Sân Mây

Mưa rả rích, gió thổi thốc từng chập. Đập vào tàu lá, vào mái tôn gỉ… nước rớt rào rào xuống mặt đất nhão nhoẹt. Mưa dai dẳng, rỉ rả. Và tối buồn, nỗi buồn nhớp nháp khiến người ta lười biếng với mọi chuyện.

Anh dụi mình trong chăn ấm, lâu lâu lại choại đạp hai chân, khoan khoái nghe cái ấm áp mềm mại từ lớp chăn bông truyền sang thân mình. Một tiếng mèo kêu, âm báo tin nhắn của anh là tiếng một con mèo, anh mở máy ra đọc. Tin nhắn của một người bạn từ thời đại học, vẫn còn khá thân: “Sân Mây có gì mày?”. Anh ngửa điện thoại ra, ngẩng mặt lên trần nhà, chỗ này anh chưa đi lần nào, nhưng gần. Anh bấm: “Tao không biết, nhưng chắc là có mây, Sân Mây mà. Mày cần chi?” Tiếng mèo: “Hôm trước tình cờ gặp mấy tấm ảnh ở chỗ ấy, đẹp lắm. Với lại nghe tên thấy lạ tai, lần sau xuống mày phải dẫn tao đi”.

Anh “ừ”. Rồi mở bản đồ lên xem đường. Anh cũng muốn biết ở Sân Mây có gì. Có mây? Phải nhiều hơn thế nữa…

Anh trẻ và anh tự do, cũng nghĩa là anh đã may mắn hơn rất nhiều người. Anh nghĩ, hai điều ấy ít lúc đi chung, nên thỉnh thoảng vẫn hay tự hào. Ngày hôm sau, ngay sau buổi ăn trưa, anh kéo tay áo lên và xem đồng hồ, gần 12 giờ. Trời mùa này không gắt, nắng hanh vàng. Anh mở điện thoại lên xem đường một lần nữa, rồi uống một ly nước lọc, anh đạp máy lên đường. Anh quyết định nhanh chóng và chẳng cần suy nghĩ nhiều. Máy nổ giòn tan, vài bông hoa giấy gió rụng xuống nền gạch đỏ, hồng lên sau lớp bụi đường.

Anh thong thả, có gì phải vội. Gió thổi vào mặt mát rượi, nắng dịu âm ấm da. Một cảm giác sảng khoái và dễ chịu. Con đường thẳng bon bon, tuyệt đẹp. Vài chỗ bán nước giải khát dọc đường, anh ghé lại mua hai chai nước sâm, uống nửa chai. Đường cứ thẳng tắp trước mặt, xe thưa thớt, cây xanh tươi hai hàng; nhưng không hề nhàm chán. Anh lên ga (không phải vì vội vã) nghe gió tát vào mặt từng cơn.

Qua chợ, một khu chợ lớn anh chưa đọc kịp tên, đường bắt đầu vòng vèo và đông đúc. Nắng có vẻ gay gắt hơn, anh dừng xe lại để mặc áo khoác, sẵn tiện xem đường. Giờ này đã gần 1 giờ, anh hơi buồn ngủ vì vào giờ này hôm nào anh cũng ngủ. Nên anh nghĩ lại, không mặc áo khoác, chạy thêm vài mét rồi tấp vào một quán café. Cứ thong thả, chẳng phải vội!

***

Anh thích đi bằng xe máy, không thích đi theo nhiều người. Anh muốn mình tự chủ về thời gian và tận hưởng trọn vẹn những khoảnh khắc. Điểm đến thú vị và đường tới đó cũng thú vị, anh cho rằng như thế. Như lúc này đây, anh muốn vụn tan vì sung sướng, gió thồng thộc lùa từ hai bên con đường cao tốc, từ hai bên ruộng lúa bạt ngàn. Giật mình thấy núi mờ mờ hiện lên trước mặt, vây quanh anh là cảnh vật xanh bát ngát. Vài con cò trắng lấp ló trong đám ruộng xanh, xa hơn nữa là những cây thốt nốt tán đầu chơ vơ, một giống cây đặc trưng của vùng này, mọc thành hàng dọc bờ xa…

Núi bắt đầu hiện rõ. Nhìn gần, chúng không xanh như đã thấy: vài chỗ cây khô héo, vài chỗ đất trống. Những khối đá to lớn cặm vào núi cao, trắng phếu. Núi hùng vĩ, sừng sững. Vài mái chùa cong lác đác bên sườn, cảnh vật bình yên. Anh thích thú với những khoảnh nắng vàng trải dài một nửa, một nửa mây che mát một sườn xanh.

