Văn Nghệ sĩ An Giang để lại nhiều dấu ấn tại trại sáng tác văn học nghệ thuật Đà Lạt

Trại sáng tác văn học nghệ thuật của Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh An Giang dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Hỗ trợ sáng tác VHNT, Nhà sáng tác Đà Lạt thuộc Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch đã diễn ra từ ngày 3/6 đến ngày 17/6/2020 với 12 văn nghệ sĩ tham gia, thuộc các chuyên ngành Văn học, Sân khấu, Nhiếp ảnh và Âm nhạc. Trải qua 15 ngày làm việc nghiêm túc, Ban Tổ chức trại đã nhận được 55 tác phẩm, bao gồm: 1 truyện ngắn; 1 bút ký văn học; 1 trường ca; 1 tản văn; 26 bài thơ; 1 bài ca cổ; 13 ca khúc; 11 bức ảnh nghệ thuật. Có thể nói, trại sáng tác lần này đã thành công tốt đẹp.

Nhà văn, thạc sĩ Trương Chí Hùng, phó trưởng đoàn là người nhận nhiệm vụ tổng hợp, đánh giá các tác phẩm của trại sáng tác đã có những khái quát được xem như một cuộc chuyện trò giữa mông mênh lạnh giá xứ sương mù.

Về mặt thể loại, trong đợt sáng tác này, văn nghệ sĩ đã thể nghiệm trên rất nhiều bình diện. Từ các thể loại khá quen thuộc như thơ, truyện ngắn, bút ký, tản văn, chúng ta còn có trường ca, thơ haiku. Các chuyên ngành Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Sân khấu cũng góp phần làm phong phú, đa dạng hơn về mặt thể loại của các tác phẩm đóng góp cho trại. Việc lựa chọn thể loại cho đợt sáng tác này, các văn nghệ sĩ An Giang, bên cạnh việc giữ gìn và phát huy những thể loại mang tính “truyền thống”, cũng đã mạnh mẽ bứt phá, dấn thân thử nghiệm với các thể loại mới, các thể loại đòi hỏi sự gia công cao độ, và bước đầu cho thấy sự thành công.

Qua 5 bức ảnh nghệ thuật của nghệ sĩ nhiếp ảnh Quảng Ngọc Minh, ta có thể bắt gặp một Đà Lạt rực rỡ nhưng trầm buồn. Cái rực rỡ như những chiếc lá thông bừng lên trong nắng sớm (tác phẩm Sức sống cao nguyên; Khoe sắc). Cái trầm buồn như chiếc bóng đổ dài xuống đường đêm của những người phụ nữ gánh hàng rong (tác phẩm Mưu sinh). Bằng sự tinh tế của một nghệ sĩ dạn dày kinh nghiệm, nhiếp ảnh gia Quảng Ngọc Minh đã phát hiện ra những góc nhìn mới lạ về Đà Lạt và chọn những khoảnh khắc bấm máy để có thể lưu giữ được những giá trị đang trôi đi theo từng sát na.

6 bức ảnh của nghệ sĩ Thái Vĩnh Phú cũng làm toát lên dáng dấp của một Đà Lạt kiêu sa. Chỉ có điều, nếu trong tác phẩm của nghệ sĩ Quảng Ngọc Minh, ta thấy vẻ đẹp của Đà Lạt dường như ngưng đọng, tĩnh tại, thì trong tác phẩm của nghệ sĩ Thái Vĩnh Phú lại thấy một Đà Lạt chuyển động. Đó là sự chuyển động của những cua-rơ đang rướn cong người hướng về thành phố ngàn hoa; của những dây chuyền trong Nhà máy sản xuất vải tầm; của những chiếc xe máy trên Dốc Sương mù. Kể cả những vệt sáng quanh chùa Tâm Ấn về đêm cũng chuyển động trong mắt người thưởng lãm. Có lẽ, bên cạnh một Đà Lạt tĩnh tại, cũng cần có một Đà Lạt chuyển mình mạnh mẽ, để phát triển, để vươn lên. 11 tác phẩm của hai nghệ sĩ nhiếp ảnh đã thể hiện được điều căn cơ ấy.

