánh tàu căn cứ Hải quân ở bến Nguyễn Du, làm cho địch hồn phi phách tán. Lục bình nào của một vị giáo sư bác sĩ – anh hùng lao động, bảo rằng ông yêu thích nhất loài hoa lục bình, bởi lục bình chẳng cần đất cát, cũng chẳng chiếm chỗ nơi, chẳng tranh giành đua chen với ai. Lục bình chỉ mình ên mà sống, chỉ cần có nước, có ánh sáng mặt trời, rồi lang bạt kỳ hồ khắp miền sông nước, nơi nào cũng sống được và nở hoa tím ngát cuộc đời. Có những bụi lục bình xanh ngát, cặp kè đôi bạn, quấn quít nhau như ngàn năm không xa cách. Có bụi lục bình đơn côi chiếc bóng, lặng lẽ thì thầm tâm sự cùng sông nước. Có bụi khoe một bông lục bình tim tím, không phải hân hoan vui mừng, chỉ thố lộ một chuyện tình buồn rã rượi. Bông lục bình của Cao Vũ Huy Miên “Có một loài hoa, vừa đi vừa nở/ Em có chồng rồi, anh ở vậy thôi/ Nữa mai, thương đứng nhớ ngồi/ Biết loài hoa ấy, vừa trôi vừa buồn”. Bụi lục bình nào cũa Vũ Đức Sao Biển “…Thương những đời như lục bình trôi”.

Bến phà Vàm Cống sắp trăm tuổi, mình cũng gần nửa thế kỷ qua phà sang sông Hậu.

Hồi xưa. Thuở ban sơ, thằng học trò trường Trung học công lập Lấp Vò cùng mấy đứa bạn lóc nhóc, chùm nhum xe đạp qua phà Vàm Cống, đi Long Xuyên mua sách ở nhà sách Vinh Ba, rồi nhà sách Yến Phương và mua cá lia thia xiêm dưới hàng xoài ngay phía trước. Bến phà phía Lấp Vò nằm sâu trong vàm kinh xáng Lấp Vò, gặp lúc nước kém sông cạn, chiếc phà rị mọ lần dò, người qua phà chờ khờ râu, mỏi mắt. Trước và những năm đầu giải phóng, trừ khách đường xa đi xe đò, còn lại đa phần dân lao động, qua lại bến phà tìm kế sinh nhai. Xuống và lên phà, xếp chỗ trên phà, luôn ưu tiên cho xe gắn máy, xe đạp, dân lao động vất vả mưu sinh. Một khoảng rộng phía trước chiếc phà. Chỗ này, chuyến nào như chuyến nấy, những phụ nữ quang gánh oằn nặng đôi vai bé nhỏ kẽo kẹt suốt ngày trên đôi chân yếu ớt. Những phụ nữ buôn thúng bán bưng, xuống phà để tủn mủn nào xề, nào thúng, nào nong nia với con cá, gà vịt, bó rau, trái cây, sương sa sương sáo, lủ phủ. Cánh đàn ông lớp xe đạp, lớp xe gắn máy, chú bán bánh tiêu, anh bán bánh mì, em bán cà rem…, trên chiếc xe nào cũng cụ bị đủ thứ đồ nghề tìm miếng cơm manh áo. Có mấy người quần áo khá phẳng phiu, đoán biết thầy cô giáo ( trước giải phóng gọi giáo sư ) từ Long Xuyên, Thốt Nốt qua dạy ở trường Trung học công lập Lấp Vò. Nhóm đầu phà vậy đó. Họ, thành phần lao động chơn chất. Số ít chẳng giàu chẳng nghèo, đủ sống. Số nhiều, tay làm hàm nhai, mặt mày sạm nắng, quần thô áo vãi, cơ cực quanh năm mãn tháng.

