Vươn lên từ miền chiến địa

Chỉ sau hai năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tập đoàn phản động Khmer Đỏ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, phản bội tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam – Campuchia. Hành động ngang nhiên xâm chiếm lãnh thổ cùng với tội ác dã man của chúng buộc quân – dân ta phải cầm súng đánh trả, đuổi chúng khỏi bờ cõi; đồng thời cứu giúp nhân dân Campuchia thoát hoạ diệt chủng và xây dựng đất nước sau ngày 07/01/1979. 40 năm trôi qua, trên vùng chiến địa đẫm máu năm xưa đã có nhiều thay đổi…

Tội ác không dung thứ

Ngày 30/4/1977, trong lúc toàn quân, toàn dân ta kỷ niệm hai năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước thì bè lũ Pôn-pốt Iêng-sa-ry xua quân vượt biên giới Việt Nam – Campuchia. Chúng đốt phá nhà cửa, cướp bóc tài sản, gây nhiều tội ác với nhân dân ta. Đặc biệt, với ý định đánh chiếm toàn bộ khu vực Bảy Núi thuộc xã An Nông, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, ngày 15/01/1978, Khmer Đỏ tập trung 4 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 14, Sư đoàn 15 vượt biên giới, nhưng chúng bị Trung đoàn 3, Sư đoàn 330, Quân khu 9 chặn đánh diệt gần 200 tên tại tuyến Cây Dương – Cống Đá. Tuy nhiên với bản chất ngoan cố, chúng tăng cường thêm Trung đoàn 102 thuộc Sư đoàn 25, có xe tăng yểm trợ và pháo binh từ núi Som, Tham-đưng thuộc huyện Ki-ri-vong, tỉnh Tà Keo, Campuchia chi viện. Ba ngày sau, địch chiếm toàn bộ dãy núi Phú Cường, dài 4,5km, rộng 1,5km; bố trí nhiều tầng phòng thủ trên núi và dọc kênh Vĩnh Tế. Sau khi nghiên cứu địa hình, Quân khu 9 lên phương án tác chiến, tổ chức chỉ huy phản công tiêu diệt địch ở núi Phú Cường. Theo đó, Sư đoàn 330 chủ công sử dụng ba trung đoàn bộ binh tăng cường xe tăng và pháo binh, Quân đoàn 4 làm dự bị.

Sáng ngày 19/01/1978, các trận địa pháo của ta đồng loạt bắn vào các mục tiêu núi Phú Cường và các chốt địch dọc kênh Vĩnh Tế. Các mũi bộ binh có xe tăng yểm trợ mở đợt tấn công. Hơn 8 giờ chiến đấu liên tục, ta loại khỏi vòng chiến đấu gần 1.300 tên địch, xoá sổ 03 tiểu đoàn, diệt gần hết 02 tiểu đoàn, làm thiệt hại nặng 02 tiểu đoàn, thu nhiều vũ khí, trang bị quân sự. Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: “Khi Pôn-pốt ngang nhiên xâm lược tuyến biên giới Tây Nam thì ta xác định đây chính là kẻ thù, phải đánh nó để bảo vệ Tổ quốc. Và trận núi Phú Cường được xem như lời “cảnh cáo” quân Pôn-pốt”.

Mặc dù thất bại thảm hại ở núi Phú Cường nhưng được sự hà hơi tiếp sức của tập đoàn phản động nước ngoài, từ cuối tháng 01/1978, Khmer Đỏ liên tục đánh chiếm các xã biên giới tỉnh An Giang, chỉ riêng xã Ba Chúc (nay là thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn) có ngày hứng chịu hai ngàn quả pháo. Đỉnh cao là trong 11 ngày đêm cuối tháng 4/1978, Khmer đỏ thảm sát dã man 3.157 người dân, chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em. Anh Lê Thành Tây, Chỉ huy trưởng Ban CHQS trị trấn Ba Chúc cho biết: “Trong cuộc thảm sát đó, có một số người may mắn thoát chết như ông Nguyễn Văn Kỉnh bị chúng bắt dẫn về Cầu Sắt – Vĩnh Thông cùng 300 người khác ẩn núp trong chùa Tam Bửu. Chúng chia ra bắn từng tốp từ 20 đến 30 người. Khi súng nổ ông Kỉnh giật mình ngã sấp xuống đất nên chúng tưởng ông đã chết. Gia đình và họ hàng ông có 79 người chết đủ cách dưới bàn tay độc ác của Pôn-pốt. Ông Kỉnh đã mất cách đây vài năm. Bà Hà Thị Nga lúc đó 39 tuổi, bị thương ở cổ và đầu. Cả dòng họ của bà hơn 100 người đều bị Pôn-pốt giết hại. Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương năm đó 11 tuổi, bị bắn ba lần vào ngực và đầu nhưng may mắn không chết, còn cha mẹ anh chị em đều bị giết. Bà Sương được Nhà nước nuôi dưỡng, là một nhân chứng sống về tội ác của Pôn-pốt. Mấy năm nay bà Nga và bà Sương bị tai biến nên không nhớ gì cả!”.