Trong đợt sáng tác này, nhạc sĩ Hồ Thanh Danh và nhạc sĩ Lê Hồng Phúc không cần đến piano, chỉ cần một cây guitar cùng sự nhạy cảm thiên bẩm trong trái tim, hai anh đã cho ra đời tổng cộng 13 ca khúc (nhạc sĩ Lê Hồng Phúc 8 bài; nhạc sĩ Hồ Thanh Danh 5 bài). Tôi không phải là người am tường về âm nhạc nên không dám lạm bàn. Chỉ nghĩ rằng, những ca khúc trên giấy chỉ là phần xác. Để thổi vào nó những hồn phách tinh anh thì phải có thanh âm réo rắt vang lên. Có lẽ, không gì tuyệt vời bằng lát nữa đây, ta sẽ nghe chính tác giả thể hiện những ca khúc của mình tại khán phòng này, để mọi người có thể cảm nhận.

Vì quá cảm mến Đà Lạt, soạn giả Nguyễn Thanh Điền đã biên soạn bài ca cổ “Về Đà Lạt” gồm câu 1 câu 2 và câu 5 câu 6. Việc kết hợp giữa một thể loại mang đậm màu sắc của sông nước Cửu Long với một đề tài Cao Nguyên có lẽ khá hi hữu. Tuy vậy, soạn giả Nguyễn Thanh Điền đã trải những cảm xúc mượt mà của mình qua từng lời ca. Bên cạnh tình cảm yêu quý dành cho Đà Lạt, soạn giả còn kỳ vọng tương lai không xa, Đà Lạt sẽ trở thành một nơi phát triển rực rỡ mang tầm cao mới.

Tác phẩm văn học viết về Đà Lạt trong đợt này khá nhiều. Đầu tiên phải kể đến chùm thơ Haiku 9 bài của tác giả Lâm Long Hồ. Điểm qua các bài thơ này, ta thấy cảm nhận tế vi của tác giả khi lần đầu diện kiến Đà Lạt. Trong ngỡ ngàng xúc cảm sơ khai, Lâm Long Hồ nhìn Đà Lạt như cánh hoa triêu nhan rung rinh trong gió, tác giả reo vui khai mở tâm cảm đón lấy hồn hoa như bắt gặp người tình trăm năm:

1. Triêu nhan ơi

ta đã gặp em

giữa mênh mông đời.

Thế nhưng, tác giả dần chứng kiến những đổ vỡ trong từng khoảnh khắc thức nhận, tiếc nuối ngậm ngùi chua chát luyến lưu. Tác giả như muốn cứu lấy những tàn phai trong vô vọng, chỉ còn biết kêu lên thảng thốt:

9. Bê tông mọc lên nhanh

rêu ơi có phủ kịp

cho đời trở xanh?

Trong chùm thơ Haiku của Lâm Long Hồ, tôi ấn tượng nhất là bài số 4:

4. Triêu nhan à

leo lên xác ta

mà nở hồn hoa

Đó là một chỉnh thể tuyệt vời. Ta bắt gặp trong mười một âm tiết ấy cả một thế giới vô tận, có động có tĩnh, có sinh có diệt, có con người có thiên nhiên… Tất cả hòa quyện trong sự minh triết của đức hy sinh. Tôi tin rằng, với góc nhìn thấu cảm về vạn vật, Lâm Long Hồ sẽ còn tiến xa hơn nữa với thể loại thơ Haiku này.

Cảm thức về một Đà Lạt biến chuyển theo năm tháng còn được thể hiện qua bút ký “Trăm năm miền sương khói” của tác giả Trương Chí Hùng. Bằng cái nhìn lịch đại và đồng đại, bằng sự trải nghiệm và khảo nghiệm, tác giả muốn hướng người đọc đến sự cảm nhận khách quan hơn về một Đà Lạt trong hơn trăm năm sinh tồn. “Hơn một trăm năm qua, Đà Lạt đã chứng kiến bao người đi kẻ ở, đã ươm nở biết bao tình yêu cao đẹp và xoa dịu bao nhiêu nỗi thăng trầm? Chúng ta không thể nào biết được, Đà Lạt bằng tất cả sự rộng lượng đã dung chứa hết những gì mà cuộc đời đem đến. Đà Lạt vẫn luôn dịu dàng dù mỗi ngày người ta chạm khắc lên đó quá nhiều nỗi đắng cay. Có lẽ đó là điều khiến ai cũng yêu Đà Lạt.” (trích Trăm năm miền sương khói)

