Sự đồng thuận cao của nhân dân và quyết tâm của cả hệ thống chính trị

Trước thềm Lễ kỷ niệm 40 năm ngày tách và lập lại huyện Thoại Sơn (23/8/1979 – 23/8/2019) và được công nhận là huyện Nông thôn mới, phóng viên Tạp chí Thất Sơn có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Minh Tâm – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện về những thành tựu quan trọng  đã đạt được trong quá trình tái thiết, xây dựng quê hương và triển vọng phát triển trong thời gian tới.

Đồng chí Phạm Minh Tâm
P. Bí thư Huyện ủy,
Chủ tịch UBND huyện

Phóng viên: Thưa đồng chí, vậy là đã 40 năm trôi qua kể từ ngày huyện Thoại Sơn được thành lập lại, được trở về với tên gọi thân thương của mình. Nhìn lại chặng đường nỗ lực xây dựng và phát triển vừa qua, đồng chí có thể cho biết huyện đã đạt được những thành tựu nổi bật gì?

Đồng chí Phạm Minh Tâm: Thành tựu của huyện đạt được trong 40 năm qua là toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó phải kể đến những thành tựu nổi bật như:

Ngay từ trước đổi mới, trên cơ sở chủ động bàn bạc với dân, đánh giá đúng thực tiễn, huyện đã có nhiều chủ trương đột phá như: Đột phá về cơ chế khoán trong sản xuất nông nghiệp; đột phá về cơ chế phân phối, lưu thông để cân đối một phần ngân sách; đột phá về cơ chế phân phối lương thực để giải quyết vấn đề ổn định lương thực; từ đó đã thực hiện tốt các chính sách xã hội. Trong các mũi đột phá, thì chủ trương chuyển vụ, mạnh dạn giao đất, giao công cụ sản xuất để nông dân có quyền tự chủ, xoá hẳn khái niệm “xâm canh”, đã mở đầu cho những thành tựu phát triển liên tục sau này. Kết quả là chỉ trong 3 năm 1988-1990 huyện đã chuyển toàn bộ 37 ngàn hecta lúa một vụ lên sản xuất hai vụ. Kể từ đây cây lúa mùa nổi ở Thoại Sơn chính thức lùi sâu vào ký ức.

Đặc biệt, thực hiện chính sách “tam nông” của tỉnh, từ năm 2001 đến 2009, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, Thoại Sơn đã tổ chức thực hiện chiến lược phát triển gồm 13 đề án kinh tế – xã hội, trong đó đề án đột phá và có tính quyết định là xây dựng đê bao kiểm soát lũ kết hợp đường giao thông nông thôn với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Qua thuyết phục và triển khai đề án, nhân dân toàn huyện đã tự nguyện đóng góp 60{fb72bbfdc4a578d027b556b83290df3d4a0d2dba3541c6c431f41d65a7fb72a4} cùng với 40{fb72bbfdc4a578d027b556b83290df3d4a0d2dba3541c6c431f41d65a7fb72a4} vốn nhà nước xây dựng hệ thống đê bao kiểm soát lũ triệt để, vừa phát triển mạng lưới đường giao thông nông thôn (nhựa hóa hoặc bê tông hóa), xóa cầu khỉ, cầu gỗ, phát triển mạng lưới đèn đường thuận lợi đến tận xóm ấp, vừa đảm bảo toàn bộ diện tích lúa chuyển sang sản xuất 3 vụ. Nhờ đó, tổng diện tích gieo trồng luôn ở mức trên 100.000 ha/năm, tổng sản lượng hơn 700 ngàn tấn, trở thành huyện đạt sản lượng lương thực cao nhất cả nước lúc bấy giờ.

Những thành quả gặt hái được cũng là cơ sở để huyện nhà có điều kiện tích cực chăm lo phát triển sự nghiệp văn hóa xã hội và thực hiện mục tiêu an sinh xã hội. Đời sống văn hóa cơ sở có nhiều tiến bộ. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. Hệ thống trường lớp được kiên cố hóa đi đôi với các hoạt động huy động mọi nguồn lực xã hội để phát triển sự nghiệp giáo dục.

