Truyện Kiều trong ca dao Nam bộ

Một khi Truyện Kiều đã quá phổ biến trong giới văn sĩ và trong dân gian, thâm nhập vào trong nhận thức và tình cảm mọi người, thì việc nó đi vào lời ăn tiếng nói, nhất là ca dao dân ca dân gian, là điều hiển nhiên không có gì lạ. Vì thế mà trong các làn điệu quan họ Bắc Ninh, ví dặm Nghệ Tĩnh đến hò Huế, hò Nam bộ đều thấy bóng dáng của Truyện Kiều. Nếu trong phạm vi cả nước, số lượng các bài ca dao dân ca nhắc đến Truyện Kiều nhiều hơn tác phẩm nào khác thì ở Nam bộ, có lẽ ca dao dân ca liên quan đến Truyện Kiều chỉ đứng sau danh tác Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu. Nhìn vào ca dao dân ca, ta càng thấy rõ mức độ ảnh hưởng của Truyện Kiều đến đời sống tình cảm, tâm hồn của người bình dân.

Nam bộ là vùng đất khai mở sau cùng của đất nước. Tuy nhiên, thời điểm lan truyền rộng rãi của Truyện Kiều ở Nam bộ là khoảng 30 năm sau cùng của thế kỷ 19, khi mà tình hình khẩn hoang đã dần đi vào ổn định, chiến đấu chống ngoại xâm và bảo vệ bờ cõi cũng không quá quyết liệt, người dân quan tâm hơn việc xây dựng cuộc sống và vun đắp tình cảm gia đình. Nên ca dao về Truyện Kiều cũng phát triển theo xu hướng đó, gắn chặt với đời sống sinh hoạt và tình cảm đôi lứa, hạnh phúc gia đình của người bình dân.

Chính vì vậy, chủ thể trữ tình của các câu ca dao, dân ca này phần lớn là nam nữ thanh niên trong lứa tuổi yêu đương, hoặc các đôi vợ chồng trẻ đang tình cảm mặn nồng. Điều đó là tất nhiên bởi Truyện Kiều là truyện thơ Nôm vừa mang màu sắc nhân tình thế thái, vừa mang sắc thái giai nhân tài tử, lại có hàm ý chính trị xã hội kín đáo lẫn giá trị đạo đức nhân luân. Có lẽ vì thế mà những nội dung nổi trội này trở thành cốt lõi giá trị tư tưởng trong ca dao dân ca về Truyện Kiều ở Nam bộ. Ở đây, chúng tôi dựa vào những nhóm nội dung lớn để lần lượt giới thiệu như bên dưới.

  1. Nỗi ám ảnh về sự chia lìa đôi lứa

Trong tâm thức của cư dân Nam bộ, có lẽ ký ức về sự chia lìa chiếm một không gian không nhỏ. Là lớp dân di cư kéo dài hàng mấy trăm năm liên tục qua nhiều thế hệ, có lẽ cảm xúc về sự chia lìa tạm thời ngủ yên rất dễ bị đánh động. Đó là sự chia lìa quê hương xứ sở, chia lìa họ hàng thân tộc, chia lìa người thân gia đình, trong đó buồn đau nhất là chia lìa đôi lứa. Truyện Kiều trước hết mang lại cho họ ấn tượng về rất nhiều cuộc chia ly, mỗi cuộc chia ly đong đầy nỗi đau thương nhung nhớ. Sau mỗi cuộc chia ly là mỗi lần cuộc đời nàng Kiều bị dập vùi dâu bể. Như sau cuộc chia ly với tình lang Kim Trọng, Kiều gặp cơn gia biến phải bán mình vào lầu xanh chịu bao dập vùi; sau cuộc chia ly với Thúc Sinh, nàng bị phóng hỏa bắt cóc đem về Vô Tích để nhà họ Hoạn mặc tình hành hạ; hay cuộc chia ly sinh tử với Từ Hải để nàng phải theo tên thổ quan rồi trầm mình xuống sông Tiền Đường. Đối với trai gái lứa đôi ở Nam bộ, các cuộc chia lìa đã trở thành nỗi ám ảnh đáng sợ. Vì thế mà ca dao dân ca đã cất lên những tiếng ca khắc khoải:

Sông Tiền mới thả lưới xuôi,

Thúy Kiều xa Kim Trọng như tui xa mình.

