Nhân năm học mới nhớ lời Bác dạy

Năm học mới đã được khởi động khá sớm và cho đến nay trường học các cấp đã đi vào ổn định mọi hoạt động, ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện nhiệm vụ vẻ vang của mình, là lĩnh vực cực kỳ quan trọng đã được Đảng và Nhà nước xác định có vai trò “quốc sách hàng đầu”. Càng ngày, mặt trận giáo dục và đào tạo càng được toàn xã hội quan tâm  bởi thực tiễn cuộc sống đã và đang đặt ra cho ngành Giáo dục – Đào tạo nước ta những thách thức to lớn; đó là phải cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao để bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Trong phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2006 – 2010 Đại hội X của Đảng đã xác định rõ: “Đổi mới tư duy giáo dục một cách nhất quán, từ mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp đến cơ cấu và hệ thống tổ chức, cơ chế quản lý để tạo được chuyển biến cơ bản và toàn diện của nền giáo dục nước nhà, tiếp cận với trình độ giáo dục của khu vực và thế giới”(1)

Trước khi ra đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã là một thầy giáo, có lẽ chính vì vậy, Bác Hồ đã nhận thức một cách sâu sắc ý nghĩa và lợi ích của mặt trận giáo dục và đào tạo; vai trò, trách nhiệm của thầy cô giáo và học sinh. Cho nên, khi Cách mạng tháng Tám vừa thành công, bước vào năm học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong thư gửi các học sinh Bác Hồ đã nhắc nhở về hạnh phúc lớn lao được là học sinh của  một đất nước độc lập, một dân tộc tự do: “Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em.(2)

Cũng trong lá thư này, Bác đã  khẳng định trách nhiệm của học sinh nước ta thật nặng nề và cũng thật vẻ vang: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.”( 3). Tiếp theo đó, Bác đã xác định nhiệm vụ tối quan trọng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc này là: “Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này, là nâng cao dân trí.”(4) Trong tình hình dân trí nước ta lúc đó với hơn 95{fb72bbfdc4a578d027b556b83290df3d4a0d2dba3541c6c431f41d65a7fb72a4} dân mù chữ, Bác đã chỉ đạo “hạn trong một năm tất cả mọi người Việt Nam đều phải biết chữ quốc ngữ”(5). Người cho thành lập Nha bình dân học vụ, vận động người biết chữ dạy cho người chưa biết; dạy bất kỳ lúc nào, ở đâu và hình thức nào, mọi người thân trong gia đình, họ hàng, chòm xóm láng giềng phải dạy cho nhau biết chữ và giúp mọi người nhận thức được lợi ích của việc biết chữ  sẽ  hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình trong cuộc sống.

Đến dự Đại hội  lần thứ III Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam (từ 22-25/3/1961) Bác đã nói với thanh niên nước ta: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức. Cần phải học văn hóa, chính trị, kỹ thuật…”(6). Rõ ràng, Bác đã khẳng định điều kiện tất yếu muốn xây dựng Chủ nghĩa xã hội, thì phải có con người xã hội chủ nghĩa, đó là những người có tri thức ở các lĩnh vực văn hóa, chính trị và kỹ thuật… Nói chuyện tại trường Đại học sư phạm Hà Nội, Bác Hồ đã nhắc nhở học sinh, sinh viên về phương pháp học tập: “Các cháu học sinh không nên học gạo, không nên học vẹt”… “Học phải suy nghĩ, học phải liên hệ thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau” (7). Chuyện “học gạo”,học vẹt”, “học với hành” Bác Hồ đã nhắc nhở hằng mấy chục năm trước nhưng không hiểu sao cho đến bây giờ vẫn còn tồn tại và xã hội vẫn còn đang chờ đợi sự đổi mới của ngành giáo dục. Chuyện học như thế nào, học sao mới đạt chất lượng, hiệu quả thực sự, ngoài ý thức học tập và rèn luyện của học sinh còn có trách nhiệm của cả ngành giáo dục và đào tạo. Đại hội X của Đảng cũng đã khẳng định: “Ưu tiên hàng đầu cho việc nâng cao chất lượng dạy và học. Đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và tăng cường cơ sở vật chất của nhà trường, phát huy khả năng sáng tạo và độc lập suy nghĩ của học sinh, sinh viên. Coi trọng bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên khát vọng mãnh liệt xây dựng đất nước giàu mạnh, gắn liền lập nghiệp bản thân với tương lai của cộng đồng, của dân tộc, trau dồi cho học sinh, sinh viên bản lĩnh, phẩm chất và lối sống của thế hệ trẻ Việt Nam hiện đại…”(8)