Gió bạt từ sau lưng áo, hơi trống trải yên xe!

***

Bà chủ quán bảo: “À, Sân Mây. Sân Mây ở trên ấy, cứ lội bộ dài theo đường mòn này. Hôm nay hơi thưa người”. Anh cảm ơn, mua cho bà một chai nước thốt nốt. Màu nước đùng đục, mùi đặc trưng và vị ngọt thanh. Anh uống xong một ngụm rồi nhét vào balo, với hai chai sâm lạnh lúc nãy. Rồi xốc lại hai quai, anh bắt đầu bước những bước đầu tiên trên mặt đất vẫn còn bằng.

Lại gió, gió từ hồ thổi nghiêng qua anh, mát rười rượi. Anh moi máy ảnh ra chụp lấy, màu nước xanh trong, gợn những lằn sóng li ti, linh động. Vài đứa trẻ ngồi ở mé bờ dùng ly hớt cá lìm kìm, bàn chân hiện rõ mồn một trong làn nước mát. Những cây to mọc ven bờ, người ta mắc võng vào lắc lư. Dăm ba người đang lim dim mắt. Bà chủ vắng khách nên cũng rời quầy bước lại võng, khẽ mỉm cười với anh một cái.

Anh bước tiếp những bước chậm rãi, đá lạo rạo dưới gót bàn chân. Mắt anh vẫn ngó nghiêng, tìm từ trên cây đâu đó tiếng hót véo von của loài chim vùng núi. Anh rất thích tiếng chim kêu, nó làm anh bình tâm và thoải mái. Hồi trước, anh có nuôi vài con chìa vôi cho nó hót lét chét. Anh cưng chúng lắm, chăm sóc chu đáo và ngắm nghía chúng cả ngày. Cho đến khi xem một bức tranh biếm họa, anh cho rằng có lí, khi nghĩ rằng tiếng hót đó biết đâu là tiếng kêu cứu, cầu xin. Loài chim có cánh, cánh chúng mang lí tưởng tự do. Bầu trời là hơi thở của chúng, anh không nên ác độc giam cầm. Nên anh thả những con chìa vôi ấy ra, chúng đập cánh bay, và đứng cất mấy tiếng hót trên sợi dây điện trước nhà. Ấy mới là những tiếng hót hay nhất, tiếng hót thực sự – anh nghĩ, từ ngàn đời chim chóc, tiếng hót tự do.

Giờ lại nghe tiếng véo von, anh thấy thích thú và sảng khoái. Tiếng hót rất hăng, người ta vẫn bảo: “Đất lành chim đậu”. Và vì ở trên đất “lành”, giữa tràn ngập “tự do”, anh thấy mình như nhỏ đi nhiều tuổi. Nếu cặm nhà ở đây, anh nghĩ, anh sẽ hóa trẻ con mất, trẻ con vẫn vô tư và hiền lành!