Thành quả vượt bậc đó đã trở thành bước ngoặt quan trọng và thuyết phục để Đảng bộ và nhân dân Thoại Sơn vinh dự tự hào đón nhận danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới” do Chủ tịch nước phong tặng năm 2009. Kể từ đây, quê hương Thoại Sơn hoàn toàn tự tin bước vào một giai đoạn phát triển mới toàn diện và bền vững hơn, với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

Kết thúc nhiệm kỳ 2010-2015, Thoại Sơn tiếp tục là một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, đồng thời có hai xã đã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên là Vĩnh Phú và Vĩnh Trạch. Do đó, tỉnh đã hoàn toàn ủng hộ, hỗ trợ, tạo điều kiện và tin tưởng chọn Thoại Sơn làm điểm xây dựng huyện nông thôn mới đến năm 2020. Trên cơ sở đó, Huyện ủy Thoại Sơn xây dựng chương trình hành động số 05/CTr-HU ngày 22/7/2016  và UBND huyện cũng đã ban hành kế hoạch 81/KH-UBND ngày 25/7/2016 để tổ chức thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, nhằm tạo ra sự chuyển biến thật sự từ nhận thức đến hành động và giao trách nhiệm nghĩa vụ cụ thể cho cấp ủy và chính quyền các cấp, các ban ngành đoàn thể từ huyện đến cơ sở, cùng các tầng lớp nhân dân trong huyện ra sức thực hiện đồng bộ với quyết tâm cao nhất.

Được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ và động viên thường xuyên của lãnh đạo tỉnh cũng như các sở ban ngành cấp tỉnh về vật chất lẫn tinh thần, bằng những chủ trương, biện pháp quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng các tầng lớp nhân dân ra sức đồng tâm hiệp lực, sau 8 năm, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đã diễn ra đồng bộ ở khắp nơi trong huyện, nhanh chóng làm thay đổi diện mạo và sức sống cả khu vực nông thôn lẫn đô thị, đồng thời thúc đẩy khu vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và sản xuất kinh doanh phát triển. Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp bằng những giải pháp cụ thể để hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đã mang lại nhiều hiệu quả kinh tế đồng thời góp phần tăng thu nhập cho nhân dân. Cuối năm 2018, mức thu nhập bình quân đầu người/năm đã vượt 47 triệu đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới giảm còn 3,10{fb72bbfdc4a578d027b556b83290df3d4a0d2dba3541c6c431f41d65a7fb72a4} so với năm 2011 là 6,60{fb72bbfdc4a578d027b556b83290df3d4a0d2dba3541c6c431f41d65a7fb72a4}.

Thiết chế văn hóa thể thao cơ sở và Trung tâm văn hóa huyện được xây dựng mới, vừa có giá trị thẩm mỹ vừa khang trang, với đầy đủ trang thiết bị và các phòng chức năng, đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa cơ sở, đồng thời đảm bảo đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của công chúng và thiếu nhi. Trung tâm y tế huyện cùng mạng lưới trạm y tế cơ sở xã, thị trấn đều được xây dựng kiên cố, đảm bảo nhu cầu chăm sóc sức khỏe, khám và điều trị bệnh cho nhân dân, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 81,48{fb72bbfdc4a578d027b556b83290df3d4a0d2dba3541c6c431f41d65a7fb72a4}. Hệ thống trường lớp được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, góp phần thuận lợi cho ngành giáo dục nâng cao chất lượng dạy và học. Đến nay, tổng số trường có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia là 43/67 trường, số trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia là 27/67 trường, tăng 22 trường so với thời điểm bắt đầu xây dựng nông thôn mới năm 2011, qua đó thúc đẩy phong trào khuyến học khuyến tài và xây dựng xã hội học tập phát triển khá bền vững. Đến nay, toàn huyện đã ra mắt quỹ “Khuyến học-khuyến tài” được 14 tỷ 300 triệu đồng (trong đó có 13/17 xã, thị trấn, quỹ Học bổng Nguyễn Văn Thoại và trường THCS Định Mỹ),…

Thời gian năm 2019 huyện đã hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới, trở thành huyện đầu tiên trong tỉnh An Giang vinh dự đón nhận danh hiệu “Huyện nông thôn mới”.