Ở mảng thơ, tác giả Thảo Vi có những góc nhìn đầy thi vị về Đà Lạt và thể hiện qua một hồn thơ trong trẻo:

“Thành phố ở trên cao

Đêm bạn với ngàn sao

Mơ màng con dốc nhỏ 

Em qua hồn xôn xao

 

Đi giữa đêm mù sương

Hương hoa ngát bên đường

Trăng mơ màng trong lá

Tóc em mềm hơi sương

 

Gió bờ hồ Xuân Hương

Nhớ ai mà vấn vương

Trên ngàn cây liễu rũ

Em về hãy còn thương.” (Đêm Đà Lạt)

Có lẽ, Đà Lạt đã gieo vào tâm hồn nhà thơ Thảo Vi những ấn tượng đẹp miên man, nên những câu thơ của cô cũng đã dặt dìu tính nhạc. Thơ cô Thảo Vi luôn mang vẻ đẹp của thiếu nữ đang độ xuân thì, dù có viết về một chuyện tình buồn thương thì vẻ đẹp ấy vẫn không hề phai nhạt:

Đà Lạt anh về

em chốn nao

hồ Than Thở nghẹn ngào 

đồi thông xanh mắt trời ru em ngủ

Ngàn năm em vẫn là hoa chớm nụ

Lần đầu gặp em, mặt đất phủ màu sương!” (Đà Lạt ngày về)

Ngoài những bài thơ viết về Đà Lạt, tác giả Thảo Vi còn thể nghiệm cảm xúc với những vần thơ viết về ký ức, về tuổi thơ. Đặc biệt, tác phẩm “Những giai điệu diệu kỳ” được viết khi thăm bảo tàng âm thanh Đắk Nông chứa đựng nhiều ý thơ rất mới lạ, chắc khỏe.

Cũng từ đó, ngàn xưa

Những sườn đồi theo mẹ đón cơn mưa

Ánh sáng thắm màu xanh nương rẫy

Đất đỏ bazan mặn mồ hôi cha vun cấy

Âm thanh làm tan chảy những gian nan

 

Những đứa con của rừng núi đại ngàn

Nhắm hướng mặt trời, gùi lưng đi tới

Luôn ước mơ những điều rất mới

Cứ thế cùng non nước lớn lên…”

Tác giả Liêu Ngọc Ân (Nguyễn Trung Hiếu) gởi 3 bài thơ với ba chủ đề khác nhau: một viết về Đà Lạt, một viết về Cao Nguyên và một viết về miệt sông Hậu quê  nhà. Thơ Liêu Ngọc Ân luôn là những giằng xé đầy góc cạnh. Đó là sự giằng xé từ trong tâm cảm quyện hòa với thực tế nhiều cay đằng, bật lên qua lớp ngôn từ được chưng cất. Ngay cả khi thả hồn ở không gian thơ mộng nơi Hồ Xuân Hương trên xứ sở ngàn hoa Đà Lạt, Liêu Ngọc Ân vẫn trăn trở bắt gặp hình ảnh người đàn bà cô đơn ngồi đó như pho tượng tự ngàn năm:

Nữ sĩ trăm năm ru mình những lời thơ bạc phần dang dở

Có phải lời nguyền truyền đời?

Tượng hình người đàn bà vô cư chưa tỉnh

Lõa trơ dưới vòm đèn

 

Người đàn bà không tỉnh ngồi bên hồ thi sĩ tự tình

Bới tìm thiên mệnh

Bới tìm nỗi bạc lòng xa khuất

Bới tìm cơn tỉnh thức

Chở đầy theo vô cư” (trích Người đàn bà không ngắm cảnh)

Ta thấy ngay sự vẹn toàn viên mãn, thơ Liêu Ngọc Ân cũng tiên cảm về sự đổ vỡ, dở dang. Dường như trong cảm nhận của tác giả, thế giới này là sự phân định mong manh giữa hư và thực, hay trong thực có hư trong hư có thực, trong hiện hữu có vô minh. Chính thế nên, bắt gặp một sơn nữ tuyệt đẹp, sau tiếng reo vui là một nỗi sợ mất mát vô hình:

Bên triền sâu thẳm núi

Rừng cây đắp mù sương

Sơn nữ tinh nguyên đánh rơi con chữ

Đường phía mặt chênh nghiêng

 

Sơn nữ còn đâu vắng biệt trùng?