Trước tội ác không thể dung thứ của Khmer Đỏ, sáng ngày 30/4/1978, ta bắt đầu nổ súng tiến công. Chỉ sau một giờ, ta làm chủ toàn bộ Ba Chúc, diệt 265 tên địch, giải phóng 250 người dân sống sót. Đại tá Nguyễn Văn Tư, nguyên Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 330, đến giờ vẫn còn ám ảnh ngày đau thương 40 năm trước: “Khi đơn vị chúng tôi tiến vào đánh quân Khmer Đỏ, giải phóng Ba Chúc, cả xã này tan hoang hết, nhà cửa đều bị chúng đốt hoặc đập phá, xác người dân rải rác khắp nơi, tanh nặc mùi thối rữa…”.

Đổi thay miền chiến địa

Sau năm 1978, Ba Chúc có 2.840 căn nhà bị đốt cháy hoặc phá huỷ; bốn điểm trường học và một trạm xá bị phá huỷ; toàn bộ cơ sở vật chất, kho tàng, công trình công cộng bị tàn phá 100{fb72bbfdc4a578d027b556b83290df3d4a0d2dba3541c6c431f41d65a7fb72a4}… Có thể nói, Ba Chúc đổ nát dưới chính sách “giết sạch, đốt sạch, phá sạch” của bọn diệt chủng Pôn-pốt, đồng ruộng bỏ hoang không sản xuất, người dân bị đói hai năm liền. Thế nhưng, trải qua biến cố đau thương, người dân Ba Chúc đã vượt qua nỗi đau, tích cực xây dựng cuộc sống mới ngay trên mảnh đất này. Ông Võ Văn Phúc, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND thị trấn Ba Chúc cho biết: “Hiện nay hệ thống điện – đường – trường – trạm được xây dựng khang trang; các thiết chế văn hoá cũng được đầu tư xây dựng hoàn thiện. Năm 2018, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 79 triệu đồng/héc-ta, thu nhập bình quân đầu người trên 41 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4{fb72bbfdc4a578d027b556b83290df3d4a0d2dba3541c6c431f41d65a7fb72a4}. Các hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục ổn định và có chiều hướng phát triển với 1.450 cơ sở, tăng 20 cơ sở so với năm 2017. Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm 2018 có trên 150 ngàn lượt khách du lịch đến tham quan. Bên cạnh đó, công tác giáo dục càng được nâng cao cả số lượng lẫn chất lượng, tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2017-2018 đạt 100{fb72bbfdc4a578d027b556b83290df3d4a0d2dba3541c6c431f41d65a7fb72a4}, có 54,3{fb72bbfdc4a578d027b556b83290df3d4a0d2dba3541c6c431f41d65a7fb72a4} đậu nguyện vọng 1”.

Ở xã An Nông – nơi diễn ra trận đánh Pôn-pốt trên núi Phú Cường 40 năm trước cũng thay đổi nhanh chóng. Năm 2018, tổng giá trị sản xuất đối với lĩnh vực nông – lâm – thuỷ sản, công nghiệp – xây dựng, dịch vụ đều phát triển vượt bậc, có 13/15 chỉ tiêu đạt và vượt so với nghị quyết; riêng diện tích gieo trồng lúa ba vụ đạt trên 103{fb72bbfdc4a578d027b556b83290df3d4a0d2dba3541c6c431f41d65a7fb72a4} so với kế hoạch, năng suất bình quân 6,6 tấn/ héc-ta. “Thực hiện chương trình VnSat, nghĩa là chuyển đổi mô hình kinh tế bền vững trong sản xuất nông nghiệp, chúng tôi đã tổ chức sáu lớp tập huấn với 155 học viên. Từ đó, giúp người nông dân tiếp cận kỹ thuật quan trọng “ba giảm ba tăng”, “một phải năm giảm” cho trồng lúa; thông qua những biện pháp như giảm nước, giảm phân hoá học, giảm thuốc trừ sâu, tăng cường lợi ích, lợi nhuận cho nông dân. Sắp tới chúng tôi sẽ chuyển khoảng 500 héc-ta trồng lúa IR5451, đây là giống lúa cao sản để phục vụ cho xuất khẩu”, ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã An Nông nói.