Anh bước lên con dốc đầu tiên, dốc thoai thoải, một cái mái rộng hiện ra trước mặt. Xe dựng thành hàng, nhiều người mặc áo cùng màu: tốp đang ngủ trên võng, tốp đang uống café, vài người đang bước về phía anh. Họ là xe ôm, những con người với tay lái cừ khôi và bình tĩnh cực độ. Họ vẫn hàng ngày gồng xe lên những con dốc gần như thẳng đứng. Rất đáng sợ khi nhìn cảnh ấy, anh cứ chậc lưỡi: “Xe ôm… Đây mới thực sự là xe ôm!”. Người ngồi sau mặt tái xanh như tàu lá chuối, bấu víu vào người lái, ôm chặt như người tình. Anh đã thấy rất nhiều dịch vụ này ở những khu du lịch quê anh, anh cũng đã từng thót tim nghe xe gườm như tiếng cưa máy. Nên anh lắc đầu, trước khi những người mặc đồng phục bước lại. Anh tò mò về những gì trong đầu của các tay xe “đúng thật là ôm” này, họ có sợ không nhỉ? Chắc có, sao lại không được, khi lái xe mà tưởng đang chơi tàu lượn, đu quay, tưởng như đang trong một trò chơi mạo hiểm. Cho dù có chơi trò ấy bao nhiêu lần đi nữa, vẫn sợ; thì chắc là cho dù có chạy hàng trăm cuốc xe lên xuống gập gềnh thì người lái xe ôm vẫn sợ, có thể ít đi so với ngày đầu nhưng không mất đi. Anh nghĩ xa hơn, về cảnh gia đình con cái nheo nhóc và lấm lem đất cát của họ. Nhưng những hình ảnh ấy chỉ loáng qua đầu anh một khắc, rất mau, anh không muốn vẩn vơ với những cái vớ vẫn làm ảnh hưởng đến ngày anh rong chơi. Anh nhắm thẳng ngã dành cho người đi bộ, để đến Sân Mây xem Sân Mây có những gì!

Những bậc thang nối nhau, không thẳng mà vòng qua lại, những ngã ngoặc uốn cong như con rắn. Cỏ mọc ken bờ đá, cây xanh vươn lên um tùm. Những loài dây leo, tầm gửi đan xen tán cây, tạo thành vòm lá trên đầu. Màu xanh. Xanh ngút mắt, ngó đâu cũng thấy xanh rười rượi. Không khí trong lành, anh nghe mát mà chẳng hề có gió. Mấy bông cúc dại, lác đác vàng ở mấy khúm cỏ xum xuê, không nhiều nhưng đủ làm anh thấy thú vị. Bước chân hăng hái hơn, trạm xe khi nãy giờ đã khuất sau mấy tàn cây.

Anh bước ra một vùng thoáng đãng, thấy triền đá bên kia hoa tigôn đan thành bức màn dày. Hoa nở, hồng trên lớp lá xanh tươi. Nhưng nhìn anh thấy chúng thật ủ rủ, dù có hồng thắm cỡ nào thì anh thấy chúng cũng thật ủ rũ. Loài hoa tim vỡ, anh từng nghe bồ giải thích, cánh hoa tigôn như tách làm đôi. Cô thích loài hoa ấy. Anh thì không. Bồ và anh cũng đã vỡ rồi!

Anh lại moi máy ảnh ra, chụp lấy. Anh ước gì có ai đó nơi góc ảnh anh chụp để không phải đơn điệu, để người đó làm mờ đi những cánh hoa. Nhưng tìm đâu ra? Anh bưng máy ảnh cúi đầu xem lại, thấy mình lạc loài giữa cỏ và cây. Anh nghĩ giá như mình chọn xe ôm, ít ra cũng có người đi cùng. Anh ngồi xuống một gờ đá, uống thốt nốt. Ngọt quá, anh càng thêm khát. Hai chai sâm cũng ngọt kém gì. Anh ngồi một lát rồi cũng chống gối đứng lên, vòng dây máy ảnh qua cổ, anh thấy tiện hơn là nhét lại vào balo.

Những bậc thang có vẻ như ngày một đứng hơn, anh hơi mỏi đùi. Nên khi đến trạm dừng đầu tiên, anh đã nghỉ lại một lát.

Trạm dừng anh ghé là một quán nước rộng rãi, thoáng mát. Vài cái võng cho kẻ hành trình. Một nhóm các bạn trẻ anh đoán chừng là học sinh cấp ba, đang đùa giỡn. Chúng cũng thở hồng hộc như anh, mồ hôi chảy ướt trán. Anh mỉm cười nghe những chuyện chúng kể, chủ quán bảo đường vẫn còn xa.

– Các em cũng lên Sân Mây à? Trên ấy có gì nhỉ? Anh bắt chuyện hỏi trước, tay đỡ lấy chai nước suối của ông chủ già.