Họ nghèo. Mặt mày đen thủi đen thui nhưng tấm lòng họ trắng tinh trắng bóc. Họ nghèo, nhưng tình người, sự san sẻ, họ không nghèo. Những chuyện thường ngày quá đỗi bình thường trên mỗi chuyến phà ai ai cũng biết, cũng thấy, cũng từng đụng tay đụng chân, sờ mó, dính dáng vào. Xuống tới đầu phà, cánh đàn ông đi xe gắn máy, xe đạp nhường chỗ nhau và dành khoảng trống cho nhóm phụ nữ mua gánh bán bưng. Rồi cũng không ai bảo ai, những đàn ông con trai dang rộng cánh tay đỡ tiếp xuống những thúng mủng, những xề rổ, những nong nia nặng ì ạch trên đầu các phụ nữ chưa hề quen biết. Chuyện có được lời cám ơn hay không, các anh chẳng để ý để tứ gì hết. Bận tâm ở đây, cần phải và cần được giúp đỡ. Gặp ông cụ, bà cụ chân tay yếu xìu, trong tít tắc có người tiếp dìu xuống xe, rồi khi tới bến lại dìu lên yên xe gắn máy. Nhóm đàn ông con trai ngồi xe cạnh nhau, hoặc tụ năm tụ ba lại. Phà chạy lâu lơ lâu lắc, trong dở cũng có hay, được hàn huyên đủ thứ chuyện trên đời trời đất. Trồng cây gì, nuôi con gì, phân thuốc nước nôi ra sao. Chống chỏi với nắng nôi, lụt bão…Ai có cách gì hay, kiểu nào tốt trong chuyện ruộng vườn, cũng hó hé cho người dưng kẻ lạ biết, chẳng giấu giếm chút gì. Còn sơ sịa qua đường, hỏi nhờ xem đồng hồ mấy giờ rồi, móc gói thuốc ra mời nhau mỗi người một điếu hút cho vui, giáp vòng vơi đi gần nửa gói, chẳng sao, vui thôi mà, bữa khác họ mời lại. Ai cũng hoài hoài vụ cho mồi nhau điếu thuốc, bởi xài ống quẹt đá lửa, gió máy ào ào, quẹt cháy rồi đốt được điếu thuốc thật trần ai sương khói, một người đốt thuốc cho cả chục người mồi nhau. Phà cặp bến, đàn ông con trai lại xúm nhau đở đần cánh phụ nữ các thúng mủng, quang gánh lên đầu lên vai, rồi mới lên yên xe của mình. Lúc xuống mỏ bàn, nhóm xe gắn máy và xe đạp đều ý tứ nhường hai bên mé cho người đi bộ và gánh vác mưu sinh. Những chú bác, các anh, chẳng phải ra tay nghĩa hiệp như Lục Vân Tiên, Thạch Sanh, chẳng tới mức “kiến ngãi bất đi vô dõng giả” hoặc “thi ân bất cầu báo”. Chỉ là chuyện “chẳng đặng đừng”, chuyện “ngứa tay ngứa chưn, hổng làm thấy kỳ lắm, chẳng đáng mặt nam nhi”, vậy thôi.

Bây giờ. Bến phà phía Lấp Vò dời ra sát mé sông Hậu. Mỗi bên đều có bến chính và bến phụ. Phà nhiều hơn, máy móc tốt hơn, chạy nhanh hơn, lẹ nhứt có mấy chiếc Việt- Đan. Người và xe qua lại phà lúc nào cũng đông ngẹt, dịp Tết và lễ lạc ken kín như nêm mắm. Cấp tập, mạnh ai nấy bon chen như ma đuổi, chẳng cần ai nhìn mặt ai, chẳng cần ai biết ai, mà muốn biết cũng hổng được bởi đầu tóc, mặt mũi ai cũng kín mít, chỉ ló hai con mắt thò lỏ tìm chỗ chen lấn cho mau lẹ. Ra đường, nơi công cộng, ai cũng như chạy giặc, bất kể thiên hạ, nhưng chỗ nhậu nhẹt lại hưỡn so như bò gặm cỏ. Qua phà, tưởng đâu nhanh nhưng nhiều khi chậm hơn xưa. Những dịp nghỉ lâu ngày, dịp hành hương về An Giang, hai bên bờ rồng rắn xe ô tô nằm chờ. Bờ Lấp Vò mới hôm lễ 30/4 năm 2019, cả hai hướng đều thê thảm xe đùn đống. Hướng Quốc lộ 80 kẹt trên bốn cấy số, tới thị trấn Lấp Vò. Hướng đường N2 -quốc lộ 54, kẹt dài hai cây số, tới chợ Hòa Lạc xã Định An. Bờ Long Xuyên lúc kẹt xe dài nhất gần tới cầu Cái Sao.