(Ca dao Nam bộ)

Bài ca dao ngắn ngủi nhưng chứa đầy ẩn ý tình cảm của người nói dành cho đối phương. Chỉ một cách so sánh “tui xa mình” với “Thúy Kiều xa Kim Trọng”, ta thấy được muôn vàn tầng nấc cảm xúc của người con gái e ấp nhưng thông minh Nam bộ. Người tiếp nhận câu ca dao này, cần phải biết Thúy Kiều là ai, Kim Trọng ra sao, câu chuyện tình yêu trắc trở đầy nuối tiếc của hai người như thế nào mới lãnh hội hết hàm ý của người nói. Nghĩa là cả người phát ngôn lẫn người tiếp nhận đều phải nắm chắc cốt truyện của Truyện Kiều thì câu ca dao mới thật sự phát huy toàn bộ giá trị hàm ẩn của nó.

Sự chia lìa đôi lứa là một nỗi ám ảnh, là nỗi đau thương, tiếc nuối không dứt. Thế mới có chuyện đưa người yêu lên đường đi xa cứ ngai ngái lo như sắp chia ly vĩnh viễn, giống như chàng Kim về Liêu Dương hộ tang chú để lại chồng chất nỗi sầu vương cho nàng Thúy Kiều như bài ca dao dưới đây:

Đường Sài Gòn trơn như mỡ,

Cát núi Sập lạnh như gương,

Dang tay đưa bạn lên đường,

Gá duyên để đó, khác chi Kim Trọng về để lại khúc đoạn trường cho Kiều nương.

(Ca dao Nam bộ)

Nắm nội dung Truyện Kiều, thấu hiểu bao đắng cay mà Thúy Kiều phải chịu đựng suốt 15 năm dài lưu lạc, người đọc mới thấu được hết nỗi buồn của người ở lại. Tác giả dân gian có xu hướng thần tượng hóa mối tình trong sáng, sâu nặng, son sắc thủy chung của Kim Kiều, xem đó như là một hình mẫu tình yêu lý tưởng cho chính mình. Thử hỏi, trong quá khứ, đã có biết bao cô gái đưa chồng ra trận, tiễn người yêu nhập ngũ, đưa chồng lên đường rong ruổi làm ăn hay đưa người yêu ra chốn thị thành, đã phải cất lên những lời chia phôi nghe như muốn đứt ruột.

Hay như một bài khác nói rõ hơn cái nguyện ước gắn bó kết đôi, bên nhau mãi mãi không rời của đôi thanh niên nam nữ, giống như nút với khuy trên cùng một chiếc áo:

Em như nút, anh như khuy,

Như Thúy Kiều Kim Trọng biệt ly sao đành.

(Ca dao Nam bộ)

Không chỉ ở Nam Bộ, ấn tượng về cuộc ly biệt giữa Thúy Kiều với Kim Trọng đã tạo nên nỗi ám ảnh day dứt trong lòng người đọc cả Bắc và Trung bộ. Thế mới có chuyện một bài ca dao nhắc đến cuộc chia ly của Kim Kiều đã được truyền rộng khắp các vùng miền khác nhau, ở mỗi nơi lại được sửa chữa chút ít tạo nên những dị bản thú vị:

Sen xa hồ, sen khô hồ cạn,

Liễu xa đào, liễu ngã đào nghiêng,

Anh xa em như bến xa thuyền,

Như Thúy Kiều xa Kim Trọng biết mấy niên tái hồi.

(Quan họ Bắc Ninh)

Sen xa hồ, sen khô hồ cạn,

Bá xa tùng, bá ngã tùng nghiêng,

Anh xa em ngày tháng đeo phiền,

Thúy Kiều xa Kim Trọng đã bốn niên ni tròn.

(Hát ví Nghệ Tĩnh)

Sen bứt xa hồ sen khô tàn tạ,

Lựu bứng xa đào lựu ngả đào nghiêng,

Xa em ngày tháng đeo phiền,

Khác nào như Thúy Kiều xa Kim Trọng mười lăm niên đoạn trường.

