Đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật trong tình hình mới

Văn học, nghệ thuật (VHNT) là một bộ phận quan trọng, “đặc biệt tinh tế” của văn hóa, tác động trực tiếp đến quan điểm, nhận thức, tư tưởng, tình cảm và thẩm mỹ của đông đảo các tầng lớp Nhân dân. Nếu như văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh của đất nước thì VHNT là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân – thiện – mỹ của con người, là một trong những nguồn lực to lớn, quan trọng, trực tiếp góp phần xây dựng nên nền văn hóa tiến tiến, đậm đà bản sắc của một dân tộc, một quốc gia.

Trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển VHNT theo hướng vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vừa bảo tồn cốt cách, bản sắc, ngôn ngữ, chữ viết và truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Từ bản Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 đến Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) năm 1998 về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là bước chuyển quan trọng về tư duy lý luận, năng lực đúc kết thực tiễn những năm đầu đổi mới toàn diện đất nước, trong đó có văn hóa và VHNT. Và đến ngày 16-6-2008, Bộ Chính trị (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới đã một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò của VHNT trong quá trình xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn hội nhập và phát triển của đất nước.

Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần IV

Quán triệt quan điểm của Đảng về phát triển VHNT, ngày 14-10-2008, Tỉnh ủy An Giang đã ban hành Chương trình hành động số 20-CTr/TU về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” để cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới. Lĩnh vực VHNT được đầu tư gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa, xã hội của từng ngành, địa phương. Hệ thống tổ chức Hội Văn học nghệ thuật được củng cố và thành lập từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Hoạt động sáng tạo, sáng tác VHNT phát triển sôi động, có nhiều tác phẩm giá trị; phong trào văn nghệ quần chúng được duy trì, phát triển rộng khắp; quyền tự do sáng tạo được tôn trọng; hoạt động quảng bá, phổ biến các tác phẩm đa dạng, phong phú. Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực VHNT được tăng cường hiệu lực, hiệu quả, thiết thực cùng với việc ban hành Đề án “Xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030” đã cổ vũ, tiếp thêm động lực cho đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà an tâm cống hiến, tạo tiền đề để VHNT An Giang phát triển mạnh mẽ; hàng trăm tác phẩm VHNT của tỉnh đạt giải thưởng trong nước và quốc tế; nhiều văn nghệ sĩ được tôn vinh, phong tặng danh hiệu cao quý cấp Nhà nước và đạt nhiều hình thức khen thưởng ở các cấp.

Là một lĩnh vực quan trọng, đặc biệt tinh tế trên mặt trận tư tưởng – văn hóa, nên VHNT cũng là lĩnh vực chịu sự chống phá quyết liệt, tinh vi của các thế lực thù địch trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”. Vì thế, bên cạnh việc tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm, sai trái thù địch trên lĩnh vực VHNT thì việc đổi mới nội dung, và phương thức lãnh đạo để định hướng xây dựng, phát triển VHNT là vấn đề đặc biệt quan trọng, có tính cấp thiết hiện nay. Điều đó rất cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu như sau:

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực VHNT và đội ngũ văn nghệ sĩ. Tăng cường rà soát, bổ sung các chế tài, quy định pháp luật và những chính sách đối với văn nghệ sĩ và lĩnh vực VHNT. Thường xuyên, kịp thời kiện toàn tổ chức và phát huy vai trò của người đứng đầu, văn nghệ sĩ lão thành của các hội VHNT. Kiểm soát và quản lý chặt chẽ các loại ấn phẩm, xuất bản phẩm, văn hóa phẩm xấu độc xâm nhập từ nước ngoài.

Thứ hai, tăng cường giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng cho đội ngũ cán bộ quản lý lĩnh vực VHNT và đội ngũ văn nghệ sĩ. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để làm sáng tỏ những vấn đề mới đặt ra và rút ra bài học kinh nghiệm. Phát huy vai trò, trách nhiệm công dân của đội ngũ văn nghệ sĩ trong rèn luyện tài năng và bản lĩnh chính trị để tỉnh táo, kiên quyết đấu tranh với những luận điệu, quan điểm sai trái.

Thứ ba, phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ và quần chúng nhân dân để tạo ra nhiều tác phẩm VHNT có giá trị về mặt tư tưởng và nghệ thuật; thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thực, sinh động đời sống xã hội, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Tôn trọng quyền tự do sáng tạo và tạo điều kiện thuận lợi để văn nghệ sĩ phát huy tài năng, năng lực sáng tạo nhưng cũng kiến quyết đấu tranh với những biểu hiện lệch lạc, phản văn hóa, kích động chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Thứ tư, đa dạng hóa và khuyến khích các phong trào văn nghệ quần chúng ở cơ sở gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật đắc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tăng cường đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng, năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, VHNT ở cơ sở; nâng cao ý thức công dân và sức đề kháng của quần chúng nhân dân trong nhận diện và phòng ngừa trước những luận điệu xuyên tạc, hành vi, nội dung phản văn hóa, suy đồi đạo đức, đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Thứ năm, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trong lĩnh vực VHNT, tiếp thu tinh hóa văn hóa, nghệ thuật của nhân loại có chọn lọc và đồng thời tăng cường giới thiệu, quảng bá tác phẩm VHNT tiêu biểu, phản ánh truyền thống văn hóa đặc sắc dân tộc với bạn bè quốc tế.

Đồng hành suốt chiều dài lịch sử dân tộc, nền VHNT của nước ta nói chung và của tỉnh An Giang nói riêng đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Tăng cường đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò quản lý Nhà nước để xây dựng và phát triển nền VHNT phải gắn chặt với xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ có khát vọng cống hiến, hăng say lao động, sáng tạo nhiều tác phẩm, công trình có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, từng bước xây dựng và phát triển văn hóa, con người An Giang, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

THANH HẢI