Nói chuyện với Đại hội giáo dục phổ thông toàn quốc vào ngày 23/3/1956, Bác Hồ đã khẳng định sự cần thiết phải quan tâm đến việc dạy và học; Người nêu lên mục đích, yêu cầu, phương pháp giảng dạy và trách nhiệm vẻ vang của ngành giáo dục trong việc đào tạo nguồn nhân lực: Ta cần nhiều cán bộ các cấp. Các thầy giáo, cô giáo phải tìm cách dạy. Dạy cái gì, dạy thế nào để học  trò  hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh. Dạy và học cần phải theo nhu cầu của dân tộc, của Nhà nước. Thầy dạy tốt, học trò tốt, cung cấp đủ cán bộ cho nông nghiệp, công nghiệp, cho các ngành kinh tế và văn hóa. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của các thầy giáo, cô giáo(9). Nhắc lại điều này để một lần nữa chúng ta thấy rõ mục tiêu đào tạo phải bám sát yêu cầu thực tiễn cuộc sống, tránh trường hợp lệch lạc trong cung – cầu, có những lĩnh vực cần lại thiếu nhân lực, những ngành đã dư thừa vẫn cứ tiếp tục đào tạo ào ào.

Tại lớp hướng dẫn giáo viên cấp 2, cấp 3 và hội nghị sư phạm vào tháng 7/1956, Bác Hồ đã phân tích trách nhiệm của thầy cô giáo một cách rất cụ thể: “Các thầy giáo, các cô giáo phải gần gũi dân chúng. Các thầy giáo  cũng như trí thức khác là lao động trí óc. Lao động trí óc phải biết sinh hoạt của nhân dân, nếu chỉ giở sách đọc thì không đủ. Phải yêu dân, yêu học trò, gần gũi nhau, gần gũi cha mẹ học trò. Giáo dục ở trường và ở gia đình có quan hệ với nhau…”(10).

Bác động viên cán bộ công chức và giáo viên trong ngành giáo dục rằng: “Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên, phải thật thà yêu nghề mình. Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt- thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là điều rất vẻ vang. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân thì làm sao xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang; ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo, thì phải sửa chữa(11) Lời động viên này có lẽ đã làm cho tất cả những người công tác trong ngành giáo dục thêm vinh dự, tự hào và Đảng và Nhà nước ta phải có những chính sách thích ứng. Đại hội X của Đảng cũng đã xác định phương hướng nhiệm vụ những năm tới: Tập trung ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất – kỹ thuật các cấp học, mở thêm các trường nội trú, bán trú và có chính sách bảo đảm đủ giáo viên cho các vùng này; phấn đấu đưa các chỉ số phát triển giáo dục và đào tạo ở đồng bằng sông Cửu Long lên ngang bằng trình độ bình quân chung của cả nước”(12)

Bước vào năm học mới, chúng ta ôn lại những lời Bác dạy và có thể dùng trích dẫn trong thư của Bác Hồ gửi cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên và học sinh, sinh viên nhân dịp bắt đầu năm học mới vào ngày 16/10/1968  đúc kết cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục như sau: Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghiã, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó. Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, do đó các ngành các cấp đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới…(13)

Mai Bửu Minh

(1) (8) (12)  Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX ngày ngày 10 tháng 4 năm 2006 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – x hội 5 năm 2006 – 2010

(2) (3) Hồ Chí Minh.Toàn tập, t 4, tr 32-33

(4)(5) Hồ Chí Minh.Toàn tập, t 4, tr 36- 37

(6) HồChí Minh.Toàn tập, t 10, tr 304- 308.

(9) Hồ  Chí Minh: Toàn tập, t 8, tr 137-138.

(10) Hồ Chí Minh.Toàn tập, t8,tr 224-228

(7)(11) Hồ Chí Minh .Toàn tập, t 11, tr 329-332.

(13) Hồ Chí Minh:Toàn tập, t 12, tr 402-404.