(Hò mái nhì Huế)

Sen bứt xa hồ sen khô tàn tạ,

Bá đứng xa chậu bá ngả cành nghiêng,

Xa em anh ngày tháng đeo phiền,

Như Thúy Kiều xa Kim Trọng mười lăm niên đoạn trường.

(Hò Nam bộ)

Trong các bài ca dao trên, mối tình Kim Kiều được đem ra so sánh với các cặp sóng đôi như nút – khuy, sen – hồ, liễu – đào, lựu – đào, bá – tùng, bá – chậu, bến – thuyền…, những thứ vốn tồn tại có đôi. Nếu bị chia lìa hoặc một trong hai mất đi thì cái còn lại sẽ héo hon, tàn tạ, suy sụp, lạc lõng vô nghĩa, qua đó bày tỏ nguyện ước gắn kết có đôi.

Trọng xa Kiều hoài vọng tư lương,

Từ tui xa người nghĩa, vọng bốn phương loan phòng.

Đêm khuya nước mắt ròng ròng,

Vì tui nhớ chữ loan phòng còn xa.

Làm sao hiệp mặt đôi ta,

Đặng tui báo hiếu mẹ cha bên mình.

(Hát huê tình Nam bộ)

Bài hát là tiếng lòng của người con trai xa cách người yêu, tự ví mình như chàng Kim lên đường sang Liêu Dương mà lòng vẫn hướng về chốn cũ. Chàng mong được “báo hiếu mẹ cha người yêu”, là một kiểu nói tránh về mong ước được nên duyên chồng vợ với nàng, lại còn được đẩy xa hơn là mong ước được san sẻ gánh vác bổn phận gia đình với người con gái.

Có thể thấy, trong các bài ca dao dân ca Nam bộ lấy cảm hứng từ Truyện Kiều, số bài nhắc đến cuộc chia ly Kim Kiều trong niềm tiếc nuối xót xa chiếm số lượng nhiều nhất. Cuộc chia ly như một nỗi ám ảnh dai dẳng đối với người thưởng thức. Dẫu biết không có cuộc chia ly này thì không có câu chuyện cuộc đời nàng Kiều ly kỳ hấp dẫn đến vậy, nhưng trong tâm tình của người bình dân Nam bộ thì trong cuộc sống thực không có cuộc chia ly như vậy vẫn hơn. Nó như một lời nhắc nhở, cánh báo những người yêu nhau hãy trân trọng gìn giữ hạnh phúc để không rơi vào cảnh ngộ đáng tiếc như Kim Kiều.

  1. Ngợi ca nghĩa tình gắn bó Kim Kiều

Nếu các nhà nho Nam bộ xem Truyện Kiều như một truyện thơ nhân tình thế thái, thì có vẻ người bình dân lại thấy đây là câu chuyện giai nhân tài tử, mà mối tình Kim Kiều là trung tâm đáng chú ý nhất trong toàn bộ tác phẩm. Mọi sự kiện khác trong suốt trường kỳ 15 năm lưu lạc của nàng gần như không còn giá trị khi nó hầu như không còn được quan tâm đến. Điều đó càng được khẳng định trong các bài ca dao ngợi ca nghĩa tình gắn bó Kim Kiều.

Trong các bài ca dao dưới đây, vẫn lấy tình yêu Kim Kiều làm chủ đề phản ánh, nhưng được thể hiện với thái độ hâm mộ và trân trọng như là hình mẫu lý tưởng của những mối tình. Nếu bài ca dao sau đây so sánh tình cảm của đôi thanh niên đẹp như mối tình Kim Kiều:

Em đây vốn thật nàng Kiều,

Chờ chàng Kim Trọng sớm chiều bấy lâu.

(Ca dao Nam bộ)

Thì ở một bài khác, lòng chung thủy sau trước không gì lay động của Kim Kiều trở thành hình mẫu cho tình yêu đôi lứa:

Con gái bên Đông, có chồng bên Tống,

Tay cầm dùi trống, tay khảy đờn liêu,

Lòng dặn lòng ai dỗ đừng xiêu,

Cũng như Kim Trọng Thúy Kiều thuở xưa.