Cùng với sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân các địa phương, LLVT Quân khu cũng đồng hành, giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn. Ông Ngô Văn Bảy ngụ thị trấn Ba Chúc, một trong 19 gia đình được Ban CHQS huyện Tri Tôn xây tặng “Nhà đồng đội” trong 5 năm gần đây chia sẻ: “Năm 1986, tôi nhập ngũ vào Sư đoàn 339 làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Campuchia. Năm 1991 tôi xuất ngũ, nhà không có đất canh tác nên hàng ngày đi làm phụ hồ. Khi được Ban CHQS huyện hỗ trợ căn nhà thì hết lo mưa nắng, giờ chỉ tập trung cho ba đứa con ăn học. Đứa lớn vào đại học ba năm rồi, một đứa đang học THPT và một đứa tiểu học”. Chị Đỗ Thị Kim Cương, ngụ xã An Nông là một trong bốn hộ dân được Đội K90 (Cục Chính trị Quân khu) hỗ trợ chăn nuôi bò, cho biết: “Sau tám tháng bò phát triển khá tốt. Hàng ngày chỉ cho bò ăn cỏ tươi. Hơn một tháng nữa bò đẻ nhưng không bán mà để gây dựng thành đàn”.

40 năm trôi qua, vùng biên giới An Giang – miền chiến địa năm xưa đã có nhiều khởi sắc, người dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, vào công cuộc đổi mới của đất nước. Ông Võ Văn Phúc, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND thị trấn Ba Chúc phấn khởi cho biết: “Năm nay Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng; đồng thời cũng đón xuân Kỷ Hợi 2019, bà con đã có sự chuẩn bị tâm thế giới thiệu đến du khách về những nét đặc trưng của vùng đất này, cả những mất mát đau thương và những thay đổi hiện nay. Với tinh thần đó, mọi người ra sức phấn đấu, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Vĩ thanh

Lần đầu tiên, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 9 tổ chức Hội nghị bồi dưỡng Báo cáo viên, với sự tham gia của 165 đại biểu đến từ các cơ quan, đơn vị trong toàn quân. Dịp này, các đại biểu được tham quan thực tế tại Khu Di tích lịch sử Nhà mồ Ba Chúc, huyện Tri Tôn (An Giang) và đọng lại nhiều cảm xúc, ấn tượng sâu sắc! Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết: “Chúng tôi chọn Quân khu 9 để cho đội ngũ báo cáo viên tìm hiểu vì một số tỉnh nơi đây gánh chịu nhiều mất mát, đau thương trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ giúp bạn Campuchia. Qua đó, các báo cáo viên trong toàn quân sẽ có cái nhìn cụ thể, trực quan về tội ác của bọn diệt chủng Pôn-pốt, giúp cho đội ngũ này tuyên truyền sinh động hơn, hiệu quả hơn ở cơ quan, đơn vị mình”.

Có đến 70{fb72bbfdc4a578d027b556b83290df3d4a0d2dba3541c6c431f41d65a7fb72a4} đại biểu lần đầu tiên đặt chân đến Ba Chúc, tận mắt nhìn thấy quần thể chứng tích tội ác trên diện tích 0,3 héc-ta, gồm bảy hạng mục công trình được tỉnh An Giang xây dựng từ năm 1979. Trong đó có Nhà mồ hình lục giác, mỗi góc là một trụ cột đỡ mái nóc nhà bằng hình tượng bàn tay cầm chuôi kiếm đẫm máu giương thẳng thể hiện ý chí căm thù. Giữa nhà mồ là khung hộp kiếng tám cạnh bằng nhau chứa đựng 1.159 xương cốt trong số 3.157 người dân bị thảm sát 40 năm trước. Thiếu tá Hoàng Trọng Khang, Phó Trưởng Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Trường Sĩ quan Chính trị chia sẻ: “Nếu không đến đây chắc hẳn sẽ không ai tin vào tội ác của Pôn-pốt với những kiểu giết người man rợ như cắt cổ, đập đầu, xé xác, đâm lưỡi lê… Trên cương vị của mình, tôi sẽ giúp cho các thế hệ học viên Nhà trường nhận biết rõ hơn, sâu sắc hơn về sự hy sinh mất mát của nhân dân ta trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, đặc biệt là nhân dân Ba Chúc”.