Phóng viên: Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, Thoại Sơn gặp không ít khó khăn, vậy huyện đã nỗ lực như thế nào để vượt qua, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Minh Tâm: Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, Thoại Sơn gặp rất nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là xuất phát từ một huyện nông nghiệp, nhiều xã có xuất phát điểm rất thấp (6 xã đạt 5 – 7/19 tiêu chí, 8 xã đạt dưới 5/19 tiêu chí). Có xã như Mỹ Phú Đông, một phần không nhỏ người dân Chợ Mới qua làm ruộng, xong mùa lại về nên rất khó trong việc huy động đóng góp cho địa phương.

Dù biết rằng rất khó khăn khi xây dựng nông thôn mới bởi cần một nguồn vốn rất lớn, nhưng Thoại Sơn xác định đây là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, đem lại nhiều lợi ích cho nhân dân nên đã quyết tâm thực hiện. Từ sự quyết tâm, thống nhất trong lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện, huyện đã tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của lãnh đạo, sở, ban ngành tỉnh, tập trung xây dựng xã điểm (Vĩnh Phú). Rồi cứ làm tới đâu rút kinh nghiệm tới đó, rút kinh nghiệm rồi là áp dụng ngay cho các xã còn lại, nên đến năm 2015, huyện đã có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới (xã vượt chỉ tiêu là Vĩnh Trạch).

Khi được tỉnh chọn là huyện điểm xây dựng nông thôn mới, huyện đã tập trung ra quân, thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện và Ban quản lý xây dựng nông thôn mới cấp xã. Từ đó, đã phát huy được sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân để tăng tốc xây dựng nông thôn mới. Mỗi năm, Thoại Sơn đều có kế hoạch tăng tốc cho các xã và tập trung xây dựng các tiêu chí, chỉ tiêu của huyện. Vì vậy, đến hết năm 2018, 14/14 xã trên địa bàn huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, sớm hơn lộ trình của tỉnh 2 năm và đến thời điểm hiện tại, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, sớm hơn lộ trình của tỉnh 1 năm.

Phóng viên: Xây dựng nông thôn mới xác định chủ thể chính là người dân và cộng đồng dân cư, huyện đã có những giải pháp gì để tiếp tục tạo điều kiện cho người dân phát huy vai trò trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Minh Tâm: Bác Hồ từng nói: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới của Chính phủ cũng xác định rõ những nội dung nào là của Nhà nước làm, nội dung nào Nhà nước và nhân dân cùng làm và những nội dung không cần vốn do vận động nhân dân thực hiện; trong đó, nhân dân chính là chủ thể quyết định trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Do đó, huyện đã tập trung vào các giải pháp như:

– Tập trung cho công tác tuyên truyền. Công tác tuyên truyền được tập trung đẩy mạnh cả chiều rộng lẫn chiều sâu, bằng nhiều hình thức và phương tiện khác nhau như: Tuyên truyền trực tiếp, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin truyền thông, tuyên truyền qua các chương trình văn hóa văn nghệ, qua tờ rơi, triển lãm… Mục đích là làm sao cho người dân hiểu về lợi ích thiết thực của chương trình này và vai trò, vị trí của người dân trong xây dựng nông thôn mới.

– Để tác động đến người dân, trước hết hệ thống chính trị phải làm gương, nêu gương trước. Cán bộ đảng viên làm gương không có nghĩa là làm thay nhân dân mà trước hết phải có kế hoạch để hướng dẫn nhân dân thực hiện những công trình, phần việc cụ thể ở địa phương, trong đó tập trung cho những mô hình sản xuất đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân. Ở tất cả các địa phương trong huyện, những công trình mang tính chất xã hội từ thiện đều có sự phân công cán bộ đảng viên cùng làm với nhân dân nên được nhân dân đồng tình ủng hộ rất cao.

– Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở. Huyện đã thực hiện nghiêm quy chế dân chủ, tiếp dân theo quy định cùng với cơ chế “một cửa”. Ở các địa phương còn thực hiện mô hình “Cấp ủy, chính quyền lắng nghe ý kiến nhân dân”. Từ các diễn đàn được tổ chức ở các văn phòng ấp hoặc quán cà phê, người dân đã thực sự phát huy vai trò dân chủ của mình thông qua việc phản ánh tình hình sản xuất, môi trường, an ninh trật tự ở địa phương… và kiến nghị những biện pháp giải quyết. Từ đó, những khó khăn, khúc mắc của người dân được giải quyết kịp thời, không để xảy ra điểm nóng; đồng thời, người dân còn tham gia làm tốt công tác vận động quần chúng để xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội ở địa phương.