(Ca dao Nam bộ)

Còn ở bài dưới đây, vẫn mang chút lo sợ về sự chia ly, nhưng quan trọng hơn là lời khẳng định tình yêu của chàng trai giống như tình cảm của Kim Trọng dành cho Thúy Kiều:

Anh xa em như bướm xa hoa

Như Thúy Kiều xa Kim Trọng, như Bá Nha xa đàn.

Bạc với vàng còn đeo còn đỏ

Hại đứa mình còn nhớ thương nhiều

Nghe tiếng em, anh muốn như Kim Trọng thương Thúy Kiều thuở xưa.

(Ca dao Nam bộ)

So sánh tình yêu của “anh – em” như Thúy Kiều với Kim Trọng, như Bá Nha với cây đàn là một ý tưởng vừa sâu sắc, thông minh, nho nhã, vừa sâu đậm hàm ý văn hóa, thể hiện tầm hiểu biết của người phát ngôn về văn học dân tộc lẫn văn hóa Trung Hoa. Nó cho thấy tinh hoa văn hóa đương thời đã được hấp thụ bởi những người bình thường nhất. Còn ở một cặp uyên ương khác thì tình nghĩa với nhau còn sâu nặng còn hơn cả tình cảm Kim Kiều:

Đũa vàng dọng xuống mâm son,

So qua với bậu nghĩa hơn Kim Kiều.

(Ca dao Nam bộ)

Vẫn là tiếng nói cất lên để khẳng định tình yêu đôi lứa dựa trên mối tình Kim Trọng với Thúy Kiều “vàng – son” cao quý. Đó là mối tình đã gần như trở thành chuẩn mực, hình mẫu vô cùng cao đẹp, tôn quý mà mọi cặp đôi phải gắng học theo. Thúy Kiều và Kim Trọng gặp gỡ giao ước kết đôi, trải qua bao lưu lạc cách xa vẫn hướng về nhau để được tái hợp không rời, dù là tình “cầm sắc” hay “cầm kỳ” thì sự đoàn viên vẫn là một kết thúc có hậu mỹ mãn. Kiểu tình cảm ấy nghiêng nặng về phía cảm tính của xúc cảm dân gian hơn so với mối tình Vân Tiên và Nguyệt Nga nghiêng nặng về mặt lý tính của các nhà nho dưới thời phong kiến.

  1. Hò đối đáp giao duyên nam nữ về Truyện Kiều

Hò đối đáp Nam bộ là hình thức diễn xướng dân gian ra đời trên địa hình đặc thù sông rạch chằng chịt và đồng ruộng bao la của vùng đất Nam bộ. Nó là cách chuyển tải thông điệp tình cảm và niềm hứng khởi trong lao động sản xuất đến với những người xung quanh qua những vần điệu ngân vang bay bổng. Khi mà Truyện Kiều đã quá quen thuộc với người dân, thì việc nó xuất hiện trong điệu hát câu hò của nam thanh nữ tú cũng là điều dễ hiểu. Vì thế, kiệt tác này đã trở thành cái cớ cho thanh niên nam nữ gặp gỡ, trò chuyện, gắn bó với nhau:

Tốt gió ta lại thả diều,

Đồn anh tốt giọng đọc Thúy Kiều em nghe.

(Ca dao Nam bộ)

Trong rất nhiều chủ đề hò đối đáp Nam bộ như các loại cá nước ngọt, các loại gia súc, các loại bánh, các loại cây… thì Truyện Kiều cũng là một chủ đề được đưa ra hát hò đối đáp. Tuy nhiên, dù chọn chủ đề gì, thì đằng sau những câu hò đó đều chứa đựng mục đích giao duyên, tìm hiểu, vấn ý, thử lòng, thử tài đối phương đầy tế nhị, thông minh giữa thanh niên nam nữ. Đầu tiên, ta thấy kiểu ra vế đối yêu cầu chỉ ra một vài câu mang nét đặc trưng thú vị nào đó trong Truyện Kiều, như chỉ ra những câu toàn dùng âm Hán Việt:

Nữ: Truyện Kiều anh đã thuộc thông,

Đố anh kể được một dòng chữ Nho.

