Mặt trận Tổ quốc với công tác đối ngoại nhân dân

Đối ngoại nhân dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng của MTTQ Việt Nam. Thực hiện quan điểm, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phối hợp tổ chức tập huấn triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác đối ngoại nhân dân, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong các tổ chức thành viên, hệ thống Mặt trận các cấp trong tỉnh.

Phát huy vai trò Mặt trận từ cơ sở

Ông Từ Thanh Khiết – Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh, cho biết: “Với phương châm “Chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả”, trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại nhân dân với đối ngoại Đảng và ngoại giao nhà nước, trong thời gian qua, MTTQ và các đoàn thể đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần tạo thành sức mạnh tổng hợp trên mặt trận đối ngoại của tỉnh”.

Tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác đối ngoại nhân dân theo Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 06/7/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới”, trong những năm qua, MTTQ các cấp trong tỉnh và các tổ chức thành viên đã triển khai nhiều hoạt động đối ngoại nhân dân có ý nghĩa, góp phần tích cực vào việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác.

Điểm nổi bật trong công tác đối ngoại nhân dân là phát huy vai trò của MTTQ  các xã, phường, thị trấn, nhất là khu vực biên giới… Toàn tỉnh An Giang có 18 xã, phường, thị trấn của 5 huyện, thị, thành giáp với nước bạn Campuchia với đường biên dài gần 100km. Đây là những địa phương được Mặt trận tỉnh, huyện thị thành đặc biệt quan tâm và hỗ trợ trong công tác đối ngoại nhân dân. Đồng chí Chau Hoanh Ny – Phó Chủ tịch MTTQ huyện Tri Tôn nói về công tác đối ngoại của huyện như sau: “Huyện Tri Tôn có hai xã Lạc Quới và Vĩnh Gia có chung đường biên giới với quận Kirivong – tỉnh Tà Keo, nên MTTQ huyện và MTTQ của hai xã chủ động phối hợp với các ngành có liên quan vận động nhân dân tham gia xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Đồng thời cũng tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành Luật biên giới, Quy chế khu vực biên giới, không sang biên giới trái phép được duy trì…”.

Với sự tham mưu của MTTQ, ở các địa phương đều vận động nhân dân xây dựng phong trào “Quần chúng tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới”. Các địa phương khu vực biên giới thành lập mới hoặc củng cố lại “Tổ nắm dư luận xã hội”, chủ yếu là những người dân sản xuất đất giáp biên giới, làm ăn mua bán trên tuyến đường biên giới, khi có tình hình dư luận bất thường kịp thời báo cáo chính quyền hoặc Mặt trận xã để tham mưu xử lý kịp thời, góp phần giải quyết tốt các vụ việc xảy ra trên tuyến biên giới, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới trong mọi tình huống…

Bên cạnh đó, các địa phương khu vực biên giới cũng thường xuyên tuyên truyền chủ trương, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về công tác đối ngoại, khẳng định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động sự đóng góp của cải, vật chất, sáng kiến kinh nghiệm phục vụ cho sự phát triển của quê hương.

Xây dựng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác bền chặt

Theo ông Từ Thanh Khiết cho biết, hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xây dựng kế hoạch, hướng dẫn MTTQ các huyện, thị, thành tổ chức tuyên truyền về công tác đối ngoại và đối ngoại nhân dân. Ngoài các buổi tuyên truyền sâu về vấn đề  biên giới, các địa phương trong tỉnh còn tổ chức tuyên truyền về chính sách Đại đoàn kết, về an ninh biên giới, về đoàn kết giữa dân tộc Việt Nam và dân tộc Campuchia. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Mặt trận các huyện, xã khu vực biên giới thường xuyên gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về công tác Mặt trận, phát triển kinh tế – xã hội. Chính quyền, Mặt trận, lực lượng vũ trang duy trì tốt cuộc họp giao ban hằng tháng để nắm, trao đổi, xử lý thông tin, phòng chống tội phạm, vận động nhân dân sinh sống và làm ăn giáp biên giới thực hiện đúng pháp luật.