– Mấy em đi lần đầu, chưa biết.

– Ở trển đẹp lắm! Ông già bảo

– Nhìn từ trên cao xuống ruộng nhà đẹp mê hồn. Mấy chú ngủ lại được thì ngủ, sáng mây lên đẹp phải biết!

– Nhưng mệt quá, chưa được nửa đường đâu hả bác?

– Chưa được bao nhiêu đâu. Mà thời trai trẻ, tui còn cõng cả bà vợ lên trên ấy phây phây. Mấy chú gì mà yếu xìu!

Ông nói tếu không cười. Bà già ngồi trên võng liếc ông duyên dáng, cười phô cả nứu. Ông huơ tay: “Chớ hỏng phải sao bà!”. Anh muốn sặc cả nước, rồi tự dưng lại nhớ bồ. Hoa tigôn chốc chốc lại bắt gặp, hoa lúc nào cũng ủ rũ.

Lũ học sinh đấm vai nhau bảo: “Sức trẻ! Sức trẻ!”. Rồi lại hớn hở lên đường. Anh đợi chúng đi trước một tầm rồi mới nối theo sau. Những bậc thang dốc đứng, đi một đoạn lại thấm mệt, phải nghỉ. Anh cố bước, bấm chặt mũi giày. Rồi vượt qua những người học sinh khi nãy, anh hét:

– Cố lên, sau này cõng vợ.

– Ha ha… Sức trẻ đấy chúng mày ơi!

Thỉnh thoảng đường đi bộ và đường xe ôm lại giao nhau một quãng. Anh nghe tiếng xe gườm lên dốc, hốt hoảng nép vào bờ. Rồi lại chậc lưỡi: “Đúng thật là xe ôm”.

Sau khi qua hai trạm dừng nữa, thì đường bắt đầu thoai thoải, không còn bậc thang mà là những con dốc. Cây cối mọc ngay ngắn, thoáng đãng như được trồng ở vườn. Có suối. Tiếng róc rách chảy dài theo một đoạn lối đi. Đá tròn vo soi rõ mình dưới suối. Những con gọng vó chân lươn lướt trên mặt nước, thoăn thoắt, nước động khiến ban đầu anh nghĩ là có cá bơi. Anh chụp ảnh, tấm ảnh không người nên cũng đơn điệu quá. Anh vọc tay vào nước. Ôi, dòng nước mát vô cùng. Rồi vốc một bụm nước trong, anh tát thẳng lên mặt.Cái sảng khoái lan ra, chảy dài xuống cả cổ và ngực. Mát quá! Anh xuýt xoa. Anh nghĩ, cái nhãn trên chai: “Nước suối thiên nhiên”, in nghiêng, là giả dối. Đây, đây mới là nước suối , mát rượi mà chẳng có ai tốn công làm lạnh mà chi!

Chai nước và bao nilông nằm rải rác suốt dọc đường đi. Nước mưa của những ngày trước đó làm chúng trông bẩn hơn, lấm tấm đất cát, nằm xấu xí dưới mấy hốc đá, bụi cây. Lúc đưa máy ảnh lên để chụp một gốc cổ thụ mục rỗng, anh đã hạ máy xuống khi vẫn chưa bấm nút. Có một ly nước lăn lóc dưới gốc, anh không muốn những tấm ảnh anh gửi lại làm bạn mất hứng đi. Anh bước tiếp, anh vẫn chưa biết được hết rằng ở Sân Mây có gì. Có cảnh ruộng nhà, có mây buổi sáng? Không, anh nghĩ còn nhiều hơn thế nữa.

Lại những bậc thang nối tiếp những bậc thang. Anh tìm một đoạn cây dài làm gậy, hai đùi anh đã mỏi nhừ. Anh đứng trên một gờ đá thoáng đãng, xoay người nhìn xuống con đường đã đi qua. Vẫn thấy xanh ngắt những tán lá rậm rạp, cái hồ rộng khi nãy giờ nhìn lại thấy vuông vức và phẳng lì như quyển tập học sinh. Một tốp người đi xuống, ngang qua anh họ cười:

– Sắp tới rồi, ráng lên, qua đoạn này thì khỏe ngay, trên ấy đỡ dốc hơn dưới này!