Nam: Hồ Công quyết kẻ thừa cơ,

Lễ tiền binh hậu khắc cờ tập công.

(Hò đối đáp Nam bộ)

Hay chỉ ra những câu liên tiếp nhau có 3 “chữ càng” và những câu tóm hết nội dung Truyện Kiều:

Nam: Truyện Kiều em kể đã lâu,

Đố em kể được một câu ba càng

Kể sao cho được rõ ràng,

Mảnh hương với lại phím đàn trao tay.

Bấy lâu mới được một ngày,

Dừng chân anh đố niềm tây gọi là.

Nhân tình trong đạo chúng ta,

Yêu nhau mới đố một vài câu chơi.

Em khôn anh mới thử lời,

Em mà giảng được là người tài hoa.

Nữ: Lạ gì đôi lứa chúng ta,

Anh đố em giảng mới là mưu sâu.

Cành trâm sẵn giắt trên đầu,

Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần.

Lại càng mê mẩn tâm thần,

Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra.

Lại càng ủ dột nét hoa,

Sầu tuôn chắp nối châu sa vắn dài.

Em nay phận gái nữ hài,

Anh đố em giảng một bài đã xong.

Xin tình đừng có đèo bòng,

Vui gì thế sự mà mong nhân tình.

Anh đố em lại làm thinh,

Thì anh lại bảo gái trinh không tài.

Bây giờ em đố một bài,

Anh mà giảng được giày hài xin trao.

Truyện Kiều kể lại tiêu hao,

Một câu anh kể làm sao hết Kiều.

Nam: Em đố anh lại giảng ra,

Anh giảng chẳng được người ta chê cười.

Giày hài của đáng mấy mươi,

Bây giờ anh giảng em thời đem ra.

Trăm năm trong cõi người ta,

Mua vui cũng được một vài trống canh.

(Hò đối đáp Nam bộ)

Bài ca dao trên là một điển hình cho việc mượn Kiều để ngụ tình. Ngoài trả lời xuất sắc vấn đề đối phương đã đặt ra, người đối đáp còn khéo léo sử dụng thi liệu trong Truyện Kiều để thăm dò tình cảm đối phương lẫn phơi bày suy nghĩ của mình như: mảnh hương, phím đàn, niềm tây, nhân tình, cành trâm, vạch da cây vịnh bốn câu ba vần, ủ dột nét hoa, sầu tuôn, châu sa, đèo bòng… Điều này cho thấy sự tài hoa của tác giả dân gian, chắc chắn phải thâm nhập sâu sắc vào thế giới Truyện Kiều lắm tác giả mới có thể viết nên những câu hát giàu cảm xúc như vậy. Đáng chú ý là câu “Anh giảng chẳng được người ta chê cười”. “Người ta” ở đây là ai, tại sao lại chê cười nếu chàng trai trả lời không được? Đó chắc hẳn là những bạn bè đồng trang lứa, là những người thân xung quanh, hay bà con cô bác xóm giềng. Họ sẽ cười anh có lẽ vì anh đang yêu, đang đeo đuổi cô gái mà không hiểu biết gì về Kiều hay không thuộc Kiều để làm đẹp lòng ý trung nhân. Dù biết rằng đây chỉ là một lối đối đáp ứng xử theo đặc trưng tính cách của người Nam bộ, cũng không hẳn có ai sẽ cười cợt anh ta nếu không trả lời được câu hỏi, thế nhưng nó cũng hé lộ phần nào mức độ hiểu biết của người bình dân về Truyện Kiều.

Hay ở một đoạn khác, cô gái vừa hỏi những câu tóm lược hết nội dung Truyện Kiều, vừa hỏi những câu liệt kê người thân trong gia đình Kiều:

Nữ: Truyện Kiều chàng đã thuộc làu,

Đố chàng kể được một câu hết Kiều.

Nam: Trăm năm trong cõi người ta,

Mua vui cũng được một vài trống canh.

