Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc là trách nhiệm của nhiều ban ngành, nhiều tổ chức xã hội và cũng là trách nhiệm của mỗi công dân

Gia đình là nền tảng của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách của trẻ em. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc là trách nhiệm của nhiều ban ngành, nhiều tổ chức xã hội và cũng là trách nhiệm của mỗi công dân.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo và đề cao vai trò của gia đình trong xã hội. Người căn dặn “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt… Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Đã là người trong gia đình thì phải luôn yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, “chị ngã em nâng”, “Anh em như thể tay chân / Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”… Không những thế, theo Bác, mỗi người đều có 2 gia đình đó là gia đình nhỏ của riêng mình, là tổ ấm để sớm tối đi về, còn gia đình lớn chính là Tổ quốc, nơi ấy, mọi người phải cùng có trách nhiệm vun đắp, dựng xây, để gia đình lớn ấy luôn luôn được: Độc lập, tự do, hạnh phúc.

Gia đình có vai trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển của xã hội, là nơi giữ gìn, vun đắp, phát huy những giá trị truyền thống quý báu của con người Việt Nam. Với ý nghĩa ấy, vào ngày 4/5/2001 Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 72 chọn ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam. Việc thành lập ngày Gia đình Việt Nam nhằm đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể, các tổ chức xã hội cùng các gia đình để góp phần từng bước ổn định, củng cố, xây dựng gia đình theo tiêu chí ít con, no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc.

Nhận thức được vai trò to lớn của gia đình, Đảng và Nhà nước ta cũng luôn quan tâm chăm lo, xây dựng, phát triển gia đình ấm no, tự do, phồn vinh, hạnh phúc, đảm bảo tiến bộ và văn minh. Trong văn kiện các kỳ Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI, XII hầu như đều nhắc đến và nhấn mạnh vai trò của gia đình đối với sự hình thành nhân cách của mỗi con người, bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Mới đây nhất, chỉ thị số 06-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới” ban hành ngày 24/6/2021 cũng đã khẳng định “Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước”.

Ngày nay, việc nuôi dưỡng giáo dục con cái, đáp ứng nhu cầu tình cảm cho các thành viên gia đình, đồng thời quan tâm giáo dục văn hoá trong các hoạt động sống của gia đình, tham gia Phong trào “TDĐKXDĐSVH”, xây dựng nông thôn mới sẽ góp phần duy trì và phát triển văn hoá các nhóm cộng đồng xã hội dòng họ, làng xã, dân tộc, giai cấp.

Ngày gia đình Việt Nam cũng là một ngày lễ tôn vinh mái ấm gia đình Việt Nam, là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và những người không có bố mẹ, cặp vợ chồng thêm hiểu về giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc.

Để hưởng ứng sự kiện chính trị, xã hội và văn hóa quan trọng này, nhiều Bộ, Ban, Ngành và tổ chức xã hội đã và đang phối hợp tổ chức, thực hiện những hoạt động thích hợp với một chủ đề cụ thể và thiết thực, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”.

Việc “Giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc cha mẹ. Coi trọng xây dựng gia đình văn hóa. Xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa gia đình, nhà trường và xã hội” là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên được quan tâm. Nhiều phong trào đã từng bước được đẩy mạnh như: phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống sự xâm nhập của tệ nạn xã hội vào gia đình; phát triển dịch vụ cộng đồng; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình, đồng thời phối hợp tuyên tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình, đưa kiến thức gia đình vào trường học…

Hiện nay, công tác Gia đình và văn hóa gia đình trước những thách thức của tiến trình hội nhập. Sự giao lưu mở cửa hội nhập đã đem đến cho gia đình Việt Nam nhiều cơ hội, có điều kiện phát triển kinh tế, giao lưu hội nhập với các nền văn hóa tiên tiến, văn minh của các nước. Song, bên cạnh những mặt tích cực đó, mặt trái của cơ chế thị trường cũng nảy sinh nhiều vấn đề tác động đến đời sống gia đình, ở một góc độ nào đó đã phá vỡ nền nếp gia phong đạo đức của gia đình truyền thống Việt Nam. Tình trạng ly hôn, ly thân, sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn để lại những hậu quả nặng nề về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội. Nhiều tệ nạn xã hội đã và đang xâm nhập vào các gia đình. Mâu thuẫn xung đột giữa các thế hệ về phép ứng xử, lối sống và vấn đề chăm sóc người cao tuổi đang đặt ra những thách thức mới. Tình trạng bạo lực trong gia đình có chiều hướng ngày càng gia tăng mạnh mẽ đến mức báo động.

Trường An


Ảnh: Ngô Tiếc