Anh gật đầu cười, chống gậy bước tiếp. Nắng vẫn hăng hăng, không gay gắt nhưng anh khát khô cả họng. Có lúc nghe tiếng chim hú dài ở đâu đâu, tiếng chim thực sự. Có lúc thấy cả sóc rừng, nhỏ như con chuột loắt thoắt gặm trái, vừa đưa máy lên định chụp thì chúng đã phóng đi đâu.

Những cái ống hút màu mè: cái mới màu còn đậm, cái cũ màu đã mờ phai. Chúng được người ta buộc lại bên mấy nhánh cây ven đường lên đỉnh. Thỉnh thoảng có cả một đoạn dây vải, bao nilông xé ra nữa. Anh có nghe bà chị già của anh từng nói, đó là người ta buộc lại bệnh tật, nỗi buồn khổ… gửi lại ở trên này, đi về thanh thản. Anh thì thấy chúng bẩn, nên anh đâu có chụp ảnh làm gì. Hẳn là bạn anh sẽ ngạc nhiên lắm, cây xanh cho hoa nhựa. Rồi gật gù khi nghe anh giải thích, bạn sẽ bảo: “Đấy đúng là bệnh tật và nỗi buồn khổ, bệnh tật và nỗi buồn khổ của tất thảy mọi con người: RÁC”. Gửi lại đây để làm gì? Đến Sân Mây người ta chỉ muốn ngắm cảnh và mây!

Anh bước qua hết bậc thang này đến bậc thang khác, chúng vẫn cứ dốc đứng. Anh nhủ thầm cứ qua hết đoạn này sẽ khỏe hơn thôi, theo lời động viên khi nãy của người đi xuống. Nhưng không, đường càng ngày càng mệt. Giờ thì anh mới biết tại sao những người khi nãy lại cười rộ, sau lời động viên ấy.

***

Cuối cùng, anh cũng đến được Sân Mây. Anh choáng ngợp, khi giật mình nhìn thấy bầu trời rộng lớn, đột ngột vừa lúc anh thoát khỏi những vòm cây rậm rạp. Bầu trời xanh thẳm, bao trọn lấy cảnh  vật, thật bao la. Anh hít lấy một hơi dài, muốn vỡ òa xúc cảm. Từ đây, anh thấy bát ngát ruộng lúa, trải một tấm thảm xa tít tắp, chỗ vàng chỗ xanh. Những vũng nắng, không mây, lướt dài trên tấm thảm ấy. Những mái nhà bé tí, những hàng thốt nốt cũng bé tí xanh tươi. Anh nhìn thấy những con đường ngoằn ngoèo, thẳng tắp, và đoán xem hôm nay mình đã vượt qua đâu. Anh bước lại gần hơn hàng rào ngăn cách, nhìn xuống vực đá là tầng tầng những vòm cây. “Đẹp quá!” Anh thốt lên. Mặt anh rạng rỡ, anh không thể khép miệng cười. Anh nâng máy ảnh lên chụp, Sân Mây đẹp đẽ và trong veo.

Anh nghĩ, cái nhìn từ xa bao giờ cũng đẹp. Khi nhìn từ xa, trên đường chạy, anh thấy ngọn núi xanh tươi. Cũng như khi chưa quá gần gũi, thuở mới yêu, anh và bồ thấy nhau thật đẹp. Hay như lúc này, khi chỉ thấy tàn cây chen chúc từ trên Sân Mây, người ta sẽ nghĩ dưới ấy sạch sẽ, đẹp đẽ, mới mẻ biết bao nhiêu. Ngay cả khuôn mặt của anh, anh nghĩ, nhìn từ xa sẽ không nhận ra rỗ và thâm.

Đây, đây chính là Sân Mây. Anh suy nghĩ có nên ngủ lại, để xem xem khi mây che mờ tầm mắt, cảnh vật có đẹp như khi nhìn từ xa.

Võ Đăng Khoa
(Minh họa: Vương Lê)