Nữ: Truyện Kiều chàng đã thuộc làu,

Đố chàng nói được một câu năm người.

Nam: Này chồng, này mẹ, này cha,

Này là em ruột, này là em dâu.

(Hò đối đáp Nam bộ)

Có lúc chúng ta còn thấy những câu đối đáp khôn khéo về tình tiết và giá trị nội dung của Truyện Kiều để thử tài đối phương

Đối: Chập chờn cơn tỉnh cơn mê,

Nghe đâu Kiều cố làm nghề tráng gương?

Đáp: Mười lăm năm bấy nhiêu lần,

Làm gương cho khách hồng quần thử soi.

Đối: Trót đa mang phải đèo bòng,

Kim Kiều nghe có đưa lòng mời nhau?

Đáp: Vắng nhà được buổi hôm nay,

Lấy lòng gọi chút sang đây tạ lòng.

(Hò đối đáp Nam bộ)

Cũng bằng hình thức đối đáp, người con gái thử lòng người yêu bằng cách đưa ra đối chiếu các nhân vật trong Truyện Kiều, qua câu trả lời có thể thấy được tâm ý của ý trung nhân:

Nữ: Thân em mỏng mảnh,

Quê cảnh lạnh lùng,

Thuyền quyên mong sánh anh hùng,

Lại e như Kiều nọ bạn cùng Thúc Sinh.

Nam: Cái lòng qua chắc thật,

Không phải bậc phong lưu,

Dốc cho trọn chữ hảo cừu,

Tỉ như chàng Kim Trọng không đồ Sở Khanh.

(Hò đối đáp Nam bộ)

Thúc Sinh, Kim Trọng, Sở Khanh là những những mẫu đàn ông khác nhau trong Truyện Kiều, mỗi người một tính cách, một lối sống, một cách hành xử với phụ nữ không giống nhau. Bằng cách so sánh mình với chàng Kim, người con trai đã nói lên tiếng lòng của mình, ước nguyện giao kết uyên ương với người con gái bằng một tình yêu trong sáng theo lễ giáo nho phong, tri âm tri kỷ, thủy chung son sắc của bậc giai nhân tài tử.

Từ những phân tích trên, có thể thấy mức độ ảnh hưởng của Truyện Kiều đến đời sống tinh cảm, tinh thần của người bình dân Nam bộ là vô cùng sâu sắc. Truyện Kiều đã trở thành một kho tư liệu phong phú với đủ hạng người trong xã hội, phản ánh muôn hình vạn trạng cảnh huống thế thái nhân tình, phù hợp chuyển tải nhiều cảnh ngộ khác nhau của đời người. Nhưng rõ ràng trong ca dao dân ca Nam bộ, một thể loại nặng tính trữ tình và mềm mại, thì sự bắt gặp những điểm tương đồng trong nhu cầu giãi bày tâm sự của tình yêu nam nữ với mối tình tuyệt đẹp nhưng đầy sóng gió của Kim Kiều là nổi bật hơn hẳn. Giả sử không có Truyện Kiều, trai gái Nam bộ vẫn có thể bày tỏ tình cảm với nhau bằng nhiều chủ đề khác, nhưng chắc chắn khó đạt được sự cô đọng, nho nhã lẫn thấu cảm sâu sắc như khi sử dụng tác phẩm này.

Đọc ca dao dân ca về Truyện Kiều, chúng ta thấy lòng tin yêu, quý mến trọn vẹn của dân gian đối với nàng Kiều, hoàn toàn khác cách nhìn dưới lăng kính đạo đức phong kiến xơ cứng của một số nhà nho và độc giả Nam bộ. Trong con mắt quần chúng, Thúy Kiều vẫn là người con gái tài sắc vẹn toàn, với tình yêu mặn nồng, thủy chung cao quý; ta hầu như không thấy bất kỳ sự chê bai, trách móc về cách hành xử và đạo đức làm người của nàng. Cách nhìn nhận này khá gần gũi với tinh thần nhân đạo của thi hào Nguyễn Du.

Nguyễn Thanh Phong
(Ảnh: La Lam | Bìa quyển Truyện Kiều 1894)