Vài ghi nhận về trại sáng tác Mỹ thuật An Giang năm 2019

Hướng đến hoạt động chào mừng kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, 74 năm Cách mạng Tháng 8 thành công và Quốc khánh 2/9, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang phối hợp với Trường Đại học An Giang tổ chức Trại sáng tác Mỹ thuật An Giang năm 2019 chủ đề “Quê hương, đất nước và con người An Giang”. Tham dự trại có 15 thành viên là hội viên chuyên ngành mỹ thuật của tỉnh cùng 2 cố vấn trại là họa sĩ Đào Chí Đắc, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh và Nguyễn Đình Vũ, họa sĩ đương đại đến từ Hà Nội. Qua thời gian làm việc 8 ngày với tinh thần sáng tạo và trách nhiệm, các trại viên đã tập trung sáng tác nghiêm túc và cho ra đời 34 tác phẩm. Nhìn chung các tác phẩm được đánh giá khá hoàn thiện về kỹ thuật và cách chọn đề tài. Ngoài việc thể hiện đúng chủ đề một số tác phẩm được Ban Tổ chức đánh giá có tiềm năng và hướng phát triển tốt.

Chủ đề trong không gian triển lãm báo cáo kết quả trại nhìn chung khá đa dạng, thể hiện được tính đời sống cao, phản ánh những vấn đề nóng đang tồn tại trong xã hội… Tác phẩm Ngẫm, chất liệu acrylic của tác giả Phước Toàn gây chú ý bởi cách đặt vấn đề khá thông minh, thời sự nhưng vẫn đảm bảo yếu tố sáng tạo. Tác giả đã dùng ngôn ngữ tạo hình để đánh thức và cảnh tỉnh nhận thức của mỗi người, đây là một điểm cộng của tác phẩm.  Ngẫm tạo được điểm nhấn từ yếu tố kỹ thuật chồng màu nhiều lớp cùng với kỹ thuật đổ màu và kiểm soát độ loang một cách ngẫu nhiên, tạo nên hiệu ứng mache một cách tối ưu. Đề tài tuy không mới nhưng cách thức thể hiện cùng với khả năng làm chủ về kỹ thuật giúp tác phẩm tạo được ấn tượng khá tốt cho người xem.

Bên cạnh đó, Biển chất liệu tổng hợp được tác giả Phú Chọn khai thác khá tốt thông qua các chất liệu chính là acrylic, trắng dẻo và lưới cá. Ưu điểm của việc sử dụng lưới cá là ở chất liệu gợi cảm xúc và liên tưởng cho người xem. Cách khai thác đề tài gợi nhắc chúng ta quan tâm đến môi trường sống của con người và môi trường biển đang dần bị hủy hoại… Những cái chết trắng gợi lên những nghĩ suy đầy ám ảnh về trách nhiệm của mỗi người đối với môi trường biển… Cách khai thác chất liệu có tác dụng tạo sự tương phản, làm mềm đi hình ảnh xương cá trắng xám và những mảng nền khô ráp bên dưới đã góp phần định hình mô típ chung cho tác phẩm.

Ở mảng đề tài phong cảnh An Giang, phần lớn được các trại viên thể hiện, gợi tả một vùng đất với nhiều tiềm năng cần được khai thác. Đất và người An Giang được thể hiện một cách rõ nét, thông qua lối tạo hình đặc trưng phản ánh sự phong phú, đa dạng trong văn hóa và đời sống.

Tác phẩm Ô cửa của họa sĩ trẻ Hình Tiến Thịnh. Cảm xúc về hình ảnh ô cửa được thể hiện một cách lung linh qua chất liệu sơn phun nhiều lớp. Kỹ thuật sơn chận, rẫy màu được tác giả sử dụng khá thuần thục tạo được sự chú ý bởi tính linh hoạt và những hiệu ứng chồng màu rất bắt mắt.

Họa sĩ Bí Bầu thể hiện sắc màu mang âm hưởng tâm linh khiến người xem phải lắng đọng với tác phẩm Ấn tượng Cha – rất, hay tình yêu quê hương, yêu Tổ quốc được cảm nhận từ buổi lễ chào cờ của người lính biên phòng trong tác phẩm của họa sĩ Đoàn Khải…

Với sự đa dạng, phong phú trong cách chọn đề tài và cách khai thác chủ đề, các trại viên đã lột tả được những nét đặc trưng văn hóa của vùng đất và con người An Giang thông qua ngôn ngữ của hội họa. Tất cả các tác phẩm đều hướng đến cảm xúc chung là tình yêu đối với quê hương đất nước, yêu hòa bình và yêu cái đẹp.

Trường Đại học An Giang đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để tổ chức trại. Phòng làm việc thoáng mát, riêng biệt giúp cho trại viên có được không gian độc lập để sáng tạo. Hơn hết là tinh thần làm việc và mối liên hệ giữa các trại viên, tạo nên một bầu không khí chuyên nghiệp và đầm ấm. Trại viên luôn cầu thị, chia sẻ và học hỏi lẫn nhau những kinh nghiệm về kỹ thuật xử lý chất liệu cho đến ý tưởng tác phẩm, từ công việc cho đến mối quan hệ trong đời sống thường nhật. Với 8 ngày không là dài cho những mối quan hệ anh em, đồng nghiệp hay bè bạn nhưng các anh em trại viên đã dần thấu hiểu, gần gũi nhau như một gia đình. Như thể cái tình hào sảng, chân phương của người Nam bộ, “anh em bốn bể là nhà”…

Cũng tinh thần như trên, cá nhân tôi cảm nhận, anh em tại trại qua quá trình làm việc đều thể hiện sự tôn trọng nhất định đối với chuyên môn. Việc chia sẻ kinh nghiệm cũng như quá trình khơi gợi cảm xúc sáng tác được những họa sĩ đàn anh chia sẻ một cách chân tình, hướng dẫn và thị phạm những kỹ thuật đã được các anh đúc kết qua quá trình miệt mài lao động. “Tinh thần mới” trong sáng tạo hay gọi là “nghệ thuật đương đại” được các anh trao đổi qua các buổi trò chuyện trên bàn cơm chiều, bên ly cà phê sáng hay những buổi giao lưu ấm áp về đêm… Tôi lại nghĩ, sản phẩm cuối cùng có lẽ là thành công của từng cá nhân, nhưng lại không thể thiếu sự động viên và khích lệ của tập thể.

Trại sáng tác Mỹ thuật An Giang năm 2019 là môi trường giao lưu, học tập và trải nghiệm thật sự hữu ích cho các anh em họa sĩ tỉnh nhà. Thông qua quá trình thể hiện và sự sáng tạo, các trại viên có cơ hội được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm về chuyên môn, được khơi gợi cảm hứng sáng tạo và khả năng hoàn thiện tác phẩm để hướng đến tính chuyên nghiệp. Thời gian làm việc tập trung trong môi trường tách biệt giúp các trại viên tập trung hơn cho việc sáng tác để tạo ra những tác phẩm thật sự tâm huyết. Sau khi kết thúc những gì còn lại bên trong mỗi trại viên là lòng đam mê cùng với quyết tâm trong sự nghiệp sáng tác, là mối quan hệ anh em đồng nghiệp động viên, hỗ trợ để cùng đồng hành trên con đường sáng tạo nghệ thuật còn dài phía trước.

Ths. Trần Kim Ngân
(Ảnh: CTV | Các trại viên chụp ảnh lưu niệm)