Trú quán bên đồi xiêu cỏ lấp

Hương tiêu độc mộc thổi lạnh lùng

Đèo hoang…” (trích Đoản khúc Cao Nguyên)

Hay

K’Ba trăm năm theo đời rừng

Lưng cong dáng núi

Bò cúi đầu tìm cỏ

Dấu máu màu đất đỏ” (trích Đoản khúc Cao Nguyên)

Có thể nói, thơ Liêu Ngọc Ân đầy nội lực, mạnh dạn cách tân và quặng thắt nỗi đời.

Trái với Liêu Ngọc Ân, thơ của tác giả Ngô Thụy Lang (Ngô Quang Láng) như một cuộc rong chơi bất tận. Tác giả Ngô Thụy Lang dường như dành hết tâm sức để viết về chữ “tình”. Đó là tình yêu say đắm trong “Tình muộn”, “Đi tìm phượng tím cho em”; đó là tình bằng hữu chi giao giữa gió núi đại ngàn đêm hạnh ngộ trong bài “Đêm Đak Nông”. Và cả cái tình cảm dạt dào giữa con người với tạo vật, của tác giả với cây phượng già, cây me cổ thụ, giàn thiên lý nơi Biệt cốc thâm u trong tản văn “Hương mùa hạ”. Ta chợt hiểu ra, Ngô Thụy Lang là một nhà thơ quá “nặng tình”. Mà bất kể ai “nặng tình”, cuộc đời cũng lắm truân chuyên. Thôi thì mặc kệ, tác giả chẳng ngần ngại diện kiến những nỗi đau, bởi những nỗi đau vì chữ tình là những nỗi đau rất đẹp.

Đừng cố làm kẻ ăn mày dĩ vãng

Đắm chìm sâu ôm chặt lấy xuân thì

Lúc tỉnh mộng chẳng được điều chi

Ngước mắt tìm quanh ta tràn trống vắng” (trích Tình thời vụ)

Ở thể loại truyện ngắn, Tác giả Võ Quốc Tuấn trong tác phẩm “Danh lợi” đã đặt ra những câu hỏi lớn về xã hội thực tại ở miền Tây Nam Bộ. Đó là cuộc đấu tranh gay gắt giữa đạo lý và danh lợi; giữa tình người cao khiết và đồng tiền tanh tưởi. Diễn biến câu chuyện xoay quanh nhân vật ba Nhân, một lão nông tri điền an cư bên dòng sông Hậu. Dù chẳng bà con thân thiết, nhưng ông bà ba Nhân đã không ngại cưu mang vợ chồng Tư cá lăng, người trôi dạt tận Miệt Thứ lên đây, hàng chục năm qua sống bấp bênh dưới chiếc ghe nhỏ trên sông. Tư cá lăn tuy nghèo khó nhưng tâm tính tốt, biết đạo lý lẽ đời, biết kính trên nhường dưới. Tư cá lăn là một đối lập với nhân vật Nguyễn Thanh Tâm, vốn dĩ là con ruột của ông ba Nhân nhưng vì chút rắc rối về lý lịch của ba Nhân, Tâm sẵn sàng dứt bỏ thân phận, dứt bỏ tình phụ tử ruột rà để thăng quan tiến chức. Hành động của nhân vật Tâm gióng lên hồi chuông cảnh báo về tính thực dụng của một lớp cán bộ mới hiện nay. Họ bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được danh vọng, kể cả từ bỏ thân phận của chính mình.

Tác giả Võ Quốc Tuấn vẫn để mở cái kết, không định đoạt số phận của Tư cá lăn, của Tâm, của ba Nhân. Tác giả muốn người đọc tự phán xét, tự chiêm nghiệm. Mà không hẳn chỉ dừng lại ở sự chiêm nghiệm về câu chuyện “danh lợi” trong tác phẩm này, nó còn là một thức tỉnh của mỗi chúng ta trước cám dỗ. Bởi lẽ, trong cái xã hội này, ranh giới giữa “nhân” và “bất nhân”; giữa “tâm” và “vô tâm/ dã tâm” thực sự rất mong manh.