Trong hoạt động đối ngoại nhân dân, mỗi huyện thị thành đều có những cách làm hay, hiệu quả trên tinh thần vẫn bám sát kế hoạch của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và gắn với tình hình cụ thể tại địa phương. MTTQ huyện Tịnh Biên thì tham mưu cấp ủy, phối hợp với UBND huyện tổ chức họp mặt kiều bào về quê ăn tết để lắng nghe tâm tư  nguyện vọng của kiều bào cư ngụ trên địa bàn huyện, qua đó vận động tham gia đóng góp công sức, trí tuệ và các chương trình an sinh xã hội, giúp bà con nghèo khó khăn từng bước có cuộc sống ổn định, góp phần xây dựng quê hương Tịnh Biên tiến lên Thị xã vào năm 2020 – đồng chí Chau Phi Rôm – Chủ tịch MTTQ huyện Tịnh Biên nói với tôi. Bên cạnh đó, ông Chau Phi Rôm còn cho biết thêm, MTTQ huyện luôn vận động các nguồn lực của xã hội để hằng năm đều tổ chức vài chuyến giao lưu, thăm hỏi tặng quà cho người dân khó khăn ở một số xã thuộc hai quận Kirivong và Kachandeat thuộc tỉnh Tà Keo, vương quốc Campuchia, nhằm góp phần xây dựng tình đoàn kết hữu nghị hợp tác giữa chính quyền và nhân dân hai bên biên giới.

Còn riêng MTTQ phường Vĩnh Ngươn – TP. Châu Đốc luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng cho quần chúng nhân dân về truyền thống đoàn kết, hữu nghị hợp tác giữa xã Compung Crôsăng và phường. Đồng thời, chính quyền hai bên thường xuyên gặp gỡ, trao đổi thông tin tình hình có liên quan và mỗi bên tạo thuận lợi cho nhân dân qua lại, thăm thân nhân, trao đổi hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. MTTQ phường còn tham gia cùng đoàn MTTQ thành phố Châu Đốc tổ chức đoàn khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, cắt tóc, tặng quà cho người dân xã  Kompung Crôsăng và huyện Praychusa; thăm hỏi, tặng quà nhân các dịp lễ tết của bạn và của ta, qua đó trao đổi tình hình hai bên, nhất là tình hình người Việt Nam sang Campuchia làm ăn sinh sống, để tạo mối quan hệ tốt với lực lượng cảnh sát biên giới và chính quyền ở phía nước bạn.

Đa phần MTTQ các xã, phường, thị trấn khu vực biên giới đều phối hợp với Đồn Biên phòng, Công an địa phương và Ban Chỉ huy Quân sự tuyên truyền phát động cho đoàn viên, hội viên, lực lượng nòng cốt chính trị và nhân dân nâng cao nhận thức trong công tác bảo vệ, giữ gìn đường biên cột mốc, tố giác các loại tội phạm có biểu hiện gây rối, chia rẽ tình hữu nghị đoàn kết của nhân dân hai bên. Chính vì thế, trong những năm qua trên địa bàn biên giới của tỉnh không xảy ra mâu thuẫn gây mất ổn định chính trị khu vực biên giới.

Ông Nguyễn Tiếc Hùng – Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng: “Để giữ được sự ổn định và bình yên trên tuyến biên giới, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta có nhiều chủ trương và biện pháp thiết thực liên quan đến hoạt động đối ngoại. Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương, quy chế quản lý, thực hiện; từ đó đưa quan hệ hợp tác toàn diện giữa tỉnh An Giang với hai tỉnh Kandal và Takeo, Vương quốc Campuchia phát triển trên nhiều lĩnh vực, trở thành nhiệm vụ đối ngoại trọng tâm của tỉnh”.

Và ông Nguyễn Tiếc Hùng cũng lưu ý, trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân, thì MTTQ và các đoàn thể cấp trên tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ, cung cấp và định hướng nội dung các vấn đề về biển, đảo, phân giới cắm mốc, thông tin đối ngoại; các cấp chính quyền cần tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí hoạt động. Đối với cán bộ MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội, nhất là đối với lực lượng làm công tác đối ngoại nhân dân cần phải chủ động nghiên cứu, trau dồi ngoại ngữ, tự bổ sung kiến thức về đối ngoại, hội nhập quốc tế. Đồng thời cần phải tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa MTTQ và các đơn vị liên quan trong công tác tuyên truyền để chuyển tải kịp thời chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về các lĩnh vực trên đến với người dân, nhất là người dân ở các xã giáp biên.

Trần Nhiên
(Ảnh: UB MTTQVN AG)