Phóng viên: Trong xây dựng nông thôn mới, việc đưa các xã về đích đúng và vượt tiến độ đã khó, nhưng việc giữ được chuẩn cũng không hề dễ dàng. Vậy mà Thoại Sơn không chỉ giữ được chuẩn mà một số xã đang hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đồng chí có thể chia sẻ những kinh nghiệm, những cách làm hay để các địa phương duy trì và nâng chất các chỉ tiêu, tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao?

Đồng chí Phạm Minh Tâm: Ngay sau khi các xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới, huyện đã chỉ đạo hướng tới các mục tiêu của xã nông thôn mới nâng cao. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 3 xã đăng ký đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao đến năm 2020. Các xã còn lại tiếp tục xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đến năm 2025. Để đạt được những thành tựu trên, Thoại Sơn tạm rút ra một số kinh nghiệm và cách làm như sau:

Một là, phải có quyết tâm chính trị cao. Phải đạt được sự thống nhất về ý chí và hành động trên cơ sở chấp hành nghiêm chủ trương, nghị quyết của cấp trên. Từ đó, cả hệ thống chính trị vào cuộc, vận động nhân dân, cùng với nhân dân thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Thực tế chỉ ra rằng nơi nào các cấp ủy đảng, chính quyền và tổ chức đoàn thể quan tâm, tập trung chỉ đạo cụ thể, sâu sát, quyết liệt, có cách làm năng động, sáng tạo, phát huy được lợi thế của địa phương, cán bộ đảng viên gương mẫu, nhân dân nhiệt tình ủng hộ thì ở đó kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới đạt thành tích cao.

Hai là, phải quyết tâm hành động, nói đi đôi với làm. Khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, các xã đều gặp khó khăn do điểm xuất phát thấp. Do đó, Ban Chỉ đạo xã phải tích cực tham mưu và quyết tâm thực hiện; Ban Chỉ đạo huyện, các ngành, đoàn thể phải thực sự nhúng tay vào việc, cùng với xã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, không trông chờ, ỷ lại. Xây dựng nông thôn mới thực chất là thực hiện nội dung cụ thể để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Do đó, phải gắn xây dựng nông thôn với tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Ba là, quyết tâm thay đổi, vì cuộc sống của nhân dân. Cái mới, cái tiến bộ đi vào cuộc sống thường không dễ dàng. Do đó đội ngũ cán bộ, đảng viên phải quyết tâm đổi mới, năng động, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm; xuất phát từ thực tiễn, đặc điểm của từng địa phương để tìm ra cách làm phù hợp. Phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, trong đó nông dân đóng vai trò chủ thể, bởi họ chính là người trực tiếp lao động sản xuất, sinh sống tại địa bàn và hưởng thụ kết quả của Chương trình nông thôn mới.

Bốn là, quyết tâm đoàn kết, thống nhất cao, một lòng một dạ vì sự phát triển của quê hương. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thực sự gần dân, sát dân, kiên quyết, kiên trì trong công tác vận động nhân dân. Phải có cách làm phù hợp với từng điều kiện của từng địa phương, thông qua lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách, có phương thức huy động các nguồn lực phù hợp. Phải quyết tâm tìm ra những giải pháp để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, từ đó sẽ được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Năm là, trong thực hiện Chương trình phải sử dụng hiệu quả các nguồn vốn lồng ghép, trong đó có huy động sự đóng góp của doanh nghiệp, mạnh thường quân và người dân. Việc xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí, không để nợ đọng xây dựng cơ bản. Phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và chấn chỉnh kịp thời nhận thức lệch lạc, để người dân tin tưởng và tham gia thực hiện chương trình. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tổ chức, hộ gia đình có nhiều đóng góp cho chương trình xây dựng nông thôn mới.

Phóng viên: Chân thành cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này.

Trần Sang thực hiện
(Ảnh: UBND Thoại Sơn, Quảng Ngọc Minh)