Về trường ca “Tầng chìm trên đất phù sa” của nhà thơ Nguyễn Lập Em. Thật chẳng gì thú vị bằng bắt đầu bài viết với những tác phẩm về vùng cao nguyên đất đỏ rồi kết thúc với những tác phẩm nặng trĩu phù sa miệt sông Tiền sông Hậu. Đó phải chăng cũng là hành trình của đoàn văn nghệ sĩ An Giang lần này, bắt đầu từ phù sa, lãng du trên cao nguyên Lâm Viên mù sương rồi lại trở về với phù sa bồi lắng.

Trường ca của nhà thơ Nguyễn Lập Em, tuy vẫn chưa hoàn tất, nhưng đây hứa hẹn là một tác phẩm lớn viết về xứ sở phù sa đồng bằng sông Cửu Long. Tác giả đã thể hiện góc nhìn đa diện đa tầng về miệt đồng bằng bởi đã gắn bó với vùng đất này mấy chục năm nay, đã thấu hiểu tường tận mọi thâm trầm. Mấy ai biết được đâu, trong sự vận hành của dòng Mekong từ chắt chiu những giọt nước tan ra trên đỉnh tuyết sơn vĩnh cửu vùng Tây Tạng, trải qua hàng vạn cây số thủy trình, vượt qua hàng ngàn con thác, nó chỉ mong đến khi cặp bến Cửu Long thành hạt phù sa nhỏ bé nuôi sống lưu dân nơi đây. Cái độc đáo của nhà thơ Nguyễn Lập Em là đã nhìn hạt phù sa từ qua số phận con người:

phù sa

Điệp trùng số phận

Vô vàn tần số sinh tồn

Nghèo giàu, sang hèn, sướng vui đau khổ” (trích Tầng chìm trên đất phù sa)

Hạt phù sa vừa hóa thân vào những phận người, vừa là chứng nhân cho bao lở bồi trong biến thiên thế cuộc:

phù sa

ở lại với mùa con nước quay

ở lại với chơi vơi mùa lụt

ở lại với đồng khô đất nứt

ở lại với nỗi buồn mông quạnh, bất trắc, gian lao

Giọng thơ của Nguyễn Lập Em đầy những trải nghiệm. Nó không chỉ là tiếng reo vui được mùa mà còn là nỗi trăn trở với từng chén cơm con cá, từng nỗi mưu sinh thương hồ. Từ hạt phù sa vốn dĩ đã quá quen thuộc, tác giả đặt ra bao nỗi trăn trở về quá khứ, về hiện tại, tương lai. Lồng vào đó còn là những giá trị văn hóa sông nước phương Nam đầy ăm ắp.

Cứ ngọt ngào phương Nam quê tôi

Giọt nước mắt đói no ướt đầm những mảnh đời lận đận

Mùa vui qua mau nỗi buồn đằng đẵng

Hạ lưu Mekong chìm nổi quê nghèo

Trong thời gian trại diễn ra, các trại viên còn thâm nhập thực tế, tìm hiểu về con người và vùng đất Đà Lạt, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với các văn nghệ sĩ của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, các nhà văn nổi tiếng đến từ thành phố Hồ Chí Minh và Hội Nhà văn việt nam như: Nhà văn Chu Lai, nhà văn Chu Thơm, nhà văn Bích Ngân, nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu, nhà Văn Đỗ Viết Nghiệm. Tất cả đã cùng giao lưu, làm việc với nhau trong một môi trường đầy thân thiện và đoàn kết gắn bó như anh em một đại gia đình. Không những chia sẻ, học tập lẫn nhau trong nghề nghiệp, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm trong sáng tác và học cả nhau cách ứng xử trong quan hệ để tự thân mọi người hoàn thiện hơn chính bản thân mình.

 

Chừng ấy số lượng tác phẩm trên cho một trại sáng tác có thể chưa phải là nhiều. Chất lượng tác phấm có thể chưa phải là cao là đông đều nhưng nó đã nói lên được phần nào tinh thần lao động đầy trách nhiệm của anh chị em văn nghệ sĩ An Giang với chính bản thân mình, với ban tổ chức trại và với cả cuộc sống này. Trước vẻ đẹp của rừng thông, của những sắc hoa, cái se lạnh giữa mùa hè, của tình đất núi đồi, tình người nơi đây, các văn nghệ sĩ An Giang đã lưu lại miền đất Đà Lạt những dấu ấn khó phai, những kỷ niệm đẹp dành cho thành phố ngàn hoa này.

CHÍ HÙNG-VÕ QUỐC