Chủ nhật tuần nào mình cũng đi xe gắn máy từ Long Xuyên về quê hương Bàu Hút- Lấp Vò. Rất sợ làm phiền người khác, sắp tới phà, mình luôn chuẩn bị sẵn năm ngàn đồng, tới chỗ mua vé đậu xe nối đuôi xe trước, chờ tới phiên mình trờ tới, đưa nhanh đúng số tiền, khỏi phải chờ thối lại ảnh hưởng người đi sau, lấy liền tấm vé cái rét rồi vọt lẹ qua mau. Ấy vậy nhưng rất nhiều bận cứ bị mấy xe tới sau xắn ngang, đâm đầu thí đại vào mua vé, kẻ xếp hàng ngóng cổ chờ. Đã thế, lần đó, một tướng đô con đâm ngang vào chặn đầu nguyên hàng xe. Rồi hắn ta ung dung, từ từ thò tay ra túi quần sau móc cái bóp dầy cộm, chậm rãi kéo dây khóa, mấy ngón tay lần lựa một hồi rồi móc ra tờ giấy hai trăm ngàn đồng đưa người bán vé. Lát sau, cầm lại tấm vé cùng một xấp tiền thối, hắn xòe xấp tiền ra kiểm lại, rồi ung dung để vô bóp cẩn thận, kéo dây khóa và kỹ lưỡng nhét bóp vô túi quần. Tính ra hắn ăn cướp – nói tham nhũng cũng được – thời gian của bốn năm người khác. Tình trạng này mình không chỉ gặp một lần.