Theo Ban Quản lý Khu Di tích Nhà mồ Ba Chúc thì thời gian đầu ngành chuyên môn phải dùng sáp nấu sôi áo bên ngoài xương tránh oxy hoá, dùng vật chống ẩm. Đến năm 1989, Sở Văn hoá và Bảo tàng tỉnh An Giang đã tiến hành vệ sinh số hài cốt, ngâm hoá chất rồi phơi khô nhằm kéo dài tuổi thọ. Ngày 15 và 16/3 âm lịch hàng năm, tỉnh An Giang chọn nơi đây tổ chức giỗ hội căm thù để tưởng nhớ đến các nạn nhân bị Pôn-pốt thảm sát. Đại uý Duy Thị Loan, Trợ lý Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Tổng Công ty Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp Quốc phòng xúc động nói: “Tôi không thể cầm nước mắt khi nghe kể ở Nhà mồ này có hài cốt của 29 trẻ sơ sinh đến dưới hai tuổi, 246 trẻ từ ba đến 15 tuổi, 432 phụ nữ… đều bị giết hại các kiểu tàn độc dưới bàn tay diệt chủng Khmer Đỏ. Thật khủng khiếp!”.

Có thể nói, mỗi địa danh ở Ba Chúc như chùa Phi Lai, chùa Tam Bửu, núi Tượng, hang dồ Đá Dựng, hang Cây Da, núi Nước, hang Ba Lê, Cầu Sắt – Vĩnh Thông… đều thấm máu của người dân vô tội. Mặc dù Khu Di tích đã nhiều lần sửa chữa nhưng dấu vết tội ác của bọn diệt chủng Pôn-pốt vẫn còn đó. Ví như chùa Phi Lai – nơi người dân nương nhờ sự chở che nơi cửa Phật, nhưng tại đây Khmer Đỏ vẫn truy sát hơn 180 người, thậm chí 40 người trốn dưới bàn thờ Phật cũng bị chúng ném lựu đạn giết chết. Giờ đây trên vách tường nhà chùa vẫn còn vết máu đỏ sậm như bản cáo trạng tố cáo tội ác bọn diệt chủng Khmer Đỏ. “Nó nhắc nhở chúng ta cần phải tiếp tục rèn luyện, nâng cao bản lĩnh, mài sắc ý chí, sẵn sàng thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ xây dựng vào bảo vệ Tổ quốc vững chắc trong thời kỳ mới”, Đại tá Đặng Văn Cảnh, Phó Trưởng Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị, Quân chủng Hải Quân nói.

Việc tổ chức tìm hiểu thực tế như thế này sẽ là điều kiện để các đại biểu có cái nhìn cụ thể hơn, minh chứng sinh động hơn trong phương pháp tuyên truyền ở cơ quan, đơn vị. Qua đó, tăng cường tuyên truyền giúp cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân hiểu sâu sắc hơn cũng như tiếp tục khẳng định vị trí, ý nghĩa của chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng; khẳng định sức mạnh và giá trị trường tồn của truyền thống, tinh thần đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Campuchia. Đây còn là dịp để chúng ta tôn vinh, tri ân công lao, cống hiến to lớn của quân và dân ta trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và sự giúp đỡ vô tư, chí tình chí nghĩa đối với nhân dân Campuchia; đồng thời đấu tranh phản bác những thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận sự hy sinh, giúp đỡ to lớn và trong sáng của nhân dân ta đối với nước bạn Campuchia. Từ đó khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia của dân tộc; giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là thế hệ trẻ về tình đoàn kết chiến đấu và sự giúp đỡ lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, góp phần củng cố và thúc đẩy quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa Việt Nam và Campuchia ngày càng phát triển”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín khẳng định.

Hồ Kiên Giang
(Ảnh: La Lam)