Xe gắn máy những lúc cao điểm dồn cục lại, ken cứng nhau như nêm, chen lấn, lòn lách trong kẹt hóc giữa bốn bề xe hơi, rồi nín thở chui qua cái hàng rào nhỏ xíu để xuống chiếc cầu hẹp té, y như diễn viên xiếc để xuống được phà, gần như mất thở. Cũng thu tiền sòng phẳng, nhưng xe gắn máy như con ghẻ, cái thứ đồ rẻ rún miệt thị khi xuống phà. Phải lủi thủi, chui vô những kẹt hóc của xe hơi, ngột ngạt, khói bụi, nóng nực tận cùng bằng số. Trong khi những người đi xe hơi, chưa chắc tính theo đầu người và diện tích chiếm chỗ, họ bỏ tiền qua phà nhiều hơn người đi xe gắn máy. Nhưng họ nghinh mặt, khinh khỉnh ngồi trong khoang máy lạnh, phà hơi nóng ra mặt mũi người đi xe gắn máy, trong ấy có những người thế hệ cha chú, thầy cô, bậc tiền nhiệm của họ. Anh bạn mình nói “kệ nó, quá độ phà và cầu” thôi ráng một thời gian rồi mọi việc sẽ qua đi, bình minh sẽ rạng rỡ. Anh khác nói “kỳ khôi hết biết, bao giờ cho tới ngày xưa!”. Buồn tình, mình bâng khâng, lãng đãng chiều hôm, rồi chạnh lòng thương nhớ, nghĩ ngợi xa xăm. Cũng kỳ cục thiệt. Hồi xưa nghèo tiền nhưng giàu tình. Bây giờ giàu tiền nhưng nghèo tình. Được này mất kia. Qui luật bù trừ? Hồi còn công tác, mỗi lần ngồi xe hơi qua phà, mình đều mở cửa xe bước xuống đi rảo một vòng, vừa thoải mái, vừa xóa đi khoảng cách biệt với người đi xe gắn máy và thân tình hỏi han nếu gặp người thân quen cùng chuyến phà. Cũng để nhìn ngắm sông nước hữu tình và gợi nhớ những kỷ niệm đẹp ngày xưa trên mỗi chuyến phà ngang. Bây giờ xong nợ tang bồng, trở lại làm “dân thiệt” như anh em cà rỡn, len lỏi trên đường đời lẫn đường đi, nghe và thấy biết bao chuyện cười ra nước mắt. Như chuyện qua phà cũng ngộ lắm nhân tình thế thái. Một anh cán bộ hưu trí than thở rằng, đi chung phà có thuộc cấp từng được anh nâng đỡ trước đây, dòm qua kiếng trước xe hơi, hai người bốn mắt nhìn nhau, nhưng nó chẳng thèm xuống xe gặp mình. Anh khác bảo, vậy còn đỡ hơn thuộc cấp của tui, nó vừa mở cửa xe buớc xuống, tay cầm điếu thuốc chưa đốt, chắc xuống xe để hút thuốc, nhưng gặp lãnh đạo cũ nay đã hết chức quyền, sợ bận bịu, nó vội phóng lại lên xe đóng cửa cái cộp như con bệnh sợ nắng gió.

Mai kia mốt nọ. Trong bãng lãng hoàng hôn nắng vàng như mật ngọt, từ trên phà nhìn về phía hạ lưu, cầu Vàm Cống sừng sửng trên dòng Hậu giang thơ mộng. Chiếc cầu uốn cong, vươn cao hai trụ tháp, thành cầu màu trắng đục, dây văng tủa màu xanh nhạt, in trên nền trời chiều một bức tranh tuyệt đẹp nối hai bờ châu thổ. Qua sông rồi sẽ hết lụy phà, xe bon nhanh trên đường thiên lý. Rồi sẽ mạnh ai nấy đi, xe ai nấy chạy, chẳng ai gặp ai, chẳng ai thèm nhìn mặt ai. Kỷ niệm đẹp như mơ một thời áo vãi quần thô nhưng đầy ắp tình người trên những chuyến phà ngày xưa ấy, sẽ còn đọng mãi tâm can. Những chuyện trái tai gai mắt, chuyện bực mình hết nói nổi, chuyện nghĩa nhân mỏng dánh tựa cánh chuồn chuồn của thời nay, sẽ tan vào mây khói. Xe sang cả, xe dân dã, xe hơi, xe gắn máy, đường ai nấy đi, chẳng bận lòng, chẳng vương vấn gì nhau. Nhưng dòng nước Hậu giang vẫn ngàn năm ngọt mát quê hương vào mùa nắng lửa, vẫn oằn mình chở nặng phù sa cho đồng ruộng trĩu hạt lúa vàng, cho vườn cây trái mãi xanh tươi, cho bao thôn nữ thêm trắng da dài tóc. Vẫn dòng nước xuôi về biển cả, hòa tan và xóa nhòa bao sự đời éo le của nhân tình thế thái. Để tâm tư trải rộng với Phật Hoàng Trần Nhân Tông: “Vạn sự thủy lưu thủy. Bách niên tâm ngữ tâm”“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên…”. Những dề, những bụi, những bông lục bình vẫn muôn đời vô tư, mặc khải, sinh sôi nẩy nở, vui vầy trong nắng gió và sóng nước. Mặc tình nhân thế, lục bình mãi lang thang, lửng thửng về xuôi.

Trung Nguyễn
(Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên)